Có thể nói buổi thờ phượng sáng Chúa nhật 07/01/1973 tại Hội Thánh Mỹ Tho là buổi thờ phượng lịch sử, bởi nó mở đầu cho một cuộc phấn hưng của đời sống thuộc linh con cái Chúa ở đây.
Cũng cần nhớ lại, tại Hội đồng Bồi linh họp tại cơ sở của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp ở Đà Lạt từ ngày 28/02-04/03/1966, Đức Thánh Linh đã thăm viếng một cách đặc biệt trên tôi con Chúa. Qua 15 bài giảng của 2 sứ giả Phục hưng là Tiến sĩ Mục sư O. J. Sanders, Hội trưởng Hội Truyền giáo Hải ngoại (Trung Hoa nội địa) và Tiến sĩ Mục sư W. C. Newbern, Hiệu trưởng trường Kinh Thánh Trường Châu (Hồng Kông), tất cả các vị tôi tớ Chúa đều được phước rất nhiều. Mỗi người đều dốc đổ tâm hồn mình ra trước mặt Chúa, thành thật ăn năn mọi tội lỗi, khuyết điểm của mình và nài xin tiếp nhận Đức Thánh Linh.
Rồi đến Hội đồng Bồi linh Mục sư Truyền đạo từ ngày 01-04/01/1973, được tổ chức tại cơ sở của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp Đà Lạt, với số lượng tôi tớ Chúa tham dự khá đông: 278 Mục sư Truyền đạo người Kinh, 155 Mục sư Truyền đạo người sắc tộc cùng một số Giáo sĩ người Mỹ và các Mục sư người Hoa. Qua sự chia sẻ Lời Chúa của 2 Mục sư Tiến sĩ: Suboth Sahu (Ấn Độ) và Pak Octavianus (Indonesia), đã đem lại rất nhiều phước hạnh cho các tôi con Chúa tại hội đồng. Không khí Hội đồng sôi nổi không ngờ, nhiều giọt nước mắt đã tuôn trào, nhiều lời khẩn nguyện vang lên tha thiết, nhiều tiếng khóc nức nở vì ăn năn thống hối cũng như bày tỏ sự vui mừng bởi sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong lòng.
Chúa nhật 07/01/1973 là ngày kiêng ăn cầu nguyện cho đồng bào, đất nước và Hội Thánh, và ngày cầu nguyện này đã được kéo dài suốt cả tuần lễ đó tại Hội Thánh Mỹ Tho. Mục sư Nguyễn Sơn Hà, Chủ tọa Hội Thánh, làm chứng về các bài giảng của 2 vị diễn giả Hội đồng Bồi linh Mục sư Truyền đạo ở Đà Lạt đã làm hội chúng vô cùng cảm động. Họ đã khóc lóc, ăn năn xưng tội. Quyền năng Lời Chúa đã động chạm đến sâu thẳm tâm linh của từng tín hữu. Họ nhận biết được chính tội lỗi của mình đã ngăn cách mình với Chúa và chính sự thờ ơ yếu đuối của mình đã giới hạn quyền năng của Thánh Linh. Hội Thánh sở dĩ không được Thánh Linh thăm viếng như Ngài đã từng thăm viếng Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc (lúc bấy giờ), là vì Hội Thánh chưa trả giá đúng mức cho sự cầu nguyện. Cánh cửa Tin Lành đang mở rộng tại Việt Nam, nếu Hội Thánh vẫn thờ ơ nguội lạnh và không chịu mở lòng mình ra để đón nhận Thánh Linh và rao truyền Tin Lành chắc chắn Chúa sẽ đóng cửa Tin Lành lại như Ngài đã làm tại một vài quốc gia.
Ngày hôm ấy người ta nghe những tiếng khóc xen lẫn với lời cầu nguyện ăn năn thống hối. Từ một vài người, rồi đến cả hội chúng đều cất tiếng khóc, kêu la. Họ lần lượt bước lên tòa giảng quỳ gối trong khi suối lệ tuôn chảy. Có trên bốn mươi tín hữu cầu nguyện, ăn năn xưng tội với tội danh được kể ra. Họ đứng lên cất cao tiếng hát Halelugia ngợi khen Chúa. Nhiều người bày tỏ niềm ao ước muốn được nói ra những ân phước mà họ đã nhận được từ nơi Chúa.
Một người đã làm chứng rằng, ông đã hứa nguyện dâng trọn thì giờ và đời sống mình hầu việc Chúa, nhưng ông đã bị ngăn trở bởi hoàn cảnh gia đình, bởi danh vọng và bởi sự yếu đuối của bản thân. Chúa đã cáo trách ông về sự không hoàn nguyện. Ông đứng lên xin Hội Thánh cầu nguyện cho, ông khẳng định là nếu đẹp ý Chúa, ông sẽ xin từ chức Hiệu trưởng một trường Công lập để dâng trọn vẹn quãng đời còn lại cho Ngài.
