Bài 35: Y-Sác Được Thạnh Vượng

2905

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 26:1-35              

 

Trong đoạn 26 này, nói về đời sống của Y-sác, phần lớn công việc của ông là đào giếng. Nhưng khi tra cứu, chúng ta sẽ tìm được nhiều sứ điệp cho mình. Như Phao-lô xác nhậnI: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.” (Rô-ma15:4)

 

Trong đoạn này dạy chúng ta sự kiên nhẫn. Nhưng chúng ta sẽ không có sự kiên nhẫn như Đức Chúa Trời muốn chúng ta có. Chúa muốn có những người giống như Áp-ra-ham, Gia-cốp, Đa-vít là những người đi tới. Qua đời sống của Y-sác có nhiều bài học tốt cho chúng ta. Như sách II Ti-mô-thê 3:16-17 viết: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”

 

Những việc chép trong đoạn này với bối cảnh mà Y-sác là người đóng vai trò chủ yếu. Ngay sau đó có những người khác nổi bật hiển nhiên hơn. Sự trạng này phù hợp với tâm tình của Y-sác. Ông không phải là một người nổi bật và xung kích như Áp-ra-ham, cha mình. Dầu vậy, Y-sác không bị trùm khuất bởi ảnh hưởng cao ngất của Áp-ra-ham. Quả thật Y-sác là người trầm tĩnh, khiêm tốn, nhẫn nại và phục tùng trong khi tiếp xúc với người khác. Nhưng ông là có đức tin mạnh mẽ. Đức Chúa Trời chẳng cho mọi người chiếm địa vị cao quý bằng nhau trong nước Ngài. Bước tiến bộ hiển nhiên đương thời Áp-ra-ham, đã được Y-sác bảo tồn thận trọng. Y-sác sống trọn theo chân lý đã khải thị cho Áp-ra-ham. Về phần thiêng liêng, ông xứng đáng làm con của cha mình. Có lý lắm mà nói rằng, từng trải trên núi Mô-ri-a, đã đóng ấn trên Y-sác và dạy ông kiên nhẫn đầu phục Đức Chúa Trời, thì sẽ thấy sự cứu rỗi của Ngài.        

 

ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA VÀ TÁI XÁC HỨA GIAO ƯỚC

 

Sáng thế ký 26:1-2, “Trừ cơn đói kém thứ nhứt trong đời Áp-ra-ham, bấy giờ tại xứ lại có một lần nữa. Y-sác bèn đi đến A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, tại Ghê-ra. Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Chớ xuống xứ Ê-díp-tô; hãy ở lại xứ mà ta sẽ chỉ cho.”

 

Đây là lần thứ hai cơn đói kém được đề cập. Chúng ta nhớ lần đói kém trong thời kỳ của Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham đã đi xuống Ai-cập. Tại sao Đức Chúa Trời bảo Y-sác đừng xuống Ai-cập? Bởi vì trước đây cha ông đã xuống Ai-cập, và Y-sác muốn theo hành động của cha mình. Nhưng Đức Chúa Trời có sự hướng dẫn Y-sác trong thời kỳ đói kém và Ngài tái xác hứa giao ước đã làm với Áp-ra-ham.

 

Sáng thế ký 26:3-4, “Hãy ngụ trong xứ nầy, ta sẽ ở cùng ngươi và ban phước cho ngươi; vì ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi các xứ nầy và ta sẽ làm thành lời ta đã thề cùng Áp-ra-ham, cha ngươi. Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ các xứ nầy; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”

 

Đức Chúa Trời bảo Y-sác đừng rời xứ này, đừng xuống Ai-cập, Ngài tái xác hứa giao ước đã làm với Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời nhắc lại ba lời hứa: 1- Ban đất, Chúa cho dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ ở trong xứ này. 2- Quốc gia, Chúa làm cho dòng dõi của Áp-ra-ham đông như sao trên trời. 3- Phước hạnh, qua dòng dõi của Áp-ra-ham đem phước hạnh đến toàn thế gian.

 

Sáng thế ký 26:5, “Vì Áp-ra-ham đã vâng lời ta và đã giữ điều ta phán dạy, lịnh, luật và lệ của ta.”

