Truyện ngắn: Phía Bên Kia Triền Đê

1897

Bóng chiều ngã dài xuống triền đê. Hằng ngày, bọn trẻ trong xóm chỉ chờ đến thời khắc này để được bay ra khỏi nhà và tụ tập chơi đùa. Gần hai tháng nay, mùa hè đi qua cách dửng dưng và đỏng đảnh bởi vì dịch Covid đang hoành hành khắp nơi. Trên thành phố, người ta phong tỏa, cách ly với các công văn, chỉ thị ban hành; còn ở vùng quê này, dù thỉnh thoảng vẫn có người nhà quê lên thành phố hoặc người thành phố về quê, nhưng họ chưa mang con vi rút Covid về, có lẽ nó cũng chê vùng quê nghèo nên từ chối ghé qua. Tuy nhiên, cũng vì con Covid mà gần một năm nay, bố mẹ Thanh không thể lên thành phố tìm việc làm, bố Thanh làm thợ hồ, còn mẹ Thanh làm công việc vệ sinh dọn nhà. Công việc theo thời vụ bấp bênh, nhưng dẫu sao, khi mùa màng xong, bố mẹ Thanh vẫn có việc để làm, cho dầu sáng đi chiều về cách xa xôi nguy hiểm.

Cuộc sống có lẽ thật bình yên với anh em Thanh khi mỗi ngày ở nhà với bà ngoại, còn bố mẹ đi làm. Hai anh em Thanh rất là ngoan, yêu mến Chúa, vâng lời ba mẹ và ngoại. Nhà ngoại gần triền đê, con đê dài mát ơi là mát mỗi trưa hè hay mỗi chiều về, con đê thân thương trên con đường mỗi sáng Chúa nhật cùng gia đình đến nhà thờ. Với anh em Thanh, con đê như người bạn tuổi thơ mỗi khi vui khi buồn. Nhất là gần một năm nay, bố mẹ không có việc làm, tiền bạc thiếu thốn, nợ nần đáo hạn, những cuộc cãi vã, to tiếng của bố mẹ cứ gia tăng, Thanh chỉ biết lặng lẽ ra triền đê ngồi thở dài ngán ngẫm, rồi trò chuyện cùng người bạn Giê xu. Tối hôm kia, Thanh như chết đứng khi bố mẹ gọi Thanh vào trò chuyện. Bố mẹ sẽ li hôn, Thanh sẽ theo bố về quê nội, còn em Kiên sẽ ở với mẹ và bà ngoại. Thanh nghe mà điếng cả người, như một xác chết không hồn. Sự thể đã quá mức tưởng tượng của Thanh, Thanh lo sợ, hoảng hốt cái điều kinh khủng sắp bủa xuống đầu anh em Thanh.

Con Covid là cái gì để gia đình Thanh tan nát, để bố và Thanh phải ra đi, xa em Kiên, xa ngoại, xa triền đê quen thuộc mỗi ngày. Thanh cứ ngồi trên triền đê mà nước mắt lăn dài. Thanh cầu nguyện xin Chúa ngăn cản đừng để điều kinh khủng ấy xảy ra. Thanh sợ hãi, bàng hoàng nghĩ đến cảnh tượng khủng khiếp như lời mẹ nói. Lòng Thanh sụp đổ vô vàn, Thanh tự hỏi Chúa vì sao như vậy, sao bố mẹ Thanh tin Chúa mà không kính sợ Ngài, sao đem Thanh khỏi vòng tay ngoại, khỏi thằng Kiên sún răng cứ bám sau lưng anh Hai mỗi chiều đạp xe. Về quê nội, Thanh phải chuyển trường, xa bạn bè thầy cô, Thanh thật không muốn. Bố mẹ rõ ràng đã không nghĩ đến cảm xúc của Thanh, Thanh cảm thấy trái tim nhỏ bé của mình như vỡ vụn ra, như bị bóp chết ngặt chết nghèo.

