Thánh địa Mỹ Sơn và niềm tin của con người

4210

Không hùng vĩ như đền Angkor của Campuchia, cũng không náo nhiệt bởi làn sóng du khách như khu phố cổ Hội An, nhưng vào tháng 12 năm 1999, nơi đây đã được UNESCO chọn là một trong các di sản văn hóa thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới, đó là Thánh địa Mỹ Sơn. Thật ra không ai biết tên chính thức của khu di tích này, các nhà nghiên cứu đã định danh theo tên của một ngôi làng gần khu vực nhất, là làng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 cây số. Từ đó, tên di tích được gọi là Khu di tích Mỹ Sơn hay còn được gọi là Thánh địa Mỹ Sơn. Đây là một quần thể kiến trúc gồm hơn 70 đền tháp Chămpa với đồi núi bao quanh, nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 cây số. Tại trung tâm là một tháp chính, và chung quanh là nhiều tháp phụ bao bọc. Tất cả đều có tháp nhọn và cổng tháp thường quay về hướng Đông để tiếp nhận ánh sáng mặt trời.

Nơi đây ngày trước là trung tâm tôn giáo của vương triều Chămpa, cũng là lăng mộ của các vị vua hay hoàng thân, quốc thích. Được xây dựng từ thế kỷ thứ tư và kéo dài nhiều thế kỷ tiếp theo, nhưng sau khi vương quốc Chiêm Thành lụi tàn, thánh địa Mỹ Sơn đã bị chìm trong quên lãng hàng trăm năm, mãi đến năm 1885, mới được phát hiện. Mười năm sau, các nhà nghiên cứu bắt đầu thực hiện các cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này.

Nghệ thuật kiến trúc của các đền tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ và được coi là một trong những trung tâm đền đài chính mang dấu ấn của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và cũng là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Những bí ẩn về kỹ thuật xây dựng là vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Kiến trúc Chămpa ở Mỹ Sơn hiện nay, dù được xây dựng trong thế kỷ nào, thì các viên gạch xây dựng nên tháp đều được xây mài khít liền khối, không hề thấy mạch vữa kết dính. Các viên gạch liên kết với nhau vững chắc, ổn định cả ngàn năm nay.

Từng viên gạch gắn kết với nhau tạo ra những công trình kiến trúc thanh thoát khoẻ mạnh, hình khối giàu cảm xúc.

Người xưa đã xây dựng theo kỹ thuật nào và có chất kết dính hay không? Có nhiều giả thuyết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời chính xác. Có người cho rằng những nghệ nhân Chăm xưa kia đã chất đất sét thành hình những tòa tháp rồi mới nổi lửa nung. Thậm chí, người dân vùng này còn nói rằng dưới chân các tòa tháp có những “bộ rễ” bằng gạch để hút tinh khí trong lòng đất mẹ nuôi thân tháp. Nếu chặt đứt “bộ rễ”, tháp sẽ “chết khô” như một loài cây… Một giả thuyết khác cho rằng những kiến trúc ở Mỹ Sơn được xây dựng bằng gạch đã nung sẵn, vật liệu này được sản xuất ngay tại địa phương, và chất kết dính các viên gạch là nhựa thực vật khai thác tại rừng núi trong vùng. Đó là nhựa cây dầu rái hay cây ô dước, là chất nhớt dạng nước có màu vàng nhạt trong suốt, độ kết dính cao, không thấm nước. Khi sử dụng bôi trên bề mặt, các viên gạch gắn kết với nhau vững chắc. Để xây tháp, các viên gạch được mài bề mặt khá phẳng rồi gắn với nhau bằng nhựa cây tạo nên một khối chập liền khít liên kết ổn định vững chắc. Tuy nhiên cho đến nay, điều này vẫn còn là một bí ẩn thách thức mọi tri thức của con người.

Từ hệ thống văn bia khám phá được ở đây, các nhà nghiên cứu đã biết được rằng, cuối thế kỷ 4 đầu thế kỷ 5, vùng đất thung lũng Mỹ Sơn này đã được vua Bhadravarman I hiến dâng cho thần linh, xây dựng nơi đây làm trung tâm tôn giáo của vương quốc. Đây là nơi thờ thần Bhadresvarax – một dạng thể hiện của thần Siva – vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, làm thần bảo trợ cho vương triều và quốc gia, với mong muốn được trường tồn mãi mãi. Từ đó, các vương triều tiếp tục xây dựng, tôn tạo để hình thành nên diện mạo khu di tích ngày nay.

Bằng tài hoa của mình cùng với lòng sùng kính gửi về thế giới thần linh, các nghệ nhân điêu khắc đá người Chăm đã khắc tạc nên hệ thống tượng thờ, các tác phẩm điêu khắc đá vô cùng sống động. Đó là những hệ thống bệ thờ hình chữ nhật, hình vuông khối hộp thắt giữa; những bệ tròn mềm mại tinh xảo thể hiện cảnh đạo sĩ giảng kinh sách; cảnh bồng bềnh huyễn hoặc trong đề tài đản sinh của thần Brahma; cảnh nhảy múa trong vũ điệu Nataraja của thần Siva; cảnh quỷ vương Ravana trong cuộc đấu trí với các thần. Bên cạnh đó là hệ thống các vị thần được thờ trong các kiến trúc, tượng thần Siva, thần Brahma, thần Visnu, thần Surya, thần Dvarapala v.v… cùng các con vật linh như sư tử Simba, bò Nandin, ngỗng Hamsa, thần chim Ganesa, voi, ngựa…, hình thành nên một hệ thống tượng thần theo nội dung thần thoại tôn giáo Ấn Độ. Đặc biệt hơn cả là hệ thống ngẫu tượng linga – yony với nhiều kích thước khác nhau, nhưng đều được thể hiện hình khối gọn chắc, họa tiết trang trí hoàn chỉnh, khắc tạc tỉ mỉ trau chuốt thể hiện nội dung ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahma – Visnu – Siva trên cùng một khối tượng, thể hiện khát vọng sinh sôi, sáng tạo của con người.

