Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 1)

3527

THIÊN ĐÀNG

 

TỐT ĐẸP BỘI PHẦN

 

Lời giải đáp cho các câu hỏi về niềm hy vọng cuối cùng của người tin Chúa


J. Oswald Sanders

 

 

 

Discovery House

Publishers

 

Nuôi dưỡng linh hồn bằng Lời Đức Chúa Trời

 

NỘI DUNG

 

Lời tựa

Lời giới thiệu

1.      Sự chết—Kẻ thù hay ân nhân?

Phải chăng niềm mong đợi về thiên đàng là một sự rèn tập có giá trị?

Có những chuyện hoang đường nào về thiên đàng?

Thiên đàng “tốt đẹp bội phần” có nghĩa gì?

Có sự sống sau khi chết không?

Sự chết là kẻ thù hay người làm ơn?

Sự chết là gì?

 

2.      Nơi chốn hay trạng thái?

Chúng ta sẽ biết nhau trên thiên đàng hay không?

Thiên đàng là một nơi chốn hay chỉ là trạng thái trong tâm trí chúng ta?

Có thể có sự giao tiếp giữa người sống với người chết?

Tôi sẽ về đâu sau khi chết?

Có một nơi gọi là ngục luyện tội hay không?

Những trẻ sơ sinh và chậm phát triển trí não thì thế nào?

 

3.      Những thay đổi và tiến triển trong thiên đàng

Thiên đàng giống như gì?

Sẽ có những tòa lâu đài đợi chờ chúng ta?

Có những sự thay đổi nào ở đó?

Có sự phát triển và tiến bộ trong thiên đàng không?

Vai trò của các thiên sứ trong thiên đàng là gì?

 

4.      Phần thưởng và thân thể phục sinh

Ai sẽ nhận được phần thưởng?

Mão triều thiên được hứa ban tượng trưng cho điều gì?

Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ như thế nào?

Thân thể phục sinh của Chúa như thế nào?

Có thời gian ở thiên đàng hay không?

 

5.      Nghề nghiệp trong thiên đàng

Chúng ta sẽ làm gì trong thiên đàng?

Nơi có âm nhạc sẽ như thế nào?

Những người chưa được nghe Tin Lành thì thế nào?

Trách nhiệm của chúng ta là gì?

Sự cứu rỗi có phải là phổ quát?

 

6.      Tái lâm và sự phán xét

Sự tái lâm và phán xét có ý nghĩa gì với chúng ta?

Sự tái lâm có ý nghĩa gì với Đấng Christ?

Sự tái lâm có ý nghĩa gì với Sa-tan?

 

7.      Trời mới và Giê-ru-sa-lem mới

Trời mới và đất mới

Giê-ru-sa-lem mới

Tiệc cưới Chiên Con

Làm sao để bước vào cổng thiên đàng

Sách Sự Sống của Chiên Con

Ba lời chứng

 

 

Lời tựa

 

Trong một cuộc nói chuyện vào tháng 11 năm 1991, tác giả Oswald Sanders đã nói rằng ông đang trong quá trình hoàn tất bản thảo về chủ đề thiên đàng. Ông nói rằng lý do ông viết sách về chủ đề này là vì thiên đàng sẽ là quê hương tiếp theo của ông và ông mong sẽ sớm đến đó. Lúc đó ông Sanders đã 89 tuổi và còn khỏe mạnh. Ông đã giảng hơn 300 lần trong năm đó và vẫn đang sung sức. Tuy nhiên ông biết rằng thời điểm “về nhà” của mình đã gần kề. Mười một tháng sau đó, tức là một tuần sau sinh nhật thứ 90 của ông, Chúa đã đưa ông đi cách yên lặng trong giấc ngủ.

Tiến sĩ Sanders là một trong những người cuối cùng của thế hệ các giáo sư Kinh Thánh vĩ đại. Vì vậy chúng ta được giàu có hơn vì được thừa hưởng di sản bảy mươi năm mục vụ của ông. Ông đã viết hơn 40 quyển sách và giảng hàng ngàn lần. Mục vụ của ông đã vươn ra thế giới và ông được tất cả những người tiếp xúc với ông yêu mến.

Ai đó đã nói rằng thiên đàng là nơi dành sẵn cho những người đã được chuẩn bị sẵn sàng. Oswald Sanders đã được chuẩn bị sẵn sàng và vinh quang của thiên đàng nay dành cho ông. Đó là vinh quang rạng ngời mà ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng khó có thể diễn tả được (II Cô-rinh-tô 12:1-6). Và trong khi chờ đợi để gặp Ngài trong niềm vui sướng tột cùng khi nhìn thấy Ngài là “Đấng ngồi trên ngôi” (Khải Huyền 7:10), chúng ta có cơ hội chia sẻ những trang sách mà tiến sĩ Sanders đã học được về nơi ở đời đời cho những người tin Chúa và về Đấng mà chúng ta trông cậy.

 

Robert K. DeVries

Nhà xuất bản

 

 

 

Lời giới thiệu

 

Cách đây ít lâu, khi tôi sắp bước vào tuổi 90 tuổi và bước quan trọng kế tiếp là thiên đàng, tôi thấy mình phải trở nên quen thuộc hơn với nơi ở tương lai của mình! Vì thế tôi bắt đầu nghiên cứu về chủ đề đó vì lợi ích cho chính bản thân mình.

Tuy nhiên, khi bàn về chủ đề này, tôi khám phá ra rằng chẳng có mấy người được hỏi trả lời rằng họ từng nghe một bài giảng về thiên đàng. Tôi đã đến một nhà sách Tin Lành nổi tiếng nhưng chẳng tìm được quyển sách nào về thiên đàng ở đó! Nhận thấy tầm quan trọng của chủ đề này đối với mỗi con cái Chúa và sự khan hiếm về chủ đề này trên bục giảng và sách vở, tôi đã quyết định chấp bút.

Tiến sĩ Thomas Dick nhận xét rằng phần đông các Cơ Đốc nhân bằng lòng với những ý tưởng mơ hồ và sai lầm nhất về thiên đàng. Họ nói và viết theo cách quá mơ hồ và bóng bẩy chứ không chuyển tải khái niệm nào hợp lý hay rõ ràng.

Trong thế giới xem trọng vật chất và hướng về tiền bạc, chủ đề thiên đàng bị gác sang một bên. Nó hiếm khi là đề tài của một cuộc nói chuyện và hiếm khi chiếm chỗ trên các tờ báo hay các chương trình tivi. Tại ga đến của một sân bay nọ, một phóng viên đã đặt câu hỏi này cho ba mươi người: “Bạn có biết chắc mình sẽ được vào thiên đàng sau khi lìa trần gian này hay không?” Anh nhận được cùng một phản ứng tiêu cực như nhau.

Tất nhiên đây là một chủ đề mà một người chỉ có thể viết rất giới hạn, vì hầu hết những gì chúng ta biết về thiên đàng không được diễn đạt bằng những thuật ngữ rõ ràng, nhưng được xác định theo lối phủ định. Chúng ta biết nhiều về những thứ sẽ không có ở đó hơn là những thứ sẽ có ở đó. Quả thật, nếu không có sự mặc khải, chúng ta sẽ chẳng biết một chút gì về thế giới mà chúng ta sẽ đến. Tất cả những thứ khác hoàn toàn chỉ là sự suy đoán.

