Ngày 25/11/2015: Phúc Âm Vượt Khỏi Quê Nhà

717

Công Vụ 8:1-13

“Nhưng khi Chúa Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Bằng cách nào Phúc Âm của Chúa Giê-xu lan rộng đến miền Giu-đê và Sa-ma-ri? Người dân ở Sa-ma-ri đáp ứng với Phúc Âm của Chúa Giê-xu như thế nào? Bạn nhận ra những bài học nào trong qua phân đoạn Kinh Thánh hôm nay?

 

Sau sự tuận đạo của ông Ê-tiên, Hội Thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem bị bắt bớ dữ dội. Ông Sau-lơ đã cuồng tín, bức hại những người tin theo Chúa Giê-xu, xông vào từng nhà bắt cả nam lẫn nữ bỏ tù. Trừ các sứ đồ vẫn bám trụ để khích lệ, an ủi các tín hữu bị tù đày vì Danh Chúa, những tín hữu còn lại phải chạy tan lạc khắp các miền Giu-đê và Sa-ma-ri để lánh nạn. Họ đã mang theo hạt giống Phúc Âm và gieo rắc mọi nơi họ đi qua. Sự bức hại tàn bạo không thể hủy diệt niềm tin của Cơ Đốc nhân đặt vào Chúa phục sinh. Nhưng trái lại, đã tạo nên một cơ hội và động lực thúc đẩy các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem rời khỏi quê hương mình, để trở thành những nhà truyền giáo cho các vùng miền xa lạ.

 

Ở đây, ông Phi-líp được nêu tên như một tiêu biểu cho các môn đệ tản lạc. Ông là một trong bảy người được bầu chọn phụ giúp công tác ẩm thực ở Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 6:3, 5) đã trở nên một nhà truyền giáo, công bố Phúc Âm cho người Sa-ma-ri. Ông cũng đã nhận được quyền phép của Chúa Thánh Linh làm những phép lạ, chữa lành bệnh tật và đuổi những tà linh ra khỏi người bị khống chế.

 

Dân thành Sa-ma-ri là dòng dõi của những người Do Thái kết hôn với người ngoại bang. Họ bị người Giu-đa khinh bỉ là dân tạp chủng, mất gốc, nhưng chính Chúa Giê-xu đã chủ động tiếp cận với người nữ Sa-ma-ri bên giếng (Giăng 4), và trao mệnh lệnh cho các môn đệ giảng tin lành cho dân thành này (Công Vụ 1:8). Cả dân thành Sa-ma-ri đã đáp ứng rất tích cực với Phúc Âm của Chúa. Họ chăm chú lắng nghe ông Phi-líp giảng giải và cả thành đều nức lòng vui mừng vì sứ điệp của Chúa và những dấu kỳ phép lạ được thực hiện giữa họ (câu 6-8). Tin Lành về vương quốc của Đức Chúa Trời đã làm cho dân thành này nhận ra niềm tin sai lệch đã đặt nơi thuật sĩ Si-môn. Cả nam lẫn nữ đều tiếp nhận Phúc Âm và nhận lãnh phép Báp-têm (câu 12).

 

Trong lịch sử của Cơ Đốc giáo, nơi nào có sự bức hại khốc liệt nhất thì nơi đó Phúc Âm của Chúa được sống động và lan rộng hơn hết. Chúa luôn tể trị và hành động qua những hoàn cảnh khó khăn nhất để tạo ra những bông trái ngon ngọt nhất. Trong sự truyền giảng Phúc Âm, Chúa đóng vai trò khởi xướng, tạo cơ hội, ban năng quyền cho con dân Ngài để làm thành ý chỉ tốt đẹp của Ngài là rao giảng tin lành cho muôn dân trên khắp đất (Công Vụ 1:8). Con dân Chúa cần nhạy bén, đáp ứng tiếng gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh, làm công cụ đắc lực trong tay Ngài, trung tín rao giảng Phúc Âm và không phân biệt đối tượng theo quan điểm cá nhân của mình.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng luôn hành động một cách khôn ngoan đem lại sự tốt đẹp cho loài người Chúa yêu thương. Xin cho con sốt sắng chia sẻ niềm tin nơi Chúa cho người chưa tin, nhạy bén nhìn biết và nắm lấy cơ hội chia sẻ Phúc Âm cho những người Chúa đặt để bên con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Rô-ma 11.

 

Bài trướcBài 62: Giới Thiệu Sách Ma-Thi-Ơ
Bài tiếp theoNgày 26/11/2015: Cảm Tạ Chúa