Bài 53: Các Anh Giô-sép Xuống Ai Cập Mua Lương Thực

2739

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

 

 

Sáng Thế ký 42                                                   

 

Những diễn biến đầy bi đát trong cuộc đời Giô-sép sắp bắt đầu mở ra. Những phương cách mà Đức Chúa Trời đề ra trong sự kiện dùng Giô-sép để bảo tồn nòi giống suốt trong thời kỳ đói kém, sự kiện Gia-cốp và các con của ông di cư đến xứ Ai-cập đã bắt đầu lộ ra rõ ràng trong từng chi tiết. Khi Giô-sép bị giam trong ngục, ông không thể hiểu được tất cả điều này. Nhưng Giô-sép là người tin Đức Chúa Trời. Giô-sép là một người, mà bởi lòng tin, luôn luôn giữ được thái độ nhiệt thành và rất lạc quan.            

 

Giô-sép lúc bấy giờ đang có một địa vị cao trọng tột bực, và điều gì sẽ sắp sửa xảy ra, chúng ta đã có thể đoán được rồi! Cơn đói kém đang diễn ra khắp nơi, và các dân trên trái đất trong thời đó đang đổ dần về Ai-cập để được mua lương thực. Hãy đoán xem, ai sẽ đến đó để mua lúa gạo ăn?

 

Cơn đói kém đã khiến Gia-cốp phải sai 10 người con trai của mình đi đến Ai-cập đặng mua lương thực. Tại sao chỉ có 10 người? Tại sao Gia-cốp không sai Bên-gia-min đi theo họ? Bởi vì ông ta không muốn mất Bên-gia-min. Vì giả sử, nếu Bên-gia-min lại mất đi thì chắc ông sẽ đau buồn có thể chết sớm thôi!

 

Giô-sép nhận ra anh em của mình ngay, nhưng ngược lại họ không thể nhận ra Giô-sép.

 

Tại sao vậy? Ấy là bởi nhiều lý do:

 

Trước hết, họ nghĩ rằng Giô-sép đã chết, thế nên họ không muốn tìm kiếm anh ta làm gì. Họ cũng chẳng mong mỏi gặp lại anh ta nữa, nhưng Giô-sép thì rất mong mỏi gặp lại các anh em của mình.

 

Lý do thứ hai, chúng ta nên nhớ rằng, vì đã nhiều năm trôi qua rồi. Lúc Giô-sép bị các anh mình bán cho người Ích-ma-ên thì lúc đó cậu mới 17 tuổi mà bây giờ Giô-sép đã hơn 37 tuổi. Tuy nhiên cũng phải kể thêm vào nhiều năm nữa lúc nạn đói kém đang xảy ra. Chúng ta chỉ tính thêm 1 năm thôi. Thế thì chúng ta có thể phỏng đoán tương đối chính xác là ít nhất Giô-sép đã không gặp các anh mình trong khoảng 21 năm. Lúc này có lẽ Giô-sép khoảng 40 tuổi, mà lại ăn mặc giống như người Ai-cập, nói năng và hành động giống hệt như một người Ai-cập thì làm thế nào họ có thể nhận ra Giô-sép được! 

 

Bây giờ chúng ta hãy trở lại câu chuyện dở dang:

 

 

GIA-CỐP SAI 10 NGƯỜI CON TRAI ĐẾN AI-CẬP MUA LÚA GẠO

 

Sáng Thế ký 42:1-2, “Gia-cốp thấy xứ Ê-díp-tô có lúa bán ra, bèn nói cùng các con trai mình rằng: Sao bay ngơ ngẩn nhìn nhau vậy? Lại rằng: Nầy, cha nghe dưới xứ Ê-díp-tô có lúa bán; bay hãy xuống đó mua lúa ta, hầu cho chúng ta sống và khỏi chết chớ!”

