Ngày 8/9/2016: Khiêm Nhường Khi Giải Quyết Xung Đột

874

Gia-cơ 4:1-12

1 Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? 2 Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. 3 Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.
4 Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy. 5 Hay là anh em tưởng Kinh thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương, 6 nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Kinh thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. 8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; 9 hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.
Về sự nói hành và xét đoán
11 Hỡi anh em, chớ nói hành nhau. Ai nói hành anh em mình hoặc xét đoán anh em mình, tức là nói xấu luật pháp, và xét đoán luật pháp. Vả, nếu ngươi xét đoán luật pháp, thì ngươi chẳng phải là kẻ vâng giữ luật pháp, bèn là người xét đoán luật pháp vậy. 12 Chỉ có một Đấng lập ra luật pháp và một Đấng xét đoán, tức là Đấng cứu được và diệt được. Nhưng ngươi là ai, mà dám xét đoán kẻ lân cận mình?

 

Câu gốc: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (câu 15).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ đang nêu lên tình trạng nào trong Hội Thánh (câu 1-3, 4-6,11-12)? Những lý do nào đem đến tình trạng này của Hội Thánh (câu 1b, 2b-3, 4, 7)? Ông Gia-cơ đưa ra những hướng dẫn nào để giải quyết những nan đề này? Bạn làm gì để giải quyết những xung đột trong Hội Thánh hay ban ngành mình đang sinh hoạt?

 

Hội Thánh được ví sánh như Thân Thể của Đấng Cơ Đốc, như một gia đình thuộc linh, nhưng thật đáng tiếc, đôi khi nó có thể trở thành một chiến trường khốc liệt! Điều Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta không phải là rời bỏ “chiến trường” đó nhưng là nhận ra nguyên nhân và bằng Lời Chúa, đem Hội Thánh trở về với hình ảnh vốn có ban đầu.

 

Trong Gia-cơ 4:1-12, ông Gia-cơ chỉ ra ba thực trạng đáng buồn trong Hội Thánh. Thứ nhất là sự tranh chiến (câu 1). Đây là từ ngữ quân sự, chỉ về một cuộc chiến khốc liệt, mạnh mẽ. Tranh chiến về điều gì? Về giai cấp, giàu nghèo (2:1-13), về vị trí trong Hội Thánh (3:1, 13-18), và về những xung đột cá nhân (4:1-3). Thứ hai là tình trạng suy thoái thuộc linh (4:4-6). Và thứ ba là nói xấu và xét đoán nhau (4:11-12).

 

Ông Gia-cơ cũng đã chỉ rõ bốn lý do đem Hội Thánh đến tình trạng đáng buồn này: Thứ nhất là ham muốn và ích kỷ của cá nhân (câu 1b-2a). Có những người đã mang chủ nghĩa duy lợi vào Hội Thánh. Những người này đến Hội Thánh chỉ vì muốn lợi cho cá nhân mình, thậm chí mang một lớp áo “thuộc linh” hơn, vì lợi của Ban Ngành mình, hay vì lợi của Hội Thánh mình.

 

Thứ hai là làm theo ý riêng (câu 2b-3). Khác với trường hợp ham muốn, ích kỷ (câu 1b) là không lợi thì không làm, những người trong trường hợp thứ hai có thể làm mà không cần lợi, thậm chí hy sinh nhiều điều, nhưng chỉ làm khi ý muốn mình được thực hiện và tôn trọng.

 

Thứ ba là làm bạn với thế gian (câu 4), nghĩa là không xem Đức Chúa Trời là duy nhất, yêu mến hay đặt tâm trí vào những việc thuộc về thế gian (I Giăng 2:15), tìm cách làm vui lòng thế gian hơn là Đức Chúa Trời, và sống theo tiêu chuẩn, giá trị của thế gian.

 

Cuối cùng là sự tấn công của ma quỷ (câu 7). Hội Thánh luôn là một chiến trường thuộc linh.

 

Đứng trước những nan đề này, ông Gia-cơ cho chúng ta bốn phương cách giải quyết. Thứ nhất là nhận biết thực trạng của chính mình (câu 9). Chúng ta thường đổ lỗi cho những người khác trong những nan để trong Hội Thánh mà ít khi chịu kiểm điểm mình. Thứ hai là hãy khiêm nhường (câu 6, 10) để Chúa sửa dạy mình và lắng nghe người khác. Thứ ba là sửa lại những sai trật (câu 8b). Nếu có tội thì hãy “lau tay,” nghĩa là phải ăn năn, và nếu có hai lòng, nghĩa là không tuyệt đối trung thành với Chúa thì hãy làm một quyết định chọn lựa đúng đắn. Và cuối cùng là hãy luôn sống gần Chúa (câu 7).

 

“Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời! Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:8-9).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết khiêm nhường để lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe người khác để được Chúa hướng dẫn và sửa dạy khi con gặp những xung đột hay bất đồng ý kiến.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 11.

Bài trướcThông Công Ban Thanh Thiếu Niên Tại HTTL An Tân – Quảng Nam
Bài tiếp theoVui Trung Thu Tại Điểm Nhóm Phan Sơn – Tỉnh Bình Thuận