Bài 62: Giới Thiệu Sách Ma-Thi-Ơ

4141

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

 

Sách Ma-thi-ơ có 28 đoạn. Đây là một sách rất quan trọng. Thật vậy, sách Sáng thế ký và Ma-thi-ơ là hai sách chủ yếu của Kinh Thánh.

 

KHOẢNG CÁCH GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

 

Hôm nay chúng ta đến sách Tin lành Ma-thi-ơ. Trong bài này sẽ nói đến khoảng cách giữa Cựu ước và Tân ước, bởi vì chúng ta cần hiểu đúng về Tân ước, có một khoảng thời gian chừng 400 năm. Đây là khoảng thời gian từ những ngày của  Nê-hê-mi và Ma-la-chi đến lúc Chúa Giê-xu giáng sanh. Sau khi Ma-la-chi nói tiên tri thì thiên đàng yên lặng. Không có lời tiên tri nào từ thiên đàng được truyền đạt cho con người trong 400 năm. Cho đến một ngày khi thiên sứ của Chúa đến trong giờ cầu nguyện của một thầy tế lễ tên là Xa-cha-ri, đang dâng hương trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thiên sứ báo tin sự sanh ra của Giăng Báp-tít, ông là người đi trước Chúa Giê-xu. Cho nên chúng ta thấy Giăng Báp-tít rất quan trọng trong sách Tin lành Ma-thi-ơ.

 

Có nhiều việc xảy ra trong khoảng thời gian yên lặng mà Kinh Thánh đề cập đến. Thời kỳ này vừa cảm động vừa hào hứng trong lịch sử của dân tộc Do thái. Về một số khía cạnh, thời kỳ nầy là thời kỳ bi đát. Tình hình nội bộ của nước Giu-đa trải qua những thay đổi đáng kể. Có những phong tục mới, những tổ chức và cơ cấu mới hình thành trong giai đọan này, và những điều này xuất hiện trong Tân ước.

 

Lịch sử thế giới có những bước dài trong khoảng thời gian tạm nghỉ giữa Cựu ước và Tân ước. Cựu ước kết thúc với quyền đô hộ của Đế quốc Ba Tư. Cũng như Ai Cập đang có ảnh hưởng quyền lực trong nền chính trị thế giới. Trong khoảng thời gian tạm nghỉ này giữa hai giao ước, cả hai quốc gia Ba Tư và Ai Cập từ từ mất dần ảnh hưởng quyền lực. Quyền lực thế giới chuyển dần từ Đông sang Tây, từ Á châu sang Âu châu, từ Ba Tư sang Hy Lạp. Khi thời Tân ước mở ra, quyền lực mới bây giờ là Rô-ma (hay La Mã) đang cai trị thế giới.

Chúng ta có cái nhìn khái quát về những ngày quan trọng trong thời gian chuyển tiếp này. (Bởi vì có sự khác biệt về sử liệu cho nên niên hiệu chỉ phỏng chừng)

480 trước Công nguyên (TC).  Vua Xerxes của Ba Tư đánh thắng, khi chống lại Hy Lạp ở Thermopylae, nhưng thất trận ở Salamis, đó là trận bão tố đánh bại ông. Đây là thời điểm sau chót của quyền thống trị của hướng Đông.

 

333 TC.  Có con chiên đực ra từ hướng Tây, mà tiên tri Đa-ni-ên ký thuật trong sách Đa-ni-ên đoạn 8. Đó chính là Alexander Đại đế, con chiên đực này có sừng lớn. Ông ta lãnh đạo liên kết lực lượng Hy Lạp lật đổ Ba Tư ở Issus.

 

332TC.  Alexander Đại đế thăm viếng Giê-ru-sa-lem. Ông được cho biết về lời tiên tri của Đa-ni-ên nói về ông, cho nên ông còn để thành Giê-ru-sa-lem tồn tại. Đây là một trong vài thành mà ông để sót lại. 

 

323TC.  Alexander chết ở Ba Tư. Hình như ông muốn di chuyển ngôi cai trị về đó. Sau đó quyền lực cai trị thế giới bị chia làm bốn khu vực.

 

320TC.  Giu-đê bị sát nhập vào Ai Cập bởi Ptolemy Soter.