Nhưng đối với người tin cậy cách không lay chuyển nơi sự soi dẫn hoàn toàn và thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh, thì Kinh Thánh đã bày tỏ cho chúng ta biết tất cả những gì cần phải biết dù rằng Kinh Thánh không cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta muốn biết. Và bức tranh mà Kinh Thánh vẽ nên thì vô cùng huy hoàng đến mức khiến chúng ta phải nín thở vì kinh ngạc.

Trong số phát hành gần đây của tờ Living Today, cơ quan xuất bản chính thức của Hội Thánh Trưởng Lão Úc Châu, có một câu hỏi được đặt ra: “Nền tảng cho niềm hy vọng của bạn về thiên đàng là gì?” Những câu trả lời phổ biến nhất như sau:

Tôi luôn sống một đời sống tốt.

Tôi là con người hoàn hảo của gia đình.

Tôi không tệ như những người ngoài phố.

Tôi luôn cố gắng đối xử tử tế với mọi người.

Kết quả phân tích các câu trả lời cho thấy quan điểm phổ biến là: “người tốt thì được lên thiên đàng.”[3]

Một thăm dò gần đây của Gallup Poll chỉ ra rằng so với trước đây, ngày càng có nhiều người Mỹ tin có thiên đàng và địa ngục. Bảy mươi hai phần trăm tin rằng mình có cơ may cao được lên thiên đàng. Sáu mươi phần trăm tin có địa ngục, nhưng chỉ bốn phần trăm nghĩ rằng họ sẽ bị ở đó.

Việc thế hệ trẻ ngày càng tiếp cận nhiều hơn với ảnh hưởng của khoa học với xu hướng vô thần đã dẫn đến việc nhấn mạnh vị thế gần như độc tôn của con người trên thế giới này. Chủ đề về đời sau bị hạ thấp hoặc đúng hơn là nó chẳng bao giờ được giới trẻ nhắc đến. Một lượng lớn những quyển sách trong hiện tại về những trải nghiệm cận kề cái chết đã tạo ra một sự khôi phục tạm thời niềm quan tâm đến đời sau, nhưng dường như nó hiếm khi hướng đến Kinh Thánh. Một trong những hậu quả tai hại của sự khan hiếm về sự dạy dỗ chân thật của Thánh Kinh về thiên đàng ấy là lỗ hổng này bị lấp đầy bởi sự dạy dỗ sai trật từ những người theo tà giáo, từ phong trào Thời đại Mới và tôn giáo Đông phương. Hội Thánh đang phải trả giá đắt cho sự chểnh mảng này.

Khi Phao-lô “được đem lên đến từng trời thứ ba,” đến “chốn Ba-ra-đi,” ông nghe “những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra” (II Cô-rinh-tô 12:2-4). Tất nhiên đây là kinh nghiệm vinh quang, tuyệt vời hơn nhiều so với những gì ông có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ giới hạn của loài người chúng ta. Vì vậy nhiều sự khải tỏ về thiên đàng được diễn đạt bởi ngôn ngữ biểu tượng và hình bóng, là điều chúng ta không thể giải nghĩa bằng những chuẩn mực của văn xuôi thông thường. Chính vì vậy, tôi phải cố gắng ghi nhớ điều này và đào sâu về ý nghĩa thuộc linh.

Tôi chọn chủ đề Thiên đàng tốt đẹp bội phần, bởi vì từ sự mô tả của Kinh Thánh, những trải nghiệm lớn lao, thánh khiết và khoái lạc nhất trên trần gian này sẽ thua xa thực tế của thiên đàng.

Vì chính chủ đề thiên đàng gợi ra quá nhiều những câu hỏi trong tâm trí con người, nên tôi chọn kiểu mẫu hỏi-và-trả lời trong sách này. Mặc dầu điều này hạn chế sự phát triển liên tục nhất quán của chủ đề, nhưng nó có thể trở nên hữu ích hơn từ góc nhìn thực tiễn. Thêm vào đó, có nhiều đề tài liên quan đến thiên đàng nhưng không được bàn đến trong sách này, và đối với những đề tài đó, người đọc có thể tham khảo các nghiên cứu toàn diện hơn.

Tôi muốn lưu ý rằng tất cả những chỗ được in nghiêng trong các phần trích dẫn Kinh Thánh trong quyển sách này đều là do tôi thực hiện.

Sau khi đắm chìm trong nghiên cứu này trong một khoảng thời gian dài đáng kể, tôi đã trông mong thật nhiều, kinh ngạc và biết ơn sâu xa trước sự vĩ đại và uy nghi của kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho tương lai chúng ta.

J. Oswald Sander

 

 

CHƯƠNG MỘT

 

Sự chết – Kẻ thù hay ân nhân?

 

Phải chăng niềm mong đợi về thiên đàng là một sự rèn tập có giá trị?

Có những chuyện hoang đường nào về thiên đàng?

Thiên đàng “tốt đẹp bội phần” có nghĩa gì?

Có sự sống sau khi chết không?

Sự chết là kẻ thù hay người làm ơn?

Sự chết là gì?

 

Phải chăng niềm mong đợi về thiên đàng là một sự rèn tập có giá trị?

“Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy. Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn…”

Phi-líp 1:21-23

Có vẻ như sứ đồ Phao-lô sẽ trả lời là “Có” cho câu hỏi của tôi ở trên vì ông xét thấy nó là ích lợi lớn nhất cho các tín hữu thành Phi-líp dù rằng ông không muốn tiếp tục ở trong thân thể.

Có đủ mọi lý do để người tin Chúa trông chờ về tương lai với sự trông mong đầy vui sướng, dầu họ có còn sống đến ngày Chúa tái lâm, hay bước vào cách cổng quê hương thiên đàng qua con đường sự chết. Đó không đơn thuần là suy nghĩ viễn vông hay một khuynh hướng thoát ly thực tế, nhưng đó là một sự tin cậy có cơ sở vững chắc. Chúng ta có lý do để chia sẻ niềm tin quyết của Phao-lô rằng việc ở với Đấng Christ là tốt đẹp bội phần so với bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng được.

Không có lý do gì ngăn chúng ta vui mừng hớn hở trong những năm cuối của đời mình bởi cớ chúng ta có thể trông mong niềm phúc ngập tràn không thể hình dung được đang dành sẵn cho cô dâu của Đấng Christ trên thiên đàng. Sao mà chúng ta không mừng cho được khi nghĩ đến sự vắng bóng của tất cả những gì khiến chúng ta buồn rầu và chán nản? – Bởi điều mà Chúa bảo đảm với chúng ta đang nằm ngay phía trước.

W.H. Griffith Thomas viết: “Thiên đàng không đơn thuần là sự xa hoa thuộc linh, không đơn thuần là sự phung phí trí tuệ, không phải là một sự mộng tưởng, nhưng là điều thật sự thực tế và thích hợp cho người suy nghĩ và hành động thiết thực, cũng như đối với người ẩn dật suy tư. Thiên đàng có tác động thật sự trên cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

Quả thật, nhiều người hiện đang thờ ơ với suy nghĩ về thiên đàng chắn chắn sẽ vô cùng tiếc nuối vì họ đã không dành nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ và chuẩn bị tốt hơn cho thiên đàng. Phẩm chất của đời sống và sự phục vụ của chúng ta ở trên đất có tác động thật sự đến niềm hạnh phúc lớn lao và phần thưởng của chúng ta ở thiêng đàng.

