Tư vấn Cơ Đốc: Chương 1 – HỘI THÁNH và TƯ VẤN CƠ ĐỐC (tiếp)

2266

CHƯƠNG 1

HI THÁNH VÀ TƯ VẤN CƠ ĐỐC (phần 2)

HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐỒNG CHỮA LÀNH

      Cộng đồng chữa lành được xác định như là những nhóm người có sự cam kết gắn bó và có cùng một sự quan tâm chung về sự chữa lành những bệnh tật về tâm lý, về cách cư xử, hoặc về tâm linh. Khi nghiên cứu những nhóm bệnh nhân được điều trị, những giáo sư chuyên môn về khoa thần kinh đã phát hiện có những tác động lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm; sự hướng dẫn, khuyến khích, tạo ra thách thức hay ủng hộ động viên lẫn nhau có những giá trị trong việc chữa bệnh. Trong những cộng đồng như vậy, cần có một người lãnh đạo nhạy bén dạy dỗ, hướng dẫn, gây dựng họ biết cách cư xử, hoặc tạo ra sự cởi mở và giúp hạn chế sự chỉ trích phê phán lẫn nhau, từ đó có thể rất có hiệu quả trong tương quan với nhau và giúp điều trị bệnh. Những cộng đồng như các gia đình, các nhóm nghiên cứu, những bạn bè tin cậy nhau, những giáo sư đồng nghiệp, các nhóm công nhân, và những nhóm nhỏ khác, thường đem lại sự giúp đỡ rất cần thiết cho các thành viên trong những lúc khủng hoảng, hay khi phải đối diện với những thách thức trong cuộc sống.

      Hội Thánh được Chúa Cứu thế Jêsus thành lập, Ngài là đầu và Hội Thánh là thân thể của Ngài. Trải qua nhiều thế kỷ Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ vẫn tiếp tục sứ mệnh của Ngài trong việc dạy dỗ, rao giảng, chăm sóc, và tư vấn. Mọi thành viên trong Hội Thánh cộng tác làm việc, cùng chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau và rao truyền đạo Chúa, đem nhiều người vào trong Hội Thánh. Chúa Jêsus căn dặn các môn đệ trước khi Ngài thăng thiên: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ; và dạy họ giữ hết cả mọi đều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế”.

      Hội Thánh được gây dựng để hoàn tất đại mạng lệnh của Chúa là khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa và dạy dỗ họ. Những người tin Chúa đầu tiên đã tập hợp lại trong sự thông công hoặc trong mối quan hệ cộng đồng. Họ được gây dựng trong tình yêu thương Chúa và yêu thương lẫn nhau. Họ hội họp nhau để cùng thờ phượng Chúa, cầu nguyện, dạy dỗ, khuyến khích nhau trên con đường theo Chúa và hầu việc Ngài. Trong Hội Thánh, các tín đồ chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; mỗi một tín đồ được Chúa ban những ân tứ và khả năng cần thiết để gây dựng Hội Thánh. Trong các Hội Thánh địa phương, mục sư và những người được lựa chọn khác lãnh đạo chi hội trong mọi hoạt động tôn giáo; các tín đồ trực tiếp thông công với nhau, tham gia mọi hoạt động, và đảm nhận việc chia sẻ, dạy dỗ, và dự phần trong hoạt động truyền giáo.

      Hội Thánh địa phương là một cộng đồng chữa lành luôn có tiềm năng lớn lao đối với việc chữa trị. Tín đồ luôn có tinh thần giúp đỡ nhau, nâng đỡ những người yếu đuối, khuyến khích, an ủi người gặp thử thách hay trong hoàn cảnh đau buồn; hướng dẫn nhiều người lựa chọn quyết định đúng; giúp mọi thành viên trong sự trưởng thành thuộc linh, vững vàng trong niềm tin nơi Chúa và bước đi theo Ngài.