 

Điều này minh họa khá sinh động về lòng tin. Có rất nhiều người nói rằng lòng tin là cái gì quá huyền bí đối với họ, và không biết làm thể nào để có thể đạt được niềm tin. Có một người khi được nghe làm chứng về Chúa, nhưng anh ta chẳng muốn tin, anh ta biện bạch lại rằng: “Vâng, nhưng làm thế nào tôi có thể tin được.” Ở đây chúng ta hãy để ý phương cách làm thể nào mà Gia-cốp đã tin. Ông ta đã nghe một đôi điều từ một người nào đó, ông nói: “Cha nghe nói ở dưới xứ Ai-cập có lúa bán.” Ông đã tin rằng điều đó có thể cứu sống được cả gia đình ông, thế rồi ông hành động dựa theo niềm tin đó: “Các con hãy xuống đó đặng mua lúa cho chúng ta, hầu cho chúng ta được sống và khỏi chết.”  Lời đó thể hiện được niềm tin nghĩa là gì?  Một số người thường hay hỏi rằng: “Làm thế nào để tôi có thể tin Chúa Giê-xu được?” Chúng ta có thể hình dung được như thế này. Gia-cốp đang đứng đó trước mặt các con trai mình và nói rằng: “Ta nghe nói dưới Ai-cập có lúa bán, nhưng làm thể nào ta có thể tin điều đó được?” Xin thưa rằng, con đường tiến đến niềm tin là phải hành động dựa trên niềm tin đó. Kinh Thánh chép rằng: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu Christ thì ngươi và nhà người sẽ được cứu” (Công vụ 16:31). Chúng ta nghe nói đến điều gì, thế rồi chúng ta tin điều đó, ấy cũng là cách mà Gia-cốp đã làm. Đó cũng là cách mua được lúa hầu cứu lấy mạng sống gia đình ông. Và phương cách mà chúng ta có được sự sống đời đời là phải tin vào Cứu Chúa Giê-xu Christ!

 

Sáng Thế ký 42:3-5, “Mười người anh của Giô-sép bèn xuống Ê-díp-tô đặng mua lúa. Nhưng Gia-cốp không cho Bên-gia-min, em Giô-sép, đi cùng các anh; vì nghĩ rằng: Ta nên giữ chừng, kẻo xảy ra điều rủi ro cho nó. Xứ Ca-na-an bấy giờ cũng đói, nên các con trai của Y-sơ-ra-ên cũng đổ xuống Ê-díp-tô mua lúa như các người khác.”

 

Hãy tưởng tượng rằng, điều rủi ro xảy đến cho 10 người con trai kia sẽ là gì? Họ sẽ bị biến mất như Giô-sép trước đây chăng? Dẫu sao thì họ cũng đã lớn tuổi cả rồi. Nhưng chúng ta muốn biết sự thật ẩn ý mà Gia-cốp muốn nói chăng? Nếu một trong số các con trai rủi có thất lạc đi thì cũng không làm cho Gia-cốp quá đau đớn như đối với Bên-gia-min. Vì Bên-gia-min và Giô-sép là hai con trai của Ra-chên, mà Ra-chên là người vợ mà Gia-cốp hết sức yêu quý, và chắc hai cậu con trai đó cũng chính là hình bóng thân thương về người mẹ Ra-chên. Thế nên, Giô-sép sai tất cả 10 người con trai kia đi xuống xứ Ai-cập và chỉ giữ một mình Bên-gia-min ở lại với ông.

 

Bây giờ chúng ta hãy tiến đến để chứng kiến cái tấn tuồng đầy bi kịch này.

 

 

DIỆN KIẾN VỚI GIÔ-SÉP

 

Sáng Thế ký 42:6, “Vả, lúc nầy, chánh Giô-sép cai trị trong nước, và bán lúa cho cả dân bổn xứ. Các anh Giô-sép bèn đến, sấp mình xuống trước mặt người.”

 

Giô-sép vẫn canh chờ họ, vì Giô-sép biết rằng thế nào rồi họ cũng sẽ đến. Vào thời điểm đó có rất nhiều đoàn người từ khắp nơi trên trái đất đổ về Ai-cập để mua lúa gạo, vì trận đói kém xảy ra trên khắp xứ. Giô-sép cứ canh chừng, và kìa Giô-sép trông thấy 10 người anh mình đang đi đến. Họ gieo mình và sấp mặt xuống đất trước Giô-sép. Điều này đã ứng nghiệm trọn vẹn theo nghĩa đen về điềm chiêm bao của Giô-sép trước đây. Đó là điềm chiêm bao về những bó lúa của các anh sấp mình xuống trước bó lúa của Giô-sép. 

 

Bây giờ thì điều đó đã thật sự xảy ra, các anh trai của Giô-sép đang sấp mình xuống trước mặt Giô-sép.