Tuy nhiên, trong thời đại thiên về vật chất của chúng ta, người ta cho rằng việc dành thời gian trông chờ vinh quang của thiên đàng là lỗi thời – có lẽ một phần vì sự trú ngụ ở thiên đàng được mô tả không mấy hấp dẫn. Nhiều người thích can thiệp vào các vấn đề cấp bách của xã hội ngày nay hơn, và làm cho thế giới này trở thành nơi tốt hơn để sinh sống. Đây là điều có thể hiểu được. Nhưng sao chúng ta không chọn cả hai cách thay vì chọn một trong hai? Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ J. H. Jowett viết trong tự truyện của mình: “Tôi từng đồng tình với một số nhà cải cách trẻ tuổi rằng thay vì ca hát về sự vinh quang của Đấng Christ, tôi sẽ hướng sự quan tâm của hội chúng đối với những điều kiện sống trong các khu nhà ổ chuộc, v.v, và tập trung vào việc cải thiện cuộc sống tại đó. Nhưng tôi khám phá ra rằng không có người nào lại không hăng hái giúp đỡ những khu nhà ổ chuột một khi họ đã có khải tượng về Thành của Đức Chúa Trời”.

Một nghiên cứ lịch sử cả về thế tục lẫn thuộc linh đều cho thấy rằng những Cơ Đốc nhân đã đem đến những thay đổi thiết yếu cho xã hội chính là những người đã được giữ chặt bởi “quyền phép của đời sau” (Hê-bơ-rơ 6:5). Sự chiêm nghiệm về thiêng đàng đã thúc đẩy lương tâm xã hội của những Cơ Đốc nhân giàu lòng thương xót và thăng thêm một chiều kích nữa trong sự phục vụ của họ. Sự ảnh hưởng của những người như thế trong cộng đồng thật hữu ích, giống như muối vậy.

Từ sự ký thuật về những cuộc đời của các thánh trong Cựu Ước, là những người đã vào được Đại sảnh Vinh danh các thánh đồ của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11), chúng ta có thể học được nhiều điều ích lợi khi xem xét cách nhìn của họ về thế giới hầu đến.

 

Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời.

Hê-bơ-rơ 11:13-16

Ngay cả các triết gia Hy Lạp, dầu là người ngoại giáo, cũng nhìn thấy giá trị của việc dành thì giờ chiêm nghiệm cuộc sống đời sau. Trong tác phẩm Phaedo mình, Plato đã ghi lại câu Socrates đang nói với bạn bè và học trò của mình ngay trước khi uống chén thuốc độc: “Có lẽ điều thích hợp nhất cho một người sắp đi đến nơi đó, là hỏi thăm và suy xét về hành trình đến đó, về thứ mà chúng ta nghĩ nó sẽ như thế nào. Người ta có thể làm gì khác hơn được chứ?”

Socrates không thể làm gì khác hơn là suy xét về tương lai của ông, nhưng chúng ta có thể biết chắc chắn. Với Kinh Thánh trong tay, khi chúng ta suy niệm về tương lai, lời Chúa giúp chúng ta nhìn thấy mọi thứ không phải đến từ viễn cảnh của thế giới mịt mù này, nhưng từ viễn cảnh của một Đức Chúa Trời thánh khiết. “Sự yên ủi của Thánh Kinh” xoa dịu nỗi thương đau của sự mất mát và khiến chúng ta có thể đương đầu với những tình trạng cấp bách của cuộc đời này. Lời Chúa cũng cung ứng sự thúc giục mạnh mẽ để chất chứa của cải trên thiên đàng, thay vì dưới đất này.

 

Có những chuyện hoang đường nào về thiên đàng?

“Những lời hư ngụy phàm tục giống như chuyện bịa các bà già, thì hãy bỏ đi…”

I Ti-mô-thê 4:7

 

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải định nghĩa rõ điều chúng ta muốn nói là gì khi nói về thiên đàng. Một từ điển đã định nghĩa như thế này: “Nơi ở của Đức Chúa Trời, và của người công chính sau khi chết”.

Từ “thiên đàng” trong tiếng Hy Lạp được dùng theo ba cách trong Kinh Thánh. Nó chỉ về:

1.      Không trung hay các tầng khí quyển – thuộc phạm trù không gian. Những tầng này hình thành nên một trong những sự phân chia nguyên thủy của vũ trụ, như trong Sáng Thế ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên (các tầng) trời và đất”.

2.      Tinh tú hay các tầng trời đầy các vì sao mà thế hệ của chúng ta có khái niệm rộng lớn hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, trước khối tri thức khổng lồ không ngừng gia tăng, chúng ta chỉ có thể quanh quẩn gần bờ của biển trời vô tận. Bầu trời tinh tú được mô tả “là vô tận hơn bất cứ thứ gì chúng ta biết được. Đó là một biểu tượng trong không gian và thời gian về sự sống đời đời của Đức Chúa Trời, cũng như cầu vồng là một biểu tượng về giao ước đời đời của Ngài.”[4] Dầu các từng trời bao la như thế, nhưng Sa-lô-môn lại xem chúng la nhỏ bé khi ông nói về chúng, “Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời chẳng có thể chứa Ngài được thay” (I Các vua 8:27).

3.      Nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời, như được dùng trong Bài cầu nguyện của Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Tại đó, những người được cứu và những thiên thần không sa ngã được chia sẻ sự sống của Đức Chúa Trời và niềm vui sướng của Đấng Cứu chuộc. Chính từ cõi thiên đàng này mà Đấng Christ vốn hiện hữu từ trước vô cùng đã giáng thế để mang lấy hình hài con người hầu cứu chuộc chúng ta. Khi Ngài thăng thiên, Ngài “đã trải qua các từng trời” (Hê-bơ-rơ 4:14). Kết quả và phần thưởng cho công lao cứu rỗi của Ngài đó là Ngài “được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời” (Công vụ 2:33). Sự diễn tả này không biểu thị cho một vị trí tại thiên cung, nhưng cho vương quyền của Ngài.[5] Trong sự thăng thiên, Chúa Giê-xu chỉ lấy lại vị trí cao trọng mà Ngài đã tận hưởng từ cõi đời đời.

Bây giờ là phần trả lời cho câu hỏi của chúng ta trong phần này.

Sự phổ biến của ngôn ngữ ẩn dụ và biểu tượng trong những phần Kinh Thánh nói về thiên đàng đã làm gia tăng một số quan niệm lạ lẫm sai trật và những chuyện hoang đường. Điều lố bịch nhất trong những quan niệm đó lại đến từ những người bảo thủ với việc giải nghĩa những câu nói mang tính thơ ca theo chuẩn mực của văn xuôi, trong khi rõ ràng là theo bối cảnh thì sự giải nghĩa như vậy không thể chấp nhận được. Sau đây là một số sai lạc phổ biến:

·         Công việc chủ yếu trên thiên đàng là ngồi trên mây, khảy những sợi dây của cây đàn hạc làm bằng vàng. Quan niệm chung này là suy nghĩ phổ biến và đáng bị loại bỏ.

