Bài 30: Đức Chúa Trời Thử Đức Tin Áp-Ra-Ham

4178

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 22:1-20

 

Khi chúng ta đến đoạn 22 của sách Sáng thế ký này, đây là một điểm cao của Kinh Thánh, cũng như chúng ta đến điểm cao nhất của sách Sáng thế ký. Trong đoạn này đề cập đến việc Áp-ra-ham dâng con mình là Y-sác làm của lễ. Đức Chúa Trời phán bảo dâng Y-sác trên bàn thờ, và sau đó Ngài ngăn cản ông trong giờ chót, khi Chúa thấy Áp-ra-ham sắp thực hiện. Trong đoạn này cũng nói sự hiện ra của Đức Chúa Trời lần thứ bảy, và cũng là lần sau cùng với Áp-ra-ham. Sau việc này Đức Chúa Trời không còn đòi hỏi Áp-ra-ham làm chi nữa. Đây là thử nghiệm lớn nhất của Chúa đem đến với Áp-ra-ham.

 

Một trong những lý do tại sao đây là lần đầu tiên con người được đề nghị dâng hiến làm của lễ. Đây là trong chương trình và ý định của Đức Chúa Trời để chỉ rõ việc dâng con người làm của lễ là sai lầm, như việc xảy ra trong câu chuyện này. Nó cũng bày tỏ rằng, Đức Chúa Trời muốn cứu sự sống của con người, chính mình phải từ bỏ để được Ngài cứu chuộc. Chính Con của Đức Chúa Trời làm điều đó. Thật là thú vị khi nghe Phao-lô nói rằng: “Đức Chúa Trời không tiếc chính Con Một Ngài,” nhưng chúng ta có thể nói thêm là Đức Chúa Trời tiếc đến con trai của Áp-ra-ham, Ngài không để ông dâng Y-sác làm của lễ.

 

Đoạn này được đối chiếu với Thi thiên 22 và Ê-sai 53. Đây là lần đầu tiên, chúng ta thấy đoạn này mô tả lẽ thật lớn lao về thập tự giá của Đấng Christ. Không chỉ qua việc sanh ra của Y-sác, nhưng cũng qua việc dâng Y-sác, có sự trùng hợp lạ lùng với đời sống của Chúa Giê-xu.

 

Có một việc rất lý thú khi Gia-cơ nói đến việc xảy ra, mà nó trái nghịch những phần khác của Kinh Thánh, ông nói: “Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao?”

 

Trong khi Phao-lô công bố trong Rô-ma đoạn 4:1-3 như sau:

 

“Vậy, chúng ta sẽ nói Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, theo xác thịt đã được ích gì? Thật thế nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. Vì Kinh Thánh có dạy chi? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người.”             

 

Ai là người đúng? Gia-cơ hay là Phao-lô? Câu trả lời của là cả hai điều đúng. Trước nhất, chúng ta thấy là cả hai cùng nói về một việc đó là đức tin. Gia-cơ nói về việc làm của đức tin, không phải là việc làm của luật pháp. Còn Phao-lô nói về sự công bình trước mặt Đức Chúa Trời, và trích dẫn Sáng thế ký đoạn 15, qua việc Áp-ra-ham bước đi bởi đức tin. Trong thời điểm đó chỉ có Đức Chúa Trời biết tấm lòng, và Đức Chúa Trời thấy Áp-ra-ham tin cậy nơi Ngài, “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người.” (Sáng thế ký 15:6)

 

