Bài 79: Giăng Báp-tít, Sự Cứng Lòng và Con Trẻ

2715

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

MA-THI-Ơ 11:7-30

 

Kỳ trước, chúng ta đề cập đến phần đầu của sách Ma-thi-ơ 11:2-6 về Giăng Báp-tít, trong khi ông đang ở tù, ông sai môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giê-xu có phải là Đấng Cứu Thế phải đến hay không?

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy:  kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành.”

 

CHÚA GIÊ-XU TỎ LÒNG QUÍ TRỌNG GIĂNG BÁP-TÍT

 

Trong những câu Kinh Thánh sau đây, Chúa Giê-xu bênh vực chức vụ Giăng Báp-tít trong trường hợp có bất kỳ ai chỉ trích ông.

Ma-thi-ơ 11:7, “Khi họ ra về, Đức Chúa Jêsus mới phán về việc Giăng cho đoàn dân nghe, rằng: Các ngươi đã đi xem chi trong đồng vắng? Có phải xem cây sậy bị gió rung chăng?”

Quả thật Giăng Báp-tít không phải là cây sậy bị gió lung lay, nhưng Giăng thật là ngọn gió làm rung những cây sậy. Trong thời đại ngày nay, tòa giảng đã trở nên rất yếu ớt, vì người giảng sợ người đang ngồi nghe trong hàng ghế nhà thờ, vì họ sợ người nghe không ưa thích người giảng. Hoặc là sứ điệp rao giảng chỉ là trang phục nhằm làm thỏa lòng một nhóm người nào đó trong hội thánh mà thôi. Xét theo lẽ thường tình, tòa giảng như vậy chỉ là một cây sậy yếu ớt đang bị gió lung lay, chao đảo. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ Giăng Báp-tít, ông ta quả là một cơn gió đang làm rung rinh các cây sậy! Chúa chúng ta lại tiếp tục ngợi khen về Giăng Báp-tít.

 

Ma-thi-ơ 11:8-10, “Các ngươi đi xem cái chi nữa? Có phải xem người mặc áo tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua. Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa? Có phải là xem đấng tiên tri chăng? Phải, ta nói cùng các ngươi, cũng hơn đấng tiên tri nữa. Ấy vì người đó mà có chép rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt con, đặng dọn đường sẵn cho con đi.”

Giăng Báp-tít ăn mặc thô nhám xù xì, một người rất gian lao, khổ hạnh. Ông ta thật đã là một tiên tri, nhưng còn hơn cả một tiên tri nữa.

Chúa Giê-xu tuyên bố một cách rõ ràng rằng, Giăng đã làm cho ứng nghiệm trọn vẹn lời tiên tri trong Ma-la-chi 3:1 nói rằng: “Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.”

Giăng Báp-tít chính là sứ giả đó, Giăng được chọn cách đặc biệt để rao báo về sự hiện đến của Đấng Mê-si cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng hãy ghi nhận điều này trong Tin lành Giăng 1:21-23.

 

Ma-thi-ơ 11:11, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.”

Đôi khi chúng ta cũng ưa thích tranh cãi về vấn đề ai là lớn hơn hết: Áp-ra-ham, Môi-se hay Đa-vít. Chúa Giê-xu tuyên bố rằng Giăng Báp-tít là lớn hơn bất kỳ ai trong quá khứ. Không ai vượt trội hơn Giăng Báp-tít cả.

“Dẫu vậy, kẻ nào rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.” Khi Chúa Giê-xu đến trong thế gian, Ngài đã bắt đầu gọi ra một nhóm người, mà những người này lớn hơn cả Giăng Báp-tít. Làm thể nào họ lại có thể lớn hơn Giăng Báp-tít? Vì họ đã ở trong Đấng Christ và được mặc lấy sự công nghĩa của Ngài.

 

Ma-thi-ơ 11:12, “Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy.”

Đây thật là một câu Kinh Thánh rất khó giải nghĩa bởi vì “sức mạnh” được đề cập không thể là từ bên trong, và cũng chẳng thể là từ bên ngoài.

