Bài 92: Con Người Bên Ngoài Và Con Người Bên Trong

5786

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

Trong chương trình Lược khảo Thánh Kinh, chúng ta đã đến phần rất được ưa chuộng đó là những sách Văn thơ. Phao-lô đã cho chúng ta biết một cách cụ thể, chi tiết và chính xác về điều mà Đức Chúa Trời muốn nói đến khi Ngài đề cập về tấm lòng của con người. 2 Cô-rinh-tô 4:16 chép rằng,

dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.

Đây là một câu Kinh Thánh đem lại sự an ủi lớn lao cho con cái Chúa đang gặp những căn bịnh ác tính mà chỉ còn chờ ngày qua đời.

Phao-lô nói rằng chúng ta có người bề ngoài và người bề trong. Người bề ngoài là phần thể chất bằng xương bằng thịt có thể thấy được. Kinh Thánh gọi người bề ngoài hay phần thể chất thấy được là cái lều. Lời Chúa cho biết con người thật của chúng ta ở trong chiếc lều đó. Một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ cuộn chiếc lều lại, nhưng quý vị, con người thật của quý vị sẽ đi vào trong cõi đời đời. Điều này có nghĩa là phần con người thật, phần thuộc về cõi đời đời là con người bên trong của quý vị. Con người bên trong là phần thuộc linh của chúng ta. Con người bên trong là không thấy được, không sờ mó được, không thuộc về vật chất và là phần thuộc linh của chúng ta. Vì thế Kinh Thánh trước sau như một cho biết con người bề trong rất quan trọng. Con người bề trong quan trọng hơn nhiều so với con người bề ngoài.

Con người bên ngoài kém quan trọng hơn con người bên trong vì con người bên ngoài chỉ là tạm thời. Chúng ta sống trong chiếc lều hay là con người bên ngoài nầy chỉ trong vòng năm bảy mươi năm. Nhưng con người bên trong là đời đời. Đức Chúa Trời biết và không bao giờ quên rằng con người bên trong quan trọng hơn con người bên ngoài. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời thường cho phép con người bên ngoài gặp những khổ đau và nước mắt. Khi những điều này xảy ra, quý vị có nhận thức rằng mặc dầu con người bên ngoài hư nát, nhưng Đức Chúa Trời đang làm cho con người bên trong cứ lớn lên, trưởng thành và chuẩn bị cho cõi đời đời?

Chính là con người bên trong mà chúng ta được tạo nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Khi Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, điều này không có ý đề cập đến thân thể chúng ta. Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là Thần. Trong chương 4 sách Giăng, Chúa Giê-xu đã nói với người đàn bà tại giếng nước rằng, “Nếu ai muốn thờ lạy Đức Chúa Trời theo lẻ thật thì phải lấy tâm linh mà thờ lạy Ngài.” Kinh Thánh có nói đến tay của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đi bộ trong vườn. Khi nói đến tay của Đức Chúa Trời chúng ta liên tưởng rằng Ngài giống như chúng ta. Các nhà thần học cho biết đây là việc mô tả Đức Chúa Trời theo ngôn ngữ loài người. Chúng ta nên hiểu rằng Đức Chúa Trời không có tay vì Ngài là thần linh. Đức Chúa Trời không có thân thể vì Ngài là thần. Đức Chúa Trời đã dùng bụi đất để nắn nên con người, nhưng đây chỉ là phần bên ngoài phần thân thể bằng xương bằng thịt. Cho đến khi Chúa hà sanh khí vào thì người mới trở nên loài sanh linh hay con người mang lấy ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Do đó, con người bên trong là phần tâm linh của chúng ta mới là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vì tâm linh là hình ảnh của Đức Chúa Trời nên nó tồn tại bất diệt, con người bên trong quan trọng hơn con người bên ngoài và tạm thời.