 

312TC.  Selucus thành lập vương quốc tại Sy-ri. Ông muốn thôn tính Giu-đê, vì thế Giu-đê trở thành bãi chiến trường giữa Sy-ri và Ai Cập. Hai quốc gia thường đi qua lại trên đất Giu-đê.

 

203TC.  Antiochus Đại đế chiếm Giê-ru-sa-lem và Giu-đê chuyển sang dưới ảnh hưởng của Sy-ri.

 

170TC. Antiochus Epiphanes chiếm Giê-ru-sa-lem và làm nhơ bẩn đền thờ. Ông được đề cập như là ‘cái sừng nhỏ’ (Đa-ni-ên 8:9) Ông được gọi là Nê-ro trong lịch sử Do Thái.

 

166TC.  Mattathias, thầy tế lễ của Giu-đê khơi dậy cuộc nổi loạn chống lại Sy-ri. Từ đây khởi đầu thời kỳ Maccabean. Có thể đây là thời kỳ mà quốc gia Do Thái chịu nhiều đau khổ hơn hết, họ là những anh hùng trong thời kỳ này. Tên Judas Macccabaeus có nghĩa là “cây búa” là người lãnh đạo cuộc nổi loạn này.

 

63TC.  Pompey, người La Mã chiếm Giê-ru-sa-lem, vì thế dân tộc Do Thái ở dưới sự cai trị của quyền lực mới của thế giới. Từ đó dân Do Thái ở dưới sự đô hộ của chánh quyền La Mã cho đến khi Chúa Giê-xu giáng sanh và thời kỳ Tân ước.

40TC.  Chánh quyền La Mã chỉ định Hê-rốt làm vua Giu-đê. Không có gia đình hay người nào tàn ác hơn vua này. Vua giết hại biết bao nhiêu mạng người.

 

37TC.  Vua Hê-rốt chiếm Giê-ru-sa-lem và giết Antigonus, người sau cùng của dòng tế lễ Maccabean.

 

31TC.  Sê-sa Au-gút-tơ trở thành hoàng đế La Mã.

19TC.  Đền thờ Giê-ru-sa-lem được Vua Hê-rốt xây dựng bắt đầu khởi công, việc xây kéo dài nhiều năm cho đến khi Chúa giáng sanh, vẫn còn tiếp tục trong thời Tân ước.

 

4TC.  Chúa Giê-xu được sanh ra tại Bết-lê-hem.

 

Có sự thay đổi lớn lao trong nội bộ của quốc gia Giu-đê, bởi vì họ trải qua một thời kỳ chuyển tiếp. Sau thời kỳ bị lưu đày ở Ba-by-lôn, dân chúng bỏ việc thờ hình tượng, và nhiệt thành giữ luật pháp. Cho nên luật pháp trở thành hình tượng của họ. Tiếng Hy Bá Lai cổ nhường chỗ cho tiếng A-ram đang nói thông dụng hằng ngày. Vì thế tiếng Hy Bá Lai chỉ còn giữ trong sinh hoạt ở nhà mà thôi. Nhà hội được hình thành sau thời kỳ lưu đày. Nhà hội trở thành trung tâm sinh hoạt của đời sống trong xứ Giu-đê, và bất cứ nơi nào mà người Do Thái đi đến, họ đều lập nhà hội.

Đồng thời cũng có nhiều nhóm, nhiều đảng được hình thành mà Tân ước đề cập đến, chúng ta không hề nghe những nhóm này trong Cựu ước.

 

1- PHA-RI-SI.

 

Pha-ri-si là đảng nắm quyền lực. Họ nổi dậy để bảo vệ lề lối sinh sống của người Do Thái chống lại ảnh hưởng ngoại bang. Họ giữ luật pháp cách triệt để và tin vào Cựu ước. Họ là những người có tinh thần dân tộc và muốn khôi phục lại triều đình theo dòng vua Đa-vít. Họ là một đảng chính trị và tôn giáo.


