Hội Thánh Tam Kỳ – Phương Nam Mở Cõi (P3)

2270

Gặp ai họ chỉ nói: ‘Hãy tin Chúa Giê-xu thì tội được tha và linh hồn được cứu; một người tin thì cả nhà được cứu’, và phát truyền đạo đơn cho người ấy. Nhờ những nỗ lực phi thường đó, mà Hội Thánh Tam Kỳ có thể mở được Hội nhánh khắp nơi trong tỉnh.

PHẦN 3: ĐỒNG LÚA CHÍN VÀNG

Chỉ sau 5 năm thành lập, Hội Thánh Tam Kỳ đã tổ chức được Ban Chứng đạo để ra đi rao truyền đạo Chúa ra khắp các vùng lân cận. Điều đáng nói ở đây là, tuy là “vùng lân cận” với Tam Kỳ, nhưng 2 Hội nhánh được mở đầu tiên là Quế Sơn (1930)[1], Cẩm Long (1932)[2], đều cách xa nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ từ 20-40km.[3] Do ở xa, nên tín đồ phải đi từ ngày thứ Bảy, tối ngủ lại nhà thờ Tam Kỳ, để sáng Chúa nhật có thể thờ phượng Chúa.

Ban Chứng đạo của Hội Thánh đi làm chứng tại các làng Tịch Yên, Bầu Bầu, Dưỡng An, Trường Xuân và Phương Hòa,[4] đến các Hội Thánh Lạc Thành, Đại An, Thu Bồn. Hầu như tuần lễ nào cũng có người đến cầu nguyện tin Chúa. Trong 8 tháng đầu năm 1931, có 84 người cầu nguyện và có 60 người chịu phép báp-têm.[5]

Giáo sĩ Pruett đã nói về các đêm giảng bố đạo trong Hội đồng Địa hạt tại Tam Kỳ năm 1931, “…Ngôi nhà thờ nhỏ mỗi đêm chật cứng những người ngoại đạo đến nghe để tìm hiểu về chân lý của đạo mới này”. Dù thời kỳ này việc đi lại vô cùng khó khăn, nhưng đạo Chúa vẫn phát triển mạnh mẽ.[6]

Năm 1933, trong bài viết “Annamese Mission Churches”, đăng trên tờ “The Call of French Indo China and East Siam”, Giáo sĩ Jeffrey có nói về sự phát triển của Hội Thánh Tam Kỳ.

“Dâng lời ngợi khen Chúa vì nhiều dấu chỉ rõ ràng về công việc của Ngài trong địa hạt. Công việc tại Tam Kỳ là đáng khích lệ nhất. Trong năm qua đã có nhiều sự đáp ứng cho lời cầu nguyện. Danh sách những người đã được Chúa chữa lành ngày càng thêm nhiều. Đặc biệt là trường hợp về một người phụ nữ bị bệnh nặng và sắp chết. Các tín hữu được đã nhóm chung trong một căn phòng để cầu nguyện xin Chúa giải cứu cô. Họ nói rằng nếu cô được sống lại sẽ như một bằng chứng cho người chưa được cứu trong ngôi làng đó nhận biết được vinh quang của Chúa. Nhìn bên ngoài, cô ấy đã chết, vì cô không còn thở nữa. Đột nhiên cô ngồi dậy, và ngã từ giường xuống sàn nhà. Khi có thể nói được, cô bảo với những người xung quanh rằng cô có một giấc mơ kỳ lạ. Dường như cô đã lên thiên đàng và đã nhìn thấy Chúa Giê-xu. Cô rất hạnh phúc khi ở đó, nhưng Ngài nói với cô ấy rằng, thời điểm của cô vẫn chưa đến, vì Ngài vẫn còn việc để cô làm ở đây. Chúa nhật tuần trước, chúng tôi đã gặp người phụ nữ này tại nhà thờ trong tình trạng sức khỏe rất tốt. Sự việc cô được Chúa chữa lành đã làm thay đổi ngôi làng của cô.

