Bài 83: Sự Rửa Tay, Người Đàn Bà Canaan, Sự Hóa Bánh

3193

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

MA-THI-Ơ 15:1-39

 

 

Trong Ma-thi-ơ đoạn 15 nầy tiếp tục nói về hoạt động của Chúa Giê-xu, và bây giờ Ngài tiến về thập tự giá. Chúng ta đã thấy sự khước từ và chống đối của những người lãnh tụ tôn giáo với Chúa Giê-xu. Đoạn nầy nói nhiều hơn về việc mở rộng hoạt động của Chúa Giê-xu, và đây là điểm đoạn giao với những thầy thông giáo và người Pha-ri-si.

 

 CHÚA GIÊ-XU TỐ CÁO NHỮNG THẦY THÔNG GIÁO VÀ NGƯỜI PHA-RI-SI

  Ma-thi-ơ 15:1-2

1 Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si và mấy thầy thông giáo từ thành Giê-ru-sa-lem đến gần Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: 2 Sao môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn.

 Những thầy thông giáo và người Pha-ri-si đi đường xa từ thành Giê-ru-sa-lem đến xứ Ga-li-lê. Trong đoạn trước, chúng ta thấy Chúa Giê-xu và những môn đệ ở tít xa trong đồng vắng, nơi mà họ không thể mua được thức ăn, vì vậy mà Chúa đã ban bánh cho họ ăn. Trong một khía cạnh, hình như đây là một điều hết sức đặc biệt khi những người lãnh tụ tôn giáo đi đường xa để đến nghe Ngài. Nhưng thật ra, họ đến không phải để tán dương hay chấp nhận sự dạy dỗ của Chúa, họ đến để phê bình, chỉ trích Ngài. Do đó, chúng ta thấy đây không phải là một cuộc viếng thăm thân thiện. Họ không tố cáo Ngài về tội đã làm sai theo Kinh Thánh, nhưng là tội đã không làm theo những truyền thống mà họ cho là tương đương với những lời dạy dỗ trong Kinh Thánh. Họ muốn biết tại sao những môn đệ của Ngài lại không rửa tay trước khi ăn. Có nhiều người cho rằng việc làm theo một số nghi lễ nào đó và gìn giữ cho phía bên ngoài được thanh sạch, thì đó là điều cần thiết.

 

  Ma-thi-ơ 15:3 Ngài đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?

  Chúa Giê-xu tố cáo họ, vì họ muốn làm theo lời truyền khẩu của loài người mà vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Các bạn thấy, theo như lời truyền thống, truyền khẩu của họ cho phép một người không tuân hành theo luật pháp của Đức Chúa Trời, đây là một sự đáng kinh ngạc, và họ đã dùng một phương cách rất khôn ngoan để làm điều đó.

 

  Ma-thi-ơ 15:4-6

4 Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết. 5 Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. 6 Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.

  Chúa dạy rằng sự hiếu kính cha mẹ bao gồm cả việc giúp đỡ cha mẹ. Những người nầy nói là họ đã làm tròn trách nhiệm đó bằng cách dâng tiền của họ như là một món quà cho Chúa, và như vậy họ nghĩ rằng mình không cần giúp đỡ cho cha mẹ nữa. Đây trông có vẻ là một phương cách hợp với đạo lý để cho một người không cần phải tuân giữ theo luật pháp của Môi-se.

 Tôi vẫn tin rằng một cách tốt nhất để thử nghiệm một cơ đốc nhân, đó là xem vào quyển sổ chi tiêu tiền của người đó. Ngày hôm nay, mực thước để đo lường một người cơ đốc nhân qua cách mà họ dùng tiền bạc của chính mình, và cách mà họ dùng tiền của Chúa. Những người lãnh tụ tôn giáo thời Chúa Giê-xu đã giúp cho người khác, nhưng lại tránh né trách nhiệm của họ với cha mẹ.