   Có ba quan điểm phổ biến về ý nghĩa của câu này:

Có lẽ Chúa Giê-xu muốn ám chỉ đến một phong trào rộng lớn hướng vào Đức Chúa Trời, mà bắt đầu từ khi Giăng truyền giảng.
Có lẽ Ngài muốn phản ảnh lòng trông mong của người Do Thái yêu nước chủ động, cho rằng Nước Trời sẽ đến bằng cách dùng bạo lực lật đổ ách thống trị của người La Mã.
Hoặc có lẽ Chúa Giê-xu ngụ ý dạy rằng muốn vào Nước trời thì người ta phải can đảm, có đức tin không lay chuyển, quyết tâm và kiên trì chịu đựng vì sự chống đối càng ngày càng tăng đối với những người theo Chúa Giê-xu.    

 

Ma-thi-ơ 11:13-15, “Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng. Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến. Ai có tai mà nghe, hãy nghe.”

 

Giăng Báp-tít đã làm ứng nghiệm trọn vẹn lời tiên tri về vị sứ giả sẽ đến trên thế gian, được ghi lại trong sách Ma-la-chi 3:1. Nhưng ở đây, câu hỏi được nêu ra là: “Giả sử Y-sơ-ra-ên trước đó đã chấp nhận Đấng Christ, thì thử hỏi Ngài đã có thiết lập Vương quốc của Ngài ngay lúc ấy chăng? Và Giăng Báp-tít có trở thành là Ê-li chăng?” Câu trả lời là Có. Bạn có thể lại hỏi: “Thế điều đó sẽ có thể như thế nào?” Xin trả lời bạn rằng: “Tôi không biết! ” Tôi chỉ biết có mỗi một điều, ấy là những gì mà Chúa Giê-xu đã phán, Ngài có thể làm, những việc mà tôi không thể nào giải thích được. Thật ra, Ngài làm rất nhiều điều mà tôi không thể nào giải thích được. Tôi chỉ đơn giản biết chấp nhận chúng mà thôi.

 

Hai câu Kinh Thánh kế tiếp hàm chứa một trong những dụ ngôn của Chúa chứa đầy tính chế nhạo và mỉa mai. Chúa Giê-xu đã không đưa ra câu chuyện này để làm tổn thương hay gây đau đớn cho ai, nhưng chỉ là để minh họa cho một lẽ thật hết sức lớn lao.

 

Ma-thi-ơ 11:16-17, “Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình, mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bay không khóc.”

Đây là một bức tranh chỉ về một đám trẻ con đang chơi đùa ở ngoài đường. Một đứa trong bọn nói: “Nào, chúng mình hãy chơi trò đám ma đi!” Thế rồi bọn trẻ chơi trò đám ma trong một lát, chẳng bao lâu lại thấy chán trò này, nên lại bảo: “Chúng ta hãy chơi trò đám cưới đi!” Một lát sau cũng chán trò đám cưới. Vậy, chúng đã đi từ thái cực này đến thái cực khác. Bọn chúng quả là những trẻ con hư hỏng. Cái thế hệ mà Chúa Giê-xu đang nói đến cũng giống như những đứa trẻ con kia, ngay cả thế hệ của chúng ta ngày nay cũng như thế mà thôi.

 

Ma-thi-ơ 11:18-19, “Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết. Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy.”

Giăng Báp-tít thì vừa khắc khổ vừa nghiêm nghị, thế nên họ chẳng thấy ưa thích ông ta chút nào.

Chúa Giê-xu rất thân thiện. Dân chúng cho Ngài thế nào? Họ bảo rằng: “Ồ, ông ấy là kẻ mê ăn uống, mà lại quá thân mật với những kẻ có tội.” Người ta đã không hài lòng với Giăng Báp-tít, và cũng chẳng hài lòng cả với Chúa Giê-xu.

