Nê-hê-mi 4:7-11
7 Xảy khi San-ba-lát, Tô-bi-gia, những người A-rập, dân Am-môn, và dân Ách-đốt hay rằng việc tu bổ vách thành Giê-ru-sa-lem tấn tới, và các nơi hư lủng hầu lấp lành, thì chúng nó lấy làm giận dữ, 8 bèn tập lập nhau hết thảy đặng đến hãm đánh Giê-ru-sa-lem và làm cho nó bị rối loạn. 9 Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ. 10 Người Giu-đa nói: Còn nhiều đồ hư nát, và sức lực của kẻ khiêng gánh đã yếu mỏi; chúng ta không thể xây cất vách thành được. 11 Các thù nghịch chúng tôi nói rằng: Chúng nó sẽ không hay không thấy điều đó, cho đến chừng chúng ta đến giữa chúng nó, giết chúng nó đi, và làm cho chúng nó ngưng công.
Câu gốc: “Người Giu-đa nói: Còn nhiều đồ hư nát, và sức lực của kẻ khiêng gánh đã yếu mỏi; chúng ta không thể xây cất vách thành được” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Sự tấn công lần này của hai ông San-ba-lát và Tô-bi-gia khác gì so với hai lần tấn công trước? Chúng đã mưu tính kế hoạch gì? Tinh thần của người dân Giu-đa như thế nào trước sự hung hăng của kẻ thù? Chúng ta sẽ phản ứng ra sao khi rơi vào tình cảnh như dân Giu-đa năm xưa?
Công việc xây cất lại bức tường thành Giê-ru-sa-lem tiến triển tốt, không như những gì trước đây hai ông San-ba-lát và Tô-bi-gia từng cười nhạo. Thế nên, chúng càng tức giận và bàn mưu tính kế gây rối công việc của dân Giu-đa (câu 8), thậm chí tàn nhẫn hơn là muốn giết hại dân Giu-đa (câu 11). Mọi kế hoạch và âm mưu của hai ông San-ba-lát và Tô-bi-gia chỉ nhằm làm ngưng trệ công việc xây cất tường thành của dân Giu-đa. Vì thế, chúng sẵn sàng làm bất cứ mọi điều, kể cả giết người. Chúng ta thấy được tội ác của hai ông San-ba-lát và Tô-bi-gia càng ngày càng tăng. Chính sự tàn ác thêm lên của họ đã làm cho dân Giu-đa có chút chùn bước và bi quan. Dẫu vẫn như những lần trước, họ đều cầu nguyện nhờ cậy Chúa, bên cạnh đó họ cũng nỗ lực hết sức trong công việc canh gác ngày đêm (câu 9). Thế nhưng trước sự hung hăng của kẻ thù nghịch, nhiều người trong dân Giu-đa đã cảm thấy nao lòng và ngần ngại trong công việc xây cất. Họ nhìn thấy sức lực của họ cũng đã hao mòn, công việc xây cất thì dang dở khó thành công. Đã thế, còn gặp phải sự tấn công dồn dập của kẻ thù, tính mạng của từng người cũng đang bị đe dọa. Chính những yếu tố ấy đã làm cho dân Giu-đa trong phút chốc có những suy nghĩ bi quan, thấy mọi điều dường như vượt quá sức mình. Họ chỉ nhìn thấy giới hạn của bản thân, nhưng lại không nhìn thấy sự vô hạn của Đức Chúa Trời.
Sự chùn bước nhất thời của dân Giu-đa phản ánh phần nào con người yếu đuối bề trong của họ cũng như của mỗi chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ mình mạnh mẽ, thật lòng trông cậy nơi Chúa, nhưng khi có những sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của mình, thì chúng ta lại quay đầu nhìn vào phần yếu đuối ẩn tàng bên trong con người mình. Có thể nói, qua phản ứng bi quan của dân Giu-đa, chúng ta thấy được hình ảnh của mỗi chúng ta. Khi đối diện với những tình cảnh khốn khó, chúng ta cũng đã từng nhiều lần sờn lòng trong công việc Chúa giao, thậm chí bỏ cuộc. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy giới hạn của bản thân, sự khốn khó của hoàn cảnh, hay lo lắng cho an nguy của chính mình, mà lại không nhìn thấy sự vô hạn của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của mình trong công việc Chúa giao.
Điều gì khiến bạn chùn bước trong công việc Chúa đang giao cho bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho những yếu đuối của chính con. Xin cho con cứ vững lòng trong công việc Chúa đặt để, nhìn thấy sự vô hạn của Chúa để không chùn bước trước những tấn công của kẻ thù.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xơ-tê 1.