Một tín hữu khác làm chứng rằng bấy lâu nay ông lấy làm yếu đuối trong công tác chứng đạo, phát sách. Ông khấn hứa sẽ dâng thì giờ rỗi rảnh độc nhất của ông là chiều Chúa nhật để chứng đạo.
Buổi nhóm chấm dứt vào lúc 14g30, sau khi dự một Tiệc thánh phước hạnh.
Sau khi hội chúng ra về, vẫn còn một số tín hữu ở lại đọc Kinh Thánh, tiếp tục cầu nguyện tương giao với Chúa. Như vậy Chúa nhật ngày 07/01/1973 là ngày đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh Mỹ Tho đánh dấu sự thăm viếng đặc biệt của Thánh Linh.
Tiếp tục, sáng thứ Hai 08/01/1973, lúc 5g30, khi trời còn mờ mờ, hơn 30 người đã đến nhà thờ cầu nguyện tương giao với Chúa. Buổi nhóm bắt đầu bằng sự cầu nguyện. Một lần nữa tiếng khóc vang lên hòa lẫn cùng lời khấn nguyện ăn năn xưng tội và tiếng Halelugia, Ngợi khen Chúa.
Sau giờ nhóm, nhiều người đã bắt đầu ra đi thăm viếng và chứng đạo. Những buổi sáng kế tiếp, số tín hữu tham gia buổi cầu nguyện đã gia tăng đáng kể. Từ 50 đến 60 rồi đến 70 người. Không khí buổi nhóm càng nóng cháy hơn.
Ban Trị sự Hội Thánh đã dành trọn thì giờ nghỉ ngơi buổi tối của mình để mở những cuộc thăm viếng những gia đình yếu đuối và khuyên mời họ đến nhà thờ tham gia buổi nhóm cầu nguyện. Sáng Chúa nhật 14/01/1973, Mục sư Chủ tọa ngỏ ý hỏi xem anh em tín hữu có còn muốn tiếp tục buổi nhóm cầu nguyện mỗi sáng hay không. Hội Thánh đồng thanh yêu cầu ông cứ cho duy trì.
Một điều đáng lưu ý là trong suốt tuần lễ phần hưng nói trên, số anh em thanh niên nhóm lại rất ít. Thế rồi trong giờ nhóm lại hàng tuần của Ban Thanh niên vào sáng Chúa nhật 14/01/1973, Mục sư Chủ tọa đã chia sẻ một sứ điệp ngắn với đề tài “Hãy vùng dậy”. Quyền năng Đức Thánh Linh đã động chạm đến từng tấm lòng các bạn trẻ. Những lời cầu nguyện ăn năn xưng tôi bắt đầu vang lên. Cả căn phòng vang lên Thánh ca số 383 “Hiến cả thảy cho Ngài”. Và trong buổi nhóm cầu nguyện sáng thứ Hai 15/01/1973, có khoảng 70 người tham gia, trong đó, thanh niên chiếm gần một nửa. Các buổi nhóm sau lại có thêm nhiều người. Đặc biệt, trong tuần lễ thứ nhì, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đặc biệt thăm viếng Cô nhi viện Mỹ Tho.
Tối thứ Ba 16/01/1973, các em nhóm lại để cầu nguyện lúc 19g, sớm hơn thường lệ. Buổi nhóm bắt đầu với sự khô khan, yên lặng. Một số các em mệt mỏi, gục đầu trên bàn ngủ. Dường như ai nấy đều chán nản và muốn cho mau hết giờ. Lúc 19g30, thầy Truyền đạo tập sự bắt đầu làm chứng về mình giữa các cô nhi. Thầy nói về sự yếu đuối, ngã lòng, ghen ghét, giận hờn, tham lợi, ích kỷ, kiêu ngạo v.v. của mình, và thầy bắt đầu xưng tội với Chúa giữa các em. Lúc bấy giờ, Chúa thật sự thăm viếng các em cô nhi. Cùng một lúc, đã có rất nhiều lời cầu nguyện khóc lóc, những tiếng kêu la về tội lỗi xấu xa của mình. Từ các em nhỏ đến lớn đều mạnh dạn cầu nguyện lớn tiếng xưng tội với Chúa, đến nỗi mọi người chung quanh Viện chạy đến để xem việc gì đã xảy ra. Các em vẫn tiếp tục cầu nguyện cho đến 22g45, dù sau đó vẫn còn một số em ở lại.
