Chiều đánh rơi những tia nắng cuối cùng trên mặt đường nhựa vẫn còn bốc hơi nóng. Bác Năm loay hoay xếp những tập báo, cuốn sách thành từng chồng nhỏ, tỉ mỉ phân thành từng loại: dưỡng linh, tin tức, kinh tế, giáo dục, y tế, thời trang, ẩm thực… Thi thoảng, vài chiếc lá khô đu đưa theo gió đáp nhẹ trên sạp báo của bác Năm. Bác khẽ lắc đầu, cơ miệng giãn ra một khoảng cách nhỏ để lộ hàm răng đã trống nhiều chỗ, khóe mi long lanh một nỗi niềm gì đó xa xăm lắm. Bác đưa tay hất nhẹ chúng xuống nền đá lát vỉa hè của công viên, lặp lại động tác này với chiếc lá cuối cùng sót lại trên sạp, Bác cười buồn: “Lá rụng về cội.”
Dòng người bắt đầu đổ ra đường, những gương mặt ủ ê mệt mỏi túa ra từ các công ty, cửa hàng. Ai cũng vội vội vàng vàng, vừa đi vừa liếc nhìn vào đồng hồ rồi chốc chốc lại dò tìm thứ gì đó trong các cửa hiệu đang bắt đầu chào bán đồ ăn tối. Trẻ em thì ríu rít nói cười rôm rả, ùa ra cổng trường, hớn hở khi kết thúc một ngày dài vật lộn với những con số dài ngoằng. Khói bụi, còi xe inh ỏi, dòng xe tự lúc nào đông nghịt, nhốn nháo và cuống cuồng. Người luồn lên phía trước, người lách qua trái, người chen qua phải, đám đông như đuổi bắt trên con đường vẫn vậy nhưng lượng xe ngày càng tăng. Chốc chốc, vài âm thanh the thé vang lên từ vài anh Grab giao hàng bên lề đường “Chị lấy hàng nhanh giúp em nhé, giờ cao điểm kẹt xe em còn phải giao 5 đơn nữa. Tranh thủ giúp em nha!”
Bên góc công viên, từng tốp người với gương mặt rạng rỡ rảo bước về phía bác Năm đang đứng. Chỗ bác bày sạp báo nằm sát cổng công viên Lê Thị Chung, chiều nào cũng tầm 5 giờ mọi người gồm già có, nhỏ có, đàn ông và cả phụ nữ cũng đều tạt qua chỗ bác bán báo lấy vài cuốn. Bác Năm thuộc từng tên, địa chỉ của từng khách hàng nên dĩ nhiên bác nhớ hết từng sở thích, loại báo hay sách mà khách hàng cần. Hầu như ngày nào cũng vậy, khách hàng đầu tiên của bác Năm là chú Dương. Chỉ cần nhìn thoáng qua từ xa, bác Năm đã nhận ra vị khách quen này vì giọng nói đặc sệt gốc Quảng không lẫn vào đâu được giữa thành phố Sài Gòn.
– Cô bán được hông, mấy nay sao hông thấy qua dự nhóm? Nhớ tối thứ 5 đến nhóm với ban tráng niên của Hội Thánh nha.
Chú Dương là trưởng Ban Tráng niên của Hội Thánh nên đi đâu chú cũng làm chứng rồi hay mời mọi người đi nhóm. Chiều nào trước khi qua chỗ bác Năm lấy báo, chú cũng ghé khi thì cô Hai bán xoài lắc, bánh tráng trộn; lúc thì chú Tư đẩy xe nước mía; còn khỏe hơn thì vòng qua bà Chín bán bánh canh góc bên kia công viên. Mới đầu mọi người nghe chú Dương nói về Chúa, họ còn lạ lẫm không biết Hội Thánh là gì, nhà thờ là gì vì cứ nghĩ mình lo thờ tự ông bà là được rồi, cơm áo gạo tiền nặng gánh trên vai thời gian đâu mà đi sinh hoạt tôn giáo. Nhưng dần dà nhờ chú Dương nhiệt tình, lại được cái khéo ăn nói nên lâu cũng xiêu lòng. Những đợt Hội Thánh tổ chức truyền giảng, chú Dương vận động thuê hẳn một chiếc xe 16 chỗ mời hết bà con xóm lao động nghèo đến nhà thờ. Nhờ kiên trì và thiện chí mà chú Dương được cả xóm tin tưởng, kính trọng; mưa dầm thấm đất họ bắt đầu chịu cầu nguyện tin Chúa. Chiều nào chú Dương cũng ghé sạp báo của bác Năm, chọn vài cuốn Bản tin Mục vụ mua biếu hội cờ tướng trong xóm; lấy thêm mấy cuốn Truyện tích Kinh Thánh tặng cho đám cháu nội, cháu ngoại mấy ông bạn già; rồi kẹp thêm vài cuốn truyện Cơ Đốc nhỡ gặp mấy cô cậu thiếu niên thì tặng cho lũ nhóc có cái đọc. Quý tính chú Dương nên tự khi nào hai ông kết thành tri kỷ, hễ có sách gì mới bác Năm lại nhớ ngay đến chú Dương, còn chú Dương có đồ ăn gì đặc sản của đất Quảng là đem ngay qua nhà bác Năm dù là lúc trưa tròn bóng hay khi đêm khuya.
