Bài 77: Mười Hai Sứ Đồ

12375

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Trong đoạn 10 này tiếp tục nói về tiến trình mà chúng ta đã thấy trong Tin lành Ma-thi-ơ. Chúa Giê-xu sau khi đã ban bố nền đạo đức trong luật pháp của Nước Trời, Ngài liền đi xuống núi chứng tỏ quyền năng của Ngài qua 12 phép lạ đã được bày tỏ ra cách công khai. Bấy giờ, Ngài sai phái 12 sứ đồ đi đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên đặng rao giảng Tin lành về Nước Thiên Đàng cho họ.

 

Những sứ đồ này ra đi, họ không phải là những người đi dọn đường nhưng là những người đi sau. Chúa Giê-xu đã ban cho họ quyền năng để làm phép lạ – Đấy là sự ủy nhiệm mà Ngài đã trao cho họ (Giăng Báp-tít chưa bao giờ làm phép lạ không) Và cũng xin lưu ý về sự thay đổi danh xưng của họ từ môn đồ (học trò) sang sứ đồ (người được sai phái).

 

Khi chúng ta đi vào tìm hiểu đoạn này, xin hãy ghi nhớ rằng nhiều tà giáo khi đề cập đến đoạn này, họ cho rằng đó chính là quyền hạn chức vụ hay công tác của họ. Các sự chỉ dẫn trong đoạn này không phải để cho Cơ Đốc nhân. Vậy nên ở đây, chúng ta cần phải xem xét các lời giáo huấn này dưới ánh sáng của mỗi hoàn cảnh, hay điều kiện khác nhau mà nó được ban ra, và cũng bởi đó chúng ta có thể giải nghĩa chúng một cách chính xác được.

 

TÊN CỦA MƯỜI HAI SỨ ĐỒ ĐƯỢC ỦY NHIỆM 

             

Ma-thi-ơ 10:1, “Đức Chúa Giê-xu gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bịnh.”

Quyền phép mà Ngài đã ban cho họ cũng chính là một sự ủy nhiệm, để họ có thể đến cùng dân Y-sơ-ra-ên. Các nhà tiên tri trong Cựu ước đã từng nói rằng, đây sẽ là những ủy nhiệm mà Đấng Mê-si sẽ có. Sau khi đã được Chúa ban cho quyền phép, họ không còn gọi là các môn đồ nữa, mà được gọi là các sứ đồ.

Ma-thi-ơ 10:2-4, “Tên mười hai sứ đồ như sau nầy: Sứ đồ thứ nhứt là Si-môn, cũng gọi là Phi -e-rơ, và Anh-rê là em người; Gia-cơ con của Xê-bê-đê, và Giăng là em Gia-cơ; Phi-líp cùng Ba-tê-lê-my; Thô-ma, và Ma-thi-ơ là người thâu thuế; Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê; Si-môn là người Ca-na-an, cùng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ phản Đức Chúa Giê-xu.”

Bản danh sách 12 sứ đồ gồm có:

Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ.
Anh-rê là anh em người
Gia-cơ con của Xê-bê-đê.
Giăng là anh em của Gia-cơ.
Phi-líp
Ba-tê-lê-my
Thô-ma
Ma-thi-ơ là người thâu thuế (là tác giả của sách Tin lành Ma-thi-ơ)
Gia-cơ con của A-phê
 Tha-đê
 Si-môn là người Ca-na-an
 Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ phản bội Ngài.

 

PHƯƠNG PHÁP VÀ SỨ ĐIỆP CỦA MƯỜI HAI SỨ ĐỒ

 

Ma-thi-ơ 10:5-6, “Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Giê-xu sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.”

Bây giờ, định nhận lãnh lời chỉ dẫn cho chức vụ riêng của mình từ đoạn này, thì bạn sẽ phải hạn chế không nên đến với dân ngoại, mà chỉ nên đến với dân Y-sơ-ra-ên mà thôi, bởi lời chỉ dẫn này chỉ áp dụng cho “chiên con lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. ” Những câu Kinh Thánh này rõ ràng không bao hàm sự ủy nhiệm cho chúng ta. Ngược lại với điều này, sự ủy nhiệm cho chúng ta là ở trong Công vụ 1:8 “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.” Hãy lưu ý rằng, chúng ta phải bao gồm cả xứ Sa-ma-ri và cùng trái đất, trong khi đó đoạn 10 này Chúa Giê-xu chỉ thị cho 12 sứ đồ nên tránh xa xứ Sa-ma-ri, và không đi đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với “Chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.” Và sứ điệp mà 12 sứ đồ phải rao giảng là như vầy:

 

Ma-thi-ơ 10:7, “Khi đi đàng, hãy rao giảng rằng: Nước thiên đàng gần rồi.”