Sáng hôm sau, không ai gọi ai, từ 5g đã có các em cô nhi đến phòng để cầu nguyện riêng cho đến lúc bắt đầu nhóm chung với nhau vào 5g20. Các em cô nhi cứ cầu nguyện suốt từ 5g25 đến 7g30 sáng. Trước đây, các em cô nhi chỉ vừa học Kinh Thánh và cầu nguyện trong 40 phút. Nhưng bây giờ, thì giờ cầu nguyện đã tăng lên rất nhiều. Một cô nhi đã chạy đến Mục sư Giám đốc để trao trả lại chìa khóa kho của Viện. Em đã ăn năn và thuật lại rằng: Với chiếc chìa khóa này em đã lấy đồ đạc trong kho để đem bán tiêu dùng. Nhiều em đã xưng ra tội hút thuốc, uống rượu… cho đến những lỗi lầm như chia rẽ, nói xấu. Sự giận hờn, ganh ghét giờ đây không còn tại Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Tho nữa. Các em chạy đến tìm nhau, ôm lấy nhau xưng tội, tha lỗi… cầu nguyện và tràn đầy vui thỏa. Có em còn chạy đến tìm những người trước kia mình đã gây lỗi lầm để xưng tội và xin lỗi nữa.
Những ngày kế tiếp, sự cầu nguyện tại Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Tho cứ gia tăng mãi. Có đêm cầu nguyện mãi đến 23g15. Vừa 3g sáng đã có em đã thức dậy để cầu nguyện. Chương trình cầu nguyện không còn chỉ là mỗi tối nữa, bèn là sáng, trưa, chiều… không còn bị hạn chế bởi thời gian và nơi chốn. Ngay trong chiều 21/01/1973, có khoảng 20 cô nhi và hơn 20 người khác cùng nhau cầu nguyện dưới sàn của phòng ngủ cô nhi. Đức Thánh Linh đã hiện diện khiến những người chung quanh sợ hãi khi thấy lửa bùng cháy trên nóc nhà Cô nhi viện trong lúc họ đang cầu nguyện.
Sáng thứ Hai, 22/01/1973, sau lời làm chứng đơn sơ của một em cô nhi về việc Chúa đã thăm viếng Cô nhi viện, một Truyền đạo sinh đứng lên cầu nguyện xưng tội mình ra trước mặt Chúa. Cả Hội Thánh lại bùng lên trong lời cầu nguyện khóc lóc. Nhiều người đã chạy lên quỳ gối trước tòa giảng khóc lóc xưng hết mọi tội còn giấu kín của mình. Có một thanh nữ đã cầu nguyện với Chúa cách thiết tha, dốc đổ cả lòng mình trước mặt Chúa, nhưng vẫn chưa thấy lòng bình an. Cô đã đến nơi Mục sư xưng tội mình ra trước mặt Chúa và đã được Mục sư cầu thay cho. Sau lời cầu nguyện chấm dứt, cô cảm thấy trong người cô có điều gì khác lạ. Cách đây 3 năm, cô đã bị thịt dư trong mũi đã làm cô khó chịu, nhưng bỗng dưng giờ đó, cô cảm thấy nhẹ nhàng và cô đưa tay sờ mũi xem thử thì thấy thịt dư đã tiêu tan. Cô cất tiếng Halelugia và kêu lên “Mục sư ơi! Con được hết bệnh thịt dư”, và cô khóc ngất trong nỗi vui mừng đó.
Cũng trong buổi sáng này, có nhiều thanh niên ăn năn tội. Chiều hôm đó, một số thanh niên không ai hẹn ai, đã tự kéo đến Cô nhi viện Tin Lành để được hiệp chung với các em cô nhi trong giờ giao thông với Chúa (tại Cô nhi viện có buổi cầu nguyện sáng và tối). Đức Thánh Linh đã chiếm ngự tâm linh họ, kể cả một số người đến đây do hoài nghi. Nhiều thanh niên đã tìm đến xưng tội lẫn nhau. Mọi ganh tị, ghen ghét, giận hờn đã được nói ra. Cuối cùng họ ôm nhau, khóc lóc và cầu xin sự tha thứ cho nhau, trong đó có người đã giận nhau gần 2 năm mà không hề hàn gắn được. Họ liên tục cầu nguyện, làm chứng, ngợi khen Chúa, rồi lại cầu nguyện, làm chứng, mãi đến 21g30 mới ra về vì thân nhân đi tìm.
Sáng hôm sau, lúc 5g30 đã có những tiếng cầu nguyện vang lên trong đền thờ. Buổi nhóm không hề có người hướng dẫn, không có bài học Kinh Thánh, và tất cả đều hiệp lòng cầu nguyện.