Khi nhìn theo cái nhìn của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ thấy giá trị của con người bên trong. Một câu hỏi được đặt ra, “Con người bên trong chỉ gồm có một phần hay nhiều phần?” Nhiều nhà thần học tin rằng con người gồm có 3 phần. Thể xác, hồn và linh. Nhưng một số nhà thần học khác nêu lên câu hỏi, “Bản chất của hồn là gì?” Hồn của con người thật ra trên căn bản là phần tâm linh. Do đó con người chỉ có hai phần, phần bên ngoài và phần bên trong. Riêng về phần bên trong thì nó có thể được chia ra thành nhiều phần như cảm xúc, tâm trí, ý chí, nhân cách …Nhân cách là một sự kết hợp những tính chất hay phẩm chất để hình thành một người nào đó. Vậy bản chất của nhân cách là gì? Nó không phải là vật chất, không thể sơ mó được, không thể nhìn thấy được. Nhân cách là phần tâm linh, con người bên trong. Nó có thể được chia ra làm mười phần và tất cả đều thuộc về tâm linh. Theo Phao-lô căn bản con người gồm hai phần, phần bên ngoài và phần bên trong. Phần bên trong là đời đời, nó được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Do đó chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời xem trọng về con người bên trong. Sở dĩ chúng tôi đề cập đến phần nầy là nhằm giải thích vì sao Đức Chúa Trời đã dùng năm sách Văn thơ để phán với lòng chúng ta, hay là con người bên trong của chúng ta.

          Một sự dạy dỗ khác của Kinh Thánh về con người bên trong và con người bên ngoài, con người bên trong mới thật là chúng ta, con người bên ngoài chỉ là phương tiện để qua đó con người bên trong thể hiện ra. Lấy ví dụ, Chúa Giê-xu phán, “Bởi sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.” Nói cách khác, quý vị có thể biết được điều gì ở trong lòng người dựa vào những gì họ nói ra. Quý vị có thể biết được con người bên trong là thế nào dựa vào thái độ, hành động và lời nói bên ngoài. Quý vị đánh giá được một người nào đó hoặc là con người bên trong của họ bằng cách xem họ hành xử thế nào với con người bên ngoài của mình. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh dạy chúng ta cầu nguyện như Đa-vít đã cầu nguyện rằng, “Xin Chúa hãy tái tạo con người bên trong của con. Con không bằng lòng với những gì đang thể hiện qua con người bên ngoài của con. Chúa không thể hài lòng và được tôn vinh bởi những gì con đang biểu hiện qua con người bên ngoài trừ khi Chúa thi hành một phép lạ cho con người bên trong của con.” Đa-vít đã nói cùng một ý khi ông cầu nguyện như thế nầy, “Xin tạo nên trong con một lòng trong sạch và dựng nên trong con một thần linh ngay thẳng. Khi đó Chúa sẽ vui lòng về những gì được bày tỏ qua con người bên ngoài của con.”

Nhiều nơi trong Kinh Thánh cho biết những người thuộc về Đức Chúa Trời và môn đồ của Chúa Giê-xu là những người đã được thay đổi. Những người tin Chúa là người đã kinh nghiệm được sự thay đổi bên trong. Lời Chúa cũng cho biết những người thuộc về Đức Chúa Trời và môn đồ của Chúa Giê-xu là những người đang được thay đổi. Họ được thay đổi thường xuyên. Kinh Thánh cũng cho biết những người thuộc về Đức Chúa Trời và môn đồ của Chúa Giê-xu là những người trông mong sự thay đổi cuối cùng và hoàn toàn.

Kinh Thánh rất thực tế, Kinh Thánh sẽ lắc đầu đối với ai đang cố gắng để tự thay đổi. Lời Đức Chúa Trời khẳng định qua tiên tri Giê-rê-mi 13: 23 rằng,

Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.

          Sự thay đổi mà Kinh Thánh nói đến không phải là vấn đề của sức mạnh nơi ý chí. Một trở ngại đối với sức mạnh của ý chí đó là nó không có đủ sức mạnh cần thiết. Đó là lý do vì sao chúng ta cần đến một phép lạ xảy ra cho con người bên trong. Khi Kinh Thánh nói đến sự thay đổi cần xảy ra, thì Lời Chúa không bảo chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để làm những điều tốt hơn hay cải tà qui chánh. Lời Chúa dạy chúng ta hãy đáp ứng những điều kiện nhất định và rồi sự thay đổi sẽ đến. Lời Chúa dạy “Được thay đổi bởi sự đổi mới trong tâm trí mình.”