2- SA-ĐU-SÊ

 

Phái Sa-đu-sê thành lập kết hợp thành phần trung lưu giàu có trong xã hội, họ muốn bỏ đi những truyền thống cũ. Điều này có nhắc nhở cho chúng ta những gì trong thời kỳ hiện nay không? Chú ý những người giàu có hiện nay là những người theo khuynh hướng tự do. Giống câu chuyện miếng bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn của người nhà giàu, nhưng chắc chắn rằng họ không bỏ đi sự giàu có mình. Người Sa-đu-sê rất cởi mở trong tín lý của họ, và họ khước từ quyền lực siêu nhiên. Vì thế, họ đối lập với người Pha-ri-si. Người Sa-đu-sê rất gần gũi với triết lý Hy Lạp, với chủ trương rằng “ăn, uống, vui vẻ, vì ngày mai sẽ chết.” Chúng ta đừng để nhầm lẫn như triết lý của người Sa-đu-sê. Vì họ cố gắng đạt được đời sống tốt, họ muốn thắng hơn đòi hỏi của cơ thể trong việc ăn uống bằng cách đáp ứng thể xác, nhưng họ lại nới lỏng sự kiềm chế.

Trong thời đại của chúng ta, nhiều người cũng có triết lý giống như vậy. Nhưng triết lý đó không có kết quả trước đây và nó cũng không có hiệu quả hôm nay.

 

3- THẦY THÔNG GIÁO

 

Thầy thông giáo là những người chuyên dạy luật pháp, từ thời của Ê-xơ-ra. Họ chú ý đến từng chữ trong luật pháp hơn là chú ý đến tinh thần và ý nghĩa của luật pháp. Như khi vua Hê-rốt gọi những thầy thông giáo và hỏi rằng Chúa Giê-xu sanh ra tại đâu, họ biết ngay là Bết-lê-hem. Khi biết tin này, thì họ lên ngựa hay lạc đà đi ngay đến Bết-lê-hem tôn thờ Chúa, nhưng chúng ta thấy Kinh thánh ký thuật, những thầy thông giáo này không chú ý gì đến sự ra đời của Chúa Giê-xu. Họ chỉ để ý đến chữ viết của luật pháp mà thôi.

Thật rất nguy hại nếu chỉ muốn biết các chuyện tích và kiến thức về Kinh Thánh, mà không để những điều này thể hiện trên đời sống của mình. Vì thế khi học hỏi những lẽ thật của Thánh Kinh, cùng những lẽ thật về thần đạo, chúng ta phải để lời của Đức Chúa Trời ngự trị trong tấm lòng của chúng ta.

 

4- ĐẢNG HÊ-RỐT

 

Đảng Hê-rốt là một đảng phái chính trị trong thời của Chúa Giê-xu. Họ ủng hộ ngôi vị của Hê-rốt và muốn cầm quyền.

Trong thời gian chuyển tiếp này cũng là thời kỳ phát triển về hoạt động văn học, dẫu rằng không có sự khải thị từ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Cựu ước được dịch từ tiếng Hy Bá Lai sang tiếng Hy Lạp ở Alexandria, xứ Ai Cập trong thời gian từ 285-274 TC. Bản dịch này kết hợp bởi sáu thành viên từ mỗi chi phái của người Do Thái, cho nên bản dịch này còn được gọi là Septuagint, có nghĩa là 70. Bản dịch này được Chúa Giê-xu và Phao-lô trích dẫn.

Các sách thứ kinh cũng được viết trong thời kỳ này, có tất cả 14 quyển, nhưng các thứ kinh không được ấn chứng về sự hà hơi của Đức Chúa Trời. Có hai sách đáng chú ý là thánh thi của Sa-lô-môn và sách Ê-nóc. Dầu hai sách này mang tên của hai nhân vật trong Cựu ước, nhưng không có bằng chứng nào cho rằng họ là tác giả.

Vì thế đây là một thời kỳ yên lặng của Đức Chúa Trời, đó là dấu hiệu Đức Chúa Trời chuẩn bị thế giới cho sự đến của Đấng Christ. Dân Do Thái, người Hy Lạp, chánh quyền La Mã đang hình thành chuẩn bị cho sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Giống như Phao-lô nói “đúng thời kỳ.” Bốn sách Tin Lành được viết trực tiếp cho bốn nhóm người trong thời đó. 

Tin lành Ma-thi-ơ được viết cho dân Do Thái, khi được viết đầu tiên bằng tiếng Hy Bá Lai, và viết trực tiếp cho người theo đạo Do Thái bấy giờ.