– Anh Năm dọn xong chưa, cần em phụ chi không hè? Ngày nay có tin chi mới hông anh?
Bác Năm mỉm cười, rời mắt khỏi thùng Kinh Thánh, quay sang chú Dương:
– Ông bạn tui nay đến sớm hen, tháng 5 sắp tới Mục vụ dành cho thanh thiếu niên sẽ tổ chức tọa đàm Người trẻ Cơ Đốc và văn hóa đọc đó. Chú Dương chia sẻ tin tức này đến ban thanh niên, khích lệ tụi nhỏ tham gia nha.
– Chà, tin này nóng quá nha anh Năm. Tui mong chương trình này lâu lắm rồi nè. Vậy để tui mua thêm vài cuốn truyện tặng tụi nhỏ rồi bảo chúng sắp xếp thời gian đi ha.
– Lần này để tui tặng nha, coi như chú Dương thay tui khuyến khích tụi nhỏ tham gia. Chứ gần đây thấy thanh niên mình ít đọc sách quá, sách Cơ Đốc lại hầu như không.
Nói tới đây, bác Năm tự dưng khựng lại, đứng tần ngần một lúc thật lâu. Mãi đến khi chú Dương lay lay vào vai, bác Năm mới giật người rồi như chợt nhớ ra thùng truyện, vội cúi người lấy thêm vài cuốn đưa chú Dương.
– Sao tự nhiên anh Năm nghĩ gì mà đứng đơ người ra vậy. Em thấy sắc mặt anh không tốt lắm.
Bác Năm vừa cho sách vào túi, vừa nói với chất giọng trầm buồn:
– Tự nhiên nghĩ tới thế hệ trẻ mà tui buồn quá, tui với anh thì già rồi, cũng không biết được bao nhiêu năm nữa để tiếp tục với nghề, với sách đây anh.
Chú Dương cười khành khạch, khoác vai bác Năm:
– Anh bạn của em lo xa qua, anh chỉ mới bảy mươi thôi, ít nhất cũng phải ở với em thêm ba mươi năm nữa là ít.
– Chú nói quá, Chúa cho được ngày nào thì còn phục vụ thôi chú ạ. Nhưng vẫn lo vì lũ trẻ tụi nó ít quan tâm đến sách vở chữ nghĩa như thời anh em mình. Như thằng con nhà tui thì…
– Chà chà, anh Năm, anh Dương có đủ cả. Em mới mua được 2 kg sâm, đem cho mỗi anh vài củ đem về sắc nước uống cho mát.
Câu chuyện bị cắt ngang vì sự xuất hiện không quá bất ngờ của cô Thi. Lần nào ghé lấy sách báo, cô cũng mang theo thứ gì đó biếu tặng mọi người. Chồng cô đi công tác nước ngoài thường xuyên, con cái đều du học nước ngoài nên căn nhà biệt thự ở Quận 1 của cô trở thành điểm tiếp khách và cho con cái Chúa khắp nơi ghé ở tạm khi có việc lên Sài Gòn. Vì thế mà nhà cô lúc nào cũng đầy ắp quà, đa dạng các loại đặc sản từ các vùng miền. Cô được mọi người bầu chọn là “hoa hậu thân thiện” vì vừa đẹp lại có tính thương người. Chuỗi nhà hàng cô mở thường xuyên tổ chức khuyến mãi, bữa ăn 0 đồng cho các đối tượng người vô gia cư, cơ nhỡ trong thành phố.
– Cô Thi hôm nay đẹp quá ta, vừa đẹp người lại đẹp tính lần nào cũng có quà cho anh em tui.
Chú Dương đón túi sâm cô Thi đưa, quên hẳn câu chuyện còn dở dang với bác Năm khi nãy.
– Có gì đâu anh Dương ơi, Chúa cho mình nhiều thì mình chia lại cho anh em mình thôi. Em vẫn là nể anh Năm nhất, công việc anh làm mới đáng quý chứ tụi em có làm được gì đâu.
Bác Năm cười, vầng trán giãn nở đôi chút nhưng vẫn vương nét suy tư hằn sâu trong ánh mắt.
– À, cô Thi này, hôm trước cô nói đem ít sách của tôi bày trong nhà hàng, cô tính tới đâu rồi?
– Dạ, anh nói em mới nhớ. Em mới nhờ mấy bạn nhân viên chuẩn bị bố trí kệ và thiết kế không gian cho phù hợp đó anh. Anh yên tâm đi, tầm một tháng nữa là xong thôi. Mà anh lo giữ sức khỏe nha, dạo này em thấy anh hơi xuống sắc á.
