Gia Đình Trong Chúa

1911

“Chúng tôi được gọi là gia đình vì chúng tôi là con của một Cha trên trời, chỉ có những người được ở trong Chúa mới hiểu, biết được sự phước hạnh lớn lao này. Mong sao một ngày nào đó, cô ta sẽ cũng được ở trong cùng một gia đình của Cha trên trời như chúng tôi.”

 

 

 

Cái tin ông Mục sư Trà trở về từ bệnh viện làm ai cũng vui. Trước khi đi, ông nói chỉ đi có mấy ngày, vậy mà hơn nửa tháng sau, hai ông bà mới về. Dự kiến đi ba ngày, không ngờ, khi đến bệnh viện, sau khi mổ con mắt thứ nhất, ổn định rồi, bác sĩ khuyên mổ luôn con mắt thứ hai để khỏi ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt thứ nhất. Vậy là thay vì chỉ vài ba ngày, hai ông bà đành ở lại gần ba tuần. Mấy người con của ông bà dù ở xa, công việc bận rộn, nhưng cũng cố gắng sắp xếp, phân công nhau về chăm sóc ông ở bệnh viện, còn chúng tôi thì cũng phân công nhau qua ngủ, coi giúp nhà cho ông bà trong những ngày họ đi vắng.

 

Những ngày đầu qua ngủ coi nhà giúp ông bà Mục sư, Ti Na và Ta Ni rất thích. Nhưng rồi dần dần chúng đâm ra chán nản vì ở đó chẳng được tự do như ở nhà. Tôi và Duyên sợ chúng táy máy cái này, sờ mó cái kia làm hư hỏng hết đồ của ông bà Mục sư nên nhắc nhở thường xuyên. Điều này làm chúng mất hứng thú nên chỉ sau vài hôm chúng không chịu qua nữa. Thế là chỉ còn tôi và Duyên thay nhau, buổi tối, sau khi ăn cơm xong, liền khăn gói qua bên nhà ông bà Mục sư, mà chúng tôi nói vui là đi ngủ khách sạn không tiền. Cô Hoa thì chỉ có hai mẹ con nên cũng không thể qua ở giúp được, chỉ có nhà tôi, có đủ bốn người, có thể chia thành hai nhóm, phân công nhau đi. Nhà ông bà Mục sư cũng chẳng có cái gì quí giá, mục sư hưu trí mà. Ông bà chỉ nhờ chúng tôi coi ngó, tưới nước mấy chậu cây xanh, cho mấy con gà ăn, còn nếu chúng có đẻ trứng thì “tùy nghi sử dụng”, nói là nói vậy nhưng chúng tôi nào dám ăn mấy quả trứng đó. Ti Na và Ta Ni thì rất thích đàn gà, thấy chúng tung tăng chạy nhảy, kiếm ăn, chúng khoái lắm, cứ đòi Duyên phải mua vài con về nuôi, nhưng Duyên cứ sợ không người chăm sóc, trẻ con mà, mau đổi ý lắm…

 

Hòa và cu Bảo, cả nhà tôi, đều cùng có mặt. Hôm nay, ông Mục sư có vẻ khỏe hơn trước, hơi mập ra. Nghe tôi hỏi, ông cười, thì ăn rồi chỉ có nằm nghỉ ngơi, uống sữa, nước yến… người ta cho, răng mà không mập được. Rồi ông bảo bà Mục sư đem mấy lốc sữa ra cho mấy đứa nhỏ. Tuy ở nhà cũng có, nhưng cả Ti Na và Ta Ni tỏ vẻ thích lắm khiến Duyên cứ nhìn chúng hoài, làm chúng đổi ý, chỉ cám ơn ông bà mà không dám nhận. Ông Mục sư cười:

 

– Kệ, con nít mà, cho hắn một chút cho vui.

 

Duyên phàn nàn:

– Cái ni là của ông bà nội, người ta cho để ông bà nội bồi dưỡng, mấy đứa nhớ không, ở nhà cũng có mà.

 

Hai đứa nhỏ tiu nghỉu. Ông Mục sư nói:

– Thôi để hồi rồi ông nội cho cái khác nghe.

 

Thời gian đầu khi ông bà Mục sư Trà mới dọn tới ở, khi biết chúng tôi là tín đồ, ông bà liền qua làm quen. Mấy đứa nhỏ thích lắm, vì đâu phải lúc nào chúng cũng gặp được ông ngoại, còn ông nội thì đã không còn. Chính vì vậy mà Ti Na và Ta Ni thường gọi ông bà Mục sư là ông nội, bà nội. Cu Bảo, con của cô Hòa thì không chừng, lúc thì nội, lúc thì ngoại… làm ông bà vui lắm. Con cháu ở xa hết nên ở đây có chúng tôi và mấy đứa nhỏ thường xuyên qua lại, ông bà như có thêm một gia đình mới. Ngoài thì giờ đi nhóm tại nhà thờ hoặc chi phái, khi nào có dịp, chúng tôi cũng tranh thủ ghé sang thăm ông bà Mục sư, trò chuyện, tâm sự. Mấy đứa nhỏ thì hễ rảnh lúc nào cũng xin chạy qua nhà chơi với ông bà, lúc đầu chúng tôi cũng sợ phiền ông bà, nhưng thấy ông bà rất mến chúng nên cũng không lo gì nữa.

 

Khi đi mổ mắt ông bà Mục sư rất tự tin vì ông đã cầu nguyện với Chúa cả năm nay rồi. Ông nghe người ra nói mổ thủy tinh thể rất đơn giản vì y học bây giờ rất hiện đại nên mổ không đau đớn gì mà lại nhanh nữa. Ông Mục sư nói:

 

– Mấy ngày mổ mắt, nằm suy nghĩ mình học được nhiều điều Chúa dạy cho.