Có một số người mà chúng ta không thể hài lòng với họ. Chúng ta nghĩ rằng tốt hơn nên xa lánh họ và quên họ đi thôi. Thường thì người ta không thích một nhà giảng đạo nào đó, chỉ vì ông này cứ đứng lên tòa giảng rồi ban ra một sứ điệp với cái giọng đều đều buồn chán. Rồi người ta lại cũng chẳng thích một nhà truyền giảng nào đó, chỉ vì ông này nói lớn, ra điệu bộ, múa máy tay chân trên bục giảng. Hoặc có trường hợp khác khi người giảng quá sâu sắc nên không hiểu được, còn người kia giảng quá đơn sơ nên họ cũng không ưa luôn. Ngày nay, có rất nhiều người mà họ chẳng bao giờ hài lòng với bất cứ một ai, điều đó quả hết sức đúng cho những người trong thời đại ấy, cũng như trong thời đại của chúng ta.

 

CHÚA GIÊ-XU TỪ KHƯỚC NHỮNG THÀNH PHỐ KHÔNG ĂN NĂN

 

Bây giờ chúng ta sẽ tiến đến một thay đổi hết sức lớn lao. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu là Vua. Ngài đã tuyên bố nền đạo đức của Nước Trời. Ngài đã tỏ bày sự ủy nhiệm của Ngài bằng cách làm nhiều phép lạ. Ngài đã rao giảng Tin Lành về Nước Thiên đàng đang đến gần. Ngài cũng giới thiệu về chính mình, nhưng dân tộc Ngài đã khước từ Ngài. Chính vì họ đã khước từ Ngài cho nên Ngài khước từ họ. Vì Ngài là Vua, mà Vua luôn luôn có quyền đưa ra phán quyết sau cùng.

 

Ma-thi-ơ 11:20-21, “Vì dân các thành mà Đức Chúa Jêsus đã làm rất nhiều phép lạ rồi, không ăn năn, nên Ngài quở trách rằng: Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa bây, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi.”

Cô-ra-xin và Bết-sai-đa là hai thành phố nằm về phía Bắc gần Ca-bê-na-um, nơi được xem như là địa bàn chủ yếu thi hành chức vụ trong thời kỳ đầu tiên của Ngài. Chúa Giê-xu đã trải qua rất nhiều thời gian để rao giảng Tin Lành tại hai vùng này, nhưng họ khước từ Ngài, nên giờ đây Chúa công bố sự đoán phạt trên họ.

 

Ma-thi-ơ 11:22, “Vậy nên ta bảo bây, đến ngày phán xét, thành Ty-rơ và thành Si-đôn sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn bây.”

Ngài cũng giao cho họ trách nhiệm tỏ bày ánh sáng mà Ngài đã ban cho họ. Chúa Giê-xu không có để thì giờ hoạt động tại Ty-rơ và Si-đôn. Nhưng Ngài dùng rất nhiều thì giờ cho hai thành Cô-ra-xin và Bết-sai-đa. Họ nhận lấy nhiều sự đoán phạt vì khước từ sự sáng mà Ngài ban cho.

Sẽ có nhiều mức độ trừng phạt cũng như những phần thưởng khác nhau trong ngày phán xét của Đức Chúa Trời. Thậm chí trong thời đại ngày nay của chúng ta, có rất nhiều người đã có cơ hội thuận tiện để tiếp nhận Đấng Christ, nhưng họ đã quay lưng lại với Ngài.

Chúng ta không biết Đức Chúa Trời sẽ phán xét như thế nào với một người ở trên hòn đảo nhỏ ở vùng Biển Đông, hay những đồng bào dân tộc vùng cao nguyên, hay những làng mạc xa xôi, những người này đã chẳng có dịp nghe về Tin Lành, nên đã cúi đầu tôn thờ hình tượng. Đức Chúa Trời sẽ phán xét một người, mà người này luôn luôn đi nhà thờ hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác nghe giảng về Tin Lành, nhưng lại chẳng làm gì cho Tin Lành cả.

Nếu đã biết và nhận ơn cứu rỗi Chúa Giê-xu ban cho, chúng ta phải chia sẻ điều đó cho người xung quanh mình. Dầu chỉ như là cây đèn nhỏ nhoi, nhưng hãy giữ đèn mình luôn cháy sáng.

Bây giờ Chúa Giê-xu phán về thành Ca-bê-na-um, nơi được xem như là trung tâm chủ yếu của chức vụ Ngài.