 

Sáng Thế ký 42:7-8, “Giô-sép thấy, nhìn biết các anh mình; nhưng giả làm mặt lạ cùng họ, nói một cách xẳng rằng: Các ngươi ở đâu đến? Đáp rằng: Ở xứ Ca-na-an đến đặng mua lúa. Vậy, Giô-sép nhìn biết các anh mình; nhưng họ nhìn lại chẳng ra.”

Tại sao Giô-sép lại cư xử cách xẳng xớm như vậy không? Ấy là vì Giô-sép đang muốn trắc nghiệm họ, và chúng ta sẽ thấy được rằng Giô-sép sẽ trắc nghiệm họ liên tục bằng nhiều phương cách. Qua đó chúng ta thấy Giô-sép sẽ đưa ra cho họ những câu hỏi gai góc, nhưng rất là thấm thía.

 

Sáng Thế ký 42:9-11, “Giô-sép nhớ lại điềm chiêm bao mình đã thấy về anh em mình, liền thét rằng: Các ngươi là thám tử, đến đây đặng dòm hành những nơi yếu óp của xứ ta. Đáp rằng: Thưa chúa, chẳng phải vậy; các tôi tớ chúa đến đặng mua lúa mà thôi. Chúng tôi đây đều là con một cha, vốn nhà lương thiện, chẳng phải là thám tử đâu. Người đáp lại rằng: Chẳng phải; các ngươi đến đặng dòm hành những nơi yếu óp của xứ nầy. Đáp rằng: Kẻ tôi tớ chúa có mười hai anh em, con của một cha, nguyên xứ Ca-na-an; nầy một người đã đi mất biệt, còn người út hiện bây giờ hãy ở tại nhà cùng cha chúng tôi.”

 

Lúc đó Giô-sép đang đóng kịch rất tài tình và đã đưa vấn đề lên đến mức gây cấn tột cùng. Giô-sép đang cố ý tìm biết được càng nhiều thông tin càng tốt mà chẳng để lộ cho họ biết mình là ai. Giô-sép giả vờ kết tội họ là thám tử. 

 

Ở đây, trước mặt Giô-sép họ chỉ có 10 người. Họ thú nhận rằng thật ra họ có cả thảy 12 người anh em, mà một người đang ở lại nhà với cha, còn “người kia” thì đã ra đi biệt tích. Nói một cách khác, họ nghĩ rằng Giô-sép đã chết, nhưng họ đâu biết rằng người ấy hiện đang đứng trước mặt họ sờ sờ bằng xương bằng thịt!

 

Bây giờ đến lần thứ ba, Giô-sép lại cố gán ghép cho họ cái tội làm thám tử!

 

Sáng Thế ký 42:14-16, “Giô-sép nói: Ấy quả thật như ta nói, các ngươi là thám tử. Đây là điều ta thử các ngươi: Ta chỉ mạng Pha-ra-ôn mà thề rằng, hễ em út các ngươi không đến đây thì chẳng bao giờ các ngươi ra khỏi chốn nầy được. Hãy sai một người nào trong bọn các ngươi về dẫn em út xuống; còn bao nhiêu thì phải ở tù lại đây. Lời các ngươi phải thử đã, rồi ta sẽ biết các ngươi nói đó có quả thật chăng. Nếu chẳng thật, thì ta chỉ mạng Pha-ra-ôn thề rằng, các ngươi là thám tử đó. Đoạn, Giô-sép truyền đem giam họ chung trong ngục ba ngày.”

 

Rõ ràng Giô-sép đang cố ý để bắt liên lạc cho được với người em trai út của mình. Mười người này thật ra là anh em cùng cha khác mẹ với Giô-sép, nhưng Bên-gia-min lại là đứa em trai cùng một cha một mẹ với mình, do đó Giô-sép tha thiết muốn gặp được Bên-gia-min. Và đây là phương cách mà Giô-sép áp dụng để đạt cho bằng được mục tiêu thầm kín ấy. Thế là Giô-sép ra lệnh giam họ vào trong nhà ngục.

 

Mọi diễn biến xảy ra trông có vẻ rất tồi tệ đối với những người này và họ tự nghĩ rằng không biết rồi đây điều gì sẽ xảy ra cho họ.

 

Sáng Thế ký 42:18, “Ngày thứ ba, Giô-sép nói cùng họ rằng: Ta kính sợ Đức Chúa Trời; hãy làm như điều nầy, thì được sống.”