·         Mọi thứ trên thiên đàng đều rất nhạt nhẽo, không có thách thức nào, cũng không có gì để phải thiết tha mong đợi. Như chúng ta sẽ thấy, không gì có thể vượt xa khỏi lẽ thật về thiên đàng vốn đã được bày tỏ trong Kinh Thánh,.

·         Cuộc sống trên thiên đàng phần lớn là nghỉ ngơi và trầm lặng, không có những công việc hấp dẫn. Đối với người năng động trên đất, việc nghỉ ngơi liên tục dường như giống địa ngục hơn là thiên đàng. Cuộc sống như vậy chắc chắn sẽ rất thất vọng và buồn chán. Dầu như thế nào, nghỉ ngơi trong ngôn ngữ Kinh Thánh nghĩa là bất cứ điều gì ngoại trừ việc đi loanh quanh không có mục đích. Nó không có nghĩa là nghỉ ngơi khỏi các hoạt động nhưng là nghỉ ngơi trong hoạt động.

F. W. H. Myers, tác giả của những vần thơ tuyệt đẹp về Thánh Phao-lô, đã hỏi một người phụ nữ bị mất đứa con gái rằng bà nghĩ điều gì xảy ra với linh hồn của nó. Bà trả lời “Ồ, tôi cho rằng nó đang tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cõi đời đời, nhưng tôi ước gì ông đừng nói với tôi về những đề tài khó chịu đó nữa.” Lại thêm một quan niệm sai lầm đáng buồn.

·         Khao khát ở thiên đàng là yếu đuối và là một hình thức thoát ly thực tế. Nhưng phải chăng là hoàn toàn ngược lại? Vì chắn chắn có cuộc sống sung sướng hoặc khổ sở trong đời sau, phải chăng sự vắng bóng của khát khao và trông đợi là sự thoát ly thực tế? Phải chăng viễn cảnh được gặp mặt và sống với Chúa là điều gì đó để trông đợi với niềm vui vui sướng?

·         Sẽ không có gì thú vị ở thiên đàng. Đây là nỗi lo sợ vô căn cứ. Theo lời của Đấng Christ, một trong những phần thưởng của thiên đàng dành cho người trung tín phục vụ khi còn trên đất đó là sự ban cho nhiều phạm vi thẩm quyền khác nhau.

 

Hãy nghe những lời minh họa của Ngài:

Có một vị thế tử đi phương xa, đặng chịu phong chức làm vua rồi trở về; bèn gọi mười người trong đám đầy tớ mình, giao cho mười nén bạc, và dạy rằng: Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về. Song dân xứ ấy ghét người, thì sai sứ theo đặng nói rằng: Chúng tôi không muốn người nầy cai trị chúng tôi!

Khi người đã chịu phong chức làm vua rồi, trở về, đòi các đầy tớ đã lãnh bạc đến, đặng cho biết mỗi người làm lợi được bao nhiêu. Đầy tớ thứ nhứt đến trình rằng: Lạy chúa, nén bạc của chúa sanh lợi ra được mười nén. Chủ rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành kia, được lắm; vì ngươi trung tín trong sự nhỏ mọn, ngươi sẽ được cai trị mười thành. Người thứ hai đến thưa rằng: Lạy chúa, nén bạc của chúa sanh lợi ra được năm nén. Chủ rằng: Ngươi được cai trị năm thành.

Lu-ca 19:12-19

 

            Ở đây chẳng có vẻ gì là việc ăn không ngồi rồi! Nhưng điểm lưu ý ở đây là trách nhiệm được ủy thác ở thiên đàng tương ứng với việc trung tín thực hiện trách nhiệm trên đất. Thiên đàng không phải là nơi nghỉ dưỡng dành cho người lười biếng hay lè phè. Chúa Giê-xu đại diện cho Cha Ngài trong tư cách một Đức Chúa Trời hành động. “Cha ta làm việc cho đến bây giờ” (Giăng 5:17), Chúa Giê-xu tuyên bố, và Ngài sẽ có những công việc phong phú và phù hợp cho chúng ta làm.

·         Âm nhạc của thiên đàng sẽ buồn tẻ, nặng nề, và cứ lặp đi lặp lại. Nhà văn khôi hài nổi tiếng người Mỹ, Mark Twain đã mỉa mai rằng âm nhạc của thiên đàng rất nhàm chán. Ông viết: “Nó diễn ra suốt ngày dài và ngày nào cũng vậy, suốt một mạch mười hai giờ. Hát các bài thánh ca đơn điệu, tệ hơn nữa là chỉ có một bài thánh ca đơn điệu. Những lời lẽ luôn giống nhau; lượng từ ngữ trong bài chỉ khoảng mười hai; không có vần điệu, chẳng có chút gì thi vị cả …”[6] Trong sự đánh giá như thế về việc ca hát của thiên đàng, nhà văn lỗi lạc nhưng có đầu óc châm biếm cổ hũ này đã phạm phải một sai lầm không thể bào chữa được đối với một con người của văn chương. Ông đã giải nghĩa phân đoạn Kinh Thánh thuộc thể văn khải thị và mang tính biểu tượng rõ ràng như thể nó là văn xuôi. Sẽ có “một bài ca mới” được hát lên. Lời của Đấng ngự trên ngôi nói rằng: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật”

Bertrand Russell cũng cùng quan điểm với Mark Twain. Ông chùn bước trước suy nghĩ về một cuộc sống vô tận trong tương lai, vì nó quá buồn chán. Nhưng phải chăng ông cũng đang không khám phá được chất lượng của chính cuộc sống mình trên đất? Đối với ông, bài thánh ca nổi tiếng của John Newton, Ân điển Lạ lùng, sẽ không mang lại sự thỏa mãn nào hết.

 

Vạn niên ta ở thiên đàng

Ánh dương ta chiếu vinh quang đời đời

Dâng lời tụng ngợi Ba Ngôi

Cứ thêm lên mãi chẳng vơi ngày ngào.

 

Những người yêu nhau không bao chán việc ở bên nhau! Trong thiên đàng chúng ta sẽ ở với “Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và [chúng ta] vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển” (I Phi-e-rơ 1:8).

·         Phi-e-rơ canh gác những cánh cổng ngọc ngà. Điều này hoàn toàn là tưởng tượng và không có sự hỗ trợ của Thánh Kinh. Nó phát sinh từ việc giải nghĩa sai Ma-thi-ơ 16:18-19.

·         Chúng ta trở thành thiên sứ, mang những vầng hào quang và đôi cánh. Tuy nhiên Kinh Thánh hoàn toàn không nói gì về ý niệm này.

 

Thiên đàng “tốt đẹp bội phần” có nghĩa gì?

“Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn [tốt đẹp bội phần]; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.”

Phi-líp 1:22-24

 

Phao-lô bị giằng xé giữa ý thức trách nhiệm của người chăn bầy và khát khao đối với niềm vui thỏa và sự thỏa nguyện cá nhân. Ông không hề nghi ngờ về “điều rất tốt hơn” đó. Phải chăng ông đã từng nếm trải về thiên đàng trước đó? Trong phần Kinh Thánh tự thuật, ông viết:

Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, Xem chú thích LuLc 23:43

ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.