 

Trong thời điểm này, Đức Chúa Trời chưa ban hành luật pháp, cho nên Áp-ra-ham chưa ở dưới hệ thống luật pháp của Môi-se. Nhưng điều quan trọng là khi Đức Chúa Trời phán bảo với Áp-ra-ham điều gì, thì Áp-ra-ham đều tin tưởng và làm theo. Ông thể hiện đức tin bằng hành động.

 

Có nhiều người ngày hôm nay phàn nàn là đời sống của một số Cơ Đốc nhân, sao mà không hiện thực một điều gì. Có nhiều điều họ tin mà sao chẳng thấy điều gì xảy ra. Họ ngồi chờ đợi mãi mà không thấy có gì khác lạ. Khi tin vào Đức Chúa Trời, chúng ta phải hành động theo đức tin của mình. Chẳng hạn, khi chúng ta được giấy báo tin có quà tặng của người thân gởi đến và hiện để ở bưu điện. Nếu chúng ta tin thì phải đến bưu điện nhận ngay.

 

Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và Ngài kể ông là công bình. Cho nên Đức Chúa Trời muốn Y-sác có niềm tin như cha mình.

 

Y-SÁC NÓI DỐI MỐI QUAN HỆ VỚI RÊ-BÊ-CA

 

Sáng thế ký 26:6, “Vậy Y-sác ở tại Ghê-ra.”

 

Ghê-ra thuộc về phía nam, Áp-ra-ham và Y-sác đều ở vùng phía nam của xứ Ca-na-an. Nhưng có thời gian Áp-ra-ham ở phía bắc tới Si-chem, nhưng ông dừng lại và sống lâu tại Hếp-rôn, đây là nơi mà ông tương giao nhiều với  Đức Chúa Trời. Khi Y-sác và Rê-bê-ca ở Ghê-ra, có một việc xảy ra tại đó như sau:

 

Sáng thế ký 26:7-11, “Bởi nàng Rê-bê-ca sắc sảo dung nhan, nên khi dân xứ đó hỏi thăm vợ người, thì người đáp rằng: “Ấy là em gái tôi,” e khi nói: “Ấy là vợ tôi,” thì họ sẽ giết mình chăng. Vả, người ngụ tại xứ đó cũng đã lâu; một ngày kia A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, ngó ngang qua cửa sổ, thấy Y-sác đương giỡn chơi cùng Rê-bê-ca, vợ người, bèn đòi Y-sác mà rằng: Quả thật là vợ ngươi đó; sao có nói: Ấy là em gái tôi? Y-sác đáp rằng: Vì tôi có thầm nói: Chớ khá vì nàng mà tôi phải bỏ mình. A-bi-mê-léc hỏi: Ngươi làm chi cho chúng ta vậy? Ngộ có một người dân đến nằm cùng vợ ngươi, ngươi làm cho chúng ta phải phạm tội! A-bi-mê-léc bèn truyền lịnh cho cả dân chúng rằng: Kẻ nào động đến người nầy, hay là vợ người nầy, thì sẽ bị xử tử.”

 

Y-sác tái phạm tội mà cha ông là Áp-ra-ham đã phạm trước đây. Đức Chúa Trời cảnh giác Y-sác đừng đi xuống Ai-cập, nhưng ông lại xuống Ghê-ra. Tại Ghê-ra có nhiều người đàn ông để ý Rê-bê-ca, cho nên Y-sác dặn Rê-bê-ca là “Em nói với mọi người là em gái của anh, đừng nói là vợ anh.” Áp-ra-ham nói dối có phân nửa, còn Y-sác nói dối trọn vẹn.

 

Việc Y-sác nói dối mối quan hệ với Rê-bê-ca, có thể làm cho những người trong xứ đi đến sự phạm tội khi họ muốn quan hệ với Rê-bê-ca, vì nghĩ là bà chưa có chồng. Nhưng sau đó việc nói dối của Y-sác bị bại lộ. Sự nói dối chỉ giấu sự việc một lúc mà thôi, vì mọi sự thật lần lượt sẽ được tỏ bày.

