Hội Thánh Là Thân Thể Của Đấng Christ

4600

(I Cô-rinh-tô 12:12-26)

Một ngày nọ, các màu sắc tranh cãi nhau. Màu xanh lá cây lên tiếng: “Tôi là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Tôi được chọn để làm màu của cỏ cây. Màu sắc của tôi tràn ngập mọi nơi. Nếu không có tôi, súc vật sẽ chết”. Màu xanh dương bực mình lên tiếng: “Hãy nhìn lên bầu trời và biển khơi; đó là màu của tôi. Vâng, nước là yếu tố căn bản cho sự sống. Không có nước là chết”. Màu vàng lắc đầu lên tiếng: “Nhìn lên mặt trời, mặt trăng và ngôi sao; tất cả đều màu vàng. Vạn vật không thể nào sống nếu thiếu mặt trời”. Màu cam không chịu, lên tiếng: “Mặc dầu tôi hiếm, nhưng tôi là màu của sức khoẻ. Hãy nhìn quả cam, quả đu đủ, trái bí rợ…; đó là những thực phẩm đem sinh tố cho con người. Nếu thiếu tôi con người không thực sự sống”. Màu đỏ cười lên tiếng: “Tôi chói mắt thật, nhưng tôi quan trọng hơn cả, vì tôi là màu của máu. Hễ mất máu là chết”. Màu tím nghiêm nghị lên tiếng: “Tôi là màu của hoàng gia và quyền hành. Vua chúa dùng màu của tôi. Tổng giám mục dùng màu của tôi”. Nói chung, tất cả màu sắc đều quan trọng và sẽ rất đẹp nếu đứng chung nhau trong một quang cảnh hay trong một bức tranh; nhưng sẽ không đẹp nếu đứng một mình.

Hội Thánh bao gồm nhiều cá nhân họp lại thành một tập thể; mỗi người có ân tứ khác nhau: có người giỏi về âm nhạc và có người giỏi về tổ chức; mỗi người có tuổi tác khác nhau: có người lớn tuổi đầy kinh nghiệm và cũng có người trẻ tuổi với nhiều sinh lực và kiến thức…

Qua đề tài “Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ” dựa theo I Cô-rinh-tô 12:12-26 chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ hai ý chính: thứ nhất, từ câu 12 đến câu 20, chúng ta là một, nhưng khác nhau; thứ hai, từ câu 21 đến câu 26, chúng ta khác nhau, nhưng cần nhau. Qua phân đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô trả lời cho một nan đề đang xảy ra trong Hội Thánh Cô-rinh-tô; đó là có một số người sử dụng ân tứ thuộc linh không phải để gây dựng Hội Thánh, nhưng lại gây chia rẽ, cho rằng mình tốt hơn, có ơn hay sâu nhiệm thuộc linh hơn, ở địa vị quan trọng hơn, mà xem thường người khác hoặc làm “nổi”. Chúng ta cùng nhau suy ngẫm phân đoạn Kinh Thánh này để rút ra bài học cho mình.

CHÚNG TA LÀ MỘT, NHƯNG KHÁC NHAU (c. 12-20)

Sau khi trình bày Hội Thánh giống như một đồng ruộng (3:5-9), một toà nhà (3:9-15), sứ đồ Phao-lô trình bày Hội Thánh là thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-xu để trả lời cho câu hỏi: “Đấng Christ bị phân rẽ sao?”, và để phát triển ý niệm “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích lợi chung” (12:7).

Chúng ta có thể đọc thấy trong lời văn của sứ đồ Phao-lô là chúng ta dầu khác nhau, nhưng là một; hoặc chúng ta dầu là một, nhưng khác nhau. Nếu đọc kỹ chúng ta lại thấy sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến ý chúng ta là một nhưng lại khác nhau, hơn là ý chúng ta khác nhau nhưng là một. Nếu là một mà không khác nhau, chúng ta gọi đó là đồng phục, và một thân thể “đồng phục” là một thân thể chết. Nếu tay chân không cử động như mục đích của nó, mắt không thấy như mục đích của nó, tai không nghe như mục đích của nó, miệng không nói như mục đích của nó, và cả thân thể chỉ có một hoạt động thôi là thở, thì thân thể đó sắp chết.