Chúng ta thấy Áp-ra-ham thất bại nhiều lần, và những người láng giềng của Áp-ra-ham có thể nói: ‘chúng tôi chẳng thấy ông là người công bình.’ Nhưng đến ngày họ thấy Áp-ra-ham dâng con mình trên bàn thờ, ngay cả những người Phi-li-tin cứng lòng, cũng thấy đức tin của Áp-ra-ham thể hiện qua hành động. Trong khi Gia-cơ nói Áp-ra-ham được xưng công bình bởi việc làm. Khi nào Áp-ra-ham được xưng công bình? Khi dâng Y-sác. Nhưng có một câu hỏi nữa được nêu lên: Áp-ra-ham có thật sự dâng Y-sác lên bàn thờ không? Dĩ nhiên là không. Nhưng Áp-ra-ham có ý muốn thực hiện điều đó. Với hành động muốn thực hiện của Áp-ra-ham, thì Gia-cơ nói Áp-ra-ham có việc làm của đức tin. Gia-cơ nhấn mạnh việc của đức tin được thấy trong Sáng thế ký 22. Trong khi Phao-lô nói đức tin trong lòng Áp-ra-ham trong Sáng thế ký đoạn 15.

 

Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết của Sáng thế ký 22.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO ÁP-RA-HAM DÂNG Y-SÁC.    

 

Sáng thế ký 22:1, “Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây.”

 

Trong câu này nói là Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham. Trong thư của Gia-cơ nói là Đức Chúa Trời không cám dỗ ai vào điều ác. Chúa chỉ thử đức tin, như trong trường hợp này Chúa thử đức tin Áp-ra-ham, khi Chúa bảo Áp-ra-ham làm một chuyện lạ thường.

 

Sáng thế ký 22:2, “Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho.”

 

Ngay sau đoạn này cho chúng ta biết là Sa-ra qua đời lúc 127 tuổi, như vậy trong khi viết đoạn 22 này, có thể Y-sác là một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi, vì khi sanh Y-sác thì Sa-ra đã 90 tuổi.

 

Chúa bảo Áp-ra-ham và Y-sác đến xứ Mô-ri-a. Nhiều người tin rằng Mô-ri-a là nơi đặc biệt, đây là nơi đền thờ được xây dựng mấy trăm năm sau đó, và đó cũng là nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh. Nó nằm phía ngoài bức tường thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ Gô-gô-tha không cách nơi này bao xa. Chúa Giê-xu chịu chết cùng ngọn núi mà Áp-ra-ham dâng Y-sác.

 

Chúa bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu. Của lễ thiêu được dâng cho đến thời kỳ của Môi-se, sau đó của lễ chuộc tội mới được ban hành. Tại đây của lễ thiêu nói về Đấng Christ. Đây là của lễ dâng con người làm lễ vật. Điều đó có đúng không? Chắc chắn là không đúng. Nhưng nếu có người gặp Áp-ra-ham trong ngày đó, và họ hỏi ông: ‘Áp-ra-ham, ông đang đi đâu?’ Ông trả lời, ‘Đi dâng Y-sác.’ Người ta hỏi thêm, ‘Ông có thấy điều đó là sai lầm không?’ Áp-ra-ham trả lời, ‘Vâng, chúng tôi được cho biết đó là điều sai. Tôi biết là những quốc gia ngoại giáo xung quanh dâng con người làm của lễ, và tôi được dạy dỗ không được làm như vậy.’ Họ hỏi thêm nữa, ‘Vậy tại sao ông đi làm như thế.’ Áp-ra-ham giải thích, ‘Tôi chỉ biết một điều là làm theo mọi việc Đức Chúa Trời phán bảo. Dầu tôi không hiểu được hết, Tôi đã theo Chúa 50 năm, Ngài không bao giờ làm cho tôi té ngã, hay bảo tôi làm điều gì sai quấy. Tôi không hiểu điều này, nhưng tôi tin rằng, nếu tôi đi trong đường lối của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ làm cho Y-sác sống lại. Tôi tin tưởng vào điều đó.”         

 

ÁP-RA-HAM VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI.

 

Sáng thế ký 22:3-4, “Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Qua đến ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa.”

 

Đây là một hình ảnh lớn lao khi chúng ta thấy Áp-ra-ham đem Y-sác đi với ông, và mang củi làm của lễ thiêu. Áp-ra-ham mất ba ngày mới đi đến nơi, nhưng xin nhớ rằng, vào ngày thứ ba Áp-ra-ham nhận Y-sác trở lại từ sự chết. Đây là phương cách mà Áp-ra-ham nhìn, Y-sác sống lại vào ngày thứ ba.