 

 Tôi nghĩ rằng Chúa muốn bạn trả các món nợ chánh đáng mình đang thiếu trước khi dâng tiền cho Ngài. Như Chúa muốn bạn quan tâm đến những trách nhiệm cá nhân đối với gia đình của mình. Ngài muốn bạn phụ giúp gia đình trước khi bạn dâng cho Chúa. Có lần, tôi được biết một người đàn ông có quan điểm rất là kỳ lạ. Ông nầy đến với tôi trong ngày lãnh tiền lương, và muốn cho tôi phân nửa tiền lương của mình, trong khi gia đình ông ấy lại đang gặp phải cảnh túng thiếu, khó khăn. Khi tôi biết được điều đó, tôi đã nói chuyện với ông ấy. Thoạt đầu ông có vẻ như bị đụng chạm lắm, nhưng cuối cùng thì ông nhận thấy rằng mình đã lơ đãng đối với gia đình, đó là một việc đáng thương tâm.

 

  Ma-thi-ơ 15:7-8

7 Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: 8 Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm.

  Chúa gọi những thầy thông giáo và người Pha-ri-si là những kẻ giả hình. Đây là một chữ đáng sợ nhất trong Kinh Thánh. Không có gì hoàn toàn tương xứng với chữ đó, nhưng chữ này không mang nặng nhiều nghĩa như vậy trong những ngày đó. Đối với chúng ta thì đây là một chữ rất là nóng bỏng, nhưng vào thời Chúa Giê-xu nó chỉ đơn giản, nó có nghĩa là câu trả lời và được dựng bởi người diễn viên trong một vở kịch. Nó có nghĩa là một người diễn viên nghe câu đối thoại sau cùng và sau đó trả lời trở lại. Chúa Giê-xu tố cáo những thầy thông giáo và người Pha-ra-si về sự đùa cợt đối với tôn giáo.

 

 Những người lãnh tụ tôn giáo muốn mỗi người dân làm theo nghi thức sự rửa tay, nhưng họ lại bỏ qua về tình trạng của tấm lòng, mà đây là điều tối quan trọng đối với Chúa. Qua việc thực hiện lễ nghi này, mà họ đã vi phạm luật pháp của Môi-se.

 

 Thưa các bạn, chúng ta cũng rất giỏi trong việc hợp thức hóa. Các bậc cha mẹ thường dạy con cái rằng, “Các con phải rửa tay trước khi ăn” nhưng họ lại không chú ý về những điều mà con cái họ xem trên Ti-vi, đọc sách đồi truỵ, những điều này làm phá hại tấm lòng con cái họ. Dĩ nhiên là các em nhỏ phải nên rửa tay, nhưng những gì ở bên trong lòng của các em còn quan trọng hơn nhiều lắm.

 

 Ma-thi-ơ 15:10-11

10 Đoạn, Ngài gọi đoàn dân đến, mà phán rằng: Hãy nghe, và hiểu. 11 Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy!

 Một nguyên lý quan trọng mà Chúa Giê-xu đã dạy dỗ đó là sự dơ bẩn đạo đức thuộc tâm linh liên hệ đến tâm linh, chớ không phải về thể chất.

 

 Ma-thi-ơ 15:12 Môn đồ bèn lại gần, mà thưa rằng: Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?

 Các môn đồ rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-xu làm cho những người Pha-ri-si giận. Cho đến điểm này đã có sự xung đột nặng nề giữa người Pha-ri-si và Chúa Giê-xu, đây cũng là điểm đoạn giao. Vì thế Chúa Giê-xu tiếp tục dạy các môn đồ.

 

 Ma-thi-ơ 15:13 Ngài đáp rằng: Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi.

 Chữ “cây” ở đây có nghĩa là guồng máy hay hệ thống. Chúng ta có thể diễn đạt câu nói của Chúa Giê-xu như sau: “Mọi guồng máy tôn giáo mà Cha Ta trên trời không trồng, thì phải bị nhổ đi.”

  Ma-thi-ơ 15:14 Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa; nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố.

 Đối với tôi đây là một câu nói có tính cách khôi hài, cộng thêm sự châm biếm trong đó. Người Pha-ri-si là những người lãnh đạo đui mù.

 

 Ma-thi-ơ 15:15 Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa rằng: Xin thầy cắt nghĩa lời ví dụ ấy cho chúng tôi.

 Chúa Giê-xu đã dùng ẩn dụ để nói với các môn đệ, nhưng họ vẫn còn chưa hiểu những điều mà Ngài muốn nói.

 

  Ma-thi-ơ 15:16-18

16 Đức Chúa Jêsus hỏi rằng: Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao? 17 Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao? 18 Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người.