II Cô-rinh-tô 12:2-4

 

Vì thế khi Phao-lô nói rằng thiên đàng là điều tốt đẹp bội phần, ông đang nói từ kinh nghiệm của mình. Khi thời điểm tuận đạo của ông đến gần, ông đối mặt với nó bằng sự thanh thản vui tươi và sự tin tưởng tuyệt đối. Chẳng hề sợ hãi hay ngại ngần.

 

Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi.Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó…

II Ti-mô-thê 4:6-8

 

Các sử gia ban đầu đã ghi lại lòng dũng cảm và niềm vui sướng của các Cơ Đốc nhân khi đối mặt với cái chết thảm khốc. Vào năm 125 SC, trong lá thư gửi cho một người bạn, Aristides mô tả “một tôn giáo mới gọi là Cơ Đốc giáo.” “Nếu có một người công chính giữa vòng các Cơ Đốc nhân qua đời, thì họ sẽ vui mừng, và dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời; rồi họ tiễn đưa thi hài người đó với những bài hát của sự tạ ơn, như thể anh ta đang sắp đi từ nơi đó đến một nơi ở gần đó.”

Các thánh đồ bị bách hại đó đã đạt đến sự tiếp cận tốt lành và hoan hỉ đối với cái chết, vì họ tin cậy và đã kinh nghiệm được năng quyền phục sinh của Đấng Christ và họ ấp ủ lòng tin trọn vẹn rằng thiên đàng đầy hân hoan đang chờ đón họ. Sự tương phản tuyệt đối giữa niềm vui và khải hoàn của họ và sự than khóc than vô vọng của những người ngoại đạo đương thời trước sự chết trở nên tác nhân truyền giáo mạnh mẽ.

Người vô thần cũng không khá hơn những người ngoại đạo. Khi mẹ của Huxley mất, đây là tất cả những gì ông có thể viết cho chị gái mình: “Chị yêu dấu, em không có được lời an ủi nào dành cho chị, vì em không biết cách nào. Có những điều mà mỗi người phải cố gắng gánh lấy bằng sức mình có được.”

Thiên đàng tốt đẹp bội phần so với những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên đất. Chúng ta có thể tóm tắt một vài ích lợi và phước hạnh của thiên đàng như sau:

·         Chúng ta sẽ vui hưởng sự sống đời đời trong sự hiện diện trực tiếp của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

·         Tất cả những gì làm giảm bớt chất lượng cuộc sống ở trên đất sẽ bị trục xuất khỏi thiên đàng.

·         Những niềm vui tột đỉnh mà chúng ta trải nghiệm trên đất sẽ bị lu mờ ở thiên đàng.

·         Chúng ta sẽ được “sạch hết mọi gian ác liền, trắng trong bao nỗi ác khiên.” Thất bại và hậu quả của thất bại chỉ là điều thuộc về quá khứ.

·         Chúng ta không còn là đối tượng của sự cám dỗ từ thế gian, từ xác thịt và từ ma quỷ.

·         Sự hiểu biết sẽ không còn bị giới hạn.

·         Những giới hạn của thân thể sẽ không còn ngăn trở chúng ta nữa.

·         Mọi thứ làm phong phú cho đời sống chúng ta sẽ luôn có sẵn.

·         Sự đoàn tụ với những người yêu mến và thiết lập những mối quan hệ mới khiến cho thiên đàng trở thành một nơi chốn tuyệt vời của tình bằng hữu.

·         Âm nhạc của thiên đàng sẽ vượt trổi hơn rất nhiều so với những thành tựu ưu việt nhất trong lĩnh vực này trên đất.

·         Sẽ có sự thỏa mãn trọn vẹn cho những mong muốn và khát khao lành mạnh, thánh khiết.

Nói tóm lại, THIÊN ĐÀNG TỐT ĐẸP BỘI PHẦN.

 

Khi tôi đối mặt cùng Cứu Chúa tôi,

Phút hân hoan kia thuật sao rồi?

Ôi vui vẻ thay nhìn Chân Chúa kìa,

Jêsus Christ chết thế tôi kìa.

(Thánh ca 333)

 

Có sự sống sau khi chết không?

“Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” (Gióp 14:14)

 

Điều thường được hỏi nhất đời

Bởi người sâu sắc tìm lời hồi âm

 Từ trong đêm thẳm xa xăm:

Đằng sau sự chết u trầm là chi?

 

Dầu rằng Phao-lô đã bảo đảm với những tín hữu Phi-líp—và với chúng ta—rằng “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (1:21), và rằng “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (1:23), vẫn có một nỗi sợ hãi lan truyền giữa vòng các Cơ Đốc nhân về trải nghiệm cô độc của sự chết. Hoặc có lẽ là nỗi sợ quá trình diễn ra sự chết hơn là sợ chính sự chết. Có rất nhiều những kinh nghiệm trong cuộc sống nằm trong sự kiểm soát của chúng ta, nhưng đây là điều không thể tránh khỏi được và vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

Để giảm bớt thực tế khắc nghiệt của sự chết, chúng ta dùng cách nói tránh để giảm nhẹ nó. Nhà xác trước đây nay được gọi là nhà tang lễ. Cái hòm nay là áo quan. Nghĩa trang tưởng niệm Forest Lawn ở Los Angeles đã được xây dựng rất thu hút và trở nên nổi tiếng như một nơi tổ chức đáng mơ ước cho nhiều đám cưới. Âm nhạc êm dịu giúp giảm nhẹ nỗi đau thương của sự tiễn biệt. Nhưng sự chết vẫn là sự chết và là chủ đề cần né tránh một cách thận trọng trong cuộc nói chuyện.

Tôi muốn nhắc đến đến Philip Neri, một trong những tên tuổi nổi tiếng người Ý của thế kỷ 16. Một ngày nọ, khi đang dạo phố ở quê nhà Florence, ông nhìn thấy một chàng trai đang tiến về phía ông và ông biết rõ anh ta đang ngập tràn hạnh phúc. Niềm vui của anh ta bộc lộ trên chính gương mặt và dáng đi. Khi họ gặp nhau, người già hỏi người trẻ duyên cớ nào mà anh ta vui vẻ như thế. Chàng trai giải thích, anh vừa hoàn thành khóa học ở trường đại học và đã nhận được bằng tốt nghiệp. Những năm vất vả đã qua và cuộc sống mới được bắt đầu.

“Rất tốt,” người già nói, “và điều tiếp theo là gì?” Chàng trai trả lời rằng anh thậm chí còn đang đến văn phòng của những luật sư hàng đầu của thành phố để bắt đầu nghiên cứu về luật để chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình. “Rất tốt,” người già nói, “và tiếp theo là gì?” À, chàng trai trả lời, anh muốn có được sự nổi tiếng, giàu có và trở thành một tên tuổi nổi tiếng ở Florence. “Hy vọng là như thế,” người già nói, “và điều tiếp theo là gì?” À, chàng trai nói, anh cho rằng điều tiếp theo đó là điều sẽ xảy đến cho anh ta cũng như cho tất cả mọi người. Cuộc sống cuối cùng rồi sẽ đi đến kết thúc của nó. “Vâng, thật sự như vậy,” người già nói, “và tiếp theo là gì?” Chàng trai không tìm được câu trả lời, rồi ai đi đường nấy, chàng trai bấy giờ mới đăm chiêu và suy nghĩ về câu hỏi quen thuộc: “Khi cuộc sống này qua đi, tiếp theo sẽ là gì? Có cuộc sống đời sau không?”

