Cơ Đốc Giáo Dục Trong Gia Đình

3750

Trong tập sách nhỏ về giáo dục gia đình của Bộ Phát triển Cộng đồng và Thể thao (Ministry of Community Development and Sports) của Singapore phát hành có tựa đề “Family Values” (Những giá trị gia đình), tác giả đã nêu ra năm giá trị cốt lõi của gia đình mà chính phủ Singapore muốn công dân nước họ phải hướng đến, đó là: Tình yêu, sự chăm sóc và  quan tâm (Love, Care and Concerns) Tôn trọng nhau, (Mutual Respect) Trách nhiệm hiếu kính, (Filial Responsibility) Sự cam kết (Commitment) và Truyền thông (Communication). Khi đọc tập sách này, tôi liên tưởng đến những giá trị mà Cơ Đốc nhân phải giáo dục cho con em trong gia đình và tự hỏi Cơ Đốc nhân phải giáo dục những giá trị cốt lõi nào cho con cái trong gia đình?

 

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà đạo đức con người trong xã hội bị băng hoại, dường như mọi giá trị đều bị đảo lộn, nhất là những giá trị đạo đức tốt đẹp bao đời về hôn nhân, gia đình đã bị phá đổ, sói mòn. Ngay cả những gia đình Cơ Đốc cũng có nguy cơ mất đi dần những giá trị đạo đức, tin kính nền tảng, cốt lõi vốn có bao đời nay. Vì thế Hội Thánh và những người lãnh đạo có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho con dân Chúa về vấn đề Cơ Đốc giáo dục trong gia đình.

 

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC PHẢI BẮT ĐẦU TỪ TRONG GIA  ĐÌNH

Điều đáng lưu ý là Luật pháp Môi-se rất chú trọng về giáo dục trong gia đình. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu gia đình là nền tảng của xã hội thì gia đình cũng là đơn vị nền tảng của cộng đồng con dân Chúa. Chúng ta hãy đọc những lời trong Phục truyền 6:4-9. Người Do Thái gọi phân đoạn Kinh Thánh này là Shê-ma (Nt: Nghe) . Shê-ma là bản tuyên xưng đức tin của người Do Thái và các con em của họ phải được dạy dỗ như vậy từ nhỏ. Phân đoạn Kinh Thánh này chỉ cho chúng ta phương pháp và nội dung của Cơ Đốc giáo dục trong gia đình. Động từ ‘dạy” [SHA-NAN] trong câu 7 là động từ rất khó dịch vì nó có ý rất sâu sắc. Bản NIV dịch là “impress” nghĩa là gây ấn tượng, khắc sâu trong tâm trí. Các cụ của chúng ta trong Bản 1926 đã dựa vào bản Hoa ngữ là “ân cần giáo huấn” để dịch sang tiếng Việt “ân cần dạy dỗ” là rất đạt vì đã lột tả được ý nghĩa của động từ “sha-an” trong nguyên tác.

 

Dạy làm sao để gây ấn tượng sâu sắc, để khắc sâu trong tâm khảm người học là một việc không dễ dàng chút nào. Triết lý của Kinh Thánh trong việc giáo dục là dạy bằng gương mẫu, nghĩa là không phải chỉ dạy bằng lý thuyết, chữ nghĩa mà còn bằng gương mẫu qua hành động nữa. Đó là lối giáo dục lý tưởng nhất, hiệu quả nhất nhưng cũng nhiều thách thức nhất. Muốn được thế, Kinh Thánh bảo trong câu 6 rằng “Các lời mà ta đã truyền cho các ngươi phải ở tại trong lòng các ngươi.” Nghĩa là cha mẹ hay người dạy phải học hỏi và kinh nghiệm “ở trong lòng” trước rồi mới có thể “ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái các ngươi” được. Nếu cha mẹ hay người dạy mà không thực hành để thấm nhuần lời Chúa “ở trong lòng” thì cũng khó mà dạy dỗ con cái thành công. Và để hỗ trợ cho việc giáo dục trong gia đình được hiệu quả, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải tạo một môi trường giáo dục tốt để giúp con em khắc sâu kiến thức như phải nhắc đến trong sinh hoạt hằng ngày trong gia đình hay ngoài xã hội và phải tìm cách để ghi nhớ như trong câu 8-9 “Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó trên khung cửa nhà và trước cổng.” (TTHĐ). Thiết tưởng đó là lối giáo dục hiệu quả nhất mà chúng ta phải nhờ ơn Chúa áp dụng. Chính Chúa Giê-xu đã áp dụng phương pháp giáo dục này khi Ngài rửa chân cho các môn đồ được ghi lại trong Giăng 13. Có lẽ các môn đệ của Ngài sẽ không bao giờ quên bài học mà Chúa đã “ân cần dạy dỗ” một cách đầy ấn tượng này.