Khi viết: “như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy” sứ đồ Phao-lô muốn nhấn mạnh đến ý “dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi”; tức là dầu có nhiều chi thể và mỗi chi thể có những hoạt động khác nhau; nhưng tất cả đều hoạt động cho thân thể. Hội Thánh là một; nhưng trong Hội Thánh có nhiều hội viên, và mỗi hội viên có những ân tứ thuộc linh khác nhau để góp phần phát triển Hội Thánh. Sứ đồ Phao-lô muốn nhấn mạnh đến tinh thần hiệp một, và chúng ta phải ghi nhớ ý này suốt phân đoạn Kinh Thánh này.

Sau khi viết “như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy”. Sứ đồ Phao-lô đang muốn nói đến sự hiệp một mầu nhiệm – chúng ta cùng ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, và chúng ta cùng ở trong Hội Thánh Ngài, được ví sánh như thân thể Ngài. Tại sao? “Vì chưng chúng ta hoặc người Do Thái, hoặc người Hy Lạp, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” (c. 13). Hai cụm từ “chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh”“chịu uống chung một Thánh Linh” cho thấy rằng khi chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đức Thánh Linh đặt tất cả chúng ta vào trong “thân thể” của Ngài, tức Hội Thánh.

Ngay khi “chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh” và “chịu uống chung một Thánh Linh”, Đức Thánh Linh gội sạch những ngăn cách của xã hội và chủng tộc để “thân thể của Chúa Cứu Thế” không bị chia rẽ. Rồi cũng trong tinh thần đó, sứ đồ Phao-lô đề cập đến vấn đề ân tứ thuộc linh khác nhau có thể gây chia rẽ trong Hội Thánh.

Trong phân đoạn Kinh Thánh này chúng ta ghi nhận chữ “thân thể” và chữ “chi thể” được lập đi lập lại nhiều lần. Thân thể là số ít, nhưng chi thể là số nhiều; Hội Thánh là số ít, nhưng hội viên là số nhiều. Nhiều chi thể họp lại thành một thân thể; nhiều hội viên họp lại thành một Hội Thánh. Nếu chỉ có hai cánh tay thôi, thì không thể gọi là thân thể; nếu chỉ có hai chân thôi, thì không thể gọi là thân thể; nếu chỉ có hai lá phổi thôi, thì không thể gọi là thân thể. Nhưng nếu hai cánh tay thi hành bổn phận của mình được dựng nên, hai chân thi hành bổn phận mình được dựng nên, hai lá phổi thi hành bổn phận mình được dựng nên, và các chi thể khác cũng vậy, thì đó mới gọi là thân thể.

Mặc dầu chúng ta thấy có người đi bằng hai cánh tay, nhưng đó là những người làm xiếc; còn chúng ta thì dùng chân để đi, vì chân được tạo ra để đi, chớ không phải tay. Mặc dầu chúng ta thấy có người dùng ngón chân cầm muỗng để ăn, nhưng đó là người bị cụt hai bàn tay; còn chúng ta thì dùng bàn tay sử dụng đũa, muỗng để gắp thức ăn đưa vào miệng. Hơn thế nữa, tai không thể dùng để ngửi, và mũi không thể dùng để nghe; vì Đức Chúa Trời tạo dựng nên tai để nghe và mũi để ngửi.

Sứ đồ Phao-lô tiếp tục viết: “Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó mà không có phần trong thân” (c. 15-16). Nói một cách khác, nếu tôi không có ân tứ thuộc linh mà người khác có, điều đó không có nghĩa là tôi không thể là hội viên của Hội Thánh; hoặc ngược lại. Tôi đâu biết đàn dương cầm như người khác; nhưng không vì thế mà tôi không được làm hội viên của Hội Thánh. Dầu tiếng đàn của người đánh đàn được nhiều người khen ngợi, nhưng không vì thế mà tôi đòi hỏi thay thế người đó để đàn cho Hội Thánh. Dầu Mục sư được đứng trên bục giảng với bao ánh mắt nhìn vào, nhưng không vì thế mà người đánh đàn bỏ đàn để đứng lên bục giảng thay thế Mục sư. Chúng ta mỗi người một việc để góp phần phát triển Hội Thánh.