 Đây là một nguyên tắc lớn lao. Một người không phải bị dơ bẩn bằng những gì mà người đó bỏ vào miệng mình, nhưng bằng những gì ra khỏi từ miệng của người đó. Cũng như có người đã nói rất hay rằng, điều gì nằm ở cái giếng của tấm lòng, thì trước sau gì cũng sẽ đi lên cái thùng chứa của lỗ miệng.

Chúng ta nghe Ngài nói tiếp:

 

 Ma-thi-ơ 15:19-20

19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn. 20 Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu.

 Chắc rằng chúng ta thấy điều nầy đang hiện hành trong tập quán của chúng ta. Chúng ta đang ở vào giai đoạn của nền “đạo đức mới” và đang tiến đến những ngày mà tiên tri Ê-sai đã đề cập, khi ông ta nói, người thời bấy giờ “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ” (Ê-sai 5:20). Ngày nay những gì mà con người tự do nói ra, đều phát xuất từ tấm lòng. Có phải mọi lời họ phát xuất đều đúng hết không? Có phải là họ có một nền đạo đức mới không? Không hề có, chúng ta vẫn còn nguyên vẹn của bản chất cũ: ác tưởng, giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn. Nó vẫn còn nguyên trong ‘hợp’ và chúng ta vẫn còn trong khó khăn.

 Con người phải chế ngự nó. Loài người là một loài sinh vật phóng đãng nhất trên mặt đất. Chúng ta có thể nhốt những thú vật khác vào trong chuồng, nhưng con người muốn được tự do để làm những điều của họ thích.

 Ngày hôm nay xã hội chúng ta chú trọng nhiều vào tình dục – tại các trường học, trên đài truyền hình, trên ra-dô, trong những tờ quảng cáo, từ những tập chí, hay trên các báo chí… Thưa các bạn, những thứ nầy là dơ bẩn. Bạn đừng tự cho rằng là mình không bị nhiễm bởi những thứ đó, không ai có thể tránh bị nhiễm bởi những thứ nầy. Con cái chúng ta và những người thuộc thế hệ trẻ đều bị ảnh hưởng nặng nề.

 

CHÚA CHỮA BỆNH CHO CON GÁI CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CA-NA-AN

 

  Ma-thi-ơ 15:21 Đức Chúa Jêsus đi từ đó, vào bờ cõi thành Ty-rơ và thành Si-đôn.

 Bấy giờ Chúa Giê-xu rời vùng đất Y-sơ-ra-ên lần đầu tiên trong chức vụ công khai của Ngài. Đây là một điều lạ lùng, bởi vì Ngài đến với dân Y-sơ-ra-ên như là một vị Vua. Khi Ngài sai phái những người sứ-đồ đi ra, Ngài bảo họ đi vào những thành phố thuộc Y-sơ-ra-ên và không vượt qua ranh giới của nó. Sau đó, Chúa bị những người Y-sơ-ra-ên khước từ, và có sự chống đối gia tăng. Điểm đoạn giao giữa Chúa Giê-xu và những người lãnh đạo tôn giáo được xảy ra trong mấy câu trước đây. Như thế điều gì xảy ra vậy? Chính Chúa Giê-xu đã bước ra khỏi biên giới của Y-sơ-ra-ên và đặt để một nguyên tắc lớn lao khác. Bây giờ Ngài tiếp nhận những người ngoại, những người không thuộc gốc dân Do thái. Ngài kêu gọi, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được an nghĩ.”

 

  Ma-thi-ơ 15:22-23

22 Xảy có một người đờn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm. 23 Nhưng Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng: Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta.

  Người đàn bà xứ Ca-na-an là người có sự kết hợp của nhiều dòng giống khác nhau, bà là một người ngoại. Bà không có quyền kêu cầu gì đến Chúa Giê-xu như là hậu tự của Vua Đa-vít, và khi bà kêu Ngài như vậy, Ngài không trả lời bà tiếng nào cả.

 Các môn đệ nói “Xin hãy truyền cho bà ấy về, vì người kêu van phía sau chúng ta.” Bà gây ra nhiều sự phiền toái và có thể họ hơi ngượng ngùng.

 

 Ma-thi-ơ 15:24 Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.

 Câu nói nầy thoạt nghe có vẻ hơi gay gắt, nhưng đó là một câu bày tỏ lẽ thật. Chúa Giê-xu đã nói về chính Ngài như để ứng nghiệm tất cả những lời tiên tri đã nói về sự đến của một vị Vua trong dòng dõi Đa-vít. Ngài muốn người đàn bà nầy nhận biết điều đó.