Làm thể nào Nước Thiên đàng có thể được cho là “đến gần rồi?” Nó đã đến gần trong thân vị của Vua Giê-xu. Ngài đang ở chính giữa họ.

Trước đây vào cuối thế kỷ 20, có một nhóm chủ trương rằng họ muốn xây dựng thiên đàng trên đất. Dĩ nhiên, Hội thánh Chúa không bao giờ được yêu cầu xây dựng thiên đàng trên đất. Chính Chúa Giê-xu sẽ thiết lập Vương quốc này của Ngài, khi Ngài trở lại thế gian. Hội thánh là thân thể của Chúa được gọi ra từ giữa vòng thế gian, đặng làm chứng về Ngài cùng rao giảng Tin lành xuyên khắp thế giới này. Công việc xây dựng Nước Thiên đàng trên đất không phải là công việc của chúng ta.

Nước Thiên đàng ở trong chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu Christ. Đối với quý vị nào chưa tiếp nhận Chúa Giê-xu, hãy tiếp nhận Ngài, để kinh nghiệm nước thiên đàng của Chúa đến với chúng ta. 

Bây giờ xin hãy lưu ý đến việc Chúa sai 12 sứ đồ ra đi, cùng ban cho họ những sự ủy quyền giống như năng quyền mà chính Ngài có.

           

Ma-thi-ơ 10:8, “Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lành không thì hãy cho không.”

Bây giờ xin nhấn mạnh rằng, nếu các bạn dự định thực hiện một trong những điều trên, bạn sẽ có thể làm tất cả bốn quyền phép này. Cũng xin lưu ý rằng việc kêu kẻ chết sống lại cũng được bao hàm trong đó. Hiển nhiên, việc này có thể được áp dụng trong thời kỳ khi Chúa Giê-xu ban hành ủy nhiệm.

Cũng khá lý thú để ghi nhận rằng, trong thời đại ngày nay người ta áp dụng câu 8 như là sự ủy nhiệm mà Chúa giao cho họ, lại phớt lờ đi câu kế tiếp. Ít nhất, cũng chưa bao giờ nghe rằng họ sử dụng đến nó. Tuy nhiên, tất cả được gói gém chung trong chỉ một vấn đề.

 

Ma-thi-ơ 10:9-10

“Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy; vì người làm việc đáng được đồ ăn.”

Rõ ràng là chúng ta cần đặt câu Kinh Thánh này vào trong câu Kinh Thánh đối chiếu kế cận, nhằm giải thích ý nghĩa nó cho đúng. Những hướng dẫn này có ý nghĩa tạm thời trong suốt ba năm mà Chúa chúng ta thi hành chức vụ của Ngài trên đất. Khi đến giai đoạn kết thúc thời kỳ chức vụ của Chúa, Ngài đã ban những giáo huấn khác cho các sứ đồ của Ngài, được ghi chép trong Lu-ca 22:35-36, “Đoạn, Ngài lại phán rằng: Khi ta đã sai các ngươi đi, không đem túi, bao giày chi hết, các ngươi có thiếu gì không? Môn đồ thưa rằng: Không thiếu chi hết. 36  Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo người đi mà mua.”

Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành” và vì thế Phao-lô đã dùng một đoạn dài trong I Cô-rinh-tô 9 để giải bày sự cung cấp nhu cầu cần dùng cho người đi rao giảng Tin lành. Trong thời đại ngày nay, chắc chắn Đức Chúa Trời cũng ước mong chúng ta nên ủng hộ nhu cầu cần dùng cho những người rao giảng Tin Lành.

Nếu chúng ta thấy chính mình thích ứng để áp dụng Ma-thi-ơ 10:8, xin hãy chắc chắn rằng phải áp dụng luôn câu Kinh Thánh tiếp theo (tức câu 9) với nó.

Bây giờ chúng ta hãy lưu ý thêm các huấn thị mà Chúa Giê-xu ban cho 12 sứ đồ trước khi họ được sai đi vào lúc bấy giờ.

 

Ma-thi-ơ 10:11, “Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi.”

Chắc hẳn vấn đề này không thể áp dụng trong thời đại của chúng ta. Nơi ở lại tốt nhất cho một khách diễn giả là nhà của tín hữu trong Hội thánh, hay khách sạn nào đó để không tạo thêm gánh nặng cho những ai rất bận bịu rồi. Dĩ nhiên, cũng có nhiều người vẫn có nơi dành cho các nhà truyền giảng, mà nó được gọi là “phòng tiếp khách cho người hầu việc Chúa.” Nhưng trong xã hội ngày nay, có thể Chúa sẽ yêu cầu chúng ta đi vào trong phố rồi hỏi rằng: “Có ai trong thành phố này, trong làng này xứng đáng không? Có ai ở đây là Cơ Đốc nhân xuất sắc không?” Thế rồi đi đến và gõ cửa nhà họ mà nói rằng: “Này, tôi đến rồi đây ạ!” Một lần nữa, chúng ta hãy lưu ý rằng Chúa chúng ta ban cho 12 sứ đồ những sự chỉ dẫn tạm thời này, để áp dụng trong những hoàn cảnh địa phương, trong giai đoạn 3 năm Ngài thi hành chức vụ. Chúng ta hãy giải thích nó trong ý nghĩa đúng của văn mạch.

