Vì Sao Phải Tha Thứ? – 13/7/2018   

2288

 

Phi-lê-môn 17-21

17 Vậy nếu anh coi tôi là bạn hữu anh, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy. 18 Nhược bằng người có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kể cho tôi. 19 Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều nầy: sẽ trả cho anh, — còn anh mắc nợ tôi về chính mình anh thì không nhắc đến. — 20 Phải, hỡi anh, ước chi tôi được nhận sự vui vẻ nầy bởi anh trong Chúa; anh hãy làm cho tôi được thỏa lòng trong Đấng Christ. 21 Tôi viết cho anh, đã tin chắc anh hay vâng lời, biết anh sẽ làm quá sự tôi nói đây.  

Câu gốc: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đưa ra những lý do nào để thuyết phục ông Phi-lê-môn quyết định nhận lại ông Ô-nê-sim? Tha thứ đem đến điều gì cho Hội Thánh và người phạm lỗi? Bạn được nhắc nhở gì qua bài học này?

Để khích lệ ông Phi-lê-môn quyết định nhận lại nô lệ Ô-nê-sim, trước hết Sứ đồ Phao-lô nói: “Vậy nếu anh coi tôi là bạn hữu anh” (câu 17a). Từ “bạn hữu” có nghĩa là “người cộng tác” (partner). Hai ông Phao-lô và Phi-lê-môn không chỉ là bạn bình thường, nhưng còn là những “người cộng tác” để “cùng làm việc” cho Chúa Giê-xu (câu 1), và để “cùng đánh trận” cho Ngài (câu 2). Vì là những “người cộng tác” nên họ phải sống theo luật lệ của Chủ và làm vui lòng Chủ. Nhưng Sứ đồ Phao-lô còn nhấn mạnh rằng, ông Phi-lê-môn “hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy” (câu 17b), nghĩa là giờ đây ông Ô-nê-sim cũng giống như Sứ đồ Phao-lô, cũng là “người cộng tác” với ông Phi-lê-môn. Nói cách khác, ông Phi-lê-môn không chỉ nhận lại ông Ô-nê-sim vì ông Phi-lê-môn là “bạn hữu” của Sứ đồ Phao-lô mà còn vì chính ông cũng là “bạn hữu”với ông Ô-nê-sim.

Sứ đồ Phao-lô cũng cho ông Phi-lê-môn thấy thêm một lý do khác, đó là tình yêu phải có hành động. Nếu anh nói mình biết Đức Chúa Trời là ai và có đức tin nơi Ngài thì anh phải có tình yêu, và nếu anh có tình yêu thật thì phải được bày tỏ bằng hành động. Cũng như chính Sứ đồ Phao-lô, vì ông yêu mến ông Ô-nê-sim, nên ông sẵn sàng trả cho ông Phi-lê-môn mọi món nợ của ông Ô-nê-sim (câu 18-19a). Sứ đồ Giăng dạy rằng: Chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18); và ông Gia-cơ cũng nói: Xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy”(Gia-cơ 2:26). Không những thế, sự tha thứ còn xuất phát từ nhận thức mỗi chúng ta thực chất đều là những con nợ. Ông Ô-nê-sim mắc nợ ông Phi-lê-môn, nhưng chính ông Phi-lê-môn cũng mắc nợ Sứ đồ Phao-lô về ơn cứu rỗi (câu 19b). Mỗi người trong chúng ta đều mang ơn Chúa, Hội Thánh, và nhiều anh chị em khác về ân sủng, tình yêu, sự bao dung của họ đối với chính mình.

Hơn thế nữa, sự tha thứ có thể đem đến vui mừng, thỏa lòng trong Hội Thánh (câu 20). Cay đắng, giận hờn giống như một liều thuốc độc có thể lan tỏa nhanh chóng và phá hoại sự hiệp một trong Hội Thánh. Chính sự tha thứ bày tỏ đời sống vâng phục Chúa (câu 21), sự trưởng thành thuộc linh, và đó chính là những yếu tố giúp Hội Thánh gây dựng và phát triển. Và cũng chính sự tha thứ đem đến sự phục hồi cho người phạm lỗi, giúp họ kinh nghiệm tình yêu của Chúa thông qua Hội Thánh Ngài.

Có điều nào bạncần sửa đổi để có thể thực hành sự tha thứ?

Tạ ơn Ngài về mọi ơn lành Ngài ban cho con. Tạ ơn Chúa về Hội Thánh Ngài ban cho con cùng với những anh chị em trong đó. Xin Chúa cho con sống yêu thương, gắn bó, và giữ gìn sự hiệp một của Hội Thánh để Danh Ngài được vinh quangvà nhiều người biết Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 35.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Quảng Nam Tháng 07/2018
Bài tiếp theoAn Giang: Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Bình Đức