 

Sáng thế ký 22:5-8, “Áp-ra-ham … thì nói cùng hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình; rồi người cầm lửa và dao trong tay, và cả hai cha con đồng đi. Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? Áp-ra-ham rằng: Con ơi! chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu; rồi cả hai cha con cứ đồng đi.”

 

Có sự trao đổi, nói chuyện qua lại giữa cha con Áp-ra-ham và Y-sác, tương tự như cuộc nói chuyện Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu khi trên cây thập tự.

 

Áp-ra-ham lấy củi và của lễ thiêu chất trên Y-sác, xin hãy nhớ là Đấng Christ tự hiến chính thân Ngài trên cây thập tự. Lửa nói về sự đoán phạt, còn lưỡi dao nói về sự thi hành đoán phạt và của lễ.

 

Trong câu 13 của phần tiếp theo, nói cho chúng ta biết rằng có chiên đực bị mắc sừng trong bụi cây, và Áp-ra-ham dùng chiên đực này làm của lễ dâng. Tại đây Áp-ra-ham nói rằng, Đức Chúa Trời sẽ cung cấp cho ông một con chiên. Cho đến nhiều thế kỷ sau đó, khi Giăng Báp-tít giới thiệu về Chúa Giê-xu và nói rằng “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Đức Chúa Trời dâng chính Ngài làm của lễ thiêu. Đó là điều quan trọng để thấy rằng Áp-ra-ham đang nói tiên tri.   

 

Giờ đây Áp-ra-ham sẵn sàng dâng con trai mình trên bàn thờ và chính ông cũng không hiểu.

 

Sáng thế ký 22:9, “Họ đến chốn Đức Chúa Trời đã phán dạy; tại đó, Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ.”

 

Y-sác không còn là cậu con trai nhỏ mà Áp-ra-ham trói lại, Y-sác là người đã trưởng thành, sức mạnh của Y-sác có thể thắng hơn cha của mình. Nhưng Y-sác làm điều này bởi sự vâng lời. Khi Chúa Giê-xu đến thập tự giá, Ngài nói: “Không theo ý Con, nhưng theo ý Cha.” Chúa Giê-xu lên thập tự giá để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời, giống hình ảnh mà chúng ta thấy tại đây qua câu chuyện của Y-sác.

 

Sáng thế ký 22:10, “Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình.”

 

Đây có thể là điểm khó khăn nhất trong đời sống của Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời đem ông qua bốn khó khăn, mỗi lần đều đem đến sự căng thẳng trong lòng và tâm hồn của ông. Thứ nhất khi Đức Chúa Trời gọi ông rời khỏi bà con tại U-rơ thuộc về Canh-đê. Khi mới rời quê nhưng ông đi với một nhóm, ông không làm tốt trong lúc đầu. Thứ nhì, Áp-ra-ham tách biệt với gia đình của Lót là cháu mình, mà ông rất thương mến. Lót đi đến Sô-đôm. Thứ ba, Áp-ra-ham bị thử thách phải rời khỏi Ích-ma-ên là con trai của A-ga. Áp-ra-ham kêu cầu cùng Chúa. Xin để cho Ích-ma-ên trước mặt Chúa. Áp-ra-ham thương mến đứa con trai này và không muốn rời khỏi nó. Giờ đây Áp-ra-ham đến thử nghiệm cao nhất, trong lần thử nghiệm thứ tư này, khi ông được yêu cầu dâng Y-sác. Áp-ra-ham không hiểu hết mọi điều, Áp-ra-ham chỉ đơn giản làm theo mọi điều Chúa bảo ông làm. Y-sác là dòng dõi được kêu gọi, và Áp-ra-ham tin tưởng là Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Do đó Áp-ra-ham có ý muốn dâng Y-sác làm của lễ.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI NGĂN CẢN ÁP-RA-HAM

 

Gia-cơ viết rằng Áp-ra-ham được xưng công bình khi ông dâng con trai mình. Nhưng Áp-ra-ham có thật sự giết con trai ông không? Kinh thánh nói là không, ông không có giết con mình.