 Chúa Giê-xu đã đến như một vị Vua của dân Do-Thái. Bạn hãy ghi nhận điều nầy. Đây là điều trước hết cần phải được đả thông. Khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự với hàng chữ: “ĐÂY LÀ GIÊ-XU, VUA CỦA DÂN DO-THÁI.”

 

  Bây giờ hãy nghe người đàn bà này nói tiếp, Ma-thi-ơ 15:25

  Song người đờn bà lại gần, lạy Ngài mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!

  Khi bà kêu Ngài là con cháu vua Đa-vít, Ngài đáp “Ta chịu sai đến đây chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.” Bà là một người ngoại không có quyền kêu cầu gì đến con cháu Đa-vít cả. Tuy nhiên, bây giờ bà đến và thờ phượng Chúa, gọi Ngài là Chúa, và cầu xin Ngài giúp đỡ. Và qua đó bà đã được Chúa đáp lời.

 

  Ma-thi-ơ 15:26 Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn.

 Đây là một câu nói rất nặng! Đối với sự từ khước như vậy sẽ đẩy nhiều người ra xa. Chúng ta sẽ quay gót và nói: “Ngài không thể nói với chúng tôi như vậy.”

 

  Ma-thi-ơ 15:27 Người đờn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.

 Bạn có nhớ là Chúa chúng ta đã nói về câu chuyện một người đàn ông nghèo đã ăn những miếng thừa rớt từ bàn của một người nhà giàu, và những con chó đến liếm vết thương của người đó không? Người Y-sơ-ra-ên đã dùng từ “chó” để nói về những dân ngoại. Người đàn bà nầy sẵn sàng chấp nhận sự nhục nhã đó, bởi vì bà tin vào Chúa Giê-xu.

 

  Ma-thi-ơ 15:28 Ngài bèn phán rằng: Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.

  Chúa Giê-xu rất lấy làm lạ về đức tin của người đàn bà nầy. Ngài phán “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta. Ta sẽ giúp các ngươi; Ta sẽ cất đi những sự nặng nề của các ngươi” và đó là những gì Ngài đã làm cho người đàn bà Ca-na-an. Câu trả lời của bà đã tỏ bày một đức tin to lớn và qua đó Chúa đã nhậm lời bà.

 

  CHÚA GIÊ-XU TIẾP TỤC CHỮA BỆNH

 

  Ma-thi-ơ 15:29-31

29 Đức Chúa Jêsus từ đó đi đến gần biển Ga-li-lê; rồi lên trên núi mà ngồi. 30 Bấy giờ có đoàn dân rất đông đến gần Ngài, đem theo những kẻ què, đui, câm, tàn tật và nhiều kẻ đau khác, để dưới chơn Đức Chúa Jêsus, thì Ngài chữa cho họ được lành. 31 Vậy, chúng thấy kẻ câm được nói, kẻ tàn tật được khỏi, kẻ què được đi, kẻ đui được sáng, thì lấy làm lạ lắm, đều ngợi khen Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên.

  Một lần nữa, tôi muốn các bạn chú ý đến đoàn dân đông mà Chúa Giê-xu đã chữa bệnh. Đây không phải là một vài trường hợp riêng rẽ, nhưng lại có rất nhiều người được chữa lành, để qua đó không một ai có thể chối từ về việc Ngài đã thực hiện việc chữa bệnh bằng phép lạ.

 

 CHÚA GIÊ-XU CHO BỐN NGÀN NGƯỜI ĂN

 Phép lạ nầy trông giống như là việc Chúa ban bánh cho năm ngàn người ăn.

 

  Ma-thi-ơ 15:32-33

  Khi đó, Đức Chúa Jêsus gọi môn đồ đến mà phán rằng: Ta thương xót đoàn dân nầy; vì đã ba ngày ở cùng ta, bây giờ không có chi ăn hết. Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e phải mệt lủi dọc đường chăng. Môn đồ thưa rằng: Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?

 Chúng ta hãy để ý một lần nữa về sự thương xót của Ngài đối với con người.