Chiều nay, Thanh muốn đạp xe thật nhanh, thật nhanh, như muốn trốn chạy khỏi cuộc đời này. Mà chính thật, Thanh đã tách ra khỏi lũ bạn để chở thằng Kiên đi thật xa, thật xa. Thanh muốn chở Kiên chạy trốn trước khi sự thật phũ phàng kia ùa đến bắt anh em Thanh xa nhau. Thanh thương mẹ, không muốn xa mẹ chút nào, càng không muốn xa thằng Kiên sún, Kiên là báu vật của Thanh mà Thanh đã gánh trên vai suốt bao năm nay từ khi Kiên còn bập bẹ tập nói. Nhưng Thanh cũng thật thương bố, nếu bố ra đi một mình, ai bầu bạn nâng đỡ bố, bố cũng đáng thương không kém gì mẹ. Nhà nội theo đạo Cao Đài, bố về nội biết có còn đứng vững để giữ đức tin trong Chúa!

Theo lời mẹ kể, bố mẹ Thanh quen nhau khi cả hai xuất khẩu lao động bên Đài Loan, và bố mẹ cũng tin Chúa nơi này. Thanh sinh ra ở xứ Đài, là kết quả tình yêu nơi mảnh đất tha phương. Thế rồi công việc khó khăn, Thanh sinh ra không người chăm sóc nên đau ốm liên miên. Vì thế bố mẹ quyết định hồi hương về nương dựa nơi ngoại. Cuộc sống vất vả nhưng hạnh phúc vì bố mẹ yêu nhau, lại chịu khó làm ăn. Ở vùng quê này, người lớn lên thành phố để tìm việc, sáng đi chiều về kiếm thêm thu nhập. Bố mẹ cũng đèo nhau mỗi sáng mỗi chiều để đi làm, Thanh ở nhà phụ ngoại trông em. Cuộc sống chưa đến nỗi bế tắc như bây giờ. Nhà ngoại Thanh không xa nhà thờ là bao, nên khi ở Đài Loan về, bố mẹ nhanh chóng tìm đến nhà thờ để sinh hoạt, anh em Thanh cũng được sinh hoạt trong ban thiếu nhi, thiếu niên, được tham gia Thánh Kinh hè, Hội chợ Ta-lâng…, được các anh chị trong Ban Cơ Đốc Giáo Dục dạy dỗ; cuộc đời bà ngoại cũng như được hồi sinh khi mẹ quay về. Rồi bà ngoại tin Chúa, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, tìm được niềm vui tuổi già bên con cháu. Ấy vậy mà từ khi con Covid xuất hiện, bố mẹ ít việc hơn, ở nhà thường xuyên hơn nên cãi vã nhiều hơn. Con Covid làm rối tung rối mù cả thế giới, Covid chưa kịp lan đến xóm nghèo nhưng đã phá nát tan tành gia đình Thanh. Rõ ràng thế giới không phải là những gì to tát, thế giới là cơm áo gạo tiền, là những rạn vỡ của lòng người, như con Covid bé xíu tàn phá khắp năm châu.

Thanh lại nhớ mỗi chiều đạp xe cùng lũ bạn trong xóm, thằng Minh đen lí lắc Thanh mới rủ đi nhà thờ hôm Noel, thằng Bình cụt một tay mà đạp xe rất ngầu, thằng Hùng mồ côi hiền lành và tốt bụng. Rồi thằng Trí, thằng Bảo… Đây là một phần trong cuộc sống của Thanh, Thanh mường tượng mọi thứ đang lùi xa vào dĩ vãng để nhường chỗ cho tháng ngày giông bão đang kéo đến. Cả việc học của Thanh nữa, đã mấy lần Thanh đứng bên bờ vực bỏ học, nhưng Thanh đã nỗ lực vượt qua, lẽ nào lần này khi ở gần kề năm cuối cấp, Thanh lại bỏ dỡ việc học hành. Quả thật người lớn quá tàn nhẫn và ích kỉ trong những quyết định của mình, bất chấp tâm hồn trẻ thơ rỉ máu hay nỗi buồn man mác của người già như chiếc lá chao đảo trong gió mùa đông.