 

Sáng thế ký 22:11-12, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.”

 

Giờ đây Đức Chúa Trời biết Áp-ra-ham kính sợ Ngài. Qua hành đông, và công việc của Áp-ra-ham, và dĩ nhiên cũng bởi đức tin nữa. Đức Chúa Trời thấy tấm lòng của mỗi chúng ta. Ngài biết chúng ta có thành thật hay không? Dẫu rằng bạn bè hay người hàng xóm chúng ta không biết. Họ chỉ biết việc làm của chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Gia-cơ nói đức tin không có việc làm thì chết. Đức tin phải thể hiện ra một điều gì đó.

 

Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham. Tôi tin rằng bất cứ người nào Đức Chúa Trời kêu gọi, người nào Ngài cứu chuộc, Chúa đều thử nghiệm. Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham và Ngài cũng thử những người thuộc về Ngài hôm nay. Chúa thử mỗi người trong chúng ta, qua những thử thách đến với chúng ta để làm cho đức tin chúng ta được mạnh mẽ hơn, và gây dựng chúng ta trở nên người phụng sự Đức Chúa Trời.

 

Thử nghiệm của Áp-ra-ham qua việc dâng Y-sác là thử nghiệm lớn nhất, và sau đó không còn thử nghiệm nào nữa.

 

Sáng thế ký 22:13-14, “Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.”

 

Con đường từ vườn Ê-đen đến thập tự giá, có một con sinh tế được dự bị, điều này chỉ cho chúng ta về sự đến của Đấng Christ. Đức Chúa Trời không cho chúng ta dâng con người làm sinh tế. Nhưng khi Con Đức Chúa Trời đến thế gian, Ngài chịu chết trên cây thập tự. Trong sách Rô-ma 8:32, “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?”

 

Thập tự giá giống như bàn thờ, nơi mà của lễ được dâng lên để cất tội lỗi của thế gian. Đây là điều quan trọng chúng ta cần hiểu cách thấu đáo.

 

Áp-ra-ham đặt tên chỗ này là Đức Giê-hô-va sắm sẵn, mà nhiều người tin rằng về sau vua Sa-lô-môn xây cất đền thờ tại đó. Nơi mà Áp-ra-ham dâng con mình, tại đó Chúa Giê-xu Christ chịu đóng đinh. Đó là một sự vinh hiển và kỳ diệu.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI XÁC CHỨNG LỜI HỨA

 

Sáng thế ký 22:15-16, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu Áp-ra-ham lần thứ nhì mà rằng: Đức Giê-hô-va phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi, thì ta lấy chánh mình ta mà thề rằng…”

 

Áp-ra-ham có dâng hiến con mình làm của lễ không? Không, ông không có dâng hiến con mình. Nhưng Chúa nói với ông rằng: “Vì ngươi đã làm những điều đó.” Chúng ta thấy rằng, Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và ông đã thể hiện rõ qua hành động để cho chúng ta biết, Đức Chúa Trời đã biết rõ về Áp-ra-ham rồi. Đức Chúa Trời kể đến những gì mà ông đã làm. Áp-ra-ham được kể là công bình nhờ vào đức tin, nhưng Áp-ra-ham cũng được kể là công bình trước mặt con người bởi việc làm. Ông chứng tỏ là mình có đức tin.

 

Hãy chú ý đến lời Chúa nói cùng Áp-ra-ham “Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi.”        

 

Qua sự việc này, Đức Chúa Trời chỉ rõ cho biết rằng, sẽ có một Người đứng giữa khoảng cách giữa Trời và người, sẽ có một Người sẽ trở thành Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đó là một bài học lớn cho chúng ta trong đoạn này. Áp-ra-ham nói rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho một con chiên làm của lễ. Đức Chúa Trời đã ban Chiên Con sau này qua Đấng Christ. Đức Chúa Trời ngăn cản Áp-ra-ham giết con ông là Y-sác, vì đó là điều sai. Đức Chúa Trời để cho con Áp-ra-ham sống, nhưng Đức Chúa Trời không tiếc chính con Ngài, nhưng ban con ấy cho chúng ta.