TÁC DỤNG CỦA TÂM LÝ HỌC TRONG TƯ VẤN CƠ ĐỐC

      Tâm lý học là sự nghiên cứu một lãnh vực rất phức tạp, tìm cách giải thích về hành vi của con người và các loài động vật.

      Một số tác giả phản bác việc vận dụng tâm lý học trong tư vấn, họ cho rằng Kinh Thánh là tất cả những gì cần thiết mà người tư vấn Cơ Đốc có được để giúp đỡ những người khác. Một tác giả đã nói: “Một Cơ Đốc nhân thật sự sẽ không pha trộn giáo lý Cơ Đốc với tâm lý học”; một tác giả khác: “Đức Chúa Trời và Lời Ngài cung cấp một nền tảng đầy đủ trọn vẹn cho sự hiểu biết về tâm lý con người. Kinh Thánh chứa đựng tất cả các tác nhân làm xoa dịu và chữa lành đối với tất cả mọi mức độ thương tổn trong tâm thần, mà không cần dựa trên một hệ thống lý thuyết nào khác”. Jay Adams cho rằng, các chuyên gia tâm thần học và các nhà tâm lý học đang gắng sức làm thay đổi thái độ và giá trị của con người trong tình trạng không có Chúa. Khi nhận định về các nhà tư vấn Cơ Đốc, Adams xác nhận: “Nhờ việc học Lời Đức Chúa Trời một cách cẩn thận và quan sát kỹ càng về những nguyên tắc sống mà Thánh Kinh miêu tả, bạn có thể gặt hái được nhiều thông tin và kinh nghiệm mà bạn cần có để trở thành một nhà tư vấn Cơ Đốc đầy tự tin và tài giỏi, mà không cần đến bất cứ một sự nghiên cứu nào về tâm lý học”.

      Rõ ràng, các tác giả này không nghĩ rằng việc nghiên cứu tâm lý học hoặc các lãnh vực có liên quan, sẽ có thể giúp nhà tư vấn Cơ Đốc thưc hiện tư vấn một cách có hiệu quả hơn. Một cách chắc chắn, Kinh Thánh giải quyết được tất cả các nan đề như: sự cô đơn, sự thất vọng, các vấn đề về hôn nhân gia đình, nỗi đau, các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự giận dữ, nỗi sợ hãi, và một số tình huống tư vấn khác; nhưng Kinh Thánh không là sự mặc khải duy nhất của Đức Chúa Trời trong việc giúp đỡ người khác.

      Trong suốt thế kỷ qua các nhà tâm lý học phát triển đến mức sâu xa ngành tâm lý học. Họ nghiên cứu thái độ của con người một cách cẩn thận với những phương thức khảo cứu khác nhau và với những tài liệu đã được phát hiện về lãnh vực này. Các nhà tư vấn chuyên nghiệp đã học được cách có thể làm thay đổi người khác như thế nào, và khiến người khác hành xử theo cách của họ đưa ra, dựa theo các sự hiểu biết về tâm lý. Sự nghiên cứu cẩn thận về tâm lý học và việc phân tích dữ liệu một cách khoa học giúp tìm ra các giải pháp tích cực mang lại sự giúp đỡ cho những người được tư vấn.

      Hiệu quả tư vấn Cơ Đốc sẽ bị giới hạn khi không có hiểu biết về những phát hiện về tâm lý học. Ngay cả đối với những người có thể giải tỏa các vấn đề thuộc lãnh vực tâm lý cách thành thạo, họ cũng đã vận dụng các kỹ thuật mang tính tâm lý hoặc sự hiểu biết về tâm lý học một cách nhất định, vì điều đó tác động đến sự nhận định và tìm ra giải pháp của các vấn đề. Con người có thể tìm hiểu sự thật qua kinh nghiệm và bằng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Các phát hiện của con người qua khoa học, nói chung, và qua y khoa và tâm lý học, nói riêng, cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết sâu nhiệm hơn về con người và các công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Qua đó chúng ta có thể cảm nhận quyền năng và uy quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời, khiến cho chúng ta vững lòng tin và thêm sự trông cậy phó thác mọi sự cho Ngài.