 

Nếu như có điều gì đó khiến các người anh kia càng in đậm thêm ý tưởng nghi ngờ vị Tể tướng kia có thể là Giô-sép thì chắc hẳn phải là sự việc này, vì Giô-sép đã nói: “Ta kính sợ Đức Chúa Trời.” Rõ ràng vào thời kỳ đó có nhiều người khác nữa chứ không chỉ có Gia-cốp và gia đình ông nhìn biết Đức Chúa Trời. Họ biết rằng con đường đến cùng Đức Chúa Trời phải thông qua việc hiến dâng tế lễ cho Ngài.

 

Tuy nhiên, lời tuyên xưng phát ra từ miệng của Giô-sép “Ta kính sợ Đức Chúa Trời!” có lẽ cũng chẳng thu hút sự quan tâm của những anh em này cho lắm, có chăng chỉ gây cho họ một thoáng nghi ngờ thêm về người này. Vả lại, ít ra thì ở đây Giô-sép làm chứng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy nhớ rằng Giô-sép chẳng bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để làm chứng về Đức Chúa Trời và chắc chắn ở đây, anh ta đang làm điều ấy. Giô-sép luôn luôn dâng sự vinh hiển cho Chúa là Đấng Toàn năng đang hướng dẫn cuộc đời ông. Ít ra lời tuyên xưng “Ta kính sợ Chúa” của Giô-sép, có lẽ cũng là phần nào khích lệ cho các anh em kia hiểu rằng rồi đây họ sẽ được đối xử công bình bởi chính tay ông.  

 

Sáng Thế ký 42:19-20, “Nếu các ngươi vốn nhà lương thiện, thì hãy để một người nào ở tù lại đây, còn bao nhiêu đem lương thực về nuôi đói cho nhà các ngươi. Đoạn, hãy dẫn em út xuống đây, thì lời các ngươi sẽ cho là thật, và các ngươi chẳng phải chết. Vậy, họ nghe theo.”

 

Các anh em này cũng là những người mà một số họ đã ở vào tuổi quá 50, và đang thấy rằng chính mình đang ở vào một tình trạng khốn khó. Họ biết rằng họ đang tiếp xúc với một người kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn lo sợ, bởi vì họ không biết ông ta sắp sẽ làm gì. Giô-sép đưa ra lý cớ cho việc trắc nghiệm nhằm biết được có phải họ đúng là những người chân thật, nhưng thật sự điều Giô-sép muốn đạt đến ấy là họ phải làm sao đưa cho được người em út của ông đến trong lần kế tiếp.

 

Sáng Thế ký 42:21, “Họ bèn nói với nhau rằng: Quả thật chúng ta cam tội cùng em ta ra; vì lúc trước ta thấy tâm hồn nó buồn thảm khi nó xin nhờ ơn, nhưng ta không khứng cho; vậy nên tai vạ nầy mới xảy đến cho chúng ta.”

 

Sự việc đang diễn ra thật hết sức thú vị! Các người anh em kia đang nói tiếng Hê-bơ-rơ và Giô-sép thì giả vờ như không thể nào hiểu được. Lại nữa, Giô-sép nói chuyện với họ bằng tiếng Ai-cập và phải nhờ đến một người thông dịch. Thật ra Giô-sép cũng không cần phải làm như vậy, nhưng vì Giô-sép muốn giả bộ như mình là một người Ai-cập thật sự, thế là những người đàn ông kia đã vô tình thú nhận tội lỗi mà họ đã làm trước đây với Giô-sép.

 

Sáng Thế ký 42:22, “Ru-bên đáp rằng: Anh há không có nói cùng các em rằng: Chớ phạm tội nầy cùng đứa trẻ đó sao? Nhưng các em không nghe; nên bây giờ huyết nó đòi chúng ta thường lại.”

 

Họ tự cảm thấy rằng điều đang xảy ra chính là sự báo oán mà Đức Chúa Trời giáng trên họ, vì những gì mà họ đã đối xử cách tàn nhẫn với Giô-sép trước kia.

 

SI-MÊ-ÔN BỊ GIỮ LẠI LÀM CON TIN

 

Sáng Thế ký 42:23-24, “Vả, Giô-sép vẫn dùng người thông ngôn nói chuyện lại cùng các anh, nên họ tưởng Giô-sép chẳng nghe hiểu. Giô-sép xây mặt qua chỗ khác mà khóc. Đoạn xây mặt lại nói chuyện cùng họ; bèn bắt Si-mê-ôn trong vòng anh em, truyền trói lại trước mặt họ.”

