HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ (phần 4)

1591

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 4

Giai đoạn 1945-1954

Cuộc chiến tranh bùng nổ ngày 19/12/1946 tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, Hội Thánh và các lãnh đạo phải đương đầu với các nan đề mới của họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Vài ngày trước cuộc tổng tấn công vào các đồn binh Pháp ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, chính phủ VNDCCH ra lệnh di tản triệt để khỏi thành phố và thị trấn trong vùng phụ cận của quân đội Pháp. Mục sư và tín hữu phải bỏ nhà cửa và nhà thờ để di chuyển về miền quê. Tại đây, nhà các tín hữu trở thành trung tâm tị nạn Cơ Đốc cho tôi con Chúa ở thành thị trong cuộc lưu lạc lâu dài. Các khu vực ảnh hưởng nhiều nhất trong Trung hạt là Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Thượng (Đà Lạt), Buôn Mê Thuột. Các giáo sư trường Kinh Thánh không thể trở lại Đà Nẵng cho đến mùa xuân năm 1947, khi họ chứng kiến nhà trường cùng nhà riêng của họ, và tài sản hoàn toàn bị cướp phá. Cuối cùng, khi tình trạng được ổn định, phải đón nhận, định cư lại, đôi khi kiếm việc cho số Cơ Đốc nhân trở về từ nơi trú ẩn của họ trong vùng nông thôn. Với sự giúp đỡ của các giáo sư trường Kinh Thánh và các mục sư đã đến Đà Nẵng từ các vùng bị tàn phá, Mục sư Huyên đã phát khởi hàng loạt các nhóm truyền giảng với những kết quả đáng khích lệ. Mục sư J. D. Olsen đã mô tả tình hình ở Đà Nẵng và khu vực Quảng Nam mùa thu năm 1947 như sau:

“Rất nhiều bệnh tật ở giữa vòng các tín hữu chúng ta, cũng như giữa vòng dân chúng. Nhiều người nói, trong một vài làng, một nửa số dân đã qua đời. Nhiều tín hữu của chúng ta không qua khỏi, nhiều người khác đau nặng và hấp hối. Tôi ước chừng chúng ta mất gần 40% tín hữu tại Quảng Nam. Căn bệnh dường như phổ biến là bệnh sốt rét độc hại, một thứ bệnh không lùi bước nếu chỉ điều trị thông thường… Dân chúng ngày nay rất thiếu hụt thực phẩm, và điều này đã khiến giảm sức đề kháng bệnh tật.”

Năm 1945, sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, người Pháp tìm cách quay lại Việt Nam, chiến tranh Việt-Pháp nổ ra, chiến sự ngày càng lan rộng. Trong tình hình đó, Mục sư Ông Văn Huyên tiếp tục chức vụ, không phải làm Đốc học trường Kinh Thánh mà là Chủ tọa Hội Thánh Đà Nẵng. Ông đối diện chẳng những với công tác xây dựng lại Hội Thánh mà còn phải thường xuyên can thiệp với những nhà chức trách Pháp để xin thả số tín hữu ngày càng tăng, họ bị giam cầm, hoặc bị lên án hành quyết trong khi cuộc chiến lan rộng từ Huế tới Quảng Nam.

Ms Ông Văn Huyên

 

Nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng năm 1947

 

Ông bà MS Lê Đình Tố

Đến năm 1947, Truyền đạo Lê Đình Tố được mời về làm Chủ tọa Hội Thánh thay cho Mục sư Ông Văn Huyên về nhận chức Đốc học trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Sau đó, Truyền đạo Lê Đình Tố được tấn phong Mục sư vào ngày 05/03/1949.

Mục sư Phan Văn Hiệu từ Hội Thánh Huế về Đà Nẵng từ tháng 05/1950. Đã có 20 người chịu phép báp-têm, có trên 30 người đang học Phước Âm Yếu Chỉ. Các ban ngành khá phát triển. Ở làng Hòa An có gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiết và bà con của ông tin Chúa, rất sốt sắng, gặp nhiều thử thách nặng nề về thuộc thể lẫn thuộc linh, nhưng ông vẫn đứng vững và dắt đưa nhiều người tin Chúa. Số người tin Chúa khá đông, nhóm lại đến trên 50 người, dù nhiều người xa nhà giảng đến 7km.

Trong thời kỳ nầy, Hội Thánh nhóm lại thờ phượng Chúa đông đúc, có Trường Chúa nhật gồm 15 lớp với 170 học viên, có Ban Chứng đạo gồm 16 người trung tín ra đi làm chứng vào mỗi thứ Tư (nữ ban) và thứ Sáu (nam ban) hằng tuần.

Lễ Cung hiến Thánh ca cho Đức Chúa Trời đã cử hành tại giảng đường Đà Nẵng vào buổi sáng Chúa nhật 10/12/1950, dưới sự chủ tọa của ông Đốc học Giáo sĩ J. D. Olsen. 

 

Hội đồng Thường niên của Hội Thánh Đà Nẵng nhóm lại ngày 10/02/1952. 

Tổng kết năm 1951 như sau: có 390 tín đồ (năm 1950 là 366 người), 132 người cầu nguyện tin Chúa, số người chờ báp-têm là 11, số trẻ em dâng cho Chúa là 16, số thành hôn là 03 đôi, 09 người vào học trường Kinh Thánh. Trường Chúa nhật có 16 lớp, gồm có 1 Chủ tọa, 19 Giáo sư, 2 Thư ký và 1 Tư hóa. Hội Thánh giảng Tin Lành mỗi chiều Chúa nhật. Ban Chứng đạo và phòng phát sách tại nhà giảng đã làm chứng cho 1.970 người nghe, đã bán được 2.953đ tiền sách (riêng Ban Chứng đạo bán 413đ).

