Nếp Sống Khôn Ngoan Thiên Thượng

3018

Chiếc phi cơ hạ cánh, lăn trên đường băng một lúc thì dừng lại. Hành khách tháo dây an toàn và nhốn nháo lấy hành lý từ ca-bin. Nhiều người đã bước ra đứng chật cả lối đi dài để đợi phi cơ mở cửa. “Go go, you are so stupid!” [“Tới đi, tới đi, sao anh ngu quá vậy”] – một giọng nói cất lên từ hàng ghế ngay trước mặt tôi. Dường như sợ thiếu hiệu lực, giọng nói ấy lại cất lên một lần nữa – “You’re so stupid, go go!” Cái người bị mắng kia là một anh chàng Tây tóc vàng, cao to, ngồi ở ghế sát lối đi. Anh ta chẳng mảy may phản ứng, không làm theo mà cũng chẳng tỏ ra cau có với câu nói nặng lời đó. Anh bình thản ngồi đợi. Khi họ bước ra khỏi chỗ ngồi, tôi mới nhận ra người phát ngôn ấy là người vợ hay là người tình của anh, dáng người đầy đặn, tóc đen dài, da ngăm đen, giọng miền Tây.

Tôi ngẫm nghĩ suốt cả đoạn đường rời phi cơ đến khi ra khỏi phi trường. Điều gì đã định hình nên khái niệm về sự khôn ngoan hay ngu dốt trong mỗi chúng ta? Tôi chợt nhớ đến những câu tục ngữ quen thuộc dạy về sự khôn ngoan của người Việt: Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau; Đèn nhà ai nấy sáng; Bè ai người ấy chống, ruộng ai người ấy đắp bờ; Khôn ăn người, dại người ăn; Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v… Những câu tục ngữ ấy không những đúc kết kinh nghiệm “sống khôn ngoan” của dân gian Việt Nam mà còn là lời khuyên có vẻ như sáng suốt cho thế hệ hôm nay. Thực tế cuộc sống không hiếm những trường hợp tương tự như cô gái và chàng trai người Tây kia. Ta sẽ bị cho là dại khờ nếu lãnh phần thiệt thòi về cho bản thân vì lối sống công chính, nếu cứ từ từ đợi đến lượt mình, nếu không “biết điều” với cấp trên để được ưu ái hơn, nếu không “tốt khoe xấu che” để hình ảnh được đẹp đẽ hơn, nếu không biết “bịt tai che mắt” và thậm chí “giả câm giả điếc” trước những sự nhiễu nhương diễn ra chung quanh ta trong công sở, trong cộng đồng, trong gia đình. Phải chăng do lớn lên từ bối cảnh văn hoá tiểu nông, nhìn thấy cái lợi tức thì mà chúng ta trở nên thực dụng và cá nhân chủ nghĩa? Nền văn hoá ấy nuôi dưỡng trong chúng ta định nghĩa về sự khôn ngoan gắn liền với “lợi ích” của bản thân. “Lợi ích” này lại gắn liền với vật chất, tiếng tăm, và quyền lực. Chẳng phải vì vậy mà chúng ta chứng kiến bao cảnh chen lấn, xô đẩy, xu nịnh, giả dối, vô cảm, câm nín trước bất công, và thiếu dũng khí để đứng về phía sự thật? Chẳng phải vì vậy mà chúng ta đầu tư thời gian và năng lượng nhiều nhất trong cuộc đời để vun vén, thâu gom, xây dựng cho cá nhân mình, gia đình mình “một vương quốc bình yên” và mặc cho cộng đồng ta ra sao? Phải chăng lối tư duy “khôn để được” là sự khôn ngoan đích thực mà người Cơ Đốc cũng nên theo đuổi?

Tôi nhớ lại, lối tư duy đó phần nào được bàn luận trong thư Gia-cơ khi ông so sánh sự khôn ngoan thế gian với sự khôn ngoan thiên thượng. Ông viết thư cho cộng đồng con dân Chúa trong thế kỷ thứ nhất, đang bị tản lạc khắp nơi vì cớ niềm tin của mình, mà ông gọi là “anh em.” Ông cho biết trong “anh em” có thể có những người đang theo đuổi sự khôn ngoan theo kiểu “khôn để được” xuất phát từ lòng tranh cạnh, hơn thua; sự khôn ngoan đó tương phản với nếp sống khôn ngoan xuất phát từ sự khiêm nhu, nhường nhịn, thật thà, thua thiệt mà người đời có thể cho là dại dột. Qua đó, ông cho người đọc biết sống khôn ngoan đích thực là nếp sống thế nào. Ông viết:

 Trong anh em, ai là người khôn ngoan, hiểu biết? Hãy dùng lối sống tốt đẹp của mình mà bày tỏ những việc mình làm xuất phát từ sự khiêm nhu của lòng khôn ngoan. Nhưng nếu anh em ghen ghét một cách đắng cay và tranh cạnh trong lòng, thì chớ khoe khoang hay dùng lời dối trá chống lại chân lý. Sự khôn ngoan đó không đến từ thiên thượng, nhưng thuộc về thế gian, xác thịt và ma quỷ. Vì ở đâu có sự ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có sự xáo trộn và đủ mọi việc ác. Nhưng sự khôn ngoan từ thiên thượng thì trước hết là thanh sạch, rồi hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối. Những người giải hòa thì gặt hái bông trái công chính đã gieo trong hòa bình.” (Gia-cơ 3:13-18 TTHĐ)

Mở đầu phần này, Gia-cơ nhắc người khôn ngoan, hiểu biết là người bày tỏ trong nếp sống tốt đẹp, chứ không chỉ là kiến thức, giáo điều. Ngày nay con người sở hữu kiến thức nhiều hơn bao giờ hết – và kiến thức vẫn còn tiếp tục gia tăng nhờ những phương tiện kỹ thuật. Nhưng điều đó không có nghĩa là con người sống khôn ngoan hơn, vì khoảng cách giữa tri thức đến thực hành, giữa chân lý đến áp dụng dường như ngày càng xa ra. Mặt khác, không thể có nếp sống khôn ngoan nếu không quan tâm, tìm kiếm sự khôn ngoan, hiểu biết. Trong chương đầu của bức thư, Gia-cơ đã dạy rằng: “Nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không lời phiền trách” (1:5 TTHĐ).

Để làm nổi bật nếp sống khôn ngoan thiên thượng, là điều mà những công dân thiên quốc cần theo đuổi, Gia-cơ đưa ra hình ảnh tương phản: sự khôn ngoan “thuộc về thế gian, xác thịt và ma quỷ” (c.15). Nó vẫn được gọi là “khôn ngoan” nhưng nguồn gốc của nó và chuẩn mực đánh giá mức độ “khôn ngoan” của nó là bộ ba thế gian – xác thịt – ma quỷ. Sự “khôn ngoan” này thật ra là gian ngoan, tinh ranh, trí trá, lọc lừa, quỷ quyệt, mà ma quỷ rất ưa thích. Động cơ của lối sống “khôn ngoan” này là “ghen ghét” và “tranh cạnh trong lòng” (c.14), nghĩa là không muốn thua kém hay thiệt thòi, nhưng toan tính hơn thua, lấn lướt và làm mọi cách cốt để được phần hơn về mình và khiến mình nổi trội hơn người khác. Lối sống “khôn ngoan” này cho rằng “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt / Lọc lừa lươn lẹo lại leo lên!” Tham vọng, cơ hội, bon chen được cho là tốt vì nhờ đó mà có thể tiến thân; còn nhường nhịn, chịu thiệt là dại, là ngu. Kết quả của lối sống “khôn ngoan” này là gì? Bởi vì nó xuất phát từ ích kỷ, tranh cạnh, hậu quả tất yếu của nó là đem “xáo trộn và đủ mọi việc ác” (c.16). Câu chuyện diễn ra trên phi cơ kể trên chỉ là một minh họa đời thường cho lối tư duy “khôn để được” mà Gia-cơ cảnh báo người Cơ Đốc nên tránh.

Đáng tiếc, đó lại là sự khôn ngoan mà có thể nhiều người trong chúng ta đang theo đuổi dù công khai hay âm thầm, cố tình hay vô tình, ý thức hay vô thức. Hằng ngày trong giao thông, công sở, mua bán, học hành, thậm chí trong tình cảm, chúng ta đều bắt gặp nhan nhản những con người “khôn ngoan” vốn cố tình không nhìn thấy được hậu quả tai hại về lâu dài của sự khôn ngoan ấy. Trong dòng người bon chen, lấn lướt, gây “xáo trộn và đủ mọi việc ác” đó có bóng dáng của những người xưng mình là Cơ Đốc nhân. Lối sống “khôn ngoan” đó cũng len lỏi vào trong Hội Thánh, trong cộng đồng những người tin Chúa. Chúng ta có thể làm rất nhiều việc và được nhiều người khen ngợi, tán thưởng, cả chúng ta cũng tự hào khi thấy mình được việc. Chúng ta có thể tự trấn an rằng đó là “vì vinh quang Chúa” nhưng thật ra lại muốn mình được công nhận và danh tiếng. Chúng ta có thể làm ra vẻ khiêm nhường, quan tâm người khác bằng những “lời có cánh” và “đắc nhân tâm”; nhưng sâu xa chúng ta nhờ đó được lợi cho hình ảnh bản thân, cho cái tôi của mình hơn là vì yêu Chúa, yêu anh em mình.

Gia-cơ nói nếu chúng ta đang khôn ngoan theo kiểu đó, thì “chớ khoe khoang hay dùng lời dối trá chống lại chân lý” (c.14). Chẳng có gì đáng để tự hào, và cũng đừng cố gắng bao biện, cố tình chống lại chân lý của Chúa: Điều Chúa muốn là nếp sống khôn ngoan thiên thượng.