Sáng ngày 25/01/1973, mỗi người đã tìm đến nhau để xưng tội như nói xấu nhau, chỉ trích nhau một cách hết sức cảm động. Từng nhóm đôi ba người ôm nhau khóc nức nở để xin lỗi nhau. Họ chạy đến người này, chạy đến người khác để xin lỗi nhau. Có người chạy đến cha mẹ, xin lỗi cha mẹ vì đã làm khổ cha mẹ v.v… Đến 8g Hội Thánh lần lượt ra về. Còn khoảng 15 thanh niên vẫn ở lại thiết tha cầu nguyện. Chính trong thời gian này Chúa đã chữa bệnh cho những người trẻ. Có cô đau dạ dày lâu năm, nay được chữa lành. Có người đau xương sống, đau tim được dứt hẳn. Họ cùng vang lên tiếng Halelugia ca ngợi Chúa và bắt đầu chia sẻ ơn phước với mọi người. Sau đó, họ lên trường học Tin Lành chia sẻ với những giáo viên, vào Cô nhi viện san sớt với các em cô nhi. Và họ ở đó suốt ngày và suốt đêm để hiệp với các em cô nhi cầu nguyện không thôi. Buổi trưa không ăn cơm. Buổi chiều ăn qua loa. Họ thức gần suốt sáng, đến khoảng hơn 3g khuya họ mới đi nghỉ và 5g lại chỗi dậy vào nhà thờ cầu nguyện nữa. Dù thân xác mỏi mệt, nhưng họ vẫn tìm cầu ý Chúa, vẫn đến với Ngài bằng những lời cầu nguyện lớn tiếng.
Khi đã nhận được phước Chúa đầy tràn, Mục sư Chủ tọa đã chọn ngày 28/01/2973, là ngày làm chứng ơn phước phấn hưng. Lần lượt từng em cô nhi rồi hội chúng đứng lên làm chứng về ơn phước Chúa. Họ kể rõ ràng: ngày trước họ đã phạm những tội lỗi, nào cô nhi đã ăn cắp, ghen ghét nhau, làm phiền hàng xóm, nay đã thay đổi nên đi xin lỗi các nhà chung quanh Viện.
Đặc biệt, có một thanh nữ đã bước lên làm chứng, trước đây cô đã hứa dâng một món quý nhất của cô cho công cuộc truyền giáo, nhưng cô đã không giữ lời được, vì vậy cô không tìm thấy được sự bình an trong lòng trong suốt thời gian qua. Cô nói rằng, vì vật cô hứa dâng làm một chiếc nhẫn hột xoàn (trị giá hơn 30.000đ), đó là kỷ vật của cha cô tặng cho mẹ cô, rồi mẹ cô cho lại cô. Cô ngần ngại và xót xa khi mất kỷ vật đó. Nhưng bây giờ, cô được Đức Thánh Linh thăm viếng và nhất quyết dâng vật quý nhất đó cho Chúa trong công cuộc truyền giáo. Và cô đã làm điều này ngay trong giờ thờ phượng, khiến ai nấy đều cảm động. Tiếp đó, lại có một Truyền đạo sinh cũng dâng trọn tháng lương của mình cho công việc truyền giáo. Có mấy người được xúc động hứa dâng số tiền lớn độ mấy trăm ngàn đồng cho Chúa để lo việc xây cất nhà thờ Chúa tại một Hội Thánh nhánh. Một cô nhi nữ đã khỏi ngay bệnh đau dạ dày và tim, sau khi cầu nguyện với Chúa. Cô nhi này đã làm chứng rằng: Em đã khỏi bệnh rồi. Một thanh nữ trong khi cầu nguyện thì lên cơn đau. Cô đau đớn đến nỗi phải bám lấy thành ghế không đứng nổi, áo cô ướt đẫm mồ hôi. Sau khi xưng tội và cầu nguyện thì cô được lành hẳn. Bệnh dạ dày của cô cũng đã dứt hẳn.
Trong một thời gian dài, Hội Thánh Mỹ Tho vẫn còn duy trì được giờ thờ phượng đầy phước hạnh trong các buổi sáng tinh sương. Họ dốc lòng cầu nguyện cho lửa Thánh Linh được lan tràn đến tất cả các Hội Thánh trong Địa hạt miền Tây và toàn cõi Việt Nam nhỏ bé. Có thể nói, sự phấn hưng này đã làm thay đổi rất nhiều đời sống con cái Chúa tại Hội Thánh Mỹ Tho, Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Tho và nhiều nơi khác.
Vũ Hướng Dương
(tổng hợp từ: Thánh Kinh báo số 330, tháng 04/1966; Thánh Kinh Nguyệt san số 402 – 405, tháng 01, 02-03, 04 và 05/1973)