 

Cơ Đốc giáo dục trong gia đình vì thế đặc biệt quan trọng. Một thống kê ở Mỹ cho thấy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết bậc  trung học thì chỉ 1% thời gian là ở nhà thờ, 16% là học đường và 83% là ở gia đình. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình phải chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục con em chứ không là nhà thờ hay nhà trường.

 

BẢY GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC

Có nhiều điều quan trọng và cơ bản mà chúng ta phải dạy cho con em trong gia đình. Đó là những giá trị tốt đẹp mà chúng ta phải gìn giữ và phát huy. Giá trị là những gì chúng ta coi là quan trọng trong đời sống con người, là niềm tin và thái độ ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Đời sống gia đình luôn thay đổi theo thời gian cùng với sự phát triển, đổi thay của xã hội và do đó những giá trị của nó cũng có thể bị thay đổi. Tuy nhiên, là con dân Chúa sống theo tiêu chuẩn Nước Trời, chúng ta phải quan tâm, chăm sóc và gìn giữ những giá trị cốt lõi của gia đình Cơ Đốc theo Kinh Thánh dạy. Thiết nghĩ ít ra có bảy giá trị cốt lỗi, nền tảng của gia đình Cơ Đốc mà chúng ta phải dạy cho con em chúng ta. Tôi xin trình bày tóm gọn như sau:

 

1. Kính yêu Chúa

Giá trị cốt lõi đầu tiên mà chúng ta phải dạy cho con em là nhận biết có một Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất mà mọi người phải kính mến, thờ phượng Ngài. Đây cũng là điều đầu tiên mà Shê-ma của người Do Thái đã dạy “Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe! Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời người.” Điều này đặc biệt quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên khi họ đang sống trong xứ Ca-na-an là một thế giới đa thần, thờ nhiều thần như Ba-anh, Phê-ô và nhiều thần khác nữa. Ngày nay cũng vậy, trong khi nhiều người chung quanh chúng ta chủ trương đa thần hoặc vô thần, thì Cơ Đốc nhân nhờ sự mặc khải của Chúa qua Kinh Thánh, chỉ tin và thờ phượng một Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất mà thôi như Điều răn thứ Nhất Chúa dạy “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần nào khác.” Đây là di sản đức tin quý báu mà mọi gia đình Cơ Đốc phải gìn giữ, lưu truyền và phát huy.

 

Gắn liền với đi điều đó là Lời Chúa vì Chúa là Lời Chúa là một; yêu mến Chúa thì không thể không yêu mến Lời Chúa. Để có thể giữ lòng kính yêu Chúa, con dân Chúa phải yêu mến Lời Chúa, nghiên cứu và học hỏi lời Chúa mỗi ngày và lập đức tin vững vàng trên lời đó. Chúng ta không thể hết lòng, hết ý, hết sức, mà yêu mến Chúa nếu chúng ta không yêu mến và nuôi mình bằng Lời Chúa mỗi ngày.  Đức Chúa Trời hứa ban phước dư dật cho gia đình nào kính sợ Đức Giê-hô và đi theo đường lối Ngài. (Thi Thiên 128)

 

2. Phục vụ Chúa

Đi đôi với lòng kính mến Chúa là sự phục vụ Chúa. Một người kính mến Chúa không thể không phục vụ Ngài được. Một gia đình tin kính Chúa, yêu mến Chúa phải nói như Giô-suê rằng “Ta và nhà ta (gia đình ta) phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô-suê 24:15b) Ở ngoài xã hội, ở học đường người ta chỉ dạy về sự phục vụ tha nhân, phục vụ xã hội, đất nước nhưng không dạy về sự phục vụ Chúa vì họ không biết Chúa. Nhưng chúng ta là con dân Chúa phải dạy cho con em trong gia đình biết phục vụ Chúa, dâng hiến cho Chúa, rao truyền danh Chúa và sống cho Chúa nữa. Phục vụ Chúa phải là một trong những mục đích của đời sống Cơ Đốc nhân.

