Ý TƯỞNG CỦA CHÚA CHẲNG THEO LỐI MÒN

11310

 “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:8-9).

Có nhận định cho rằng, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thuộc phái bảo thủ (Conservative Church). Tuy nhiên, chữ “bảo thủ” cần phải được hiểu cho đúng với ý nghĩa của nó – không hàm ý tiêu cực mà đó là sự gìn giữ nề nếp truyền thống về mặt thần học.

Ở đó, Kinh Thánh được tin quyết là Lời của Đức Chúa Trời, và phần lớn được giải nghĩa theo nghĩa đen mà người ta có thể hiểu được cách thông thường theo ý nghĩa của bản văn (hiển nhiên chữ bảo thủ không phải là khước từ hay phản kháng những phân đoạn Kinh Thánh hàm chứa nghĩa bóng, hay ý nghĩa hình bóng của một số phân đoạn Kinh Thánh cụ thể). Ở đó, Tin Lành bảo thủ không chấp nhận những cách giải nghĩa Kinh Thánh theo lối duy lý hay Tân phái. Ở đó, niềm tin xác quyết vào Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Ở đó, con đường duy nhất để được cứu rỗi là ăn năn tội lỗi, và tin nhận Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời. Ở đó, chúng ta tin vào sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ để cất Hội Thánh lên để mãi mãi ở cùng Ngài.

Năm “tính duy nhất” (Solas) cũng phản ánh những tính bảo thủ đáng quý của Hội Thánh Cải Chánh: Sola Scriptura (Duy chỉ Kinh Thánh), Solus Christus (Duy Đấng Christ), Sola Fide (Duy Đức Tin), Sola Gratia (Duy Ân điển), và Sola Deo Gloria (Duy Chúa Vinh hiển).

Cần phân biệt chữ Bảo Thủ (Conservitive) với sự hiểu biết mang tính cực đoan, chúng được hình thành từ những văn hóa, những tập quán bản địa, hay những thói quen, những hình thức sinh hoạt mang tính địa phương… Có khi nó có thể thích hợp cho Hội Thánh địa phương này, mà lại không thích hợp cho Hội Thánh địa phương khác… Có khi nó là động lực để phát triển Hội Thánh, nhưng cũng có khi nó là áp lực, nếu không nói là trở lực cho sự phát triển của Hội Thánh.

Thật buồn vì có những người thích đi theo lối mòn mà không chịu thay đổi. Theo họ, sự thay đổi về hình thức rao giảng Phúc âm chẳng hạn, có thể: “làm khác đi với cha ông của chúng ta từ xưa đến giờ”, “làm như vậy khác với truyền thống của Hội Thánh tôi từ thời xưa”, “làm như vậy là đem thế gian vào trong Hội Thánh”, v.v…

Thật không dễ thay đổi một thói quen, một suy nghĩ, hay một truyền thống khi nó đã ăn vào xương tủy, hay đã tạo một lối mòn trên vỏ não con người!

Trong bài viết nầy, tôi đang quan tâm đặc biệt về sự thay đổi những hình thức bề ngoài, những phương cách tiếp cận và truyền giảng Phúc âm cho cộng đồng xã hội. Tôi đang gặp một thách thức nho nhỏ là “thôi thì chúng ta chấp nhận như thế, để Hội Thánh được êm vui, và để cho người lãnh đạo đỡ mệt, và có lẽ khỏe hơn khi chúng ta khi chỉ cần làm thinh mà không nên thay đổi gì cả”; hay “chúng ta có thể suy nghĩ cách nào đó – có thể phải chấp nhận giá trả, để thay đổi, hay để rao giảng Phúc âm của Chúa cách rãi lớn và hiệu quả hơn?!

Trước khi đi đến quyết định nên hay không, chúng ta xem câu Kinh Thánh trong Ê-sai 55:8-9, “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”.

Thực tế, nếu chỉ mượn “truyền thống” trong ý nghĩa gượng hiểu, cho chúng ta thấy:

1 – Ai có thể chấp nhận được khi Chúa kêu TIÊN TRI GIÔ-NA đi lên Ni-ni-ve, thủ đô của A-sy-ri để loan ra lời tiên tri nhằm cứu dân thành Ni-ni-ve?