 

Sáng thế ký 22:17-18, “Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”

 

Chúa nói cùng Áp-ra-ham, ‘các dân trên thế gian sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.’ Dòng dõi Đức Chúa Trời đang nói là ai? Trong Ga-la-ti 3:16 cho chúng ta biết rõ ý nghĩa: “Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. Không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ.”

 

Trong 3:8 Phao-lô nói thêm: “Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước.”

Khi Đức Chúa Trời giảng Tin Lành cho Áp-ra-ham, Ngài kêu gọi ông dâng chính con mình là Y-sác lên bàn thờ. Đức Chúa Trời nói là: ‘các dân tộc thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước,’ dòng dõi đó là Đấng Christ.  

 

Liên quan đến cái nhìn của phong tục đương thời. Chúng ta có thể nghĩ rằng những người như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp trong thời Cựu ước không thông minh như chúng ta, họ không hiểu biết nhiều như chúng ta. Dầu vậy, họ biết nhiều về sự đến của Đấng Christ và Tin lành hơn chúng ta, Chúa Giê-xu nói rằng: Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ. (Giăng 8:56)

 

Vì thế ông hiểu nhiều hơn chúng ta hiểu. Đức Chúa Trời tỏ bày cho Áp-ra-ham rất nhiều, ngay khi Đấng Cứu Thế chưa đến. Ngày nay chúng ta biết Ngài đến gần hai ngàn năm trước đây, nhưng tại ngọn núi Mô-ri-a, nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác, tỏ bày hình ảnh sự dâng hiến và sự sống lại của Đấng Christ. Sau khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham dâng Y-sác, phải mất ba ngày ông mới đi đến núi Mô-ri-a. Đức Chúa Trời ban lại cho Áp-ra-ham, Y-sác sống lại trong ngày thứ ba, vì thế đó là hình ảnh về sự chết và sống lại của Đấng Christ. Khi Phao-lô nói Đức Chúa Trời giảng Tin Lành cho Áp-ra-ham, chắc chắn là nó được giảng tại đây.

 

Lời phán của Đức Giê-hô-va: ‘các dân tộc thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.’ Ngày nay Tin lành của Đấng Christ đã đến cùng với toàn thế giới. Nhưng cũng có nhiều người chưa nghe về Tin lành, nhưng phước hạnh đến với mọi dân tộc, phước hạnh đến qua Đấng Christ.

 

Chúa khen ngợi Áp-ra-ham đã vâng theo lời của Ngài. Sự vâng lời đặt trên đức tin, và đức tin luôn dẫn đến hành động. Vì đức tin không có việc làm là đức tin chết.

  

ÁP-RA-HAM TRỞ VỀ BÊ-E SÊ-BA

 

Sáng thế ký 22:19-20, “Đoạn Áp-ra-ham trở về nơi hai người đầy tớ; họ đứng dậy, đồng nhau đi về Bê-e-Sê-ba. Áp-ra-ham cứ ở tại Bê-e-Sê-ba. Sau các việc đó, người ta thuật lại với Áp-ra-ham tin nầy rằng: Nầy, nàng Minh-ca cũng sanh con cho em ngươi, là Na-cô.”

 

Trong phần cuối của đoạn này, cho chúng ta biết phần khác về gia đình của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham rời em mình là Na-cô khi ông lên đường đi Cha-ran. Dòng tộc của ông Na-cô không được Kinh Thánh đề cập đến nữa. Nhưng sẽ có quan hệ với dòng dõi của Áp-ra-ham sau này khi Y-sác cưới vợ.  

 

Trong bước đường theo Chúa có lắm lúc chúng ta đối diện với những thử thách. Cầu xin Chúa cho chúng ta luôn giữ lòng tin cậy nơi Ngài trong mọi hoàn cảnh, vì những thử thách từ nơi Chúa cho xảy ra, sẽ gây dựng đức tin càng lớn mạnh hơn.

 

Bài trướcBài 30: Đền Tạm (tt)
Bài tiếp theoMột Chút Mùa Xuân.