 

Ma-thi-ơ 10:12-13, “Và khi vào nhà nào, hãy cầu bình an cho nhà ấy; nếu nhà đó xứng đáng, thì sự bình an các ngươi xuống cho; bằng không, thì sự bình an các ngươi trở về các ngươi.”

Từ “nhà” dĩ nhiên không hàm ý chỉ về căn nhà vật chất, nhưng chỉ về những người sống trong gia đình đó.

           

Ma-thi-ơ 10:14, “Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chơn các ngươi.”

Đây không phải là lời huấn thị cho chúng ta ngày nay. Đây cũng không phải là hành động của những nhà truyền giáo ngày nay. Có thể rằng lời hướng dẫn này chỉ áp dụng cho các sứ đồ trong thời kỳ đặc biệt ấy mà thôi. 

             

Ma-thi-ơ 10:15, “Quả thật, ta nói cùng các người, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy.”

Trong đoạn tiếp theo của Ma-thi-ơ, chúng ta sẽ tìm thấy điều gì sẽ xảy ra cho một số thành phố này rơi vào sự phán xét.

 

NHỮNG ĐIỀU MÀ 12 SỨ ĐỒ SẼ GẶP

                       

Ma-thi-ơ 10:16, “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bò câu.”

Sau khi đã căn dặn các sứ đồ về một số hoàn cảnh địa phương, bấy giờ Chúa chúng ta lại ban cho họ một số nguyên tắc lớn lao, mà bởi đó họ sẽ đi ra làm chứng nhân cho Ngài. Những nguyên tắc này thật quí giá cho thời kỳ bấy giờ, cho cõi vĩnh hằng và cũng quí giá cho cả thời đại hiện nay của chúng ta nữa. Con cái của Đức Chúa Trời phải nên khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Thật sẽ rất nguy hiểm nếu được điều này mà không có điều kia.

Có những người họ khôn khéo như rắn, nhưng họ không hiền lành như chim bồ câu. Cũng có một số người khác rất nhẹ dạ, rất dễ bị phỉnh gạt, họ đơn sơ như chim bồ câu, nhưng lại không khôn khéo như rắn. Thế nên, chúng ta cần phải có cả hai đức tính này, phải khôn khéo nhưng cũng phải đơn sơ, hiền lành.

 

Ma-thi-ơ 10:17-18, “Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại.”

Trong thời kỳ đó, chắc chắn điều này đã xảy ra cho những ai thuộc về Ngài. Nhiều tôi tớ Chúa ngày nay cũng phải chịu bắt bớ như vậy.

 

Ma-thi-ơ 10:19-20, “Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra.”

Tôi tin rằng những câu này được áp dụng cho những ai mà họ không có cơ hội để chuẩn bị các câu trả lời lúc họ bị bắt bớ khi làm công tác mà Chúa Giê-xu đã sai phái họ làm. Những người này được Chúa sai đi, nhưng trước đó họ đã không được chuẩn bị đầy đủ và nếu chúng ta đem đặt những câu này trong tình huống địa phương lúc bấy giờ, thì chúng ta không gặp một sự khó khăn nào trong việc giải thích chúng cả.

Rất tiếc thay, có nhiều người ngày nay lại đem áp dụng những câu Kinh Thánh này cho chính họ, rồi chẳng thèm chuẩn bị gì cho các bài giảng của mình.

Có một sinh viên thần học hơi kỳ dị trong nhiều phương cách hơn bất kỳ sinh viên nào khác. Thầy ta tin rằng mình sẽ giảng mà chẳng cần chuẩn bị trước gì cả. Một người bạn và tôi quyết định đêm nào đó sẽ đến nghe thầy này giảng. Rõ ràng trông thầy hết sức khổ sở, vì trước đó thầy đã chẳng sửa soạn bài giảng gì cả. Trên đường quay về thần học viện, người bạn của tôi, còn căng thẳng hơn tôi nữa, đã hỏi thầy đó rằng: “Anh có chuẩn bị cho bài giảng tối nay không?”

–  “Dĩ nhiên là tôi không có.”

–  “À thế thì làm thể nào mà anh giảng được?”

–  “Đức Thánh Linh đã ban điều đó cho tôi.”