Sứ đồ Phao-lô phát triển ý niệm về thân thể để áp dụng về sự hiệp một trong Hội Thánh như sau: “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” (c. 17). Một Hội Thánh mà ai cũng muốn làm quản nhiệm, hoặc ai cũng muốn làm thủ quỹ hết, thì Hội Thánh đó sẽ chết; không những các công việc khác không có người làm, mà các quản nhiệm cũng sẽ tìm cách sa thải nhau vì… thặng dư. Một Hội Thánh mà ai cũng có ân tứ nấu ăn hết thì cả phòng ốc của Hội Thánh sẽ biến thành bếp nấu để khỏi đụng chạm nhau, và mọi người sẽ chết… “phì”. Trong Hội Thánh có người là quản nhiệm, có người lo âm thanh, có người lo cắm hoa, có người lo vệ sinh…, thì Hội Thánh mới thật sự là Hội Thánh sống động, phát triển và phục vụ.

Nhưng đôi khi trong Hội Thánh có một số người quá khiêm nhường khi đề cập đến vấn đề ân tứ thuộc linh. Khiêm nhường không có nghĩa là nói với người khác rằng “Tôi không có ân tứ thuộc linh nào cả”. Cây nho không thể nói rằng “Tôi không thể ra trái được và tôi sẽ không có trái nào cả”. Người khiêm nhường là người sẽ nói rằng “Những ân tứ thuộc linh mà tôi có là từ Đức Chúa Trời, chớ không phải tự tôi; và Ngài ban cho tôi để phục vụ.” Nếu những người khác không có ân tứ thuộc linh mà tôi có, thì họ có những ân tứ thuộc linh khác; và đương nhiên người khác có những ân tứ thuộc linh mà tôi không có. Nếu tôi làm nổi ân tứ thuộc linh mình có mà khinh thường ân tứ thuộc linh người khác có, tôi là người kiêu ngạo.

CHÚNG TA KHÁC NHAU, NHƯNG CẦN NHAU (c. 21-26)

Một bộ phận trong thân thể chúng ta bị xem thừa thải là ruột dư (hay ruột thừa). Chỉ tên gọi “ruột dư” cũng nói lên được sự vô dụng của bộ phần này. Rất nhiều người đã được cắt bỏ ruột dư mà vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, y học cho biết trong hệ thống tiêu hoá của chúng ta có những vi khuẩn tốt giúp cho vấn đề tiêu hoá thức ăn; nhưng số vi khuẩn này có thể bị chết hoặc bị mất qua những chứng bệnh như dịch tả. Trong trường hợp này, ruột dư là nơi ở an toàn cho những vi khuẩn tốt đó trú ẩn, và giúp cho hệ thống tiêu hoá hoạt động trở lại. Chúng ta có những ân tứ thuộc linh khác nhau, dầu có những ân tứ thuộc linh xem là rất “tầm thường”, nhưng chúng ta rất cần có nhau.

Sứ đồ Phao-lô viết rằng thật là dại dột khi mắt nói với bàn tay, hoặc đầu nói với bàn chân rằng “Ta chẳng cần đến bây” (c. 21). Và đây là thái độ của một số người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đối với anh chị em khác trong Hội Thánh. “Mắt” và “đầu” tượng trưng cho những người đứng trong vai trò lãnh đạo, là những người có trình độ văn hoá và có ảnh hưởng trong Hội Thánh. Còn “tay” và “chân” tượng trưng cho những người thuộc thành phần lao động trong Hội Thánh. Khi vài người cho rằng mình có quyền hơn một số người khác trong Hội Thánh, những người đó dễ đi đến kết luận rằng mình không cần những người khác.