 

Họ nói với nhau rằng, điều ác đang xảy ra cho họ, chính là hậu quả của điều ác mà trước đây họ đã làm cho Giô-sép và bây giờ họ cảm thấy thật sự ăn năn. Giô-sép khi nghe mọi lời ấy, thì lấy làm xúc động. Ông rất muốn tiến đến ôm choàng lấy từng người anh mình và thốt lên rằng “Các anh ơi” nhưng rồi lại thôi, vì e rằng nếu làm vậy sẽ không gặp được Bên-gia-min trong lần kế tiếp.

 

Đến đây Giô-sép liền đưa ra một trắc nghiệm có tính quyết định, buộc họ phải để lại một người làm con tin và thế là Si-mê-ôn bị cầm giữ lại. Sự việc diễn ra trông hết sức đau lòng và cảm động. Mối thương cảm dâng trào đến nỗi không kềm chế được đã khiến cho Giô-sép bật khóc, nhưng ông đành quay đi và lau nước mắt, sau đó Giô-sép quay lại và làm như chẳng có gì xảy ra.

                                  

Sáng Thế ký 42:25, “Giô-sép truyền đầy tớ xúc lúa đổ đầy bao và để bạc lại trong đó cho mỗi người anh em, cũng để thêm lương thực dùng dọc đường. Đầy tớ làm y như lời.”

 

Quả thật Giô-sép không thể nào thu tiền của họ. Không những ông đã không thu tiền mà ngược lại còn cung cấp lương thực để họ dùng trong suốt chuyến đi trở lại quê nhà.

 

 

CHÍN ANH EM QUAY TRỞ VỀ NHÀ:

 

Sáng Thế ký 42:26-28, “Đoạn, anh em chất mấy bao lúa lên lưng lừa, rồi đi. Đến quán, một người trong bọn mở bao ra cho lừa ăn thóc, thấy bạc mình ở tại miệng bao; bèn nói cùng anh em rằng: Bạc của tôi trả lại, hiện trong bao tôi đây! Các anh em nhát gan, vừa nói với nhau, vừa run, mà rằng: Đức Chúa Trời đã làm chi cho chúng ta đây?”

 

Họ có cảm tưởng rằng đây là sự phán xét mà Đức Chúa Trời đã giáng trên họ.

 

Theo lẽ thường, khi chúng ta phát hiện số tiền được hoàn lại cho thứ mà chúng ta đã phải trả tiền thì quả là một tin vui lớn. Còn ở đây, đối với mấy người đàn ông kia thì nó chẳng có chi gọi là khích lệ, đáng mừng cả. Họ dường như cảm thấy rằng họ đang ở vào một tình thế hết sức khó khăn, có dính dáng với người cai trị rất nóng tính ở dưới xứ Ai-cập kia, người đã từng gây cho họ không biết bao nhiêu điều khốn khổ. Sự kiện này chẳng khác chi đổ thêm nước vào ly nước đã tràn, đã khốn khó lại càng thêm khốn khó, lo sợ.

 

Chúng ta cũng có thể tự hỏi, tại sao họ đã không tức thì quay trở lại Ai-cập? Và trong hoàn cảnh đó của họ, chúng ta sẽ phải làm gì? Có lẽ họ sợ sẽ rơi vào tình thế khó khăn nếu như họ trở lại Ai-cập. Biết đâu người đàn ông quyền thế kia lại chẳng kết tội họ ăn cắp tiền. Họ chẳng dám đánh liều với số mệnh. Thế nên họ tiếp tục lên đường về quê nhà và dự tính sẽ đem tiền đó trả lại trong lần tới, khi họ quay trở lại Ai-cập.