– Tui cũng vừa bảo với chú Dương, từ lúc về hưu đến nay cũng nhiều lần muốn ngưng sạp báo, vì tuổi cũng cao mà ở ngoài đường miết cũng không chịu nổi mà nghỉ thì lại chưa biết giao cho ai, rồi ai mà chịu nhận để tiếp tục…
– Khổ cho anh tui, anh cứ giao sách cho em để em trưng bày ở nhà hàng xem sao rồi vận động thêm bạn bè hưởng ứng chứ anh làm vậy cực cho anh quá.
– Chỉ hi vọng thế hệ trẻ có thể tiếp nối được văn hóa đọc sách, báo Cơ Đốc là tui mừng rồi cô. Hôm nọ mấy cháu sinh viên trường Nhân văn ghé qua, tụi nhỏ cũng mân mê sạp báo của tui, được dịp nói về Chúa cho tụi nhỏ cũng thấy vui. Chúng nghe thích lắm, hẹn vài hôm nữa ghé qua lựa sách.
Cả ba người đột nhiên đưa tay lên che ngang mắt vì ánh sáng từ đèn pha ô tô làm bừng lên cả một góc công viên. Cửa xe mở, người thanh niên lịch lãm với đôi giày bóng loáng bước ra. Gương mặt điển trai nhưng đầy sự cau có, đôi mắt nhìn trân trân vào bác Năm:
– Con chào cô chú, hai bác thấy đó, ba con lớn tuổi thế này rồi mà tụi con khuyên ở nhà không chịu cứ thích ra đứng sạp báo làm gì không biết. Nhà con đâu phải thiếu tiền đâu.
Mặt bác Năm đằm lại, hai khóe mắt hằn lên những vết chân chim, dấu hiệu của tuổi già. Mọi người im bặt, tiếng cười nói rôm rả lúc trước thay bằng sự im lặng đến rợn người. Cô Thi nhìn cậu con trai bác Năm một lượt từ trên xuống dưới rồi bảo:
– Dũng lớn quá, con chắc tầm bằng con cô ở bên Mỹ. Tụi nhỏ giờ suy nghĩ khác người lớn lắm. Ba con vì nghĩ cho mọi người nên mới chọn công việc này thôi, con nên giúp ba chứ người già thì có tiêu xài gì mấy đâu.
– Phải đó con, nhờ sạp báo của ba con mà nhiều người biết đến Lời Chúa, cả công viên này ai cũng biết đến Kinh Thánh và ít nhất là biết Chúa của mình là ai. Con đừng nói ba con như vậy, con phải giúp ba mới đúng.
Chú Dương vừa phụ bưng thùng sách lên cốp xe vừa nói thêm vài câu với Dũng. Cậu không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng bưng sách lên xe rồi xếp những tấm ván dùng kê sạp bỏ lên ô tô.
– Con biết là như vậy nhưng việc này là để các tổ chức lớn họ làm chứ ba con một mình làm sao thay đổi xã hội được ạ. Con chỉ nói vậy thôi còn lại vẫn do ba con quyết định thôi.
Dứt lời, Dũng dắt bác Năm lên xe rồi vẫy tay chào hai vị khách quen thuộc của bác Năm. Chiếc xe hòa vào muôn vàn chiếc xe khác, lẫn vào đám đông mất hút trong tầm mắt của hai người ở lại.
—
Một tuần, hai tuần, ba tuần… thời gian cứ trôi qua thật nhanh sau cuộc gặp hôm đó, góc công viên ngay dưới gốc dương liễu như thiếu một thứ gì đó mộc mạc, quen thuộc và lắm đỗi thân thương.
Bác Năm qua đời.
Hôm Dũng đón bác về nhà, bác Năm lặng lẽ lên phòng, gương mặt buồn rười rượi chất chứa những trăn trở. Bác kéo ghế, hướng mắt lên dòng chữ God Bless Us của tòa nhà Amazing Coffee rồi chợt có thứ gì đó chực trào ra từ khóe mắt.
“Nếu một ngày con về nhà Cha, xin Chúa cho con được hoàn tất tâm nguyện đưa sách Cơ Đốc, Lời Cha đến tất cả các quán cà phê, tiệm sách, cửa hàng để bất kỳ nơi đâu người dân Việt Nam cũng được biết đến Cha.”
Giấc ngủ đêm đó đã mang bác Năm đi xa, điều cuối cùng bác để lại là những nét chữ còn nhòe mực trên trang nhật ký tại bàn làm việc.
—
Hai tháng, sau ngày bác Năm về với Chúa, chiếc ô tô biển số 51G-08263 dừng thật lâu ngay góc công viên bác Năm vẫn bày sách báo dưới cây dương liễu già. Người thanh niên bước xuống xe, đứng lặng yên dưới cây dương liễu, mắt đỏ hoe nhìn qua phía quán cà phê bên kia đường với dòng chữ “Cà phê sách Cơ Đốc – Grace Book Coffee”.
Ngọc Huyền