Bài 30: Đền Tạm (tt)

7998

  Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta đang học về đền tạm và các vật dụng mà Đức Chúa Trời đã chỉ thị cho Môi-se thiết kế. Các vật dụng nầy có ý nghĩa hình bóng về chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cũng như về Chúa Jêsus Christ,  trước giả sách Hê-bơ-rơ giải nghĩa cho chúng ta thấy rõ những biểu tượng đó có ý nghĩa như thế nào.

 

Nhiều khái niệm trong Tân ước xuất phát từ đền tạm. Chúng ta sẽ không thể hiểu nhiều phần trong Kinh thánh nếu không hiểu về đền tạm. Có rất nhiều phần trong Cựu ước cũng như Tân ước sẽ trở nên vô cùng khó hiểu nếu chúng ta không hiểu về đền tạm. Và quan trọng hơn cả, chúng ta sẽ không thật sự hiểu Tin lành của Chúa Jêsus Christ, trừ khi chúng ta hiểu về đền tạm và ý nghĩa của các vật dụng được dùng trong đền tạm.

 

(1) Vật dụng đầu tiên trong đền tạm là chơn đèn bằng vàng. Hình ảnh “chơn đèn vàng” là biểu tượng cho ý nghĩa, Đức Chúa Trời là tác giả của Thánh kinh; lời của Ngài là ánh sáng dẫn đường. Chính Lời Ngài đã bày tỏ cho con người tội lỗi phương cách để  được cứu chuộc và phương cách để đến cùng Đức Chúa Trời chí thánh mà  thờ lạy Ngài.

 

Xét theo nhiều phương diện, lời Đức Chúa Trời và đức tin là nguồn gốc của sự cứu rỗi. Khi đứng trước chơn đèn, thầy tế lễ cảm tạ Đức Chúa Trời vì Chúa không để cho con dân của Ngài mò mẫm trong bóng tối; nhưng Chúa đã mặc khải các lẽ thật thông qua lời thánh của Ngài. Đây cũng là hình bóng về Chúa Jêsus, vì Ngài là “Ngôi lời” và “Ánh sáng của thế gian”. Không có Chúa Jêsus thì nhân loại vẫn phải sống trong tăm tối vì không có lời của lẽ thật.

 

(2) Bên cạnh chơn đèn là bàn để bánh thánh hay còn gọi là bánh trần thiết là biểu tượng về việc Đức Chúa Trời quan phòng và chu cấp mọi nhu cầu cho con dân Ngài. Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký và sách Dân số ký, chúng ta thấy, Ngài thi hành điều nầy bằng quyền phép siêu nhiên, và được lặp đi lặp lại cách thường xuyên. Đức Chúa Trời không bao giờ muốn con dân của Ngài mập mờ chút nào về lẽ thật- Ngài là Đấng bảo tồn sự sống của họ.

 

Trong câu chuyện Phúc âm Ma-thi-ơ 12:1-8,  Chúa Jêsus đã tranh luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo về mục đích, tinh thần và ý định của luật pháp. Những người lãnh đạo tôn giáo đã không nắm được mục đích của luật pháp. Nhân cơ hội đó, Chúa đã dùng câu chuyện của Đa-vít có liên quan đến bàn bánh trần thiết.

 

Đa-vít bị Sau-lơ truy nã gắt gao nên ông cùng những người ủng hộ phải chạy trốn và bị đói. Đa-vít biết trong ngôi làng nhỏ kia có đền thờ; Đa-vít cũng biết trong đền thờ có bánh trần thiết. Ông đã tiến vào ngôi đền và yêu cầu được ăn bánh trần thiết. Chúa Jêsus công khai tán thành điều Đa-vít làm, nhưng người Pharisi thì sửng sốt khi nghe như vậy. Chúa Jêsus tán thành về việc Đa-vít làm, vì mục đích của bàn bánh trần thiết nhằm chứng tỏ rằng, Đức Chúa Trời cung cấp mọi nhu cầu; trong đó, có nhu cầu về cơm áo cho mọi người. Người Pharisi và các thầy thông giáo hiểu và áp dụng luật pháp cách máy móc. Đối với họ, chỉ có thầy tế lễ mới được phép ăn bánh trần thiết. Dù công nhận ý nghĩa về việc Đức Chúa Trời cung ứng nhu cầu cho dân sự Ngài; nhưng họ vẫn áp dụng điều luật nầy theo cách, chẳng thà bắt mọi người chết đói còn hơn cho họ được ăn bánh. Đa-vít đã yêu cầu một điều được xem là phạm luật theo phương diện văn tự hay công thức của luật pháp; nhưng theo phương diện  tinh thần của luật pháp, ông đã hữu lý khi nhận thức rằng, ý nghĩa của điều luật đó là Đức Chúa Trời chu cấp nhu cầu hằng ngày cho con dân Ngài. Trong trường hợp của Đa-vít, ông và những người đi với ông đang bị đói và có nhu cầu nầy.

