Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau xem sách Sáng thế ký nói gì về con người đầu tiên. Cũng xin được nhắc lại, Kinh thánh đã trình bày những việc trong quá khứ nhằm giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nó trong hiện tại. Khi học hỏi về sự khởi đầu của nhân loại, tức là chúng ta đang khảo sát về chính mình. Sách Sáng thế ký đã nói gì về con người? Đức Chúa Trời có ý định và mục đích gì cho con người? Chúng ta sẽ tìm cách trả lời cho các câu hỏi nầy vì đó là lý do Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta về sự tạo dựng con người trong sách Sáng thế ký.
Sách Sáng thế ký đã mô tả sự tạo dựng con người như sau:
Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.
Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.
Trong chương 2 từ câu 18 chúng ta có thêm các chi tiết khác:
Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào.
Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.
Bản ký thuật nầy nói về sự bắt đầu của loài người. Nó nói về con người thời xưa như thế nào; qua đó, chúng ta hiểu con người thời nầy là thế nào. Trong phần mô tả về sự tạo dựng con người, ấn tượng đầu tiên là con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Điều nầy có nghĩa gì? Đức Chúa Trời là thần, Ngài không có thân xác; do đó, nó không chỉ về thân xác của con người. Vậy, nó chỉ về điều gì? Nó chỉ về khả năng tâm linh mà Đức Chúa Trời ban cho con người. Chúa Jêsus phán rằng, “hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt.” Do đó, sự sinh ra theo công lệ thiên nhiên chỉ tạo nên thân xác mà thôi. Không phải thân xác của chúng ta phản ánh ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Chúa tạo chúng ta theo ảnh tượng của Ngài, nghĩa là nói đến khả năng thuộc linh trong mỗi chúng ta. Sáng thế ký chương hai cho biết, Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn hình người, hà sanh khí vào thì người trở nên một loài sanh linh. Đó chính là lúc Ngài dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài bởi vì Đức Chúa Trời là thần linh. Quí vị hãy suy nghĩ về điều nầy, con người có khả năng làm những điều tệ hại hơn hẳn những loài dã thú trong rừng sâu. Không có một loài thú nào đã từng giết 6 triệu con thú khác bởi vì nó không thích hình dáng bên ngoài của những con thú kia. Thế nhưng, con người đã làm như vậy. Nếu đọc lịch sử về những gì con người đã làm cho con người, chúng ta sẽ đi đến kết luận nầy: Con người có khả năng làm những điều tệ hại hơn hẳn bất cứ loài thú nào. Có một bài thơ dí dỏm, tạm gọi là được viết bởi loài khỉ như sau: “Con người thoái hóa, nhưng không thoái hóa từ chúng tôi, vì không có một con khỉ nào đánh đập vợ rồi từ vợ bỏ con.” Con người có thể xấu hơn bất cứ loại thú nào; nhưng mặc khác, con người vẫn có khả năng giống Đức Chúa Trời. Con người có khả năng thuộc linh. Chúng ta sẽ thấy là ảnh tượng của Đức Chúa Trời trong con người đã bị hư hỏng vì sự sa ngã của con người. Nan đề căn bản mà Kinh thánh tìm cách giải quyết đó là: làm thế nào khôi phục và ban cho con người khả năng thuộc linh ban đầu, mang lấy ảnh tượng của Ngài. Đây là nhận xét đầu tiên khi chúng ta xem xét về con người. Con người được tạo dựng có khả năng thuộc linh nhưng bây giờ con người không còn khả năng đó. Con người được sinh ra bằng xương bằng thịt chớ không sinh bởi Thánh Linh. Do đó, con người không còn mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là Đấng sống.
Chúa Jêsus xem con người dầu đang sống động về phần xác nhưng thật sự là đang chết. Ngày kia, có người đến với Chúa và thưa rằng, “Tôi sẽ theo Ngài, nhưng trước hết tôi phải chôn cha tôi đã. Tôi có bổn phận đối với cha tôi. Và khi đã làm xong điều nầy tôi sẽ theo Ngài.” Chúa khẳng định, “Cha ngươi đã chết rồi, hãy để cho những người chết khác chôn cha ngươi còn ngươi hãy theo ta.” Chúa có ý gì khi Ngài nói rằng, “Cha ngươi đã chết rồi, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết?” Ngài muốn nói rằng, sự sống thân xác không có nghĩa là sự sống mà Đức Chúa Trời dự định ban cho con người. Chúng ta không mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời khi chúng ta được sinh ra về phần xác. Nhưng chúng ta khôi phục ảnh tượng của Đức Chúa Trời khi chúng ta được tái sinh. Đó là lý do vì sao chúng ta cần được sinh lại. Đó là lý do vì sao chúng ta cần hành động tân tạo trong chính tấm lòng của mình.
Một nhận xét thứ hai, Đức Chúa Trời dựng nên người nam và người nữ. Tại sao Đức Chúa Trời tạo nên người nam và người nữ. Chúa khiến A-đam ngủ mê. Ngài lấy xương sườn của ông và làm nên người nữ. Có một ý nghĩa biểu tượng rất hay tại đây. Một số các học giả xưa cho rằng, Đức Chúa Trời không tao dựng người nữ từ đầu của người đàn ông vì như vậy ngụ ý nàng sẽ lấn lướt chồng. Ngài cũng không tạo dựng người nữ từ chơn của người đàn ông, vì như vậy, ngụ ý rằng nàng phải phục dịch chồng. Ngài tạo dựng người nữ từ bên hông của người nam là nơi rất gần với trái tim. Điều nầy ngụ ý, người nữ và người nam có sự gần gũi và sát cánh bên nhau.
