Những câu chuyện cũ: Được Chúa Bắt Phục 

3365

Có một số người, vì chưa hiểu biết tường tận đạo Tin Lành nên cho rằng đây là đạo bỏ ông bỏ bà. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu, thì sẽ họ sẽ thấy được rằng: sự thờ phượng của những con Chúa luôn hướng đến cội nguồn của tổ tiên mình. Cội nguồn ấy không ai khác hơn là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người chúng ta.

Câu chuyện về con đường dẫn đến sự tin nhận Chúa của Mục sư Lê Văn Thái dưới đây cũng không là ngoại lệ, do những thành kiến từ quá khứ nên ông đã luôn mang một ác cảm đối với đạo Chúa, nhưng rồi đến một ngày, ông đã nhận biết được chân lý của Chúa qua sự chia sẻ của một vị Truyền đạo. Và sự kiện này đã làm thay đổi cả cuộc đời ông, ông đã trở thành một tôi tớ Chúa đầy ơn, dâng trọn cuộc đời mình để hầu việc Ngài.

Ông đã thuật lại câu chuyện của mình như sau:

“…Một đêm kia, tại tòa giảng Hải Châu ông Truyền đạo nầy lại tuyên bố rất quả quyết: «AI KHÔNG THEO TIN LÀNH, KHÔNG TIN NHẬN ĐỨC CHÚA JÊSUS, KHÔNG THỜ ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ BỎ ÔNG BÀ». Để chứng minh, ông đọc luôn một câu chữ Hán: «Mộc hữu bồn, thủy hữu nguyên, nhân sanh hồ tổ». Rồi ông lớn tiếng giải thích: «Cây có cội, nước có nguồn, người có tông có tổ. Cây không cội, nước không nguồn, người không tông tổ thì sao gọi là có ông bà được? Đức Chúa Trời dựng nên loài người, nhưng người không thờ phượng Ngài. Kinh thánh chép rằng: «Đức Chúa Trời dựng nên loài người… Ngài dựng nên người nam cùng người nữ» (Sáng 1:27). Không tin nhận Đức Chúa JÊSUS là Con Đức Chúa Trời và không tin theo Tin lành của Ngài thì khác nào cây mất cội, nước mất nguồn, người mất ông bà!» Ông cứ theo cái đà ấy mà giải thích thao thao bất tuyệt. Rồi ông lại đặt câu hỏi: «QUÝ VỊ BIẾT MÌNH THỜ ÔNG BÀ MẤY ĐỜI KHÔNG?» Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì ông lại bắt sang vấn đề phổ hệ thờ ông bà, cách biên mục lục trên bài vị đặt ở bàn thờ để thờ ngũ đại mai thần chủ tức là ông CAO, TẰNG, TỔ, KHẢO, HIỀN. Ông giải thích: «Khi có một người trong tộc qua đời, muốn giữ cho đúng câu NGŨ ĐẠI MAI THẦN CHỦ phải sửa lại bài vị, tức nhiên là phải xóa tên ông CAO, đem tên ông TẰNG, đặt vào chỗ ông CAO, đem tên ông TỔ vào chỗ ông TẰNG đem tên ông KHẢO vào chỗ ông TỔ, đem tên ông HIỀN vào chỗ ông KHẢO và biên tên ông mới qua đời vào chỗ ông HIỀN. Như vậy là bỏ ông bà chứ không phải thờ ông bà.» Nhìn vào thính giả ông tiếp tục đặt một câu hỏi khác: «Như vậy muốn thờ ông bà phải làm sao?” Rồi ông lại giải thích: «Muốn thờ ông bà cho thật đúng nghĩa phải giữ nguồn, tìm gốc, tưởng nhớ và tôn kính đấng sinh thành mình mãi mãi. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa dựng nên loài người, nên hễ ai tìm kiếm Ngài tức là tìm nguồn giữ gốc, là thờ Tông thờ Tổ vậy.»