Câu nầy dường như là sự lập lại về việc cho năm ngàn người ăn, và chúng ta tự hỏi tại sao Ma-thi-ơ lại đề cập đến để làm gì, trong khi điều nầy có vẻ như không có thêm gì được cho sự xưng nhận chức vụ Mê-si của Chúa Giê-Xu. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong phân đoạn này không nhấn mạnh việc Chúa Giê-xu xưng nhận mình là Đấng Mê-si nữa, nhưng nhấn mạnh sự khước từ của Ngài. Và qua những phép lạ nầy cũng cho thấy là những môn đệ rất chậm học biết. Họ đã chứng kiến việc Chúa Giê-xu ban bánh cho năm ngàn người ăn, và tôi nghĩ việc nầy xảy ra mấy ngày trước đây, và bây giờ họ lại hỏi những câu bày tỏ sự không tin. Một lần nữa các môn đệ lại hỏi Ngài, “Ở nơi đồng vắng này chúng ta há kiếm đâu đủ bánh đặng cho đoàn dân đông dường ấy ăn no nê sao?”

 

 Ma-thi-ơ 15:34-36

34 Ngài phán hỏi môn đồ rằng: Các ngươi có mấy cái bánh? Môn đồ thưa rằng: Có bảy cái bánh, cùng vài con cá. 35 Ngài bèn biểu dân chúng ngồi xuống đất. 36 Đoạn Ngài lấy bảy cái bánh và cá; tạ ơn rồi, bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phân phát cho dân chúng.

 Một lần nữa Ngài đã cho đoàn dân ăn. Đây là một sự tỏ bày mà những người môn đệ đã không thực sự học hỏi qua bài học nầy. Sự lưỡng lự tin nhận họ đã tạo thành một thể thức của sự khước từ. Thưa các bạn, không tin là tội. Trong Rô-ma 14:23 “Những ai có lòng nghi ngờ thì bị định tội rồi.” Trong Hê-bơ-rơ 12:1, chúng ta cũng được khuyên rằng “hãy quăng hết gánh nặng và tội lỗi vấn vương chúng ta.” Gánh nặng gì vậy? Tôi nghĩ đó là sự không tin. Không tin là tội. Tôi xin thú nhận điều nầy, tôi muốn tin Ngài nhiều hơn, Ngài xứng đáng cho chúng ta tin cậy, nhưng đó là vấn đề trở ngại với tôi. Và tôi nghĩ rằng vấn đề cũng ở nơi các bạn.

 

 Chúa Giê-xu đã cho đoàn dân đông ăn. Ma-thi-ơ 15:37-38

37 Ai nấy ăn no cả, còn bánh thừa lượm được bảy giỏ đầy. 38 Số người ăn là bốn ngàn, không kể đờn bà con trẻ.

 Hãy để ý rằng có bốn ngàn người đàn ông, cộng thêm đàn bà và trẻ con nữa. Nói theo một cách khác, họ đến đó theo tính cách gia đình. Vì vậy, nếu chúng ta giả sử như mỗi người đàn ông có vợ và một con, thì tổng số người được cho ăn sẽ là mười hai ngàn người tất cả.

 

  Ma-thi-ơ 15:39 Bấy giờ Ngài cho đoàn dân về, rồi xuống thuyền mà qua bờ cõi xứ Ma-ga-đan.

 Đây là một phần trọng trách của Chúa tại Ga-li-lê vì xứ Ma-ga-đan nằm trên vùng biển Ga-li-lê. Ngày nay vùng này trở nên hoang tàn.

 Các bạn thân mến, Qua đoạn nầy chúng ta thấy các môn đệ của Chúa đã không mạnh mẽ trong đức tin. Họ chậm hiểu và chậm tin. Điều nầy thật sự làm trở ngại Chúa Giê-xu. Có một điều nữa là hình như kể từ khi Ngài đi đến điểm đoạn giao với những người lãnh đạo tôn giáo, Ngài lại gặp phải nan đề thật sự với các môn đệ. Chúa hình như đã phải chậm lại để các môn đệ có thêm thời gian theo kịp.

 Thưa bạn, Ngài cũng rất kiên nhẫn đối với bạn và tôi. Nhiều người trong chúng ta cần phải có thời gian để phát triển đức tin, chúng ta đã rất chậm trong đức tin và trong sự hiểu biết. Nguyện xin Chúa gia thêm cho các bạn những điều chi còn thiếu.

 

Bài trướcBài 83: Tin Lành Cộng Quan Của Cựu Ước
Bài tiếp theoNgày 19/4/2017: Tra Xét Lòng Mình