Tại sao Đức Chúa Trời dựng nên người nữ? Kinh thánh cho biết rằng, một mình người nam thì chưa hoàn chỉnh mặc dầu con người đầu tiên nầy đã mang lấy ảnh tượng của Đức Chúa Trời.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.
Vậy Đức Chúa Trời dựng nên người nữ để bổ sung cho người nam.
Theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, Đức Chúa Trời kết hiệp người nam và người nữ về phương diện thể xác để làm thành một. Nhiều người nghĩ rằng, trong vườn Ê-đen, họ đã phạm tội nào đó về tính dục. Thật là buồn cười. Đức Chúa Trời tạo nên họ có khả năng tính dục trước khi họ sa ngã; và Chúa phán điều đó rất tốt lành. Khi tạo dựng muôn vật, Chúa phán “tốt” nhưng khi tạo nên con người trong đó có sự hợp nhất về tính dục thì Ngài phán “rất tốt”. Mọi điều nầy xảy ra trước khi con người sa ngã, không phải tính dục đã làm cho gia đình xuống cấp.
Tại sao Đức Chúa Trời ban cho con người có khả năng tính dục? Bởi vì Đức Chúa Trời đem người nam và người nữ lại với nhau. Ngài thiết lập định luật của sự sống là một trong những định luật cơ bản nhất cho con người. Chúng ta gọi cơ chế nầy là gia đình. Đây là chương trình của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên người nam và người nữ, đem hai người lại với nhau thành bạn đồng hành và làm cha làm mẹ. Trong vai trò cha mẹ, họ sinh sản con cái; rồi đến lượt con cái lại tiếp tục sinh sản để hoàn thiện định luật của sự sống. Chính luật nầy đã hình thành, nuôi dưỡng và định hướng cho hệ thống gia đình của xã hội loài người.
Để cho luật nầy được hiệu lực, Đức Chúa Trời cần có hai người làm cha làm mẹ. Để có hai người làm cha làm me cần có tình vợ chồng; và để có tình nghĩa nầy, cần phải có hai người. Điều nầy được minh họa qua hình tam giác. Quí vị không thể nào có tam giác nếu không có cạnh đáy hay một trong hai cạnh bên. Vai trò cha mẹ dựa trên tình vợ chồng; và tình vợ chồng chỉ hiện hữu khi có hai người. Khi Kinh thánh khuyên chúng ta trong vai trò cha mẹ, hoặc tình nghĩa vợ chồng, hoặc làm người, Kinh thánh luôn luôn bắt đầu với con người. Hãy bắt đầu với chính con người của quí vị. Trong I Phierơ chương 3, Phierơ khuyên người vợ khi chồng không vâng phục lời Chúa. Điều nầy chỉ về người chồng là người không tin hoặc là người tin nhưng không luôn luôn vâng phục lời Chúa. Phi-e-rơ bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh khuyên bảo nàng phải hành xử như thế nào; nàng nên là người như thế nào. Phi-e-rơ không hề nói gì cả về người chồng hoặc cố gắng thay đổi ông. Điều nầy rất thực tế phải không thưa quí vị?
Một nhà tâm lý học nói rằng, phần lớn những rắc rối và thất vọng trong chúng ta là vì mục tiêu của chúng ta tùy thuộc vào hành động của người khác. Ví dụ, chúng ta muốn con cái thực hiện một số điều nào đó; nhưng khám phá là chúng ta không thể điều khiển những gì chúng làm. Hoặc người vợ có mục tiêu trong năm là người chồng phải làm việc nầy việc nọ. Cuối cùng, người vợ khám phá là không thể điều khiển được người chồng. Người chồng cũng vậy, muốn người vợ phải thay đổi một số điều nào đó; và rồi nhận ra là mình không thể thay đổi vợ mình được. Quí vị thấy không, giải quyết vấn đề hay củng cố mối quan hệ bằng cách thay đổi người khác là không thực tế.
Khi người ta gặp một trở ngại nào đó trong hôn nhân và nhờ mục sư giúp đỡ, hầu như người đó luôn luôn nói về người phối ngẫu của mình. Giống như một người chồng đã phát biểu rằng, “Nếu Môi-se biết vợ tôi là ngươi như thế nào thì hẳn đã có một điều răn khác.” Rồi ông bắt đầu dành hết thì giờ nói về vợ mình. Ý của ông là thế nầy: mục sư, nếu ông có thể giải quyết vấn đề nơi người khác thì mọi sự sẽ ổn. Tôi không có gì sai trật cả. Điều nầy không thực tế và không giải quyết được vấn đề, nhưng nhiều người nghĩ rằng, họ có thể giải quyết vấn đề nếu họ thay đổi người khác. Kinh thánh bắt đầu với cạnh đáy của tam giác là con người. Và như vậy, hãy bắt đầu với chính quí vị. Quí vị không phải chịu trách nhiệm về người khác. Theo sư dạy dỗ của Kinh thánh, trong ngày phán xét, quí vị sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời không với vai trò là người vợ hay người chồng. Quí vị sẽ không chịu trách nhiệm cho người phối ngẫu của mình. Quí vị chỉ chịu trách nhiệm cho chính mình mà thôi: đó chính là người mà quí vị có thể làm một điều gì đó để thay đổi; là người mà quí vị phải quan tâm nếu quí vị muốn thực hành và làm vững mạnh luật của sự sống mà Đức Chúa Trời đã thiết lập.
Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ học về vai trò của cha mẹ trong luật hôn nhân và gia đình của Đức Chúa Trời.