Lòng Nóng Nảy

2519

Kinh Thánh: Lu-ca 24:13-35
Câu gốc: Lu-ca 24:32
“Hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?”

Câu chuyện về hai môn đồ đi về làng Em-ma-út rất quen thuộc đối với chúng ta, nó được phổ thành thơ, thành nhạc, thành những vở kịch rất xúc động. Họ thuộc loại người mang tính khí nóng nảy. Cụm từ “lòng nóng nảy” mang ý nghĩa của hai phương diện: tích cực và tiêu cực. Thái độ nóng nảy tiêu cực của họ xuất hiện khi họ chưa gặp Chúa Phục sinh. Thái độ và hành động nóng nảy của họ diễn biến qua việc: đàm luận cách nỏng nảy việc vừa xảy ra “nóng hổi”. Hai người thất vọng vì Chúa Giê-xu đã từ chối việc giải cứu dân tộc Y-sơ-ra-ên trong ngôi vị vua của đời này (câu 21). Họ cãi lẫy nhau về những sự kiện đã xảy ra cho Chúa Giê-xu. Họ trách móc các thầy tế lễ, các quan đề hình đã đóng đinh Chúa. Sự buồn bực cách nóng nảy khiến họ bị che khuất không nhìn thấy Chúa Phục sinh đang đồng hành với họ, đến nổi họ trách móc Chúa: “Có phải chỉ ngươi là khách lạ, ở thành Giê-ru-sa-lem không hay việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao?” (câu 18). Sự thất vọng, buồn giận, sợ hãi của họ đã lên đến đỉnh điểm nên họ bỏ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, về quê và mong ước ẩn mình, sống với đời sống cũ, công việc cũ… Lý do mà hai môn đồ có thái độ, hành động nóng nảy tiêu cực vì họ quên Lời Chúa! Rõ ràng, dầu Thiên sứ báo rằng: “Chúa Giê-xu đã sống lại…” nhưng vì họ chưa thấy hoặc chưa gặp Chúa nên còn thắc mắc, mơ hồ và cãi lẫy…

Thái độ “nóng nảy” tiêu cực đó vẫn còn xảy ra trong vòng con cái Chúa, khiến Chúa Phục sinh không thể hiện hữu, không thể dự phần trong cuộc đời chúng ta; có những quan điểm khác nhau khiến họ cãi lẫy, giận hờn, rồi bỏ lỡ công việc nhà Chúa. Có những lời đoán xét, trách móc, tranh cạnh làm bất hoà, mất sự hiệp một trong dân Chúa và thân thể của Đấng Christ bị chia cắt. Lý do sâu xa nhất vẫn là quên Lời Chúa, khi quên Lời Chúa dễ lắm làm chúng ta sa sút đức tin, thất vọng, làm mất phương hướng thiêng liêng và thiên về lối sống theo lý trí, xác thịt. Những kẻ không tin Lời Chúa và lời các Đấng tiên tri được Chúa liệt vào hàng kẻ dại dột (Lu-ca 24:25). Cơ Đốc nhân ngày nay đang đối diện với muôn vàn sự kiện đang diễn ra, có những điều bất lợi, nguy hiểm cho đức tin chúng ta, nhưng xin Chúa cho đời sống chúng ta luôn nóng nảy trong sự cầu nguyện với Chúa, nóng nảy chờ đợi ý muốn Chúa và nóng nảy trong sự thờ phượng, phục vụ Ngài.

Chúa quá yêu hai môn đồ thất vọng, ngã lòng này và Chúa đã dùng Lời Kinh Thánh giải bày về ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Ngài. Hơn thế nữa, Chúa còn chung dự bữa ăn cùng họ và chính các mối thông công này giúp mắt họ được mở ra và nhìn biết Chúa Giê-xu – Đấng Phục sinh. Ngày nay, không thiếu những tín hữu thất vọng điều gì đó, ngã lòng trong sự tin kính… Chúa muốn chúng ta học theo gương Chúa, dùng lời ngọt ngào, yêu thương của Chúa và hãy thông công cùng họ trong mối quan hệ sinh hoạt hằng ngày để nâng đỡ và cho họ thấy tình yêu thật trong mối liên hệ Cơ Đốc nhân. Sự sống phục sinh của Chúa được bày tỏ qua nếp sống, qua sinh hoạt của chúng ta hằng ngày bằng chính tình yêu Chúa và sự quan tâm lo tưởng cho nhau. Trong Hê-bơ-rơ 10:25, Chúa muốn chúng ta quan tâm đến nhau, khuyên nhủ nhau trong những ngày cuối cùng này.

Nhờ Lời Chúa giảng dạy, nhờ bữa ăn thông công gần gũi, quen thuộc mà họ nhận biết rõ Chúa Giê-xu đã phục sinh. Khi mắt thuộc linh họ mở ra, hiểu rõ sự hy sinh của Chúa và sự sống lại của Ngài, thì một thái độ tích cực của “lòng nóng cháy” thiêu đốt họ. Hai môn đồ khích lệ nhau bằng một câu hỏi: “Lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?” và việc nóng nảy của lòng họ không dừng lại ở điều họ hiểu, họ nhận ra mà bày tỏ qua thái độ và việc làm của họ.