 

Khi vua A-bi-mê-léc biết Rê-bê-ca là vợ của Y-sác, ông cấm mọi người xúc phạm đến bà. Từ đó vua A-bi-mê-léc và Y-sác trở thành bạn hữu, Y-sác được những người trong xứ tôn kính giống như họ đã tôn Áp-ra-ham cha của ông.

      

Y-SÁC ĐƯỢC THẠNH VƯỢNG Ở GHÊ-RA

 

Sáng thế ký 26:12-13, “Y-sác gieo hột giống trong xứ đó; năm ấy gặt được bội trăm phần; vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho. Người nên thạnh vượng, của cải càng ngày càng thêm cho đến đỗi người trở nên rất lớn.”

 

Đức Chúa Trời ở cùng Y-sác. Đó là phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã hứa cùng dân sự của Ngài, từ khi Chúa kêu gọi Áp-ra-ham. Đây là phước hạnh trên đất. Thời gian sau đó khi Đức Chúa Trời đem họ vào trong đất hứa, Ngài ban thêm cho họ nhiều phước hạnh, và họ được dư đầy thức ăn. Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài cách tốt đẹp, khi dân Ngài bước đi trong sự kính sợ Ngài.

 

Còn lời hứa mà chúng ta có hiện nay là lời hứa ban phước hạnh thuộc linh. Phước hạnh này cũng ở trong một điều kiện tương tự, đó là tùy thuộc vào việc chúng ta có đồng đi cùng với Đức Chúa Trời hay không. Nếu chúng ta có mối tương giao gần gũi với Chúa, thì Ngài sẽ ban cho phước hạnh thuộc linh cách dồi dào.

 

Phước hạnh mà Đức Chúa Trời ban cho Y-sác được bội trăm phần, khi Chúa ban phước hạnh, thì được nhiều hơn những gì chúng ta cầu xin hay suy tưởng. Cũng giống phước hạnh mà Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham, cho Gia-cốp.

 

Điều quan trọng trong đời sống của Y-sác là ông gắn chặt với Áp-ra-ham. Sự sanh ra và đời sống của Y-sác xen lẫn với từng trải kinh nghiệm của Áp-ra-ham. Khi Áp-ra-ham dâng Y-sác lên bàn thờ, cả hai đồng công với nhau trong việc này. Tại sao điều này được tỏ bày cho chúng ta? Vì nó cho chúng ta thấy một bức tranh diệu kỳ, trong mối tương giao mật thiết giữa Đức Chúa Trời là Cha và với Chúa Giê-xu Christ. Như Chúa Giê-xu đã nói, “Ai thấy Ta tức là thấy Cha Ta” (Giăng 14:9). Chúa Giê-xu cầu nguyện: Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. (Giăng 17:4)

 

Và Chúa Giê-xu làm công việc của Cha, Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy. (Giăng 5:17)

 

Trong câu chuyện về đời sống của Áp-ra-ham và Y-sác luôn gắn chặt lẫn nhau. Trong phân đoạn này chúng ta thấy Y-sác tự lập sau khi cha ông qua đời, ông có nhiều điều thu hút. Ông có sự yếu đuối và lỗi lầm như cha mình. Dầu vậy Y-sác vẫn luôn thể hiện rõ là người nổi bật, trổi hơn những người khác trong xứ.

 

Sáng thế ký 26:14-17, “Người có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông; bởi cớ ấy, dân Phi-li-tin đem lòng ganh ghẻ. Mấy cái giếng lúc trước đầy tớ của Áp-ra-ham, cha người, đã đào, bây giờ đều bị dân Phi-li-tin lấp đất lại hết. A-bi-mê-léc nói cùng Y-sác rằng: Hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần. Vậy, Y-sác bỏ chốn nầy đi đến đóng trại tại trũng Ghê-ra và ở đó.”

 

Người Phi-li-tin không hiểu nổi khi thấy sự hưng thịnh của Y-sác quá nhanh, cho nên sợ và sanh lòng ganh ghét, họ lấp các miệng giếng của Áp-ra-ham đã đào trước đây và nay thuộc về Y-sác. Từ đây sự thù nghịch của người Phi-li-tin khởi sự và tranh chiến kéo dài cho đến thời kỳ vua Đa-vít. Dầu vậy, vua A-bi-mê-léc giải quyết trong sự ôn hòa và khuyên Y-sác nên rời khỏi khu vực đó.

