Bài 80: Sự Hưng Thịnh Và Suy Tàn Của Dân Tộc Hê-bơ-rơ

1311

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Chúng ta đang lược khảo đến sách Các vua. Xin quí vị vui lòng mở ra II Các vua 18 để theo dõi bài học ngày hôm nay.

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy toàn bộ các vua của nước phía bắc hay nước Y-sơ-ra-ên, đều gian ác, thờ lạy thần tượng thay vì thờ lạy Đức Chúa Trời. Chúng ta không học được gì cả từ những vua nầy ngoại trừ những bài học cảnh cáo. Tuy nhiên thỉnh thoảng có một số các vua tốt ở nước phía nam hay nước Giuđa. Ê-xê-chia là vị vua tốt. Kinh thánh ghi lại rằng

 

II Vua 18:4: Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các-sê-ra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môi-se đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Y-sơ-ra-ên xông hương cho nó. Vua hết lòng tin cậy Giê hô va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

 

Thật ra thì trước và sau Ê-xê-chia không có ai có đời sống gần gũi với Chúa như ông. Vì Ê-xê-chia đi theo Chúa và cẩn thận làm theo mọi điều mà Chúa phán dạy qua Môi-se do đó Chúa ở cùng vua, khiến vua được thịnh vượng trong mọi sự. Cuộc đời của Ê-xê-chia có nhiều điều làm gương sáng cho chúng ta.

 

Nhưng bên cạnh đó cũng có những bài học cảnh cáo mà chúng ta cần thận trọng đề phòng. Khi Ê-xê-chia bị đau thì Đức Chúa Trời nói với ông qua tiên tri Ê-sai rằng, “Hãy thu xếp công việc của ngươi vì ngươi sẽ chết.” Ê-xê-chia quay mặt vào tường và khóc lóc dầm dề. Ông cầu nguyện khẩn thiết xin Chúa cho ông được sống. Lời cầu nguyện của ông và của Sa-lô-môn là những lời cầu nguyện rất hay. Sau đó thì chúng ta thấy có lời Chúa phán với Ê-xê-chia bởi tiên tri Ê-sai rằng, “Ta đã nghe lời cầu nguyện của ngươi, ta đã thấy nước mắt của ngươi, ta cho ngươi được sống thêm 15 năm nữa.” Đây là một gương sáng cho chúng ta trong sự cầu nguyện. Vua đã hết lòng cầu nguyện khi biết rằng mình sắp chết. Cho dầu sứ điệp này đã được một tiên tri của Đức Chúa Trời nói ra, ông vẫn kêu cầu cùng Chúa.

 

Nếu ai đó cho biết quí vị bị một căn bịnh ngặt nghèo và sẽ chết, quí vị có quyền để cầu nguyện với Đức Chúa Trời rằng, “Nếu có thể được xin Cha cất chén nầy khỏi con, xin cứu con thoát khỏi sự chết.” Tôi tin rằng chúng ta được phép thưa với Chúa về nguyện vọng của mình và cầu nguyện xin Chúa chữa bịnh, cứu mình khỏi chết. Dẫu vậy chúng ta phải kết thúc giống như Chúa Jêsus đã cầu nguyện, “Nhưng không theo ý con mà theo ý Cha.” Đôi khi mục đích của bịnh tật là đưa chúng ta đến chỗ kết thúc cuộc sống trên đất nầy. Trong trường hợp của La-xa-rơ thì Chúa đã nói như sau, “Mục đích của căn bịnh nầy không phải là để La-xa-rơ qua đời, nhưng để Chúa được tôn vinh.” Không ai trong chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự chết, Đức Chúa Trời dùng sự chết để đem chúng ta qua thế giới bên kia. Nếu biết rằng mình đang bị căn bịnh nan y, chúng ta được phép thưa với Chúa về nguyện vọng của mình và xin Ngài chữa bịnh cho. Ê-xê-chia đã làm như vậy và Đức Chúa Trời đã cho ông sống thêm được 15 năm nữa.

 