Đối với câu hỏi: “Nếu một người chết rồi thì có sống lại không?”, có nhiều câu trả lời từ nhiều nhóm khác nhau. Khi đối mặt với cái chết, người theo chủ nghĩ duy lí như Thomas Hobbes nói rằng: “Tôi đang thực hiện một bước nhảy đáng sợ vào bóng tối.” Người theo chủ nghĩa duy vật xem loài người không gì khác hơn là thịt và máu. Loài người đến từ đất rồi sẽ trở về đất. Họ không có đời sau. Các nhà khoa học không thể làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta cũng không mong đợi họ làm được điều đó, vì khoa học chỉ giải quyết với những điều có thể nhận thấy bằng các giác quan mà thôi. Có những thứ vượt xa hơn kinh nghiệm mà khoa học không am hiểu cách tận tường được. Người theo thuyết bất khả tri thì không tin bất cứ sự mặc khải thiêng liêng nào và bảo vệ quan điểm rằng không ai biết hay có thể biết điều gì đằng sau sự chết.

Khái niệm về một thiên đàng phía sau sự chết không phải là ý tưởng của riêng Cơ Đốc nhân. Giữa vòng những người nam và nữ, cả người tối dạ lẫn khôn ngoan đều có một ước muốn bẩm sinh về sự bất tử. Bằng chứng của ước muốn bẩm sinh này hiện diện giữa vòng những người tiền sử, chẳng hạn như niềm tin về sự hiện hữu của sự sống sau cái chết. Dù rằng những ý niệm này không nhất thiết là bằng chứng cho sự sống còn nào đó, chúng lại là chứng cứ của một niềm tin hầu như phổ quát về sự bất diệt mà con người đang mong đợi.

Một đặc điểm chung của các khái niệm này là việc xem cuộc sống hiện tại như là sự tiếp diễn cách vô định sau sự chết, cùng với sự hài lòng về những khát vọng vật chất. Một suy nghĩ chung khác giữa nhiều nhóm phái đó là trong đời sau sẽ có phần thưởng cho người có phẩm hạnh tốt, sự bù đắp cho những khổ đau, và hình phạt cho những hành động sai trái. Khát vọng và niềm tin phổ phát này đơn thuần chỉ là một ảo vọng, hay nó có nguồn gốc từ thực tế?

Một số người xem câu hỏi này là không phù hợp với thời đại không gian ngày nay. Ý niệm về một cuộc sống hạnh phúc không dứt sau sự chết bị xem là phi thực tế và lố bịch. Ngồi trên mây khảy đàn hạc bằng vàng không phải là một viễn cảnh thú vị. Thậm chí giữa vòng các Cơ Đốc nhân, phúc âm phổ biến về “sự mạnh khỏe, giàu có, và thành công” trong cuộc sống đời này đã làm lu mờ đi mọi ước muốn về thiên đàng. Thiên đàng có thể là ngay ở đây và ngay lúc này.

Nhưng niềm tin về cuộc sống sau khi chết đã vốn có ngay trong sự tạo thành loài người, vì Đức Chúa Trời “khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người” (Truyền Đạo 3:11).

Cách đây một thế kỷ, niềm hy vọng về cuộc sự sống sau khi chết và những chủ đề liên quan đã chiếm ưu thế trong những cuộc nói chuyện và trong văn chương, nhưng ngày nay thực tại trước mắt quá thu hút sự bận tâm của hầu hết mọi người đến nỗi từ ngữ bất tử không nằm trong từ điển của họ. Thiên đàng và địa ngục ngày càng hiếm khi được nhắc đến trong sự giảng dạy hiện nay, và điều này được phản ánh trong quan điểm phổ biến.

Tuy nhiên, gần đây có một sự đảo ngược nhẹ của xu hướng này, có lẽ như sự phản ứng trước sự lan tràn của tội ác, bạo lực, và chiến tranh trong xã hội. Tính phổ biến của các tôn giáo Đông phương và sự gia tăng chóng mặt trong các hoạt động huyền bí cũng khuyến khích sự quan tâm đến lĩnh vực này. Ngoài ra, óc tò mò cũng gia tăng giữa vòng những người từng hoài nghi trước đây do những tuyên bố rộng rãi của những người được cho là đã chết lâm sàng nhưng được sống lại, rằng họ có những trải nghiệm vui sướng vượt ngoài thân xác trong khi “chết.”

Trong vòng các triết gia Hy Lạp là những người tranh cãi về tính bất diệt của linh hồn, Cicero tuyên bố rằng có một linh cảm nào đó về sự bất tử trong tâm trí con người mà nó bám rễ sâu nhất và khó phát hiện nhất trong những thiên tài vĩ đại và trong hầu hết những linh hồn cao thượng.

Trong vở Cato, Joseph Addison viết:

 

Phải thế thôi! Plato, ngươi lý luận hay lắm,

Do đâu mà có hy vọng ngọt ngào này,

Mong muốn yêu thích này,

Khát vọng này sau khi bất tử?

Hay do đâu mà nỗi khiếp sợ thầm kín

Và sự ghê rợn trong tâm hồn của việc rơi vào hư không?

Sao nỡ thu nhỏ linh hồn,

Trở về với chính nó và hoảng hốt với sự hủy diệt?

Đó là thánh thần khuấy động bên trong chúng ta;

Đó là chính thiên đàng vạch ra một tương lai

Và sự vĩnh cửu riêng cho mỗi người.[7]

 

Khi sức nặng của những bằng chứng ngoài Kinh Thánh này được củng cố thêm bởi thêm bởi những khẳng định rõ ràng không chút mập mờ trong Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể xác quyết với lòng tin chắc rằng quả thật có sự sống sự sau cái chết.

Cách nhìn bi quan và vô vọng của một nhà văn vĩ đại về sự sống đời sau tương phản cách kỳ lạ với hy vọng lạc quan của Cơ Đốc nhân. Khi sắp qua đời, nhà vô thần Bertrand Russell đã nói: “Có một màn đêm bên ngoài, và khi tôi chết đi sẽ có một màn đêm bên trong. Không có hào quang, không sự bao la ở bất cứ nơi đâu, chỉ là sự tầm thường trong phút chốc và rồi không còn gì cả.”

Nhưng khi Harriet Beecher Stowe, tác giả của tác phẩm nổi tiếng Túp lều Bác Tôm, đối diện với cái chết của Henry, đứa con trai yêu quý của bà, bà đã thốt lên: “Chúa Jêsus sẽ ban lại cho tôi đứa con trai yêu dấu mà Ngài đang dạy dỗ nó trong một môi trường cao đẹp hơn rất nhiều so với những dự định của tôi dành cho nó.”

 

Sao ta phải sợ chết đi

Dẫu sống chẳng qua là hơi thở?

Chết đi rồi mắt lại sáng tỏ hơn.

Ồ, ngạc nhiên mững rỡ dường nào!

Ngủ vậy mà bạn cũng khiếp sợ sao?

Chết chẳng qua là nhắm mắt

Cho đến khi thức giấc thôi mà

Tại nơi đây hay khi ta trỗi dậy

Phía bên các tầng trời bao la.