 

(3) Một bàn thờ khác được gọi là bàn thờ xông hương. Tại bàn thờ xông hương thầy tế lễ cầu thay cho tội nhân là những người còn đứng ở tại cổng của đền tạm. Khi thực hiện vai trò trung bảo để cầu thay cho tội nhân, thầy tế lễ là hình bóng về Chúa Jêsus Christ, vì Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta. (Hê-bơ-rơ 8). Có sự khác biệt giữa vai trò của thầy tế lễ và đấng tiên tri. Thầy tế lễ đại diện cho tội nhân hay loài người để đến cùng Đức Chúa Trời; còn tiên tri là người nhận lấy sứ điệp của Đức Chúa Trời để đến với con người. Nhiệm vụ của thầy tế lễ là thay mặt cho tội nhân để đến với Đức Chúa Trời, làm nhiệm vụ của một người trung gian khi họ đứng trước bàn thờ xông hương để cầu thay cho tội nhân.

 

Bên trong đền tạm được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là nơi thánh, phần thứ hai là nơi chí thánh.

 

(4) Tại nơi chí thánh, có một vật được xem là thiêng liêng nhất trong các vật dụng là “Hòm giao ước.” Hòm giao ước có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là biểu tượng cho sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời. Khi đến sách Giô-suê, chúng ta sẽ thấy dân Y-sơ-ra-ên khiêng Hòm giao ước đi chung quanh thành Giê-ri-cô. Họ luôn mang theo Hòm giao ước khi chiến đấu với quân thù vì quyền năng của Đức Chúa Trời hiện diện tại đó.

 

Có một lẽ thật quí báu trong Tân ước được hình bóng bởi đền tạm trong Cựu ước. Tân ước dạy rằng, “Anh  em không biết rằng thân thể của anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống và Ngài đang ngự trong anh em sao?” Đây là một trong những lẽ thật sinh động nhất trong Tân ước.

 

Khi bị bắt lưu đày sang Ba-by-lôn, Đa-ni-ên luôn luôn hướng về Giê-ru-sa-lem mà cầu nguyện. Tại sao vậy? Bởi vì ông tin rằng, Đức Chúa Trời hiện diện tại Hòm giao ước ở Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chi-ên và các vị tiên tri đã gặp khó khăn rất lớn khi giảng về Đức Chúa Trời cho dân chúng đang bị lưu đày; vì đối với họ, Đức Chúa Trời hiện diện tại Hòm giao ước ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi bước sang Tân ước, Kinh thánh cho biết thân thể của chúng ta là đền thờ nơi mà Đức Chúa Trời đang ngự.

 

Đây là một chân lý thật quan trọng trong Tân ước. Nếu chúng ta quyết định đi theo Chúa Jêsus, trở nên môn đồ của Ngài thì thân thể của chúng ta trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống. Tuy nhiên, vào thời dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng, Đức Chúa Trời chỉ ngự trong Hòm giao ước mà thôi. Chính việc Chúa ngự tại Hòm giao ước khiến nó trở thành vật thánh nhất trong tất cả.

 

Phía trong Hòm giao ước có các bảng đá của 10 điều răn, có bình đựng mana và cây gậy trổ hoa của A rôn. Mọi vật nầy được giữ trong Hòm giao ước.

 

Tin lành trong Tân ước được hình bóng qua đền tạm. Các vật dụng trong đền tạm tạo nên hình thập tự giá. Điều nầy không phải là ngẫu nhiên. Hình ảnh của Chúa Jêsus Christ cũng được thấy từ đầu cho đến cuối của đền tạm. Khi vừa đặt chơn đến đền tạm, chúng ta có Bàn thờ dâng của lễ thiêu; tiếp đến là chậu rửa, rồi đến các vật dụng làm hình bóng cho thập tự giá.

 

Đây là sứ điệp rút ra từ hình ảnh của đền tạm, Chúa Jêsus phán rằng, “Môi-se viết về ta”, mọi vật trong đền tạm là hình bóng về Chúa Jêsus. Ngài là ánh sáng của thế gian, là bánh của sự sống, là sinh tế toàn hảo được ám chỉ tại Bàn thờ dâng của lễ thiêu, là Đấng thanh tẩy chúng ta. Như vậy, Tin lành của Chúa Jêsus được nhìn thấy qua hình ảnh của đền tạm. Do đó, chỉ khi nào hiểu được đền tạm, chúng ta mới hy vọng hiểu được sách Lê-vi ký, vì đây là cuốn cẩm nang dành cho các thầy tế lễ hành lễ tại đền tạm.

 

Quí vị có biết Chúa Jêsus là ai không?

 

Đó là Đấng mà Cựu ước dạy rằng, “Ngài sẽ đến”; và là Đấng mà Tân ước dạy rằng, “Ngài đã đến”. Quí vị có cảm thấy mình đang mò mẫm trong bóng tối không?  Ngài phán rằng, “Ta là sự sáng của thế gian.” Quí vị cảm thấy đời sống tâm linh mình trống rỗng không? Ngài phán, “Ta là bánh của sự sống.” Ngài muốn ngự vào đời sống quí vị và biến thân thể quí vị trở nên đền thờ của Ngài.

 

Bài trướcTổng Kết Hoạt Động Y Tế Xã Hội Của Tổng Liên Hội Năm 2012.
Bài tiếp theoBài 30: Đức Chúa Trời Thử Đức Tin Áp-Ra-Ham