Chắc chắn Giô-na, chính ông trăn trở: Chúa ôi, Ngài có nhầm lẫn không thưa Chúa? Đó là kẻ thù của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đó là kẻ thù của dân Chúa!

Chắc chắn cả dân chúng sẽ phản đối Giô-na rằng: “Không được, ông là tiên tri không trung thành với tổ quốc”. Có thể họ cho Giô-na là một ngụy tiên tri. Họ thét lên rằng: “Ngươi đã đi sai với đường lối của tổ phụ chúng ta, của truyền thống dân tộc chúng ta!

Vv… và vv…

2 – Ai có thể chấp nhận một tiên tri của Đức Chúa Trời, lại đi cưới một kỹ nữ. Ô-sê đã đi cưới Gô-me, con gái của Đíp-la-im.

Riêng cái tên cao quý của vị tiên tri nầy có ý nghĩa là SỰ CỨU RỖI. Ô-SÊ CÓ NGHĨA LÀ SỰ CỨU RỖI… vậy mà ông đi cưới một cô gái điếm, một người đàn bà làm nghề kỹ nữ, thì chắc chắn sẽ có tiếng xì xầm: “Đức Chúa Trời nào mà sai ngươi đi, chỉ có ngươi thích Gô-me nên làm càng đó thôi”. Chắc chắn sẽ có tiếng la hét: “Quả là không xứng đáng một tiên tri”. Chắc chắn là có tiếng la ó: “Không thể chấp nhận một tiên tri mà lại cưới một người đàn bà như thế”. Chắc chắn sẽ lắm tiếng phàn nàn: “Nếu cứ để như thế, dân sự sẽ hư mất, chẳng còn luật lệ nào nữa hết…

Thật, nếu không hiểu được ý muốn của Chúa, chỉ mượn “truyền thống” để phán xét, thì chắc không ai chấp nhận hành động của Giô-na, hay của Ô-sê.

3 – Ai có thể chấp nhận một tiên tri Ê-xê-chi-ên, ông nằm suốt 390 ngày nghiêng về Y-sơ-ra-ên, và trọn 40 ngày nghiêng về phía Giu-đa? (Ê-xê-chi-ên 4)

4 – Ai có thể mường tượng được chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời khi Ngài chọn 3 người phụ nữ có lai lịch dường như không tốt, lại trở nên tổ mẫu của Đấng Cứu Thế về phần xác? (đó là Ta-ma, đó là Ra-háp; và đó là Ru-tơ). Ta-ma là người giả làm một kỹ nữ ven đường, Giu-đa, cha chồng nàng lọt bẫy, buộc phải công khai chấp nhận nàng làm vợ; Ra-háp là kỹ nữ sống bên ngoài thành Giê-ri-cô, đã có công cứu các thám tử khi họ do thám đất hứa; và Ru-tơ là người con gái ngoại bang thuộc dân Mô-áp… Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã cho tất cả họ có một chỗ đứng hết sức đặc biệt trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên, và họ đều có tên trong gia phả của Chúa Cứu Thế Giê-xu (Ma-thi-ơ 1:1-6).

5 – Ai có thể chấp nhận một Cứu Chúa của nhân loại lại sanh trong chuồng chiên máng cỏ, một Ra-bi Do Thái vĩ đại ngồi ăn với bọn thâu thuế? Và Con của Đức Chúa Trời lại chết trên thập tự giá để gánh tội cả thế gian?

6 – Ai có thể chấp nhận một Phao-lô đi truyền giáo cho dân ngoại bang, và ai có thể chấp nhận người ngoại bang được ban cho Thánh Linh và đầy năng quyền của Ngài để thực thi các dấu kỳ phép lạ?

Nếu không có sự sâu sắc, nếu không có sự am hiểu, nếu không sống gần gũi với chính Chúa, nếu chỉ lấy “truyền thống” để phán xét, thì không ai có thể chấp nhận những con người nầy, những hành động nầy trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời thông qua sự cứu chuộc của Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Nếu không có sự hiểu biết chương trình cứu rỗi rất lạ lùng của Đức Chúa Trời, nhiều người sẽ phản đối với những chương trình, với những hình thức, với những phương cách trông có vẻ hơi khác với những “truyền thống lối mòn” xưa nay của Hội Thánh. Và rất dễ người ta sẽ mượn hai chữ truyền thống để bảo vệ cho quan điểm cực đoan, hay một lối mòn mà người ta không muốn thay đổi.