 

Sự chết là kẻ thù hay người làm ơn?

“Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Hỡi mồ mả, sự thắng của mầy ở đâu?

Cái nọc sự chết là tội lỗi…”

I Cô-rinh-tô 15:55-56

Câu Kinh Thánh mang tính lạc quan này chứa đựng hai từ ngữ không được yêu thích nhất trong tiếng Anh đó là sự chết (death) và mồ mả (grave). Phao-lô nghĩ đến cái nọc độc gây đau nhức khủng khiếp và chết người của bọ cạp. Ông dùng nó để so sánh với hậu quả đau đớn của tội lỗi. Qua công cụ tội lỗi, sự chết và mồ mả đã nắm quyền thống trị ác nghiệt trải bao đời trên nhân loại. Tác giả thư Hê-bơ-rơ đề cập đến những người “vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.” (2:15)

Trong lập luận sắc bén của I Cô-rinh-tô 15, Phao-lô chứng tỏ rằng trong sự phục sinh của Đấng Christ, Ngài đã dứt bỏ nọc độc của sự chết và cướp mất chiến thắng nhất thời của mộ phần. Ngay cả trước khi phục sinh, Chúa Jêsus cũng đã phá hỏng các tang lễ mà Ngài tham dự. Chiến thắng của mộ phần bị đảo ngược, và nọc độc của sự chết bị trung hòa. Khi Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết, Sa-tan phải gánh chịu một thất bại vô cùng thảm hại mà từ đó nó sẽ không bao giờ được khôi phục lại được.

Câu Kinh Thánh đầy tính thuyết phục được trích dẫn trên đây đưa ra một thử thách kép cho sự chết và mồ mả. Từ khi Đấng Christ phục sinh, Cơ Đốc nhân không còn bất cứ lý do gì để sợ hãi những thay đổi mà sự chết có thể mang đến. Giờ đây, còn đâu nỗi sợ mơ hồ ám ảnh lòng người từ cái ngày tai họa trong vườn Ê-đen?

Sự tử đạo vào năm 1934 của John và Betty Stam, hai giáo sĩ của Hội truyền giáo China Inland, đã gây sốc cho các Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới. Họ bị chém đầu bởi những kẻ cướp người Trung Hoa. John đã có một chút chuẩn bị cho sự tử đạo bởi một bài thơ được gửi cho ông lúc ông còn ở trường dạy ngôn ngữ. Nó được viết về sự tử đạo của một giáo sĩ bởi tay của những kẻ cướp ở Bắc Trung Hoa. Khi đó, với khẩu súng trong tay, chúng hỏi ông có sợ hãi không, ông trả lời: “Không! Nếu các anh bắn tôi, tôi sẽ đi ngay vào thiên đàng!”

Bài thơ được viết bởi E.H. Hamilton, cũng là một giáo sĩ cho người Trung Hoa, và bài thơ đó rõ ràng là rất có ý nghĩa đối với John.

Sợ chi? Sợ thấy mặt Ngài?

Nghe lời chào đón của Ngài, sợ chi?

Lời ân điển sáng diệu kỳ

Sao còn phải sợ điều gì hỡi anh?

 

Sợ chi đổ vỡ chung quanh?

Giáo kia đâm thấu, tim anh huyết tràn

Sáng, đêm, mỹ thuật thiên đàng!

Vết thương giống Chúa, anh đang sợ gì?

 

Sợ chi sự chết diệu kỳ

Là điều sự sống chẳng chi làm thành?

Sợ chi đất nhuộm máu anh

Nhiều linh hồn sẽ kết thành hoa thơm?

 

Sự chết là gì?

Chúng ta có thể định nghĩa nó như thế nào? Trong một bài thuyết trình đăng trên Thời báo Luân Đôn ngày 12/12/1967, Tiến sĩ Henry Beecher đưa ra ba định nghĩa hữu ích mang tính y học như sau[8]:

 

Sự chết xảy ra:

1.      Ngay giây phút mà não bộ bị hủy hoại không thể ngăn được và được xác định chắc chắn là không có khả năng tỉnh lại được.

2.      Ngay giây phút mà nhịp tim tự nhiên không thể khôi phục được.

3.      Ngay giây phút mà việc “chết não” được xác định bởi điện não đồ.

Có lẽ định nghĩa đơn giản nhất từ quan điểm tôn giáo là sự phân rẽ khỏi nguồn sống.

Kinh Thánh phân biệt ba loại chết như sau:

Chết thuộc thể—sự phân rẽ của cơ thể khỏi linh hồn và tâm linh.

Chết thuộc linh—sự phân rẽ của linh hồn và tâm linh khỏi Đức Chúa Trời.

Chết đời đời—sự chết thuộc linh vĩnhh viễn. “Đó là sự chết thứ hai.” (Khải huyền 21:8)

Nhưng Chúa Jêsus dạy các môn đồ Ngài rằng, đối với một người tin Chúa, sự chấm dứt cuộc sống không phải là “chết.” Ngài dành riêng từ ngữ đáng sợ đó cho một ý nghĩa sâu xa hơn. Ngài nhấn mạnh đến việc gọi sự chết của những người tin Ngài là “ngủ.”

 

Trước khi đi đến mộ của La-xa-rơ, Ngài nói với các môn đồ: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi.

Giăng 11:11-14

 

Các môn đồ chậm hiểu khi không nhận ra rằng Ngài không nói về sự nghỉ ngơi trong giấc ngủ. Vì họ vẫn còn giữ quan niệm sai lầm của mình, nên Chúa Jêsus phải nói rõ ràng cho họ hiểu.

Trong một bài giảng của mình, Tiến sĩ J. H. Jowett của Birmingham, Anh Quốc, đã chỉ ra rằng Chúa Jêsus không đơn thuần là “ngủ.” “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta” (I Cô-rinh-tô 15:3). Trên đồi Gô-gô-tha, Ngài đã kinh nghiệm sự chấm dứt trong thân xác mà chúng ta gọi là chết. Nhưng đối với Ngài, chứ không ai khác, sự chết còn mang những ngụ ý rộng lớn và đau thương. Nhiều người theo Ngài phải cam chịu những đớn đau cùng cực bởi sự đóng đinh như Ngài đã chịu. Nhưng họ không chết. Họ chỉ ngủ.

Sự thống khổ và đau đớn cực độ của thập tự giá, sự cô độc do bị Cha Ngài lìa bỏ, sự đè nén của gánh nặng tội lỗi nhân loại—đó là sự chết—sự kinh khiếp của bóng đêm đen mù, canh khuya của linh hồn.[9] Chúa Jêsus chết để những kẻ tin Ngài có thể chỉ ngủ thôi.

Việc hiểu rõ điều này sẽ xua đi nỗi sợ sự chết, một trải nghiệm mà chúng ta không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, đối với nhiều người, không phải họ sợ bóng tối của sự chết, mà là sợ tiến trình của sự chết, và điều sẽ xảy ra sau đó. Đối với họ, đây là yếu tố khiến họ phải lo âu.