 

Y-SÁC ĐÀO GIẾNG Ở GHÊ-RA 

 

Chúng ta cùng nghe tiếp Sáng thế ký 26:18-22, “Y-sác bèn đào lại mấy cái giếng người ta đã đào trong đời Áp-ra-ham, cha mình, mà bị dân Phi-li-tin lấp đất lại khi Áp-ra-ham qua đời, và đặt tên mấy giếng đó như tên của cha mình đã đặt. Các đầy tớ của Y-sác còn đào thêm giếng nơi trũng, gặp được một giếng nước mạch. Nhưng bọn chăn chiên Ghê-ra tranh giành cùng bọn chăn chiên của Y-sác, mà rằng: Nước đó của chúng ta; nên người đặt tên giếng nầy là Ê-sét. Vì bọn chăn chiên đó có tranh giành cùng mình. Kế ấy, các đầy tớ đào một giếng khác, thì bị tranh giành nhau nữa; người đặt tên giếng nầy là Sít-na. Đoạn, người bỏ chỗ đó đi đào một giếng khác; về giếng nầy, họ không tranh giành nhau, nên người đặt tên là Rê-hô-bốt, mà rằng: Bây giờ Đức Giê-hô-va đã để cho chúng ta được rộng rãi, và ta sẽ đặng thịnh vượng trong xứ.”

 

Khi chúng ta đến phân đoạn này, thấy đời sống của Y-sác có vẻ yếu đuối, nhưng thật ra không phải vậy. Xin hãy chú ý là Y-sác trở về phần đất mà cha ông đã ở trước đây.

 

Có sự tranh giành giếng nước của người Phi-li-tin và người nhà của Y-sác, Y-sác rất ôn hòa nhường nhịn và được Đức Chúa Trời ban phước cho ông khi đào những giếng khác và có nước nhiều hơn.

 

Nước cũng là hình ảnh tượng trưng cho Lời Đức Chúa Trời. Nước là thứ rất cần thiết cho đời sống chúng ta. Chúng ta không thể sống thiếu nước. Nơi nào có nước thì có sự sống. Khi chúng ta đi qua đồng trống khô, nhưng khi thấy chỗ nào có cây cối thì biết là tại đó có nước. Tương tự, Lời của Chúa làm nên sự khác biệt, vì khi một người học hỏi Lời của Chúa và làm theo, thì họ được thạnh vượng, được bình an, sanh ra những bông trái tốt lành. Còn ai không có Lời của Chúa thì đời sống người ấy sẽ khô hạn, không kết quả. Kinh nghiệm của Vua Đa-vít như sau, trong sách Thi thiên 1:1-3, “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.”

 

Y-sác đào thêm giếng nhưng bị tranh giành nên bỏ đi và tiếp tục đào thêm giếng nước khác, cho đến khi không còn bị tranh giành nữa. Điều này cho thấy Y-sác là người nhịn nhục và ôn hòa. Chúng ta nên học theo tánh của ông. Khi một người có Lời của Chúa trong đời sống, thì sanh ra những bông trái tốt lành.   

 

ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA CÙNG Y-SÁC

 

Sáng thế ký 26:23-25, “Y-sác ở đó đi, dời lên Bê-e-Sê-ba. Đêm đó Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ ta. Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó. Đoạn, các đầy tớ người đào một cái giếng tại nơi ấy.”

 

Đức Chúa Trời hiện đến cùng Y-sác, vì liên hệ đến vấn đề giao ước. Cách cư xử của Y-sác đã được Đức Chúa Trời yêu mến. Hơn nữa, đức tin của ông cần được bổ sức mạnh, trong vấn đề thực hiện lời hứa theo giao ước. Ấy vì một phần trong giao ước là làm cho dòng dõi thêm đông đúc. Y-sác phải suy nghĩ đến điều ấy, ông phải bước đi bởi đức tin, cũng như Áp-ra-ham, để đức tin được vững vàng. Đức Chúa Trời cho ông biết rằng, Ngài chắc chắn thực hiện lời hứa đó. Như vậy chúng ta thấy sự hiện ra của Đức Chúa Trời đúng vào hoàn cảnh cần thiết, đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng Kinh thánh chép về việc Ngài hiện ra với Y-sác.  