Nhưng sứ đồ Phao-lô lật ngược thái độ mắt nói với bàn tay, và đầu nói với bàn chân rằng “Ta chẳng cần đến bây”, khi viết: “Các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau dồi hơn” (c. 22-23). Câu “các chi thể của thân xem ra yếu đuối”, thí dụ như não bộ của chúng ta dễ bị nội thương, cần được xương sọ bảo vệ, “lại là cần dùng”. Câu “chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ”, thí dụ như đôi chân đạp đất, thì chúng ta “tôn trọng hơn”, mà trong nguyên bản dùng chữ “mặc cho”, hay nói rõ hơn là mang giày cho. Câu “chi thể nào chẳng đẹp”, thí dụ một người có bụng không đẹp, thì chúng ta “lại trau dồi hơn” bằng cách mặc áo đẹp, kể cả mặc áo veston. Nói chung, chúng ta chỉ lưu ý đến mắt, mũi, môi, má, tóc, tai mà trang điểm và chăm sóc mỗi ngày; nhưng bộ phận như tim, gan, bao tử, thận không được chúng ta lưu ý lại rất quan trọng cho sự sống của thân thể. Chúng ta không thấy hoạt động của tim, gan, bao tử, thận giống như chúng ta thấy hoạt động của mắt, mũi, môi, má, tóc; nhưng thân thể chúng ta không thể thiếu tim, gan, bao tử, thận được. Chúng ta khác nhau; nhưng chúng ta rất cần có nhau, và chúng ta rất cần những tín đồ “bình thường”.

Cụm từ “xem ra rất yếu đuối”, “nghĩ là hèn hạ”, và “chẳng đẹp” nói về chi thể nào đó trong thân để miêu tả ý “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 1:26-29).

Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng những chi thể khác nhau trong thân thể là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, và đó là điều cần thiết cho thân thể. Nếu một người trong Hội Thánh nghĩ rằng mình là người có nhiều ân tứ thuộc linh hơn người khác, hoặc là người có ân tứ thuộc linh nào đó vượt hẳn người khác mà cho rằng Hội Thánh không cần những người khác; sứ đồ Phao-lô muốn nói với người đó rằng Hội Thánh là một cộng đồng. Một người dầu có nhiều ân tứ thuộc linh như thể nào, dầu ân tứ thuộc linh đó vượt trội như thể nào vẫn không thể điều hành và phát triển Hội Thánh được, mà phải cần nhiều người khác hợp tác. Một người dầu sử dụng được nhiều nhạc khí hay sử dụng một nhạc khí nào đó xuất sắc vẫn không thể chơi bản nhạc giao hưởng của Amadeus Mozart được, mà phải cần một ban đại hòa tấu.

Khi viết “còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau dồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quý trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau” (c. 24-25), sứ đồ Phao-lô muốn nói rằng lắm khi vài người nào đó trong Hội Thánh đã được “đẹp” rồi, đã được “quý trọng” rồi mà chúng ta cứ tiếp tục “tô điểm” cho họ. Chúng ta vì vô tình hay cố ý quên đi những anh chị em khác, vốn đã không được “quý trọng” mà cứ bị Hội Thánh quên lãng. Đáng lẽ họ phải được “tô điểm”, “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau”.

Sứ đồ Phao-lô tiếp tục biện luận rằng “Trong các chi thể, khi một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (c. 26). Khi một ngón tay của chúng ta bị phỏng, thì dầu chỉ ngón tay đó bị đau đớn thôi, nhưng cả thân thể của chúng ta lại cảm thấy khó chịu. Rồi khi ngón tay đó được lành, thì cả thân thể của chúng ta cảm thấy dễ chịu. Khi hai tay phải đỡ vật gì nặng từ mặt đất lên mặt bàn, thì hai chân và cả thân thể cùng phải chịu gánh nặng đó; nếu không là “cụp xương sống”, và nếu bị “cụp xương sống” rồi thì cả thân thể chịu đau đớn. Sứ đồ Phao-lô áp dụng kinh nghiệm này vào mối liên hệ của Hội Thánh. Khi chúng ta cảm nhận sự đau buồn hay vui sướng với những anh chị em khác, chúng ta bày tỏ sự hiệp một. Khi chúng ta san sẻ công việc Chúa trong Hội Thánh, chúng ta bày tỏ sự hiệp một.