Tin lành Mác được viết trực tiếp cho người La Mã. Người La Mã là người hành động tin tưởng vào chánh quyền, luật pháp và trật tự mà họ chế ngự thế giới. Nhiều người ngày nay có cảm nghĩ như thế, thật sự chúng ta cần luật pháp và trật tự xã hội. Nhưng sau đó người La Mã nhận biết rằng, họ không thể cai trị thế giới chỉ bằng luật pháp mà thôi. Thế giới này cần phải tin vào Đấng ban luật pháp và trật tự xã hội. Con người cần phải ăn năn tội mình, tiếp nhận ân điển và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Đó chính là Chúa Giê-xu mà sách Tin lành Mác trình bày cho người La Mã.

Tin lành Lu-ca được viết cho người Hy Lạp, là người có nhiều tư tưởng.

Tin lành Giăng được viết trực tiếp cho người tin nhận Chúa Giê-xu, nhưng viết gián tiếp cho những người Đông phương, nơi mà có nhiều người đang ở trong sự tăm tối, họ đang kêu gào được giải cứu.

Ngày nay thế gian vẫn còn kêu gào cần đến Đấng Giải Cứu. Những người có lòng tin kính cần Đấng Cứu Thế chớ không phải cần tôn giáo. Những người có nhiều tư tưởng, suy nghĩ cần gặp Đấng đáp ứng nhu cầu tâm linh. Con người hư hoại của chúng ta rất cần Đấng Cứu Chuộc, vì con người không thể tự cứu mình.

 

TÁC GIẢ

Tin lành Ma-thi-ơ được viết bởi nhân viên thuế vụ, mà Chúa Giê-xu kêu gọi và đặt ông vào chức vụ đặc biệt.

 Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đương ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài (Ma-thi-ơ 9:9).

 

Ma-thi-ơ theo Chúa Giê-xu và trở thành sứ đồ. Tin lành Ma-thi-ơ được viết lúc đầu cho người Do Thái bằng tiếng Hy Bá Lai, người có tôn giáo.

 

Chúng ta không có nhiều chi tiết về lịch sử của thời kỳ trước khi Chúa Giê-xu giáng sanh, nhưng chúng ta thấy rõ là Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một quốc gia để đưa Đấng Christ vào thế gian. Cho nên khi Chúa Giê-xu đến với dân Giu-đa và nói rằng “sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” (Giăng 4:22). Nhưng Chúa Giê-xu không phải đến để cứu chuộc người Giu-đa mà thôi, nhưng Ngài cũng là Cứu Chúa cho tất cả những ai tiếp nhận Ngài.

 

SÁCH CHỦ YẾU

 

Sách Ma-thi-ơ là một sách nổi bật chủ yếu của Kinh Thánh, bởi vì sách này đi từ Cựu ước, và có nhiều lời tiên tri hơn bất cứ sách nào khác. Đó là lý do mà nhiều người có thể nói rằng sách Ma-thi-ơ được viết đầu tiên cho người Do Thái. Nhưng sau đó sách đi vào Tân ước xa hơn những sách Tin lành khác. Thí dụ như các sách Tin lành khác không đề cập đến Hội Thánh, nhưng trong sách Ma-thi-ơ có đề cập đến. Ma-thi-ơ là người nói liên hệ đến Lời của Chúa:

Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó. (Ma-thi-ơ 16:18)

Ma-thi-ơ là một nhân viên thuế vụ, được Chúa thay đổi và được Đức Thánh Linh chọn lựa viết sách Tin lành này trước tiên cho người Do Thái.

Tin lành Ma-thi-ơ trình bày chương trình của Đức Chúa Trời. “Nước thiên đàng” (kingdom of heaven) là lối trình bày hết sức đặc biệt trong sách Tin lành này, và được viết đến 32 lần. Chữ “nước trời” được viết 50 lần. Khi hiểu rõ ý nghĩa từ ngữ “nước thiên đàng” nó rất là quan trọng để giải nghĩa được Tin lành và Kinh Thánh. Từ ngữ “nước trời” và “Hội Thánh” không giống nhau, không đồng nghĩa với nhau. Vì Hội Thánh ở trong nước trời, có sự khác biệt rất lớn.

Thí dụ khi nói là Đà Nẵng ở trong nước Việt Nam, thì Đà Nẵng không phải là nước Việt Nam, Đà Nẵng chỉ là một phần của nước Việt Nam.