 

Tôi hỏi:

– Chi rứa ông Mục sư?

– Bây giờ mới thấy con mắt thật là quí giá, nó làm cho mình thấy đường, thấy được nhiều thứ, nếu không có hắn thì cũng thiệt thòi nhiều. Con mắt thuộc linh cũng vậy, cần phải sáng tỏ để mình thấy được điều hay lẽ phải, điều Chúa dạy mà làm, chứ không thì lạng quạng cũng chết.

 

Cả nhà cười vang. Ông nói tiếp:

– Chúa cho có những lúc mình như người mù lòa, không thấy chi, rồi khi tháo băng, thấy được ánh sáng, thiệt là kỳ diệu. Bàn tay con người thiệt khéo léo, làm mắt lòa thành sáng, Chúa cho con người có cái đầu thông minh, giúp thay đổi đời sống trở nên tốt hơn nhiều.

 

Hôm nay, cả ba gia đình đều tập trung đầy đủ, thứ nhất là mừng ông vừa trở về, thứ hai là để cùng nhau dự một bữa cơm thân mà ông Mục sư nói là để cảm tạ Chúa vì những Ngài đã làm cho ông. Con mắt của ông đã sáng hơn trước nhiều, có thể đọc Kinh Thánh mà không cần đeo gương. Thật ra tôi cũng hiểu ý của ông bà Mục sư, muốn cho chúng tôi có một buổi gặp mặt nhau vui vẻ vì hằng ngày, tuy ở gần nhau, nhưng tất cả đều bận rộn công việc, thỉnh thoảng cô Hòa và cu Bảo mới có thời gian chút ít qua nhà chúng tôi chơi và ngược lại. Những người con của ông bà thì cũng đã trở về lại nhà mình để lo công việc. Ông bà rất vui và rất tự hào vì cả ba người đều là những người rất yêu mến Chúa, có người làm chấp sự, có người chỉ là tín đồ bình thường, nhưng dù ở trong chức vụ nào, họ cũng hết lòng hết sức hầu việc Chúa, góp phần cùng Hội Thánh trong công tác dạy đạo và giảng đạo.

 

Cả nhà hôm nay thật vui, mấy đứa nhỏ được dịp chơi đùa thỏa thích. Hòa và Duyên thì xuống giúp bà Mục sư một tay trong việc nấu nướng. Tôi thì chuẩn bị bàn ghế. Chỉ riêng ông Mục sư, vẫn còn phải đeo kính dưỡng mắt, nên chỉ ngồi nhìn chúng tôi làm, góp ý này nọ. Tôi thấy hôm nay ông rất vui.

 

Phía trước có tiếng xe máy trước nhà, bà Mục sư chạy ra:

– Cô thu tiền truyền hình cáp, ông ơi!

 

Ông Mục sư nói:

– Bà gởi tiền cho người ta, tiện thể mời cô nớ vô chơi luôn.

 

Cô ta nghe vậy, liền nói:

– Dạ, con xin cám ơn hai bác, nhưng việc của con còn nhiều lắm, còn phải đi nhiều nhà. Bữa ni, nhà mình có chuyện chi mà đông rứa hở bác?

– Ờ, nhà có chuyện vui, có bữa cơm mừng bác trai mổ mắt được sáng.

– Dạ, con cũng xin chúc mừng bác. Nhà bác có phước quá he, con trai con gái đầy đủ, rồi còn mấy đứa cháu nữa, vui quá!

 

Bà Mục sư định thanh minh thì ông Mục sư nói liền:

– Đúng đó cô, cảm ơn Chúa, nhà tôi có phước, đây là gia đình của tôi. Con trai, con gái, con dâu nè. Ông chỉ vào tôi, Duyên và Hòa, vừa mới ở nhà dưới lên.

 

Cả nhà cười vang. Cô nhân viên thu tiền cũng cười và chào cả nhà đi ra. Tôi biết cô cười vui nhưng có lẽ cô không hiểu hết được ý nghĩa câu nói của ông Mục sư vì thật ra chúng tôi đâu có bà con gì mà gọi là gia đình. Chúng tôi được gọi là gia đình vì chúng tôi là con của một Cha trên trời, chỉ có những người được ở trong Chúa mới hiểu, biết được sự phước hạnh lớn lao này. Mong sao một ngày nào đó, cô ta sẽ cũng được ở trong cùng một gia đình của Cha trên trời như chúng tôi.

 

Ti Na hỏi nhỏ tôi:

– Rứa có phải ông Mục sư là ông nội ruột của con hông ba?

– Không phải, ông họ Trần mà.

– Rứa răng hồi nãy ông nói, mình là một gia đình.

– Ờ, không phải là gia đình bình thường mà là gia đình trong Chúa, những người con của Chúa.

– Rứa thì cũng có con, Ta Ni với cu Bảo nữa chớ, răn hồi nãy ông nội không nói.

– Thì… thì ông nghĩ mấy đứa con là cháu của ông rồi, cần chi phải kể ra nữa.

 

Nhìn cái vẻ mặt hí hửng của Ti Na, tôi cũng vui lây. Gia đình trong Chúa, chúng ta là một gia đình trong Chúa. Cảm ơn Chúa, vì nhờ Tình yêu của Ngài mà chúng con được kết nối thành một gia đình phước hạnh. Tôi thầm hát: “Trong danh Chúa Giê-xu chúng ta là anh em với nhau. Trong danh Chúa Giê-xu chúng ta là một gia đình…”.

 

Vũ Hướng Dương

Bài trướcThiếu Nhi Hội Thánh Phước Bình – Quảng Nam Vui Trung Thu
Bài tiếp theoChi Hội Ma Lâm – Bình Thuận: Vui Trung Thu Trong Ơn Chúa