Tin Lành Nơi Đảo Xa

3252

Hải đảo Phú Quý là một cù lao ở ngoài biển thuộc tỉnh Bình Thuận, cách xa đất liền 120 cây số, bề dài độ hơn 8 cây số, bề ngang độ 4 cây số; theo sổ bộ thì dân số được 7.070 người, còn nam, phụ, lão, ấu cư trú độ hơn 2.000 người. Có 8 thôn chia làm 3 liên xã. Dân chúng ở trên đảo này đã lâu đời, sinh hoạt với nghề trồng trọt: bắp, khoai, đậu, bông vải và nghề chài lưới. Họ sống cách cực khổ, nhà giàu mới có cơm ăn, còn toàn ăn bắp, khoai thôi. Về văn hóa họ chỉ biết chữ Tàu, nên các nhà ngói trên cột đều có viết câu đối chữ Nho. Lúc này chính phủ đã mở trường học dạy chữ quốc ngữ và đã có các Nha đại diện hành chánh, quân sự, y tế, thông tin. Về tôn giáo, họ chỉ biết thờ cúng ông bà, thần bụt và xu hướng Phật giáo.

Năm 1936, đạo Tin Lành của Chúa mới được rao truyền lần đầu trên đảo này do vị tiên phong cố Chủ nhiệm Mục sư Ông Văn Trung khi ông đến hầu việc Chúa tại Chi hội Phan Thiết. Cùng đi với ông có ông cố Chấp sự Lê Châu đến ở 1 tuần lễ, đi làm chứng và phát sách Tin Lành cho một số dân cư trên đảo. Có ông Hương chủ làng tên Ngô Văn Lành 63 tuổi cầu nguyện tin Chúa. Ông dọn dẹp khám trang thờ tà thần, ông bà, chỉ thờ Chúa thôi, sau ông cũng có vô nhóm ở Hội Thánh Phan Thiết. Khi ông Mục sư Nguyễn Xuân Hảo đến hầu việc Chúa có dẫn ông Chủ Lành đi dự Hội đồng Tổng Liên Hội tại Cần Thơ, từ đó ông về nhà hết lòng trung tín thờ Chúa cho đến năm 1952 thì qua đời hưởng thọ được 79 tuổi. Ông có trối lại với vợ con rằng: “Phải tìm đến Hội Thánh Tin Lành đem tin cho biết ông đã qua đời và nên cầu nguyện tin theo Chúa Giê-xu để được cứu rỗi.” Ngày 28/12/1952, con trưởng nam ông Lành là Ngô Lục 61 tuổi, và cháu là Ngô Đức 24 tuổi đem tin cho Mục sư Lê Khắc Chấn cho biết ông Chủ Lành đã qua đời. Mục sư tỏ lời an ủi và khuyên phải tin Chúa thì hai bác cháu bằng lòng xin cầu nguyện và cũng vui lòng đem sách Tin Lành trở về hải đảo. Sau 3 tháng, ông Ngô Lục có gởi thơ thăm Mục sư Chấn và xin ông sớm đến hải đảo giảng Tin Lành cho đồng bào của ông. Lời trong thư chẳng khác nào lời kêu gọi của người Ma-xê-đoan kêu gọi Phao-lô xưa kia, khiến cho Mục sư Chấn cảm động vô cùng, Hội Thánh và ông tha thiết nài xin Chúa mở đường cho. Trải 3 năm đều có sự chuẩn bị đi hải đảo song luôn gặp sự ngăn trở. Đến ngày 04/05/1956, ông nhờ Chúa quyết định đi hải đảo, thì Chúa thử đức tin lần cuối cùng: ghe chở hành lý đã sẵn sàng ngoài biển, vào lúc 5g30, ông ra ngoài cửa biển để ra ghe thì trời chuyển mưa, sóng to nổi dậy, ông và các hành khách tưởng phải trở về. Song Chúa nhắc tôi: “Giê-xu hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi” ông liền bảo với mấy thanh niên đưa ông đi, hiệp lại sấp mình xuống đất cầu nguyện xin Chúa cất sự ngăn trở, thì 15 phút sau quả nhiên, Chúa làm cho mây tan, gió lặng, sóng êm. Họ đồng thinh ngợi khen Chúa, nhóm họ gồm ông Nghị viên Đào Trinh, Nghị viên Thanh niên Lê Khắc