Đề cập về sự thay đổi nầy, Kinh Thánh cho biết chúng ta không thể tự thay đổi mình được. Đây là một tin buồn cho mọi người, chúng ta không ai có thể tự thay đổi mình được. Nhưng rồi Kinh Thánh cũng nói đến tin vui, đó là Đức Chúa Trời có thể thay đổi chúng ta. Kinh Thánh không hề bảo chúng ta phải làm công việc thay đổi nầy. Lời Chúa khuyến khích chúng ta nhờ Đức Chúa Trời mà được thay đổi. Khi nói về sự thay đổi bên trong, Lời Chúa luôn luôn dạy rằng sự thay đổi phải xuất phát từ trong ra ngoài. Trước tiên, con người bên trong được thay đổi, rồi sau đó kết quả của sự thay đổi bên trong sẽ được nhìn thấy qua con người bên ngoài.

Chúng ta thường có những hình thức giáo điều trong hội thánh nhằm thúc đẩy người khác thay đổi từ ngoài vào trong. Đại khái chúng ta nói với người khác rằng, “Anh chị đã tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giê-xu, đây là cuốn sách ghi các luật lệ, nó sẽ cho biết điều gì anh chị không được phép làm. Đây là những điều mà anh chị phải thay đổi.” Chúng ta đã buộc người khác thay đổi từ bên ngoài một cách máy móc. Nhưng Lời Chúa dạy về sự thay đổi xuất phát từ bên trong. Sau đó người khác sẽ thấy kết quả của sự thay đổi bên trong một khi nó được thể hiện ra bên ngoài.

Đức Chúa Trời mong ước nhìn thấy chúng ta kinh nghiệm được sự thay đổi bên trong, Ngài muốn nhìn thấy kết quả sự thay đổi bên trong được thể hiện ra bên ngoài. Vì vậy Ngài ban cho chúng ta năm cuốn sách thơ văn được linh cảm trong Kinh Thánh, nó là ngôn ngữ dễ chạm đến lòng người. Khi đọc những sách nầy quý vị sẽ cảm nhận bàn tay của Đức Chúa Trời chạm đến lòng quý vị, nhấn mạnh đến sự thay đổi, nhấn mạnh đến con người bên trong của quý vị để quý vị có thể sống thực với niềm tin và kinh nghiệm nơi Đức Chúa Trời. Quý vị sẽ khám phá những sách Văn thơ là những sách dưỡng linh quí báu trong Kinh Thánh.

Gióp là sách được nhiều người ưa chuộng. Các Mục sư thường dùng sách Gióp để an ủi tín hữu khi họ gặp phải sự đau khổ. Ngay đối với những người chưa kinh nghiệm đau khổ nhưng chỉ đối phó với những khó khăn trong cuộc sống thì sách Gióp cũng mang lại niềm khích lệ. Nếu quý vị ở trong những khổ nạn hoặc đến với Gióp trở nên sứ điệp của Đức Chúa Trời cho những tấm lòng tan vỡ những người trong khổ nạn thì sách Gióp là cả một niềm an ủi lớn lao.

Nếu sách Gióp nói về vấn đề đau khổ thì Thi thiên lại đề cập về sự thờ phượng của con dân Đức Chúa Trời. Nếu quý vị yêu mến Chúa và yêu thích sự thờ phượng trong sự hiện diện thánh của Ngài thì quý vị sẽ yêu thích Thi thiên.

Nếu cần sự khôn ngoan và những lời khuyên thực tế thì quý vị sẽ ham thích sách Châm ngôn. Nếu quý vị đang ngờ vực về một điều nào đó , không thể xác quyết được nó là phước hạnh hay nỗi buồn phiền thì hãy đến với sách Truyền đạo. Cuối cùng nếu quý vị đang yêu thì Nhã ca là sách gối đầu giường.

Trước khi chấm dứt, tôi xin được hỏi là con người bên trong của quý vị đã được thay đổi chưa? Tấm lòng của quý vị đã được tạo dựng nên mới chưa? Quý vị đã được thay đổi từ bên trong ra bên ngoài chưa? Nếu chưa, thì xin quý vị nhớ rằng Đức Chúa Trời có quyền thực hiện điều đó cho quý vị và Ngài muốn làm điều đó trên đời sống của quý vị. Hãy thưa với Chúa ngay hôm nay, hãy cầu nguyện với Đức Chúa Trời như Đa-vít rằng “Xin tạo nên trong con một tấm lòng mới để con tôn thờ Ngài.”

Bài trướcHuấn Luyện Chấp Sự, Nhân Sự Tỉnh Bình Thuận Năm 2018
Bài tiếp theoKhám Bệnh Từ Thiện Và Công Trình Xây Dựng Nhà Thờ Tại Kế Sách.