 

…nỗi khiếp sợ điều gì đó sau cái chết,

Một vùng đất chưa được khám phá

Nơi mà từ biên giới của nó, không lữ khách nào có thể trở về

Hamlet III 1, 78-80

 

Những năm trước đây, sự chết diễn ra tại nhà, nơi mà người ta được sinh ra và chết đi. Đó chỉ là một phần của cuộc sống bình thường và được mọi người chấp nhận như vậy. Những sự kiện này là chủ đề chuyện trò hàng ngày. Ngày nay những điều này không xảy ra ở nhà nhưng còn ở bệnh viện. Ngày nay, những việc xảy vốn xảy ra trong gia đình riêng tư này lại quá tách biệt đến nỗi nhiều người không kinh nghiệm được việc tiếp xúc với người đang hấp hối và người chết cho đến khi đã sống nửa đời người. Vì vậy mà những điều này trở nên cách biệt với đời thực, và nó khiến cho con người cảm thấy khó khăn hơn khi đối mặt với thực tế đau buồn. Sự chết đã trở nên một chủ đề không thể được chấp nhận trong khi trò chuyện.

Tuy nhiên, không nên xem sự chết như một đích đến cuối cùng nhưng như một đường dẫn vào một thế giới phong phú, xinh đẹp và tuyệt vời đến mức khó tin. Sự chết của một người tin Chúa là một sự chuyển tiếp, nó không phải là một tình trạng cuối cùng. Chúng ta cần nhớ rằng chỉ thân thể thuộc về đất này là bị ảnh hưởng tai hại bởi sự chết mà thôi.

Wolfgang Amadeus Mozart chết khi tuổi đời chỉ mới 35, đã viết bức thư lạc quan cách kỳ lạ cho cha của mình vào ngày 4.4.1787 như sau:

 

Vì sự chết (nói chính xác) là cái kết đích thực và mục đích của cuộc đời, nên trong những năm qua, con đã tìm hiểu kỹ càng người bạn tốt nhất của con người này đến mức việc suy nghĩ về nó không những khiến con không sợ hãi mà còn đem đến sự an ủi cho con. Con cảm ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con cơ hội và vận mệnh tốt đẹp để có thể nhận biết rằng sự chết là chìa khóa cho niềm hạnh phúc thật của chúng ta.

Con không bao giờ đi ngủ mà không ngẫm nghĩ về ý tưởng rằng có thể lắm, một người trẻ như con, ngày hôm sau sẽ không còn sống nữa. Không một người nào quen biết con lại có thể cho rằng con từng rầu rĩ hay buồn chán trong mối quan hệ xã hội. Vì niềm hạnh phúc này con tạ ơn Đấng Tạo hóa của con từng ngày, và con thành tâm ước ao niềm hạnh phúc này cho tất mọi người bên con.[10]

 

Chắc chắn rằng Mozart đã có thể bận rộn với một chủ đề vui tươi hơn. Tuy nhiên đối với ông, sau khi đối mặt với tất cả những ẩn ý của sự chết thì sự chết đã mất đi nọc độc của nó và mồ mả đã mất đi chiến thắng của nó. Ông xem sự chết không phải như một kẻ thù, nhưng như một người làm ơn.

Những người đối mặt với sự chết một cách tự tin nhất là người đã chấp nhận hoàn toàn rằng sự chết là điều không thể tránh khỏi và họ có một đức tin mạnh mẽ nơi Đấng Christ. Họ có thể đối mặt tình huống đó với một sự bảo đảm dựa trên nền tảng thuộc linh về sự cứu chuộc dành cho họ.

Sự chết kia không còn nọc độc

Mả mồ kia mất lộc khải hoàn

Chẳng gì ta phải ngỡ ngàng

Đấy nơi ở của người đang gần mình

Nơi tràn không khí gia đình

Nơi người đi khiến hành trình gần hơn.

 

Xuyên suốt Kinh Thánh, sự chết được giới thiệu như là hậu quả của tội lỗi. Vì thế Phao-lô đã đúng khi mô tả nó như kẻ thù cuối cùng phải bị tiêu diệt. Hội thánh đầu tiên cũng đồng quan điểm với ông và xem sự chết như một kẻ thù đã bị đánh bại. Do đó, họ xem sự chết như một người làm ơn chuẩn bị ban cho họ một ích lợi vô giá. “Ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn!”

 

Trông xem ngày dạo bờ vàng

Nắm tay Chúa tại thiên đàng quang vinh

Thở bầu không khí mới tinh

Căng tràn nhựa sống trường sinh trong mình

Trông xem ngày vượt khổ hình

Đến nơi mãi mãi yên bình, phong lưu

Khi ta bừng tỉnh giấc thu

Ngập trong vinh hiển phát lưu từ trời.

G.P. Singer

 

Sẽ có sự nhận biết nhau trên thiên đàng hay không? Đây là một câu hỏi có giá trị tình cảm rất lớn. Niềm khát khao, hy vọng được nhận biết những người thân yêu của mình trên thiên đàng thì thật lâu dài và thiết tha.

Nếu tôi biết rằng không bao giờ tôi nhận biết được người mà tôi dành hơn ba mươi chín năm chung sống trên đất, thì sự mong đợi về thiên đàng sẽ giảm đi nhiều lắm. Việc nói rằng chúng ta sẽ ở với Đấng Christ và như thế là đủ rồi đồng nghĩa với việc cho rằng chúng ta sẽ không có những bản năng và cảm xúc xã hội mà rất có ý nghĩa đối với chúng ta ở đây.[11]

W. Graham Scroggie

 

Thiên đàng là một nơi chốn thực sự, nhưng đó cũng là một phạm vi trong thế giới này mà Đức Chúa Trời đang tể trị. Kinh nghiệm thuộc linh tốt nhất của chúng ta trên đất này cũng chỉ là một hương vị của thiên đàng mà thôi. Hiện nay, khi trên đất này, chúng ta chỉ có thể nếm biết phần nào sự vinh quang của sự sống hầu đến. Đối với chúng ta, thiên đàng hiện nay là nơi chúng ta đang sống dưới sự trị vị của Đức Chúa Trời và phước hạnh của Đức Thánh Linh. Một ngày kia thiên đàng cũng sẽ là một nơi chúng ta bước đi trong thân thể vinh quang của chính mình.[12]

John Mac Arthur, Jr.

 

 —————————–


[3] Living Today Presbyterian Church of Autralia, (Melbourne: August 8, 1991), 16.

[4] J. I Packer, The Apostles’ Creed (Wheaton, Ill.: Tyndale House, 1986), 61.

[5] Ibid. (như trên), 61.

[6] Mark Twain, Letters from the Earth (New York: Fawcett, 1964), 17.

[7]Charles F. Ball, Heaven (Wheaton, Ill.: Victor, 1980), 20.

[8]David Winter, Hereafter (Wheaton, Ill.: Harold Shaw, 1972), 22..

[9] J. H. Jowett, Apostolic Optimism (New York: Richard R. Smith, n. d.), 171.

[10] Alfons Deeken, Growing Old and How to Cope with It (New York: Paulist, 1972), 98.

[11] W. Graham Scroggie, What about Heaven? (Glasgow: Pickering and Inglis, n. d.), 93.

[12] John Mac Arthur, Jr., Heaven (Chicago: Moody Press, 1988), 19.

 

Bài trướcGiới Thiệu Bản Tin Mục Vụ 50
Bài tiếp theoBài 62: Giới Thiệu Sách Ma-Thi-Ơ