Hoa, cô Lê Thị Lành và Mục sư Lê Khắc Chấn đều từ giã các thanh niên xuống ghe đi bình an. Đến 8g tối ghe nhổ neo và giương buồm lênh đênh suốt một đêm, một ngày trên mặt biển. Hành khách trên ghe có đến 75 người đều được nghe Tin Lành bởi lời làm chứng, sách vở và máy hát Tin Lành. Vào lúc 5g30 chiều ngày 05/06/1956, ghe cập bến, họ lên bờ về đến nhà ông Ngô Lục thì vừa tối. Sau khi dùng bữa xong, họ nhóm lại cầu nguyện tạ ơn Chúa cùng dùng Lời Chúa làm chứng cho gia đình ông Lục thì vợ và 3 con ông cầu nguyện tin Chúa. Sáng thứ hai họ đến Nha Đại diện Hành chánh thăm và trình giấy Tỉnh đường cho phép, ông Đại diện Hành chánh làm giấy thông báo cho các ban Hội đồng Hương chính các thôn xã, để tập trung dân chúng lại nghe các ông giảng Tin Lành của Chúa Giê-xu. Cám ơn Chúa đã mở cửa giảng đạo tại đây cách lạ lùng! Các Hương chức 3 liên xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh gồm 9 thôn đều vui lòng hưởng ứng, đón tiếp tôi tớ Chúa cách niềm nở và cho rao loa triệu tập dân chúng tại đình làng, trường học và các địa điểm thuận tiện rất đông. Tại xã Long Hải, khi giảng xong thì ban Hội đồng Hương chánh gồm có 4 ông: Chánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, và nhân viên Cảnh sát cùng 8 người nữa đầu phục Chúa. Suốt hai tuần lễ giảng và làm chứng, phát sách cho dân cư 9 thôn đều được nghe về tình yêu thương của Chúa. Các tôi tớ Chúa phải đi bộ 7, 8 cây số mới đến chỗ giảng, nên phải làm việc thâu đêm, tuy có sự mệt nhọc nhiều nhưng lòng được thỏa mãn và thấy Chúa ban phước có 38 linh hồn cầu nguyện tin Chúa, báo Hừng Đông và Thánh Kinh báo phát độ 10.000 quyển. Tạ ơn Chúa, hai gia đình ông Ngô Lục và Ngô Đức có đến 14 người tin, có 5 người thật được tái sanh bỏ rượu, thuốc, trầu và biết cầu nguyện rất có ơn nên Mục sư Chấn đã nhân danh Chúa làm lễ báp-têm cho họ và dâng 2 con trẻ cho Chúa. Chúa có cảm động gia đình ông Ngô Lục tình nguyện dâng sở nhà ngói ba căn, hai chái cho Chúa để làm nhà giảng. Mục sư Chấn đã làm đơn xin Nha Đại diện Hành chánh đảo Phú Quý cho phép dùng nhà ông Ngô Lục làm chỗ thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật. Cậy ơn Chúa đặt Ban Trị sự lâm thời; ông Ngô Lục làm Chấp sự, ông Ngô Đức làm Thư ký để lo việc nhóm họp thờ phượng ngày Chúa nhật và thăm viếng những người mới cầu nguyện. Đến ngày 18/05/1956, các tôi tớ Chúa nhóm họp các anh chị em và hai chức viên lại để cầu nguyện giao phó anh em tin Chúa và công việc Ngài trên đảo Phú Quý cho Chúa, xin Ngài gìn giữ, và từ giã về. Con cái Chúa tỏ lòng cảm ơn và lòng luyến ái tôi tớ Chúa với những giọt lệ, khiến họ không thể cầm được nước mắt.

(Theo Mục sư Lê Khắc Chấn, Chứng thực quyền Chúa, Tiếng Kêu Gọi Của Người Hải Đáo, Thánh Kinh báo, số 240 (071), tháng 10/1956, trang 10-11).

Bài trướcKết Thúc Viên Mãn – 13/3/2020
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Truyền Đạo Duen Êban (Đắk Lắk)