Anh bạn của tôi nói với thầy ấy rằng: “Tôi hy vọng là anh sẽ không đổ lỗi sứ điệp ấy cho Đức Thánh Linh!”

 

Nhiều năm trước đây, tôi cũng có người bạn khác, khi xe lửa chở anh ta dừng lại tại một nhà ga nọ, trong lúc đang đợi đổi sang chuyến xe lửa kế tiếp, anh ta đi tới đi lui và xem lại các ghi chú về bài giảng mà anh ta đang cầm trên tay, bởi vì anh sẽ giảng vào buổi sáng đó. Lúc ấy anh ta đang mặc chiếc áo choàng tu sĩ, bỗng có một người đàn ông lạ cũng đang mặc chiếc áo choàng tu sĩ tiến về phía anh. Người đàn ông lạ này hỏi anh ta rằng:

–  “Ông có phải là thầy giảng đạo không?”

–  Vâng, thưa đúng ạ!

–  Thế thì ông đang làm gì vậy?

–  Tôi đang ôn lại phần ghi chú của bài giảng mà tôi sẽ giảng sáng nay.

–  Có phải ý ông nói rằng ông thường chuẩn bị cho các bài giảng của ông phải không?

–  Vâng, còn ông có chuẩn bị cho bài giảng không?

–  Không, tôi là cứ đứng lên bục giảng, rồi để cho Đức Thánh Linh nói qua tôi!     

–  À, tôi giả sử rằng khi ông đứng lên, mà Đức Thánh Linh lại không ban cho ông sứ điệp đó ngay. Thế thì ông sẽ làm thế nào?

–  “Ồ” anh ta đáp: “Tôi sẽ nói lòng vòng lên cho đến khi Ngài ban cho tôi sứ điệp ấy.”

Tiếc thay, ngày nay, có một số đông những nhà giảng đạo chỉ nói lung tung cả lên, và coi đó như là lời bào chữa của họ đối với lời chỉ dẫn mà Chúa Giê-xu đã truyền cho các sứ đồ Ngài. Điều đó quả thật là sự diễn dịch hết sức sai lầm về lời Kinh Thánh. Nếu chúng ta đem đặt lại những câu Kinh Thánh này trong ý nghĩa của văn mạch thì sẽ thấy rằng chúng ở trong hoàn cảnh địa phương và ý nghĩa của chúng rất rõ ràng.

 

Chúa Giê-xu tiếp tục giảng dạy rằng, Ma-thi-ơ 10:21, “Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.”

Đấng Christ đến thế gian chẳng phải để làm cho người ta hiệp một, nhưng đã làm cho người ta phân rẽ nhau; đó là sự phân rẽ giữa những người tin nhận và người không tin. Phao-lô đã nói cách rõ ràng trong I Cô-rinh-tô 1:18 rằng: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta là kẻ được cứu chuộc thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.”

           

Ma-thi-ơ 10:22, “Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.”

Điều này ám chỉ đến sự kiện mà Chúa Giê-xu có thể gìn giữ cho những ai thuộc về Ngài trong suốt thời kỳ ba năm chức vụ. Một cách tương tự, Ma-thi-ơ đoạn 24:13 cũng có ý nói rằng Chúa sẽ có thể gìn giữ những ai thuộc về Ngài, suốt trong thời kỳ đại nạn như chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi tìm hiểu đến Ma-thi-ơ đoạn 24.

           

Ma-thi-ơ 10:23, “Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì ta nói thật, các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi.”

Hãy để ý đến điều mà Chúa phán: “Các ngươi chưa đi khắp các thành Y-sơ-ra-ên” không phải đi khắp cả thế giới, nhưng đi khắp xứ Y-sơ-ra-ên: “thì Con Người đã đến rồi” ý nói rằng mãi cho đến khi Ngài được tỏ ra cho cả dân tộc này. Chúng ta khó tưởng tượng được sự kiện mà Chúa Giê-xu đã đi bộ khắp xứ Y-sơ-ra-ên. Và quả thật, đã có sự chia rẽ trong vòng dân tộc có liên quan với Ngài. Khi Ngài hỏi các môn đồ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” thì họ đã trả lời Ngài bằng nhiều cách. Mọi người đã có ý kiến riêng của họ về Ngài. Trong thời đại ngày nay, Ngài vẫn còn là nhân vật được bàn cãi nhiều nhất, Đấng đã từng hiện diện giữa thế gian này.

 

Chúa Giê-xu ủy nhiệm cho các sứ đồ ra đi để rao giảng Tin lành về nước trời. Mong ước là mỗi chúng ta đã biết được sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, xin hãy chia sẻ tin mừng này cho những người xung quanh.

 

 

Bài trướcBài 77: Các Vua Và Tiên Tri
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Chúa – Bồi Linh Tại HTTL Phong Điền, TP. Cần Thơ