“Trong tháng qua, đã có hơn 40 người đã tiếp nhận Đấng Christ trong một ngôi làng cách Tam Kỳ khoảng 5 dặm[7], trong số họ, có hai người là trưởng làng. Vẫn có thêm nhiều người tin nhận Chúa. Lúc này, nhà thờ đã không còn chỗ cho tín đồ nhóm lại, và họ đã quyết định mở rộng tòa nhà…[8]

Thánh Kinh báo số 254 (085), tháng 12/1957, có viết về cụ Nguyễn Thị Soạn (cụ Nhì), sinh năm 1885, quê ở làng Phương Hòa, có chồng về Sơn Yên (xã Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước). Năm 1928, cụ về Tam Kỳ thăm gia đình, được nghe em cụ là ông Sấm, ông Ký, ông Nghề làm chứng về đạo Chúa, cụ đã tin nhận. Về đến Tiên Phước, cụ đã khởi sự làm chứng về Chúa, tuy nhiên, do khách quan, nên đạo Chúa chưa phát triển. Dù vậy, cụ vẫn một lòng trung tín.[9]

Chỉ sau 6 năm thành lập, số tín đồ Hội Thánh Tam Kỳ đã tăng lên 300 người. Sau Hội nhánh Quế Sơn và Cẩm Long, Hội Thánh Tam Kỳ đã mở thêm Hội nhánh Quế Phương cho người sắc tộc ở Hang Dơi[10] (có lẽ là người Cor). Đạo Chúa đến được nơi này là nhờ có ông Tô Thăng bán sách Thánh thơ Công hội trong những năm trước. Do chưa có tôi tớ Chúa, nên Mục sư Nguyễn Xuân Diệm kiêm lo cho Hội Thánh Quế Phương.[11]

Nhà thờ Tin Lành Quế Phương (ảnh trên TKB số 237, tháng 07/1956)

Hội Thánh Tam Kỳ có mở cuộc bố đạo 03 ngày đêm, từ 18-20/03/1934. Diễn giả là các Mục sư J. D. Olsen, D. I. Jeffrey, Lê Văn Long, Ông Văn Huyên. Kết quả có 13 người tin Chúa. Mấy tuần sau, có làm báp-têm cho 71 người, trong đó có 36 người ở Tam Kỳ, 35 người ở Hoa Thanh Thượng, cách Tam Kỳ 5km (có thể là Tam Thanh bây giờ).[12]

Năm 1942, Hội Thánh Tam Kỳ đã mở được 2 Hội nhánh ở Trà My và Tiên Phước. Năm 1944, Hội Thánh Tam Kỳ đã xin mở hai nhà thờ mới tại Thượng Thanh[13] và Tiên Quả.[14] Cũng trong năm này, Hội nhánh Chiên Đàn cũng được thành lập.[15]

Năm 1945, cụ Mục sư Nguyễn Xuân Diệm xin phép mở Hội Thánh tại Hà Lam, quận lỵ Thăng Bình, Ban Trị sự Địa hạt thuận y và bổ chức thầy Truyền đạo Nguyễn Ất đến hầu việc Chúa tại đây.[16] Tuy nhiên, do tình hình chiến sự, nên việc xây dựng nhà thờ tại đây không thể thực hiện được, và mãi đến khi Hội Thánh Thăng Bình được thành lập (năm 1956), mới mở Hội Thánh Bình Nguyên (Hà Lam) vào năm 1969.[17]

Nhà thờ Tin Lành Thăng Bình (ảnh trên TKB số 268, tháng 02/1959)

Thời kỳ này, Hội Thánh Tam Kỳ nổi lên một nhân sự truyền giáo khá thành công, đó là cụ Võ Tới, tin Chúa năm 1930. Năm 1933, cụ đau khá nặng, nên cụ xin Mục sư Nguyễn Xuân Diệm cầu nguyện Chúa cho cụ sống, sống không phải để ăn chơi cho thỏa lòng mà để làm chứng cho bà con, rồi cụ sẽ làm chứng cho đồng bào, khi đó về với Chúa, cụ cũng vui mừng. Chúa đã nhận lời. Từ đó về sau, cụ theo Ban Chứng đạo, không lúc nào vắng mặt. Dầu không biết chữ, cụ chỉ nhớ lời các tôi tớ Chúa đã giảng và nhớ lời Kinh Thánh khá nhiều, mà cụ đã làm chứng cho bà con nội ngoại, rất nhiều đồng bào tin nhận Chúa. Số bà con của cụ tin Chúa đã chiếm đến 1/5 số tín đồ trong Hội Thánh.[18]