Khu di tích Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo của người Chăm ngày trước, với những tượng thần hình người, hình thú sắc sảo mang tính nghệ thuật rất cao. Biết bao người, từ vua cho đến dân, đã từng thờ lạy những pho tượng ấy, từng cầu nguyện với những tượng thần ấy, từng hiến dâng vùng đất linh thiêng này cho các vị thần…, chính vì vậy mà nơi này ngày nay được gọi là Thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên, sự linh thiêng của thánh địa theo những lời đồn đại đến nay chỉ còn là một thời vang bóng. Những đền thờ, những tượng thần được coi là linh thiêng ngày trước, giờ đây chỉ còn là những tác phẩm kiến trúc độc đáo, những tượng điêu khắc tuyệt đẹp, những cổ vật quý hiếm có một không hai mà thôi. Nói khác đi, những giá trị thiêng liêng của thánh địa đã không còn nữa, chỉ còn lại giá trị nghệ thuật không hơn không kém. UNESCO đã chọn nơi đây là di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn, và du khách đến đây chỉ để thưởng ngoạn chứ không còn ai nghĩ đến việc thờ phượng cả. Tại sao vậy? Câu trả lời là vì những ngôi đền, những pho tượng ấy không phải là chân thần. Chỉ có Chân thần duy nhất là Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Thần vĩnh cửu không bao giờ thay đổi. Ngược lại với chân thần là thần hư không, đó là những thần do con người tưởng tượng ra, không tồn tại với thời gian, nay còn mai mất. Tại Thánh địa Mỹ Sơn, các thần Siva, thần Brahma, thần Visnu, thần Surya, thần Dvarapala v.v… cùng các con vật linh như sư tử Simba, bò Nandin, ngỗng Hamsa, thần điểu Ganesa, voi, ngựa…, đã được tôn thờ cả chục thế kỷ liền, nhưng sau đó tất cả chỉ còn là những tượng đá vô tri vô giác, người ta chỉ ca ngợi vẻ đẹp nghệ thuật, chứ không còn ai coi đó là những thần linh nữa.

Di tích Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Zing.vn

Thật ra từ ngàn xưa, ý thức tôn thờ Đức Chúa Trời đã tồn tại từ trong sâu thẳm của lòng người, vì con người là tạo vật duy nhất được Đức Chúa Trời dựng nên với sinh khí của Ngài. Kinh Thánh chép: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sinh linh” (Sáng Thế Ký 2:7). Tuy nhiên từ khi con người phạm tội, thì tội lỗi đã che khuất tâm linh khiến cho người ta thay vì tôn thờ Đấng Tạo Hóa thì lại thờ những hình tượng, những chim thú v.v… Tất cả những thần tượng do con người dựng nên không thể nào tồn tại với thời gian vì không phải là chân thần, chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật và loài người, là chân thần duy nhất mà thôi. Khi con người phạm tội, chính Ngôi Hai Đức Chúa Trời vì tình yêu nên đã nhập thế làm người là Chúa Cứu Thế Giê-xu để chịu án phạt trên cây thập tự thay cho tội lỗi của nhân loại, và Kinh Thánh đã khẳng định rằng “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Con người ý thức mình là tội lỗi, muốn đi tìm một con đường giải thoát cho linh hồn, nhưng trải qua các thời đại, con người đã tự tạo ra những vị thần cho mình, có thể đó là những danh nhân, anh hùng dân tộc; có thể đó là những hình tượng vô tri của những vị thần không có thật; có thể là những chim muông, thú rừng v.v… Con người đã tốn biết bao công sức, tiền của để tạo nên những chốn linh thiêng như Thánh địa Mỹ Sơn chẳng hạn, nhưng tất cả đều chỉ là những thần hư không. Sự tôn thờ hợp lý nhất chính là tôn thờ Đức Chúa Trời, là Chân Thần có một không hai, là Đấng Tạo Hóa. Chính Ngài đã đến thế gian làm người qua thân vị Chúa Cứu Thế Giê-xu để chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Ngài cũng đã sống lại và thăng thiên. Chỉ một mình Chúa là Đấng Thánh, Đấng quyền năng, Đấng sống không giống như những tượng đá vô tri vô giác nên Ngài luôn lắng nghe và giải cứu những ai tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình.

Mỗi chúng ta vững lòng khi đến với Chúa Giê-xu, tiếp nhận Ngài vào lòng và tôn thờ Ngài. Bước đi với Chúa, chắc không một ai phải thất vọng, vì “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.”

Ánh Dương

Bài trướcChủ Đề Các Ngày Lễ Trong Năm 2021
Bài tiếp theoYêu Chúa, Yêu Thế Gian – 2/2/2021