“Sự khôn ngoan từ thiên thượng” bắt nguồn từ Đức Chúa Trời và chỉ có thể đến với những người thuộc về thiên thượng, dù vẫn đang sống ở trần gian, giữa thiên hạ. Sự khôn ngoan đó được bày tỏ qua những việc làm “xuất phát từ sự khiêm nhu,” (c.13) qua nếp sống “thanh sạch”, “hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối” (c.17). Khiêm nhu, thánh sạch, yêu thương, chân thật là những đặc tính của nếp sống khôn ngoan thiên thượng. Khiêm nhu để không tìm cách đưa cái tôi của mình lên, ngay cả khi làm được những việc lớn và tốt. Thánh sạch để không nuôi dưỡng những động cơ đen tối, những ham muốn xấu xa, và cũng không thoả hiệp với tội lỗi và điều ác để an phận hay có được sự hoà thuận giả tạo. Yêu thương để có thể hoà thuận, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót mà không sợ thiệt thòi về phần mình. Chân thật để có thể sống với nhau không thành kiến và giả tạo. Sự hoà thuận của người khôn ngoan thiên thượng không phải do thoả hiệp theo kiểu sống với nhau không thành kiến, mà đặt nền tảng trên sự thanh sạch, tình yêu, và chân lý. Kết quả của nếp sống khôn ngoan thiên thượng là trở thành người giải hòa trong các mối quan hệ, là người gieo công chính trong hoà bình và sẽ gặt hái bông trái ấy (c.18).

Rõ ràng nếp sống khôn ngoan thiên thượng là tốt đẹp và thiết yếu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để theo đuổi nếp sống khôn ngoan thiên thượng ấy, giữa một thế giới đề cao sự thành đạt có được nhờ sự khôn ngoan thế gian? Từ lời dạy của Kinh Thánh ở trên, có ba câu hỏi để nhắc nhở chính mình khi theo đuổi nếp sống khôn ngoan thiên thượng:

(1) Tôi là ai, và cần gì để là chính mình? – Tôi là công dân thiên quốc, người đã được Chúa tái sinh và “trở nên người dự phần vào bản tính thiên thượng” (II Phi-e-rơ 1:4). Mang bản tính thiên thượng mà theo đuổi lối sống “khôn ngoan” trần gian thì hoặc là mâu thuẫn với chính mình, hoặc chỉ có tôn giáo mà chưa thật sự có danh phận thiên thượng. Là công dân thiên quốc, tôi cần thức ăn thiên thượng, tức là Lời có quyền năng biến đổi của Chúa.

(2) Sự bảo đảm quyền lợi của tôi đặt ở đâu, để tôi không cần phải lo mình thua thiệt? -Nhận biết thân phận của mình giúp tôi không đặt sự bảo đảm quyền lợi hay cuộc đời mình trên những điều mà thế gian tìm kiếm. Nếu Cha tôi đã bằng lòng ban cả vương quốc cho tôi rồi (Lu-ca 12:32) thì việc gì tôi phải bon chen, “khôn để được” theo cách của đời này, để được những quyền lợi theo chuẩn mực của vương quốc đời này? Điều đó không có nghĩa là tôi an phận, thả trôi, không cầu tiến, vì Chúa không dạỵ con cái Ngài sống lười biếng. Điều đó chỉ có nghĩa rằng tôi không cần đòi phần hơn của thế gian, theo cách của thế gian.

(3) Sứ mạng, ý nghĩa cuộc đời của tôi là gì, để tôi theo đuổi trong nếp sống của mình? – Tôi là người giải hoà, người gieo công chính của Chúa. Điều này được thể hiện không phải như những công tác, phong trào, mà là nếp sống; không chỉ tham gia các chương trình truyền giảng lớn nhỏ, chứng đạo, mà là trong từng thái độ, cư xử trong nếp sống mỗi ngày. Tôi không biết anh chàng Tây nói trên giữ được thái độ đó vì động cơ, lý do nào. Nhưng với tôi, sự nhu mì, hiếu hoà, thanh sạch, chân thật trong các mối quan hệ là sống với sứ mạng cuộc đời tôi. Tôi nhớ đến câu nói “Hãy giảng Tin Lành mọi lúc. Khi cần thiết, hãy dùng lời nói” (St. Francis of Assisi). Nếp sống khôn ngoan thiên thượng là lời giảng Tin Lành mọi lúc mọi nơi.

Karis Đỗ
(trích từ Bản Tin Mục Vụ)

Bài trướcHãy Thương Xót Nhau – 18/9/2023
Bài tiếp theoThông Báo & Thư Mời V/v Lễ Cảm Tạ Chúa – Kỷ Niệm 70 Năm Thành Lập HTTL Nguyễn Tri Phương