      Để gia tăng hiệu quả công tác tư vấn của mình, các nhà tư vấn Cơ Đốc cũng cần thiết thừa nhận sự hiểu biết của những nhà tâm lý học và các giáo sư trong lãnh vực tâm lý. Mặc dù có những tiêu chuẩn trái ngược giữa tâm lý học và Kinh Thánh, sự thật là tâm lý học có thể đem lại một sự giúp đỡ lớn đối với công tác tư vấn Cơ Đốc. Vấn đề đặt ra là vận dụng tâm lý học trong tư vấn Cơ Đốc như thế nào cho phù hợp với mọi nguyên tắc của Thánh Kinh? Tâm lý học cần phải được thử nghiệm với các chuẩn mực lẽ thật mà Thánh Kinh tỏ bày, để mọi sự tư vấn Cơ Đốc mang giá trị thống nhất. Nhiều nhà tư vấn Cơ Đốc gặt hái nhiều hiệu quả đã để lại những kinh nghiệm quí báu về điều này, sự học tập trực tiếp các phương cách vận dụng tâm lý học trong tư vấn của chính họ hay những điều mà họ chia sẻ, là những việc cần nên làm với những Cơ Đốc nhân muốn đi vào lãnh vực tư vấn.

      Các trang kế tiếp trong sách này được chuẩn bị bởi nhiều nhà tư vấn Cơ Đốc. Đây không phải là một quyển cẩm nang hay những công thức được thiết lập bởi các nhà tư vấn bậc thầy. Thế nhưng, những sự cải thiện sự hiểu biết qua học tập sẽ đem lại hiệu quả hơn cho một người tư vấn. Các chương kế tiếp được viết ra nhằm cung cấp một vài kiến thức cần thiết nhằm hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng cho những người tư vấn Cơ Đốc. Những chủ đề được thảo luận là những vấn đề phổ biến mà Cơ Đốc nhân và mọi người thường phải đối diện. Các vấn đề ấy liên quan đến sự thờ phượng, sự truyền giáo, dạy dỗ, thông công, sự phát triển, các mối quan hệ có ý nghĩa, sự trưởng thành của mỗi cá nhân, và niềm vui cá nhân. Đối với từng chủ đề, chúng ta sẽ xem xét: Nguyên nhân nào đã gây ra các vấn đề ấy? Người ta bị ảnh hưởng ra sao bởi các vấn đề đó? Làm thể nào để các vấn đề có thể được giảm bớt hoặc được loại trừ? Đặc biệt là qua công tác tư vấn, làm thế nào để chúng ta có thể ngăn chặn được sự tái diễn của chúng, và chúng ta có thể nhận được nhiều thông tin hơn từ đâu? Các chương sau sẽ tóm tắt sự dạy dỗ của Thánh Kinh về các chủ đề liên quan đến việc tư vấn Cơ Đốc và sẽ đưa ra nhiều sự nghiên cứu mới về tâm lý.

      Tuy nhiên, trước khi chúng ta bắt đầu sự nghiên cứu này, chúng ta cần có một cái nhìn thấu đáo hơn về chính mình: Điều gì thúc đẩy ta để trở thành người giúp đỡ người khác? Đâu là các mối nguy cơ cho công việc tư vấn? Và tại sao quá nhiều nhà tư vấn bị kiệt sức vì áp lực, khi cố gắng giúp đỡ những người đang bị thương tổn? Đây là những chủ đề mà chúng ta cần thảo luận trong các chương sau này.

Trịnh Phan

Bài trướcChịu Khổ Vì Tin Lành – 9/1/2024
Bài tiếp theoÝ TƯỞNG CỦA CHÚA CHẲNG THEO LỐI MÒN