Năm 1952, Ban Nhi đồng Hội Thánh được trên 100 em. Hội Thánh có tổ chức cuộc truyền giảng Tin Lành nhân dịp ngày lễ Phục sinh từ 12-14/04/1952. Diễn giả là Giáo sĩ P. E. Carlson, J. H Revelle và Mục sư Nguyễn Kim Ngân, có 05 người tin Chúa.

Hội Thánh tiếp tục phát triển, số tín đồ lên đến 700 người. Trước nhu cầu công việc Chúa, tháng 6/1952, Hội Thánh mời Truyền đạo Trần Thượng Hiền làm Phó Mục sư để trợ giúp Mục sư Phan Văn Hiệu trong giảng dạy và điều hành công việc Chúa. 

Bà Giáo sĩ Martha L. Moennich đến thăm trường Kinh Thánh và Hội Thánh Đà Nẵng từ ngày 16-18/02/1952. Trong 2 ngày, bà giảng cho trường Kinh Thánh 3 bài, giảng cho Hội Thánh 3 bài đều do cụ J. D. Olsen thông dịch. Có ông bà Mục sư Lê Đình Tố ở Hội An, ông Mục sư Nguyễn Văn Nhung ở Thanh Quýt và ông Truyền đạo Lê Hoàng Phu ở Huế cùng một số tín đồ ở ba Hội Thánh ấy đến dự.

Hội trưởng Giáo sĩ J. D. Olsen đến thăm trường Kinh Thánh và các Hội Thánh Đà Nẵng, Hội An, Thanh Quýt từ ngày 26/09/1953 đến ngày 05/10/1953. Cụ giảng dạy cho cả nhà trường và Hội Thánh luôn sáng Chúa nhật 27/09, tối đó và suốt 4 tối tiếp theo, còn tối thứ Sáu thì chiếu hình. Sáng và chiều Chúa nhật 04/10/1953, cụ đi Hội An và Thanh Quýt. Sáng Chúa nhật 27/09 cụ giảng tại giảng đường Đà Nẵng về “Chúa Giê-xu bước tới” luôn 5 đêm tiếp theo (tại Lễ đường 3 tối Chúa nhật, thứ Hai, thứ Tư), còn các đêm khác tại giảng đường Đà Nẵng. Cụ chỉ chuyên giảng một vấn đề Cầu Nguyện. Có nhiều người cảm động, ăn năn. Cụ lên đường ra thăm Bắc hạt vào ngày 06/10/1953.

Chúa nhật 25/10/1953, tại nhà thờ Đà Nẵng, Giáo sĩ P. E. Carlson giảng đặc biệt về: Tiểu Sử của Kinh Thánh. Có một người ẩn danh dâng 01 lượng vàng lá, hiệp với số tiền đã quyên, bán được 6.500đ dâng cho Thánh thơ Công hội.

Mục sư H. L. Turner và phu nhân đến thăm Hội Thánh Đà Nẵng và trường Kinh Thánh. Cụ đến ngày 31/01/1954 và giảng dạy liên tiếp trong 2 ngày, sáng, chiều, và tối. Ngày 03/02, cụ vào Sài Gòn. 

Nhà thờ Hòa Mỹ được khởi công ngày 01/04/1954 trên lô đất 7.000m2 của ông Nguyễn Hữu Kiệt và đến ngày 27/12/1955 đã cử hành Lễ Khánh thành. 

Tình hình Hội Thánh Đà Nẵng năm 1954:

Tín đồ chính thức cuối năm 1953: 425 người, số chịu phép báp-têm: 22 người. Số các Hội Thánh gia nhập: 13 người, số bị dứt phép thông công ăn năn được nhận lại: 2 người, cộng là 462 người. Số bị dứt phép thông công: 3 người, số qua đời: 2 người, số qua Hội Thánh khác: 2 người, cộng là 7 người. Số chính thức còn lại là 455 người. Số đang chờ lễ báp-têm: 15 người, số người cầu nguyện tin Chúa: 110 người, số vào học trường Kinh Thánh: 2 người; số thành hôn: 7 đôi; số trẻ em dâng cho Chúa: 19 em. Trường Chúa nhật: có 17 lớp và 1 lớp dạy đạo cho người mới tin. Có 19 người tình nguyện làm giáo sư. Số học sinh hiện diện trung bình mỗi tuần là 150 người. Ban Chứng đạo: Trưởng ban là cụ Nguyễn Hữu Thành đã 80 tuổi, kiêm Tư hóa. Ban có 18 người, đi chứng đạo mỗi tuần, chia ra 9 ông và 9 bà. Làm chứng được 3.862 người nghe, bán được 5.353đ tiền sách và 38 người cầu nguyện tin Chúa. Thanh niên: tổng số thanh niên là 50, thường nhóm mỗi tuần là 30 người. Cứu tế: thu được 3.766đ, chi hết 3.055đ, còn 711đ. Nhi đồng: mỗi chiều thứ Năm, ban nhóm lại tại nhà thờ chừng 70 em, ngoài ra còn có 5 lớp tại các tư gia trong xóm cũng được khoảng 70 em. Ban Chấp sự có 13 ông và 7 bà. Có 2 Hội nhánh: Hòa An và Cẩm Nê.

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

(dựa trên: Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng do HTTL Đà Nẵng cung cấp)

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Mục Sư Lê Tấn Cam – Quản Nhiệm HTTL Châu Đốc, Tỉnh An Giang
Bài tiếp theoTxaus Siab Hlo Ua Tus Tswv Haujlwm – 21/1/2022