Thanh nhớ trước đây, mỗi chiều sập tối, bố mẹ đèo nhau trở về trên chiếc xe cà tàng, trên tay ba đôi khi là chiếc bánh cho bà ngoại và anh em Thanh, đôi khi là nải chuối hay quả xoài. Mẹ Thanh ít nói nhưng nghiêm khắc, bố Thanh thì chiều chuộng, gần gũi. Thanh cũng không ngờ vì mất việc và túng thiếu, bố đâm ra cộc tính, bia rượu. Bố cũng không còn đi nhà thờ, mẹ thì cằn nhằn và cáu giận nhiều hơn. Và cũng như anh em Thanh, bà ngoại già cũng trở nên tàng hình để bố mẹ chẳng cả nể, tôn trọng chút nào. Bố cũng hay đánh mẹ, uống bia vào là chửi bới, la mắng và gây gổ. Cả bố và mẹ, không chiến tranh lạnh thì chiến tranh nóng, không đóng băng tuyệt giao thì lên gân cãi vã, và kết thúc cuối cùng thì lúc nào bố cũng đánh mẹ. Bà ngoại già chẳng biết nói gì ngoài khóc, thằng Kiên cũng buồn rười rượi, còn Thanh vừa xấu hổ với xóm giềng, vừa tan nát cõi lòng. Mỗi lần như vậy, Thanh lại tìm đến triền đê, nơi Thanh được khóc với Chúa và tìm sự yên ủi nơi Ngài. Có lẽ sự dàn xếp của bố mẹ là hợp lí, Thanh phải ở với bố để mẹ đỡ vất vả, ít ra là mẹ không còn bị bố đánh, anh em Thanh không chứng kiến bạo lực gia đình. Rồi Thanh sẽ lên Đại học, sẽ giúp mẹ nuôi Kiên, trả nợ xây nhà cho mẹ. Thanh tự dệt ước mơ cho mình trong hiện tại đen tối. Con dốc nơi triền đê này, xin gửi lại tháng ngày ấu thơ và quãng đời niên thiếu, gửi lại quê ngoại biết bao kỉ niệm ngọt ngào.

Ngày mai, Thanh sẽ nói với bố mẹ quyết định của mình, Thanh sẽ theo bố về quê nội Hà Tĩnh, Thanh sẽ xa mẹ, em Kiên và bà ngoại một thời gian. Thanh sẽ nỗ lực để đậu Đại học và quay lại mảnh đất này. Sẽ không có chuyện li hôn hay chia ly gia đình, bởi vì Thanh có nhớ trong Lời Chúa dạy rằng: “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” Trong lúc bất hòa này, có lẽ tốt nhất là để bố mẹ tạm xa nhau một thời gian, để bố mẹ nhìn lại chính mình, tình yêu của Chúa dành cho cuộc đời mình, để biết kính sợ Chúa và tha thứ nhau. Chúa vẫn ở đó và yêu thương gia đình Thanh, Thanh tin là vậy. Tình yêu của Chúa là bất biến, và không có gì thay đổi tình yêu của Ngài dành cho gia đình Thanh. Thanh cũng cầu nguyện xin Chúa cho ba và Thanh có cơ hội làm chứng cho bà nội và bà con bên nội biết tình yêu của Chúa để đến với Ngài.

Ngoài kia, bóng mặt trời đổ dài trên triền đê, gọi buổi chiều về trong nô nức của bọn trẻ xóm nghèo. Nơi đây, Thanh đã có một vùng trời tuổi thơ đẹp đẽ cùng thời niên thiếu trưởng thành. Nơi đây, Thanh cất lại thật sâu trong kí ức của mình với nỗi buồn mênh mang vời vợi. Và Thanh biết, Chúa yêu thương sẽ chữa lành, ràng rịt những vết thương lòng trong thế giới mà con vi rút Covid đi qua.

 Lưu Ly

Bài trướcNgười Được Chọn Đến Gần Chúa – 31/7/2021
Bài tiếp theoCái Neo Của Linh Hồn