Tuy nhiên sau phép lạ nầy thì Ê-xê-chia đã để lại một bài học cảnh cáo. Ngày kia một số sứ thần Ba-by-lôn thăm viếng Ê-xê-chia. Vì muốn khoa trương nên vua dẫn họ xem hết những vũ khí, công xưởng cũng như kho tàng. Tiên tri Ê-sai hỏi Ê-xê-chia rằng, “Vua đã cho người Ba-by-lôn xem điều chi vậy?” Ê-xê-chia nói với Ê-sai những gì mà ông đã làm. Ê-sai đáp, “Đó là một lỗi lầm thật lớn, người Ba-by-lôn sẽ trở lại và tấn công vua.” Tiếp theo Ê-xê-chia tiên tri về sự xâm lăng Giê-ru-sa-lem của người Ba-by-lôn rằng, “Con của vua sẽ bị bắt đày sang Ba-by-lôn.” Ê-xê-chia hỏi, “Khi nào thì điều đó xảy ra?” Ê-sai trả lời, “Nó sẽ chưa xảy ra trong lúc nầy.” Ê-xê-chia nói, “Ồ, như vậy là tốt lắm, vì ít ra thì nó vẫn bình an trong những ngày còn lại của ta. 15 năm đến sẽ tốt đẹp. Còn những gì xảy ra sau đó, ta không cần biết.” Con của Ê-xê-chia sẽ bị bắt, xiềng lại và lưu đày, những rõ ràng Ê-xê-chia không quan tâm đến. Ông không phải là một người cha tốt. Ông chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến những gì sẽ xảy ra cho con mình.

 

Sách Các vua khi ghi lại những gương tốt và phần lớn là những gương xấu. Bên cạnh các vua còn có các tiên tri. Họ đã nêu những gương sáng tuyệt vời. Một số các tiên tri không mấy nổi tiếng, thậm chí chúng ta không biết đến tên tuổi của họ. Tuy nhiên có một số các tiên tri đóng những vai trò rất quan trọng như Ê-li và Ê-li-sê.

 

Sách II Các vua ghi lại những câu chuyện liên quan đến Ê-li-sê. Một vị tướng của nước Asyri bị bịnh, đến với Ê-li-sê để xin được chữa lành. Vào thời điểm này Asyri đang chuẩn bị tấn công vương quốc Y-sơ-ra-ên nằm ở phía Bắc. Đã có những trận đánh nhỏ xảy ra. Asyri có một binh lực rất hùng hậu, vị tướng chỉ huy quân đội là Na-a-man. Có quyền thế và sức mạnh trong tay nhưng Na-a-man lại bị bịnh phung. Một em bé gái giúp việc, người Hê bê rơ, có lẽ bị bắt làm phu tù, đã nói rằng một tiên tri ở Y-sơ-ra-ên có thể chữa được bịnh phung. Na-a-man liền cùng với cho binh sĩ đi đến Y-sơ-ra-ên để gặp Ê-li-sê. Trước khi gặp Ê-li-sê thì Na-a-man đã tưởng tượng rằng Ê-li-sê sẽ làm thế nào để chữa bịnh cho ông. Na-a-man cũng nghĩ rằng Ê-li-sê sẽ bày tỏ sự kính trọng đặc biệt dành cho ông vì dầu sao đi chăng nữa thì ông vẫn là vị tướng cầm đầu quân đội Asyri. Thế nhưng Ê-li-sê đã không làm như điều Na-a-man suy nghĩ. Thậm chí Ê-li-sê không bước chơn ra khỏi nhà để tiếp ông. Ê-li-sê chỉ sai một đầy tớ gặp Na-a-man, người đầy tớ nói với Na-a-man rằng, “Ê-li-sê nói với ông là hãy đến sông Giô-đanh và tắm trong đó 7 lần thì sẽ được lành.” Na-a-man giận tái mặt. Ông kéo dây cương để xe ngựa chạy và cát bụi tung bay mịt mù quanh nhà Ê-li-sê. Na-a-man nói, “Ta nghĩ rằng Ê-li-sê phải đi ra ngoài để chào đón ta, rồi đặt tay mà chữa bịnh cho ta. Ở Asiry thiếu gì những con sông đẹp, ta sẽ không bao giờ dầm mình dưới sông Giô-đanh bẩn thỉu nầy đâu.” Một tay cận vệ thưa với chủ tướng của mình rằng,

 

Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: "Hãy tắm, thì được sạch."

 

Na-a-man thay đổi lập trường, ông đi xuống sông Giô-đanh và dầm mình 7 lần, lần cuối cùng thì ông được lành. Việc Na-a-man được chữa lành là một minh họa tuyệt đẹp về Tin lành cứu rỗi.

 

Nhiều người ý thức về nhu cầu thuộc linh của mình, họ đến với Đấng Christ để tìm kiếm sự cứu rỗi. Trong tâm trí họ đã có sẵn những ý niệm về những gì sẽ xảy ra. Một số người nghĩ rằng sự cứu rỗi phải là một điều gì đó rất ư phức tạp, bằng không thì nó không có giá trị. Điều này thường xảy ra trong giới học thức. Khi nghe nói về sự đơn giản của Tin lành mà Phao-lô gọi là “sự rao giảng rồ dại”, thì họ không thể chấp nhận vì nó không có phức tạp chút nào cả. Tin lành thường quá đơn giản đối với thành phần học thức. Họ thường cho rằng Tin lành chỉ dành cho những người học cao hiểu rộng mà thôi. Một cách vô tình họ muốn sự cứu rỗi phải là một điều gì đó mà chỉ có những người học thức mới thấu hiểu được. Nhưng Tin lành thật giản dị, nhiều người thuộc giới trí thức vì những định kiến về Tin lành mà đánh mất sự cứu rỗi.