 

3.  Yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau

Yêu mến Chúa không thể tách rời với việc “yêu thương người lận cận như mình”(Lê-vi 19:18) vì thế, Chúa Giê-xu đã tóm tắt luật pháp của Chúa bằng cách gắn kết hai ý tưởng “kính mến Chúa” và “yêu người lân cận” lại với nhau (Mat 22:37-40). Thật vậy mối quan hệ của chúng ta với Chúa phải được thể hiện trong mối quan hệ của chúng ta với nhau, nhất là những người cùng sống trong một mái gia đình. Vì thế, chúng ta cần phải dạy con em biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình. Người lận cận gần gũi nhất là những người trong gia đình mình. Không thể là Cơ Đốc nhân thứ thiệt nếu những người trong gia đình không cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau của người ấy. Phải tạo ra trong gia đình không khí yêu thương đầm ấm, hòa thuận nhau trong gia đình. Tình yêu Cơ Đốc trước hết phải thể hiện trong gia đình, nhiên hậu mới lan tỏa ra ngoài cộng đồng, xã hội. Đó là lý do thánh Giăng nói một cách mạnh mẽ “…vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình không thấy được.”(I Giăng 4:20b)

 

4. Tôn trọng nhau

Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và bình đẳng trước mặt Ngài, vì thế mọi người phải tôn trọng nhau. Có khi chúng ta tôn trọng người ngoài mà lại không tôn trọng nhau trong gia đình. Phải học chấp nhận nhau, giải hòa nhau trong gia đình dù có những ý kiến bất đồng. Một người cảm thấy được tôn trọng trong gia đình sẽ biết tôn trọng người khác ngoài xã hội. Phải giữ sự tôn trọng nhau, không làm tổn thương nhau trong mối quan hệ giữa vợ với chồng, cha mẹ và con cái và anh chị em với nhau như Kinh Thánh dạy “Phải khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3) “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau”(Rô-ma 12:10)

 

5. Bổn phận hiếu kính

Cơ Đốc giáo coi trọng chữ hiếu và xem đó là điều răn thứ nhất trong bổn phận đối với con người (Eph 6:1-2) Văn hóa, luân lý truyền thống coi trọng sự cúng giỗ để bày tỏ lòng hiếu nhưng Cơ Đốc giáo thì coi trọng mối quan hệ yêu thương, kính trọng để bày tỏ chữ hiếu. Phải dạy con em trong gia đình Cơ Đốc biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời  Kinh Thánh dạy “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1Tim 5:4). Cơ Đốc nhân tin kính phải là người hiếu kính trong gia đình.

 

6. Bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình

Cơ Đốc nhân phải có tinh thần trách nhiệm trước hết là đối với gia đình. Phải dạy cho con em ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên đối với gia đình, phải sẵn sàng hỗ trợ, cứu giúp nhau, hy sinh cho nhau trong gia đình gặp thử thách, hoạn nạn, ốm đau, Một Cơ Đốc nhân thật không thể vô trách nhiệm đối với gia đình mình. Kinh Thánh dạy “phải mang lấy gánh nặng cho nhau” (Gal 6:2) thì thiết nghĩ điều này trước hết phải được bày tỏ trong gia đình “…Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn.” (Châm ngôn 17:17b)

 

7.  Hiểu biết nhau, cảm thông nhau

Sự truyền thông, giao tiếp giữa những thành viên trong gia đình rất quan trọng để giúp cho mối quan hệ trong gia đình tốt đẹp. Phải dạy cho các thành viên trong gia đình biết cảm thông nhau, hiểu nhau trong mối quan hệ vợ với chồng, cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau. Những xung đột trong gia đình xảy ra thường thường là do truyền thông, giao tiếp  chưa tốt. Nếu người xưa biết dạy con cái trong gia đình phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì Cơ Đốc nhân hơn ai hết phải cẩn thận trong cách nói năng, cư xử với nhau để không làm tổn thương, nhau như Kinh Thánh dạy “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29)

 

KẾT LUẬN

Có thể nói Cơ Đốc giáo là một tôn giáo có tính giáo dục cao nhất và tính giáo dục đó trước hết phải được thể hiện trong gia đình. Đạo Chúa coi trọng giáo dục gia đình và Đức Chúa Trời giao trách nhiệm dạy đạo trong gia đình cho các bậc phục huynh. Đạo đức, nhân cách Cơ Đốc của con em chúng ta cơ bản được hình thành từ lúc nhỏ trong gia đình. Vì thế nếu chúng ta quan tâm giáo dục con cái theo đường lối của Chúa thì chắc chắn con em chúng ta sẽ trở nên những người tin kính và gia đình chúng ta sẽ là những gia đình tin kính, làm vinh hiển danh Chúa. “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu chi khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm 22:6). Tóm lại:

 

Dạy con kính Chúa, yêu người

Nhờ Lời hằng sống dưỡng nuôi mỗi ngày.

Yêu thương, tôn trọng lẫn nhau

Cảm thông, hiếu thảo làm câu trau mình.

 

 

Trịnh Phan

09/2013

 

Bài trướcBài thứ 293: Hy Vọng
Bài tiếp theoNgày Bồi Linh Thông Công Phước Hạnh Tại Hội Thánh Phước An- Đăk Lăk