Thế nhưng không phải Hội Thánh nào cũng vậy, hoặc không phải lúc nào trong Hội Thánh cũng vậy. Có những người trong Hội Thánh vui vẻ khi thấy anh chị em nào đó lâm vào hoàn cảnh đau buồn. Lại có những người trong Hội Thánh cảm thấy khó chịu khi thấy anh chị em nào đó được khen tặng. Cũng có những người trong Hội Thánh tìm dịp gây đau buồn cho anh chị em khác. Lại có những người trong Hội Thánh ngoảnh mặt làm ngơ trước gánh nặng công việc của người khác. Nhưng nên biết rằng khi gia đình chúng ta có hôn lễ hay tang lễ, chúng ta rất cần anh chị em trong Hội Thánh tiếp tay; chúng ta sẽ bối rối, gặp khó khăn và lo buồn nếu họ quảnh mặt làm ngơ.

Có chuyện kể rằng trong một hội đồng của các mục sư, mục sư diễn giả đi bắt tay từng người tham dự; nhưng người bạn thân của ông đặt vấn đề: “Tại sao anh mất thì giờ bắt tay với những người anh chưa quen và có thể chẳng bao giờ gặp lại họ?” Mục sư diễn giả đã trả lời: “Tôi có mặt tại đây là nhờ họ; và nếu tôi không nhờ họ khi chức vụ tôi đi lên, thì tôi cũng sẽ nhờ họ khi chức vụ tôi đi xuống.”

KẾT LUẬN

Thưa ông bà, anh chị, giả sử một ngày nào đó các chi thể trong thân thể chúng ta bất đồng ý kiến nhau, ai cũng cho ý kiến mình là phải, bất cần đến ý kiến khác và bất hợp tác. Chuyện gì sẽ xảy ra? Cánh tay quyết định không đưa thức ăn lên miệng, hoặc là miệng không chịu mở ra để nhận thức ăn từ tay, hoặc là răng không chịu nhai. Hậu quả là gì? Bụng sẽ bị đói và cả thân thể sẽ kiệt sức, rồi xỉu. Khi các con còn bé, mỗi lần cha mẹ cho con ăn giống như tham gia một cuộc chiến. Nào là “Mở miệng ra. Ba bóp miệng bây giờ!”; nào là “Làm ơn nhai giùm tôi. Sao cứ ngậm trong miệng hoài vậy?”… Nhưng đứa con không chịu mở miệng, hoặc là không chịu nhai; thế là đứa con “ốm tong ốm teo”, và cha mẹ buồn. Hội Thánh chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta cần người lo âm thanh để mọi người có thể nghe người giảng. Chúng ta cần nhiều người đàn để cả Hội Thánh hát rập ràng. Chúng ta cần người quét dọn cơ sở để được sạch sẽ và vệ sinh. Chúng ta cần người nấu ăn để Hội Thánh được thông công nhau. Chúng ta cần người phụ trách thanh thiếu nhi để Hội Thánh tiếp tục trong tương lai. Chúng ta cần mọi người dâng hiến tiền bạc để chi dùng cho các công việc từ trong đến ngoài Hội Thánh.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã đưa dẫn nhiều người đến với Hội Thánh, và cảm tạ Ngài đã tác động nhiều người tham gia công việc trong Hội Thánh. Thưa ông bà, anh chị, trong Hội Thánh có nhiều người và chúng ta cần những ân tứ thuộc linh của nhau để Hội Thánh sống động, phát triển và phục vụ Đức Chúa Trời cùng tha nhân.

Mục sư Đoàn
(BTMV 30 – Tháng 07/2012)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Dưỡng linh” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcThể Hiện Lòng Biết Ơn – 27/10/2020 
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Truyền Đạo Trí Sự Điểu Đố