 

Đức Chúa Trời hiện ra và an ủi Y-sác, chúng ta cảm thấy được sự an ủi trong điều này, khi chúng ta bị người đời dùng sức mạnh hà hiếp mình và chúng ta cố gắng nhịn nhục, thì Đức Chúa Trời sẽ an ủi và ban phước.

 

Đức Chúa Trời đã hiện ra nhiều lần với các tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Với một lời nói nhỏ nhẹ của Chúa cho Y-sác, “chớ sợ chi vì có ta ở cùng” làm cho Y-sác được sự an ủi lớn.

 

Chỗ nào được đánh dấu bằng sự hiện ra của Đức Chúa Trời thì nơi đó trở thành nơi thánh, có ý nghĩa đặc biệt. Nên hãy noi theo gương sáng của cha Y-sác dựng lên một bàn thời tại đó. Y-sác công khai thờ lạy Đức Chúa Trời, chúc tụng mỹ đức của Ngài, và công việc tốt lành mà Ngài thực hiện. Vì cớ nơi ấy được Đức Giê-hô-va hiện ra, nó được Y-sác quý trọng, bèn đóng trại tại đó và ở đó lâu dài. Ông cũng đào cái giếng ở đây.

 

Ngày nay những ai tin nhận Chúa Giê-xu được Đức Chúa Trời ở cùng. Đời sống của chúng ta, hay gia đình của chúng ta khi được Chúa ngự cùng sẽ được phước hạnh, vui mừng.

 

Y-SÁC KẾT ƯỚC HÒA BÌNH VỚI VUA A-BI-MÊ-LÉC

 

Sáng thế ký 26: 26-31, “Vua A-bi-mê-léc ở Ghê-ra đi đến viếng Y-sác, có A-hu-sát, bạn mình, và Phi-côn, quan tổng binh mình, đi theo. Y-sác bèn hỏi rằng: Các người ghét tôi, đã đuổi tôi ra khỏi nơi mình, sao còn đi đến tôi mà chi? Chúng đáp rằng: Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người. Hãy thề rằng: Người chẳng bao giờ làm hại chúng tôi, như chúng tôi đã không động đến người, chỉ hậu đãi người và cho đi bình yên. Bây giờ người được Đức Giê-hô-va ban phước cho. Y-sác bày một bữa tiệc, các người đồng ăn uống. Qua ngày sau, chúng dậy sớm, lập lời thề với nhau. Rồi, Y-sác đưa các người đó đi về bình yên.”

 

Dẫu rằng cách đối xử của Y-sác dường như yếu đuối khi quan hệ với những người ở xứ Ghê-ra, nhưng vua của Ghê-ra rất là cảm kích và đến cùng Y-sác ở Bê-e Sê-ba để lập mối quan hệ tốt, cho nên chúng ta thấy được ảnh hưởng của Y-sác trong xứ đó.

 

Hiển nhiên lắm khi lập giao ước, họ có tục lệ đãi tiệc để chứng tỏ thiện chí. Y-sác chẳng bỏ sót điều chi trong mối quan hệ thân hữu. Người Phi-li-tin có lẽ là những nhà ngoại giao hơn là những nhà thân hữu. Sáng hôm sau, hai bên trao đổi lời thề trước khi mấy người Phi-li-tin ra về. Lúc họ ra đi, thiện chí cao đẹp đã được bày tỏ, đó là do kết quả từ cách cư xử đúng đắn của Y-sác. 

 

Phần cuối của đoạn 26 này nói việc Ê-sau với vợ, chúng ta sẽ nói rõ hơn chuyện này trong đoạn kế tiếp.

                      

Chúng ta thấy yếu tố chính làm cho đời sống của Y-sác được thạnh vượng, đó là ông bước đi trong đức tin với Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham cha mình. Khi bước đi theo Chúa cách trung tín thì đời sống chúng ta luôn có sự bình an.

 

Bài trướcLễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Kalkill – Đơn Dương – Lâm Đồng
Bài tiếp theoThông Công Các Ban Thiếu Niên Tại HT Tân Nghĩa – Bình Thuận