“Ngồi trong nhà giảng nghe những lời nầy, đầu tôi nóng bừng lên. Tâm can tôi sụt sôi như lửa bốc, vì mọi người trong gia đình tôi đều theo thuyết thờ cúng ông bà rất mực cung kính. Không ai có quyền xúc phạm đến một hình thức thờ phượng đã ăn sâu vào lòng dân tộc, phỉ báng đạo giáo của tổ tiên là một điều sỉ nhục không thể tha thứ được. Sự căm tức của tôi càng lúc càng lên cao. Tôi muốn đứng lên tranh luận với ông Truyền đạo nầy, nhưng tôi ngần ngại không biết ông trưng dẫn có đúng hay không. Nếu đúng thì sao? Tôi tự nhủ không cần phải gấp, đợi giảng xong về hỏi lại ông thân tôi xem gia đình chúng tôi thờ ông bà được mấy đời, rồi sẽ «chỉnh» ông ta sau.

“Về đến nhà, ông thân tôi đã đi ngủ. Nhưng không thể đợi đến sáng hôm sau được, tôi bèn đánh thức ông cụ dậy và hỏi ngay: «Thưa thầy, gia đình ta thờ ông bà được mấy đời?» Ông thân tôi vừa khó chịu vừa lấy làm lạ hỏi lại: «Mày làm cái gì mà quá gấp vậy?» Tôi bèn thuật lại cho ông cụ nghe tất cả những điều ông truyền đạo đã giảng giải về sự thờ cúng tổ tiên. Cụ bảo: «Tao không nhớ phổ hệ gia đình ta ghi chép phải thờ ông bà mấy đời. Chờ ít lâu nữa sẽ có ngày GIỖ TỔ tại Huế, về xem mới biết được.»

 

 

Gia đình Mục sư Lê Văn Thái

 “Sau khi ông thân tôi đi dự ngày Giỗ Tổ ở Huế về, có đem theo bản SAO LỤC PHỔ HỆ tộc LÊ VĂN của chúng tôi. Bản văn đó bằng chữ Nôm, nên chúng tôi phải dịch ra quốc ngữ. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy điều ông truyền đạo nói về việc biên bài vị đặt trên bàn thờ, về Ngũ Đại Mai Thần Chủ là đúng, nhưng đối với bản gia phả của đại gia đình chúng tôi (tại tỉnh Quảng Bình, phủ Quảng Ninh, huyện Phú Lộc, tổng An Đợi, làng Văn La) thì sai. Gia phả tộc Lê Văn chúng tôi ghi mười đời chứ không phải năm đời như ông Truyền đạo đã nói.

“Thế là chúng tôi tin chắc mình có những lý lẽ vững chắc để đánh đổ ông Truyền đạo. Tôi liền sửa soạn những câu hỏi «hóc búa» và đi ngay đến nhà giảng. Khi gặp ông Truyền đạo tôi liền vào đề ngay: «Thưa ông, ông nói theo đạo Tin lành, nhận Đức Chúa JESUS và thờ Đức Chúa Trời là có nguồn gốc, có căn nguyên là tìm được Tông được Tổ, tại sao không thấy người Tin lành đặt bàn thờ để thờ phượng? » Ông Truyền đạo liền giở quyền sách đang cầm trên tay ra, và đọc cho tôi nghe một câu thế nầy: «Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết… Khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ  phượng… Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy Ngài» (Gi. 4:22-24). Ông nhắc lại những điểm quan trọng, nào là «CÁC NGƯƠI THỜ LẠY sự CÁC NGƯƠI KHÔNG BIẾT», nào là «Phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy». Rồi ông dặn lại tôi: “Vấn đề không phải là đặt ra bàn thờ và bày lễ vật cúng tế, mà là hiểu biết, tôn kính, vâng giữ lời giáo huấn. Thờ phượng thật là lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ, tôn kính và vâng lời răn dạy của đấng mình thờ, thầy có thờ như vậy hay không»? Tôi không trả lời, nhưng lại hỏi một câu hỏi khác: «Ông nói Đức Chúa Trời dựng nên vạn vật, dựng nên loài người, như vậy thì ai dựng nên Đức Chúa Trời?» Ông Truyền đạo lại giở và đọc một câu khác trong quyển sách đang còn cầm nơi tay: «Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự hữu Hằng hữu» (Xuất. 3: 14). Để tôi có thể hiểu rõ hơn, ông giải thích: «Tự hữu Hằng hữu nghĩa là Ngài tự nhiên mà có, có từ trước vô cùng và nhất là còn đến đời đời vô cùng. Bởi đó, Ngài là Chủ tể của trời đất muôn vật. Ngài dựng nên trời đất muôn vật, nhưng không ai dựng nên Ngài cả, vì như tôi đã nói (lời ông Truyền đạo) sự hiện hữu của Ngài ở ngoài thời gian.»