 

Sáng Thế ký 42:29-36, “Các anh em trở về cùng Gia-cốp, cha mình, tại xứ Ca-na-an, thuật lại cho người nghe mọi nỗi đã xảy đến, rằng: 30  người đương làm chúa tại xứ Ê-díp-tô nói với chúng tôi cách xẳng xớm, cho chúng tôi là thám tử. Song chúng tôi có thưa cùng người rằng: Chúng tôi vốn nhà lương thiện, nào có phải là thám tử đâu. Chúng tôi được mười hai anh em, con một cha; một người đã đi mất biệt, còn người út hiện bây giờ ở nhà cùng cha, tại xứ Ca-na-an. Người làm chúa xứ đó dạy rằng: Làm như vầy, ta mới cho các ngươi là lương thiện: Hãy để lại cùng ta một người nào trong bọn các ngươi, còn bao nhiêu sẽ đem lương thực về nuôi đói cho nhà các ngươi; đoạn, hãy dẫn em út đến cho ta. Vậy, ta mới biết rằng các ngươi chẳng phải là thám tử, nhưng là người lương thiện; ta sẽ giao em lại cho, và các ngươi sẽ được buôn bán trong xứ nầy. Vả, đương khi các anh em trút lúa mì ra bao, nầy đâu, trong mỗi bao có gói bạc của mỗi người; cha và các anh em thấy những gói bạc mình, đều lấy làm sợ hãi Gia-cốp, cha họ bèn nói rằng: Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bê-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết.”

 

Hãy nhớ rằng các anh Giô-sép đã để Si-mê-ôn lại Ai-cập đặng làm con tin. Khi họ trông thấy các gói bạc trong bao, dĩ nhiên họ liền nghĩ rằng chắc là có thủ đoạn hay mánh khoé gì đây!

 

Thật tội nghiệp cho ông cha Gia-cốp biết bao! Ông ta chẳng phải là con người được tôi luyện trong đức tin như đã hơn một lần chúng ta được biết, cũng chẳng phải là con người có đức tin trọn vẹn mà chúng ta sẽ thấy một ít sau này. Nhưng bây giờ, ông ta đang trưởng thành trong đức tin, ông ta không còn khoe khoang, khoác lác nhưng lại là một người rất đổi bi quan. Ông ta nói: “Các nông nổi này đều đổ lại cho cha hết.” Giô-sép, con trai ông, đã chẳng hề nói một lời như thế, nhưng Gia-cốp lại nói điều này. Giô-sép chắc hẳn đã nói về điều mà Phao-lô đã viết ra trong nhiều năm sau đó: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)

 

Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ. (Phi-líp 1:6)

 

Sáng Thế ký 42:37-38, “Ru-bên thưa lại cùng cha rằng: Cha hãy giao em nơi tôi, tôi sẽ dẫn về cho. Ví bằng chẳng dẫn em về, thì cha hãy giết hai đứa con trai tôi đi. Nhưng Gia-cốp đáp rằng: Con út tao sẽ chẳng đi xuống với bay đâu; vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn một mình nó mà thôi. Nếu điều rủi ro chi xảy đến cho nó nơi dọc đường bay đi, tức nhiên bay làm cho kẻ tóc bạc nầy đau lòng xót dạ xuống âm phủ.”

 

Cuộc đời của Gia-cốp được gói ghém trong sự sống của đứa con trai Bên-gia-min này. Như chúng ta biết, Giô-sép là đứa con trai mà ông hết lòng yêu quí và cũng là đứa con đầu lòng của Ra-chên, người vợ mà ông hết mực yêu thương. Giờ đây Giô-sép đã đi mất biệt, khiến lòng ông đau đớn vô cùng. Rồi bây giờ ông lại phải đối mặt với rủi ro mà có thể sẽ phải mất luôn đứa con thứ hai của Ra-chên và nếu điều này thật sự xảy ra, thì chắc ông sẽ chết sớm. Ông ta quả có một tấm lòng ngọt ngào đầy thương cảm! Cuộc đời của ông được gắn rất chặt với cuộc đời Bên-gia-min. Cậu bé này giống như cánh tay phải của Gia-cốp, là cây gậy dò đường mà ông luôn cần đến để đỡ nâng. Và đó cũng là điều đã từng diễn ra trong nhiều năm tháng trước đây. Cũng chính vì vậy mà Gia-cốp nói rằng, ông sẽ không để cho Bên-gia-min đi xuống xứ Ai-cập. Trong khi đó, chàng Si-mê-ôn đáng thương kia vẫn đang chịu cảnh cô đơn, lạnh lẽo giữa vòng lao lý nơi đất lạ quê người.                            

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Tỉnh An Giang Lần Thứ 21
Bài tiếp theoNgày 4: Người Giàu Đầy Tình Yêu Thương