 

Ma-thi-ơ 11:23, “Còn mầy, Ca-bê-na-um là thành đã được cao tới trời, sẽ hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa mầy, đem làm trong thành Sô-đôm, thì thành ấy còn lại đến ngày nay.”

Ôi, thành Ca-bê-na-um có được vinh dự tuyệt vời biết bao, vì Đức Chúa Giê-xu đã dùng địa bàn chủ yếu của Ngài ngay trong thành phố họ. Nhưng bất hạnh thay, họ là kẻ chối từ Ngài! Chúa Giê-xu phán rằng: nếu thành Sô-đôm gian ác mà đã chứng kiến những phép lạ Ngài đã làm ra tại thành Ca-bê-na-um này, thì chắc họ sẽ quay bỏ tội ác của mình, và sẽ không phải nhận chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời đến cho họ.

 

Ma-thi-ơ 11:24, “Vậy nên ta rao bảo rằng, đến ngày phán xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn mầy.”

Đây quả là một thứ ngôn ngữ khắc nghiệt nhất trong tất cả. Xin hãy nhớ rằng, lời này lại được phát ra từ chính môi miệng nhân từ của Chúa Giê-xu. Lời Ngài phán ở đây với tư cách vừa là vị Quan án, vừa là vị Vua cao cả. Ngôn ngữ khắc nghiệt này phải khiến chúng ta nên đứng dậy và lắng nghe đến nó. Tôi thà trở thành một người dốt nát giữa chốn rừng xanh, đầy bóng tối nên đã không nghe được về Tin Lành của Chúa, còn hơn là trở thành một người ở trong các thành phố hiện nay, có sẵn Kinh Thánh bên mình, nghe biết Tin lành nước trời, nhưng chẳng bao giờ chấp nhận Đấng Christ là Cứu Chúa của cuộc đời mình.

Mặc dầu Sô-đôm và Gô-mô-rơ là những nơi đầy kinh khiếp, nhưng trong ngày phán xét, chúng sẽ được giảm chế nhiều hơn là các thành phố, hay dân tộc nào đã nghe về sứ điệp của Chúa Giê-xu nhưng lại khước từ Ngài.

 

Tiếp theo đó Chúa Giê-xu nói về con trẻ, Ma-thi-ơ 11:25-26, “Lúc đó, Đức Chúa Jêsus nói rằng: Hỡi Cha! là Chúa của trời đất, tôi ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay. Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành.”

Câu nói “Chúa của trời đất ” đưa chúng ta trở lại với Sáng-thế-ký 14:19 nơi mà Đức Chúa Trời được xưng bằng danh Ngài. Ngài là Chúa của trời và đất. Nhiều người khôn ngoan lại chẳng bao giờ học được chân lý này, nhưng nhiều con trẻ lại hiểu được chân lý đó!

Nhiều năm trước đây, có một bác sĩ tâm lý trẻ em có nói rằng: “Người ta thường để bánh ngọt ở ngăn tủ thấp nhất, để trẻ em có thể lấy bánh được.” Nếu bạn giảng, mà các đứa trẻ đó hiểu được những gì mà bạn đang nói, thì bạn tin chắc rằng những người lớn tuổi hơn sẽ hiểu được. Nhưng lại có khi những đứa bé đó hiểu và nhớ được vấn đề, còn người lớn lại quên đi mất.

 

Ma-thi-ơ 11:27, “Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha.”

Câu Kinh Thánh này được diễn tả một cách khác: “chẳng bởi Chúa Giê-xu thì không ai được đến cùng Đức Chúa Trời” (Giăng 14:6)

 

CHÚA GIÊ-XU MỜI GỌI ĐẾN TỪNG CÁ NHÂN

Những câu Kinh Thánh này đưa chúng ta đến một bước ngoặt quan trọng và là một thay đổi trong sứ điệp của Chúa Giê-xu. Trước thời điểm này, Ngài dạy: “Hãy ăn năn vì nước Thiên đàng đang đến gần.” Ngài đã giới thiệu về chứng cớ ủy nhiệm của Ngài trong tư cách là Đấng Mê-si nhưng đã bị dân Ngài từ khước. Các thành phố được nêu trên đã quay lưng lại với Ngài, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy. Thế nên, bấy giờ Chúa cũng quay lưng lại với dân tộc Y-sơ-ra-ên, và Ngài không còn giới thiệu về Nước Thiên đàng cho họ nữa. Ngài đang trên đường tiến về thập tự giá và do đó Ngài ban ra lời mời gọi của Ngài đến với mỗi cá nhân. Chúng ta hãy nghe Ngài gọi:

 

Ma-thi-ơ 11:28-30, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”

Ngôn ngữ này thật tương phản với những gì mà Ngài đã phán trước đây trong đoạn này. Nó tưởng chừng như được thoát ra từ cơn bão để tiến vào tiết trời ấm áp của mùa xuân, dường như trải qua một cơn bão tố để đến hồi yên tịnh, cũng dường như thoát ra khỏi bóng đêm để tiến vào vùng ánh sáng. Đây chính là sứ điệp mới mẻ của Chúa Giê-xu. Ngài đã chuyển sứ điệp của Ngài từ một tập thể dân tộc sang cho mỗi một cá nhân con người. Sứ điệp đó không còn là một thông báo mang tính quốc gia về nước thiên đàng nữa, nhưng nay đã biến thành lời mời gọi cá nhân, đặng họ có thể tìm được sự yên nghỉ trong sự cứu rỗi của Ngài.

Chúa Giê-xu nói “Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ ” là nói theo nghĩa đen, nên hiểu là: “Ta sẽ làm cho các ngươi yên nghỉ. ” Khi Ngài nói về “gánh nặng” ý nghĩa muốn ám chỉ về chịu gánh nặng của tội lỗi.

Hình ảnh này đã được tiên tri Ê-sai và tác giả sách Thi thiên áp dụng, Ê-sai 1:4, “Ôi! nước mắc tội, dân mang lỗi nặng nề, tông giống độc dữ, con cái làm bậy bạ kia! Chúng nó đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va, khinh lờn Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, đã trở nên xa lạ và lui đi.”

Thi thiên 38:4, “Vì sự gian ác tôi vượt qua đầu tôi; Nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng.”

 

Tội lỗi quá nặng nề đến nỗi bạn không thể nào gánh nỗi đâu. Nếu cố gánh lấy gánh nặng tội lỗi của mình thì chắc chắn bạn sẽ bị hụt hơi đuối sức, ngã quỵ! Chỉ có một nơi duy nhất trên thế gian này để bạn có thể trút gánh nặng xuống, đó là tại thập tự giá của Đấng Christ. Ngài sẽ gánh nó thay cho bạn, Ngài mời gọi bạn đến đặng trao lại gánh nặng tội lỗi của bạn cho Ngài. Ngài có thể tha thứ cho bạn, bởi vì Ngài đã gánh lấy tội lỗi của bạn trên thập tự giá.

 “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ ” đề cập đến sự cứu rỗi tội nhân xuyên qua Chúa Giê-xu Christ. “Hãy mang lấy ách Ta và học theo ta; vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ ” đề cập đến sự thực hành nên thánh cá nhân của người tin nhận. Có sự yên nghỉ mà Chúa Giê-xu ban cho, và đó là sự yên nghỉ của sự cứu chuộc. Lại cũng có sự yên nghĩ mà chính cá nhân người tin nhận đó kinh nghiệm được, thông qua việc phó thác đời sống mình cho Ngài. Không phải lo lắng về việc Ngài có nhận biết bạn không, bạn cũng không cần phải rượt đuổi để đoạt lấy vị trí đó nếu như bạn thật sự được phó thác cho Ngài.

Nếu bạn được phó thác cho Đấng Christ, thì bạn sẽ không còn phải lo lắng về điều đó nữa. Ngài sẽ đặt bạn một cách rất chính xác nơi nào mà Ngài muốn, khi bạn cùng mang ách với Ngài.

 

 

 

Bài trướcBài 79: Sự hưng thịnh và suy tàn của dân tộc Hê-bơ-rơ
Bài tiếp theoThư Mời & Thông Báo Lễ Cảm Tạ 45 Năm Tin Lành Đến Phú Quốc