Cụm từ “nội giờ đó” và “liền đứng dậy” mô tả con người nóng nảy, nhưng sự nóng nảy gặp Chúa Phục sinh khác hẳn với sự nóng nảy bực bội, thất vọng, cãi lẫy. “Nội giờ đó”, lúc bấy giờ đã quá “giờ xế chiều hầu tối”, nhưng họ không chần chờ, không trễ nãi mà liền quay lại Giê-ru-sa-lem. “Nội giờ đó” có nghĩa là ngay tức khắc, nói lên quyết định phải làm. Hành động của họ được mô tả là: “liền đứng dậy” trở lại nơi đã xảy ra các sự kiện về Chúa Giê-xu. Mục đích họ trở lại để gặp các môn đồ, các Sứ đồ đang nhóm lại. Mục đích của họ là để thuật lại phước hạnh mà họ đã gặp được Chúa Phục sinh, sự trải nghiệm về sự đồng hành với Chúa và sự thông công bữa ăn với Chúa Phục sinh khiến họ không nín lặng được! Chia sẻ những từng trải, những phước hạnh là điều cần có trong đời sống chúng ta để chứng thực sự hiện hữu, quyền năng Chúa và tình yêu bất biến của Ngài trong đời sống chúng ta, nhằm khích lệ, nâng đỡ lẫn nhau, và tôn vinh, chúc tụng Chúa.

Cụm từ “liền đứng dậy” nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện “người con trai hoang đàng” bỏ nhà cha đã lâu, khi nhận biết tội lỗi, sự sai trật của mình, anh liền đứng dậy trở về nhà cha, xưng tội và xin cha tha thứ. Chúng ta không trì hoãn khi nhận biết Chúa Giê-xu chúng ta là Đấng Phục sinh, Đấng yêu chúng ta đã phó mạng sống Ngài vì tội lỗi chúng ta. Ngài không chết luôn như những giáo chủ khác, nhưng Ngài đã sống lại vinh hiển để đem đến cho chúng ta hy vọng của sự sống và sự sống đời đời. Chúng ta hãy đứng dậy liền ngay chỗ chúng ta vấp ngã, yếu đuối để trở về với tình yêu Chúa. Nếu chúng ta đánh mất tình yêu Chúa ban đầu như Hội Thánh Ê-phê-sô thì hãy trở lại, xây dựng lại mối liên hệ mật thiết với Chúa. Chúa Giê-xu vui lòng khi chúng ta có tấm lòng nóng cháy về công việc Chúa; và Ngài chẳng vui lòng khi tình trạng chúng ta giống Hội Thánh Lao-đi-xê, Chúa sẽ nhả chúng ta – không tiếp nhận chúng ta.

Tấm lòng nóng nảy của hai môn đồ xưa nhận được phước hạnh gì? Họ gặp Chúa trực tiếp sống lại trong buổi thờ phượng sau đó (Lu-ca 24:36-49). Khi họ ở tại Giê-ru-sa-lem, họ tiếp tục chứng kiến sự thăng thiên của Ngài (Công Vụ 1). Rồi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ 2). Ngoài ra, họ còn được trở nên chứng nhân của Đức Chúa Giê- xu, khởi đầu từ Giê-ru-sa-lem như mạng lệnh Ngài truyền (Công Vụ 1:8).

Thật phước hạnh biết bao khi họ quyết định sốt sắng nóng nảy trở lại Giê-ru-sa-lem thay vì trốn chạy về làng cũ, việc cũ… Như những que củi dù đang cháy mà rút ra khỏi bếp riêng lẻ sẽ mau chóng tàn lụi! Nhưng dầu là que củi còn tươi nhưng gần bếp lửa nóng cháy sẽ được bốc cháy. Hê-bơ-rơ 10:25 nhắc nhở mỗi chúng ta “chớ bỏ sự nhóm lại…”, chính sự nhóm lại giúp chúng ta gắn bó với Lời Chúa, gắn kết chúng ta trong mối thông công với dân Chúa. Ngoài ra, sự chia sẻ phước hạnh, từng trải của các con cái Chúa đem đến sự khích lệ, sự sống động của niềm tin cho nhau. Khi ở trong Chúa và Lời Chúa, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng sự mầu nhiệm về các lẽ đạo Chân Thần rõ nét, và trải nghiệm Lẽ Thật đó trong đời sống, để chúng ta trở nên chứng nhân của Chúa Giê-xu hầu đem nhiều người trở lại thờ phượng Chúa. Ước mong mỗi ngày nhà Chúa có thêm nhiều tấm lòng nóng nảy, bàn tay nóng nảy, môi miệng nóng nảy thuật ơn cứu rỗi và phục vụ trong nhà Chúa.                           

Đầy tớ gái

Bài trướcHuấn Luyện Truyền Giáo Cho Nhân Sự Tại Tp. HCM
Bài tiếp theoGiới Thiệu Sách: Chiếc Tủ Chè Mất Tích