Cá nhân tôi mạo muội khẳng định: Hãy luôn nhớ rằng NỘI DUNG PHÚC ÂM KHÔNG CHO PHÉP, VÀ SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP THAY ĐỔI – NHƯNG HÌNH THỨC ĐỂ TRUYỀN ĐẠT PHÚC ÂM NHẤT ĐỊNH PHẢI ĐƯỢC THAY ĐỔI, ĐỂ PHÙ HỢP VỚI CÁC DÂN TỘC, VỚI TỪNG VĂN HÓA VÙNG MIỀN, MIỄN LÀ KHÔNG LÀM GIẢM ĐI GIÁ TRỊ CAO QUÝ CỦA PHÚC ÂM.

Thật sự Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhiều hình thức rao giảng Phúc âm trong những năm gần đây. Sự truyền giáo sống động tại các Chi Hội lẫn các chương trình lộ thiên, hay công tác Mục vụ Thể thao đang đem lại sự kết nối và truyền giảng rất hiệu quả cho giới trẻ. Nếu không có những sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội, của công nghệ thông tin, thì làm sao chúng ta có thể có cơ hội vươn nhanh và xa như hiện tại.

Vậy nên, Hội Thánh có thể mạnh dạn dùng những hình thức khác nhau như Mục vụ thể thao để kết nối, hay ca cổ để đi vào lòng của hàng triệu người dân Nam bộ, hoặc một hình thức mới mẻ nào khác để chia sẻ Phúc âm… nhưng không làm tầm thường hóa sứ điệp Phúc âm bởi những chiêu trò lôi kéo chụp giựt. Nếu chúng ta sợ sự phản kháng hay sợ mích lòng một nhóm người thích đi lối mòn, chúng ta đang đánh mất cơ hội truyền giảng Phúc âm trước một thế hệ đang cần Phúc âm hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta không nỗ lực ra đi truyền giảng Phúc âm thì sẽ có những người già sẽ chết mà chưa được nghe Phúc âm; sẽ có những kẻ trẻ tuổi sẽ bị sa ngã, và bị lùa đến sự chết trước khi biết đến Phúc âm.

Vâng, và biết đâu, ngày cuối cùng, đối diện với Chúa, Ngài trách chúng ta chỉ vì nhút nhát hay biếng nhác, thích đi theo lối mòn mà không chịu rao giảng Phúc âm. Biết đâu chúng ta thường có khuynh hướng chỉ quan tâm đến số lượng người lớn tin Chúa, mà không kể số con nhỏ tin Chúa vào những mùa Trung thu, nhưng trong ngày cuối Chúa phán: Ta thích môi miệng trẻ thơ còn bú xưng danh ta. Đôi khi chúng ta cứ sờn lòng trước lập luận của những người không chịu ra đi truyền giáo, khi họ cho rằng: “Tin Chúa ào ào như vậy chứ đứng vững được mấy người”. Biết đâu, ngày cuối cùng Chúa phán cùng kẻ tự hào khi mình đã từng nhân danh Chúa đuổi quỷ và làm phép lạ rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó. Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống; ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng(Ma-thi-ơ 25:41-43). Và biết đâu ngày cuối cùng Chúa lại bênh vực những kẻ đã từng mở miệng xưng danh Ngài, dẫu chỉ một lần cầu nguyện xưng danh Ngài, và Ngài bào chữa cho họ rằng: “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta” (Ma-thi-ơ 25:35-36) thì sao?

Thôi thì, cứ bắt nắm cơ hội, dùng mọi hình thức có thể để chia sẻ Phúc âm của Chúa. Hãy nhớ rằng: Ý tưởng của Chúa khác với lối mòn của con người. Những người không làm, còn ngăn trở người khác làm công tác truyền giáo, chắc chắn sẽ chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Chúa trong ngày cuối cùng về những linh hồn hư mất vậy.

Mục sư Nguyễn Tấn Lộ
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Bài trướcTư vấn Cơ Đốc: Chương 1 – HỘI THÁNH và TƯ VẤN CƠ ĐỐC (tiếp)
Bài tiếp theoBài hát: SUỐI NƯỚC YÊU THƯƠNG