Tương tự như vậy, Hội Thánh ở trong nước trời, nhưng nước thiên đàng là sự cai trị của thiên đàng trên trái đất. Người Do Thái mà Tin lành Ma-thi-ơ viết trực tiếp cho họ có thể hiểu được danh từ này, nói tóm lược tất cả những lời tiên tri của Cựu ước liên hệ đến vị Vua từ trời, để thiết lập vương quốc trên đất này theo tiêu chuẩn thiên đàng. Từ ngữ này không mới lạ cho họ, vì trong Đa-ni-ên có nói tiên tri trước đây.

Đa-ni-ên 2:44,

Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời.

Đa-ni-ên 7:14, 27 

  Người đến ban cho quyền thế, vinh hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người. Quyền thế người là quyền thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy phá.

Bấy giờ nước, quyền thế, và sự tôn đại của muôn nước ở dưới cả trời, sẽ được ban cho dân các thánh của Đấng Rất Cao. Nước Ngài là nước đời đời, và hết thảy các quyền thế đều hầu việc và vâng lời Ngài.

 

Nước thiên đàng là đề tài chính của sách Tin lành này. Đấng thành lập nước trời trên đất là Chúa Giê-xu. Nước trời rất là quan trọng. Trong Tin lành Ma-thi-ơ có ba lần giảng luận quan trọng liên quan đến nước trời.

 

1- BÀI GIẢNG TRÊN NÚI. Đây là luật lệ của nước trời. Đó là bảng liệt kê những điều cần phải thi hành trong thời kỳ ấy.

2- CÁC ẨN DỤ KÍN GIẤU. Đây là các ẩn dụ trong Ma-thi-ơ 13 về nước trời. Chúa chúng ta kể nhiều thí dụ về nước thiên đàng như người gieo giống, như hột cải.

3- BÀI GIẢNG TRÊN NÚI Ô-LI-VE. Từ đây Chúa Giê-xu hướng tới việc thành lập nước trời trên đất.

Khi chúng ta thấy danh từ “nước thiên đàng” là một danh từ liên tiến trong Tin lành Ma-thi-ơ. Điều này rất là quan trọng mà chúng ta cần hiểu rõ. Đây là trọng tâm của Tin lành Ma-thi-ơ, nếu chúng ta bỏ sót đề tài nước thiên đàng, chúng ta kể như không có được sách Tin lành Ma-thi-ơ, cho nên xin đừng bỏ qua điều quan trọng này.

Sách Tin lành Ma-thi-ơ này rất giống như sách Sáng thế ký. Đây là hai sách chủ yếu của Kinh Thánh. Chúng ta cần biết rõ hai sách này và khi chúng ta tìm hiểu xuyên qua. Chúng ta phải đọc xuyên suốt sách Tin lành Ma-thi-ơ, và sau đó trở lại chúng ta sẽ tìm hiểu từng đoạn, để biết rõ mỗi đoạn nói đến điều gì. Việc học hỏi, tìm hiểu về sách Tin lành Ma-thi-ơ giúp chúng ta sẽ biết về Chúa Giê-xu. Ngài có nhiều điều nói cho mỗi chúng ta, và sau đó chúng ta cũng có nhiều điều để nói chuyện với Chúa qua sự cầu nguyện.

Sau đây là phương cách mà sách Tin lành Ma-thi-ơ được phân chia. Sự phân chia đại cương này giúp chúng ta có thể suy nghĩ khái lược qua. Đây là điều quan trọng để biết sách Ma-thi-ơ, hầu cho chúng ta có thể hiểu Kinh Thánh.

 

Đề tựa chính. KÌA  VUA NGƯƠI.

1-    Con người của Vua.       Đoạn 1- 2

2-    Sự chuẩn bị của Vua.     Đoạn 2- 4:16

3-    Giảng luận của Vua.       Đoạn 4:17- 9:35.

4-    Chương trình của Vua.   Đoạn 9:36- 16:20

5-    Sự khổ nạn của Vua.      Đoạn 16:21- 27:66

6-    Quyền năng của Vua.     Đoạn 28

 

Như vậy, chúng ta đã có cái nhìn tổng quát về sách Tin lành Ma-thi-ơ. Mong bạn ghi nhớ những điểm chính yếu của sách Tin lành Ma-thi-ơ là sách quan trọng khởi đầu Kinh Thánh Tân ước, và đề tài của sách là “Chúa Giê-xu là Vua của nước thiên đàng.”

 

Bài trướcThiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 1)
Bài tiếp theoNgày 25/11/2015: Phúc Âm Vượt Khỏi Quê Nhà