 

Tin lành cứu rỗi đơn sơ giản dị như lời của tiên tri Ê-li-sê nói với Na-a-man rằng “Hãy đi tắm dưới sông Giô-đanh 7 lần.” Quí vị không cần phải hiểu về sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi không cần phải hợp với lý luận của con người. Sự cứu rỗi không phải như những gì quí vị suy nghĩ trong đầu. Chỉ hãy tắm dưới sống Giô-đanh 7 lần. Hãy tin và vâng theo những gì quí vị nghe vì sự giản dị của Tin lành có quyền cứu linh hồn quí vị, nó là một giải pháp cho quí vị, nó là sự cứu rỗi cho quí vị. Đây là phần ứng dụng của câu chuyện trong II Các vua 5 của Na-a-man vị tướng bị phung với tiên tri Ê-li-sê.

 

Chúng ta hãy xem xét một cách chi tiết hơn về các tiên tri này một lần nữa. Các tiên tri không những là những người phát ngôn cho Đức Chúa Trời, là những người qua đó Chúa truyền đạt sứ điệp của Ngài. Họ không chỉ là những người tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời và chiếu sáng nó trở lại, nhưng họ còn là những người xuất hiện vào những khi có nan đề xảy ra. Xét theo khía cạnh đó quí vị có thể nói, không có nan đề thì không có tiên tri. Ngay khi nan đề xảy ra thì đồng thời một tiên tri cũng xuất hiện. Mỗi khi công việc Chúa gặp trở ngại thì Đức Chúa Trời lại dứt dấy một tiên tri. Một trong những nhiệm vụ của tiên tri Đức Chúa Trời là rao giảng lời Chúa xoáy vào nan đề đó cho đến khi trở ngại được giải quyết và công việc Chúa được tiến hành trở lại. Thế rồi sau một thời gian công việc Chúa lại gặp một chướng ngại khác, Đức Chúa Trời lại dứt dấy một tiên tri khác để giải quyết vấn đề này. Đương đầu để giải quyết những trở lực làm ngăn cản công việc Chúa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tiên tri Đức Chúa Trời.

 

Đến thời Tân ước, công việc của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Đức Chúa Trời xây dựng Hội Thánh của Ngài. Khi Hội Thánh gặp những nan đề thì Chúa khiến các vị sứ đồ viết các thư tín để giải quyết các nan đề đó. Trong Cựu ước, Đức Chúa Trời dứt dấy một tiên tri để viết nên các sách tiên tri. Tiên tri mạnh mẽ đề cập đến nan đề này cho đến khi nan đề đó được giải quyết xong. Cũng vậy trong thời Tân ước, Đức Chúa Trời dứt dấy các sứ đồ để viết các thư tín, qua đó dạy cho các tín hữu biết làm thế nào để giải quyết những rắc rối đã cản trở sự phát triển Hội Thánh.

 

Tóm lại khi đọc sách I & II Các vua, chúng ta hãy để ý đến sự phát triển và suy tàn của vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Khi học về vương quốc này, chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh của Ngài phải là một đoàn thể thánh. Cũng hãy học về các vua. Phần lớn cuộc đời của họ là những gương nhằm cảnh cáo chúng ta, chỉ có vài người nêu gương sáng mà thôi. Bên cạnh các vua chúng ta cũng để ý các tiên tri. Họ đã để lại những gương sáng tuyệt vời. Nếu học hỏi về đời sống và những sứ điệp của họ đã được ghi lại trong sách Các vua, chúng ta sẽ lắng nghe tiếng Chúa phán với mình qua những tiên tri này.

 

Thưa quí vị, sứ điệp Tin lành giống như sứ điệp đã được công bố cho Na-a-man. Nó có vẻ như không hợp lý, không có vẻ trí thức, nó dường như đơn giản quá, nhưng giống như Na-a-man, nếu quí vị tin và vâng lời thì quí vị sẽ nhận được sự chữa lành thuộc linh. Chúa Jêsus phán, Hãy theo ta, Hãy tin ta. Quí vị đã theo Ngài chưa? Quí vị đã tin Ngài chưa? Nếu chưa, xin hãy làm điều đó ngay hôm nay.

 

 

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Phía Nam Tỉnh Bình Thuận
Bài tiếp theoTrại Xuân Thanh Thiếu Niên Tỉnh Bình Thuận