Em gái cụ Võ Tới là bà cụ Thơm cũng là một nhân sự sốt sắng của Ban Chứng đạo. Cụ cũng không biết chữ, nhưng lại gặt hái được nhiều kết quả. Bà cụ đã lên đến Chiên Đàn, bắt phục một thầy giáo Sửu, là một người dạy chữ nho.[19] Nghe kể lại rằng, sau khi gặp được Chúa, ông rất nóng lòng, nên 5g sáng ông và người con trai đã xuống nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ xin gặp mục sư để cầu nguyện tin Chúa.

Con trai cụ Võ Tới là cụ Võ Lành, sau này là Trưởng ban Truyền giảng của Hội Thánh Tam Kỳ. Cụ Lành là nhân sự tích cực của Hội Thánh trong việc truyền giáo. Tiếp nối cụ Tới và cụ Lành, con cháu các cụ hầu hết đều là những nhân sự chứng đạo sốt sắng của Hội Thánh Tam Kỳ, Trường Xuân, Phương Hòa.[20]

Thời ấy, các nhân sự chứng đạo khi đi làm chứng luôn đem theo một, hai đôi dép bằng mo cau[21]… Vì dép mo cau không thể đi được lâu, nên họ chỉ dùng nó tại những đoạn đường nắng nóng, hoặc gồ ghề đá sỏi, còn nếu trời mát, hoặc đường bằng phẳng thì họ đi bằng… chân không. Các con cháu họ ngày nay phải thú nhận rằng, không thể bằng được cha ông mình ngày trước về tinh thần ra đi chứng đạo. Gặp ai họ chỉ nói: ‘Hãy tin Chúa Giê-xu thì tội được tha và linh hồn được cứu; một người tin thì cả nhà được cứu’, và phát truyền đạo đơn cho người ấy. Nhờ những nỗ lực phi thường đó, mà Hội Thánh Tam Kỳ có thể mở được Hội nhánh khắp nơi trong tỉnh. Con cháu bà cụ Thỏa, một nhân sự chứng đạo, kể lại rằng, nhà bà cụ ở sát đường xe lửa, nên thỉnh thoảng, có ai đó đi tàu quăng xuống cho bà một gói nhỏ chứa truyền đạo đơn như: Đường phước, Chuyện hai thành phố… Bà hoàn toàn không biết họ là ai. Và cứ thế, bà lấy truyền đạo đơn này mà đi làm chứng. Mãi đến năm 1964, khi trận lụt lịch sử phá hỏng đường sắt thì sự tiếp trợ này mới chấm dứt.

Những nỗ lực không ngừng của những người đi trước luôn là nguồn động viên, khích lệ cho con cháu noi theo, chính vì vậy, tại vùng đất này, đồng lúa đã vào mùa vụ, không bao giờ thiếu những con gặt trung tín vâng theo theo lời Chúa dạy, sốt sắng ra đi gặt những bó lúa chín vàng về cho nhà Ngài.

 

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

Chú thích:

[1] Thư ký Trương Nhựt Khóa, Tin tức Quế Sơn, TKB số 221 (052), tháng 03/1955, trang 05. Trong lược sử HTTL Quế Sơn thì ghi nhận Hội Thánh thành lập năm 1927, tuy nhiên đối chiếu với bài viết này thì có chênh lệch thời điểm, có lẽ năm 1927 là năm có người tin Chúa đầu tiên. Vì lẽ khi đó, Hội Thánh Tam Kỳ mới được thành lập 1 năm, còn non trẻ, thì số lượng tín hữu tại Quế Sơn chưa thể nhiều để thành lập được Hội Thánh. Trong tạp chí The Call of French Indochina and East Siam, No. 29, April – June, 1930, trang 42-43, có nói về trước đó khoảng một năm rưỡi, có một thanh niên ở làng Phú Thứ (nay là Mỹ Đông, thị trấn Đông Phú), huyện Quế Sơn, đã đến Tam Kỳ trong một chuyến viếng thăm, và đã tin Chúa tại đây. Khi trở về quê nhà, anh đã làm chứng cho khoảng 60 người tin Chúa, và một số đã được làm phép báp-têm. Do cách xa Tam Kỳ gần 70km, nên họ không thể đi nhóm lại thường xuyên, và họ đã lên kế hoạch xây dựng một nhà nguyện bằng tre vào tháng Sáu. Một tôi tớ Chúa đã được bổ đến (Truyền đạo Đỗ Phương) và công việc diễn ra thuận lợi ngay từ ban đầu. Vị quan địa phương cũng rất thân thiện, và có lẽ là một tín đồ kín giấu. Ông đã đọc gần như tất cả các loại sách khác nhau được in trên báo chí của Giáo hội, cũng như một phần Tân Ước…
[2] Phan Văn Pháp, Tin tức, Cẩm Long, TKB số 019, tháng 09/1932, trang 369.
[3] Tin tức Tam Kỳ, TKB số 006, tháng 07-08/1931, trang 212.
[4] Mục sư Đoàn Văn Khánh, Tin tức, Tam Kỳ, TKB số 008, tháng 10/1931, trang 298. Tịch Yên nay thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình; Bầu Bầu nay thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành; Dưỡng An và Trường Xuân là 2 xã giáp phía tây xã Tam Kỳ; Phương Hòa là xã phía bắc Tam Kỳ. Điều này cho thấy địa bàn hoạt động của Ban Chứng đạo Hội Thánh Tam Kỳ rất rộng.
[5] Mục sư Đoàn Văn Khánh, Tin tức, Tam Kỳ, TKB số 009, tháng 11/1931, trang 334.
[6] Giáo sĩ Pruett, ‘Many Conversions in Central Annam’, The Call of French Indochina and East Siam, No. 33 July-December, 1931, trang 07.
[7] 1 dặm = 1,61km, vậy 5 dặm tương đương với khoảng 8km.
[8] Báo cáo hằng năm 1933, The Call of French-Indo-China and East Siam, (Otc.33-Sept.34), trang 12-13.
[9] Mục sư Lê Châu, Tin buồn, Tiên Phước, ‘Trung tín cho đến chết’, TKB số 254 (083), tháng 12/1957, trang 45.
[10] Nay thuộc xã Tiên An, huyện Tiên Phước.
[11] Nguyễn Tấn Minh, ‘Chi hội Tam Kỳ’, TKB số 088, tháng 06/1938, trang 178.
[12] Nguyễn Tấn Khoa, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 052, tháng 06/1935, trang 182.
[13] Sau này là Hội Thánh Tam Thanh, nhưng hiện nay do chiến tranh nên nhà thờ không còn.
[14] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lược sử HTTL Việt Nam (1911-1965), NXB Tôn giáo 2010, trang 176; Truyền đạo Tạ Kế, ‘Hội Thánh Tiên Quả (nhánh của Tam Kỳ) trưởng thành trong gian khổ’, TKB số 227-229 (058-060), tháng 09-10-11/1955, trang 22-24.
[15] Kỷ yếu 90 năm thành lập HTTL Tam Kỳ 1926-2016.
[16] Chủ tọa và Ban Trị sự, Tin tức Hội Thánh Thăng Bình, TKB số 268 (099), tháng 02/1959, trang 04-05.
[17] Sổ Biên bản Địa hạt Liên hội Bắc Trung phần số 1, Biên bản số 35/BTP, trang 100.
[18] Chấp sự Nguyễn Tấn Minh, Làm Chứng Ơn Chúa ‘Một Gia Đình Được Phước’, TKB số 227-229 (058-060), tháng 09-10-11/1955, trang 36.
[19] Sau này, thầy giáo Sửu là ông ngoại của Mục sư Võ Đình Đán.
[20] Lời kể của Mục sư Võ Đình Đán, Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Trường Xuân.
[21] Đôi dép này làm từ mo của cây cau, cắt ra theo hình bàn chân, còn quai dép thì làm bằng dây chuối khô bện lại.

Bài trướcNhận Biết Sự Yếu Đuối – 26/12/2019
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Nguyễn Lâm (Thân phụ MS. Nguyễn Tờn)