“Tôi lại đặt câu hỏi thứ ba: «Ông bảo là thờ ông bà theo mục lục của bài vị thì chỉ có năm đời thôi, nhưng sự thực gia phổ của tộc tôi ghi tới mười đời kia mà?» Sau câu hỏi nầy tôi đinh ninh ông Truyền đạo sẽ bí lối và không thể nào trả lời được. Tôi tin chắc thể nào tôi cũng thắng. Nhưng ông Truyền đạo tươi cười và hỏi lại tôi một câu: «Được rồi, gia đình thầy thờ mười đời, vậy thì cái ông thứ mười một ở đâu?» Tôi không trả lời được. Tôi không ngờ ông Truyền đạo đã đưa tôi vào cái thế «kẹt» như vậy. Phải, CÒN ÔNG THỨ MƯỜI MỘT Ở ĐÂU? Tôi bàng hoàng cả người, đành phải đánh lãng ra về…

“Từ đó, tôi cứ băn khoăn mãi… Tâm hồn tôi luôn luôn bị dày vò câu thúc đối với những vấn đề mà ông Truyền đạo đã đặt ra. Đâu là sự thật đâu là chân lý? Tôi bắt đầu suy nghĩ, cố gắng đi sâu vào giòng sinh hóa của vũ trụ và vạn vật. Nếu có ông Tổ thứ mười thì phải có ông thứ mười một rồi đến ông cao hơn, đến dòng giống, đến dân tộc và nhân loại. Như vậy phải có một đấng dựng nên loài người, Đấng ấy chính là Đức Chúa Trời của đạo Gia tô. Khi đạt đến ý nghĩ Đức Chúa Trời là nguồn gốc của muôn loài vạn vật, linh hồn tôi như đang nhận được ánh sáng của chân lý cứu rỗi. Nhưng trong chính giờ phút ấy, bằng một tâm linh bàng hoàng xúc động, tôi nhận thấy quá khứ mình như trở lộn về với một bản ngã trần trụi đầy dẫy những ô uế xấu xa, giả dối, ôm ấp những dục vọng và tội lỗi thấp hèn. Làm thế nào có thể thờ phượng Đức Chúa Trời cho được? Tôi hết sức lo âu gần như hoảng hốt trong trạng thái tinh thần đau khổ và căng thẳng cùng tột ấy. Tôi tự hỏi: Phải làm sao để được tha tội? Làm sao để được cứu rỗi  Làm sao để được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời?

“Ánh sáng của chân lý đã đến với tôi, sau những năm tháng dò dẫm trong bóng tối. Vào mùa xuân năm 1919, tại nhà giảng Hải Châu (Đà Nẵng), tôi đã quì gối tin nhận Đức Chúa JÊSUS làm Cứu Chúa của đời mình, vì Ngài đã gánh vác tội lỗi tôi và chết trên thập tự giá vì tôi.

“Lúc ấy, có giáo sĩ E. F. Irwin là người mấy năm trước đã bị tôi ném đá, chứng kiến.”[1]

Đức Chúa Trời luôn có chương trình cho mỗi người, và Ngài đã dùng những thành kiến tưởng chừng không thể xóa bỏ về sự “bỏ ông bỏ bà” của đạo Tin Lành để giúp người thanh niên Lê Văn Thái ngày ấy có cơ hội quay về cùng Ngài. Âu đó cũng là một bài học quí giá cho những người con Chúa hôm nay, chúng ta hãy hết lòng rao truyền danh Chúa cho tha nhân, giúp họ nhận biết được chân lý của Tin Lành của Chúa Cứu thế Giê-xu chính là con đường đúng đắn mà mình phải đi.

 

Vũ Hướng Dương

 [1] Mục sư Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, Cơ quan Xuất bản Tin Lành, 1971,  trang 11-18.

Bài trướcHai Số Phận Khác Nhau – 14/11/2019 
Bài tiếp theoBình Thuận: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 11/2019