Bài 77: Các Vua Và Tiên Tri

5704

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Hôm nay chúng ta bước sang một loạt bài mới với đề tài “Vua và tiên tri.” Những sách 1 & 2 Sa-mu-ên, 1 & 2 Các vua, 1 & 2 Sử ký được xem là Những sách lịch sử nói về các triều vua. Mỗi bộ 2 sách như 1 & 2 Sa-mu-ên chẳng hạn, trước đây chỉ là một mà thôi. Tương tự sách 1 & 2 Các vua trước đây là một, và được gọi là Các vua. Sách này đề cập về các vị vua đã cai trị hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa.

 

Giống như trọng tâm của Sách 1 & 2 Sa-mu-ên, sách Các vua nói về Vương quốc của Đức Chúa Trời. Khái niệm nầy rất quan trọng trong Tân ước, tuy nhiên chúng tôi có đề cập trong những bài trước đây, khái niệm nước của Đức Chúa Trời trong Cựu ước dễ hiểu hơn trong Tân ước. Những sách Cựu ước đề cập về các vương quốc hữu hình trang bị cho chúng ta những kiến thức cần thiết để tìm hiểu trong Tân ước.

 

Khái niệm vương quốc của Đức Chúa Trời đơn giản có nghĩa Đức Chúa Trời là vua, Ngài có một nước. Ngài muốn làm vua trên dân tộc Hê-bê-rơ. Nếu tuyển dân Y-sơ-ra-ên chấp nhận thể chế nầy, và họ làm thần dân của Ngài thì nước của Đức Chúa Trời sẽ là một quốc gia có lãnh thổ, một nước được hiểu theo nghĩa đen hiện hữu trên trái đất nầy. Nhưng sách 1 Sa-mu-ên cho biết con dân Y-sơ-ra-ên không muốn thể chế nầy, họ khước từ Đức Chúa Trời là vua của họ. Một chi tiết đáng lưu ý là những vị vua lần lượt xuất hiện trong 1 & 2 Các vua không phải do ý định của Đức Chúa Trời nhưng do sự cho phép của Ngài. 

 

Sách 1 & 2 Các vua ghi lại vương quốc của con người được hình thành bởi việc dân Y-sơ-ra-ên không muốn Chúa làm vua của họ. Đức Chúa Trời muốn một vương quốc của Đức Chúa Trời nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại muốn có một vương quốc của con người. Dân Y-sơ-ra-ên muốn có những vị vua riêng của họ. Trong sách 1 Các vua có ghi lại sự chia rẽ trong vương quốc của con người. Đến sách 2 Các vua thì ghi về sự bắt lưu đày làm nô lệ của 2 vương quốc đã phân chia đó.

 

Xin nhớ rằng, vì đây là những sách lịch sử nên nó chứa đựng những gương tốt để noi theo và những gương xấu hay những lời cảnh cáo cần phải tránh. Hai sách Các vua chứa đầy những lời cảnh cáo. Sở dĩ nó chứa nhiều lời cảnh cáo vì phần lớn các vua đều gian ác và đem lại hậu quả rất đau thương cho quốc gia. Khi đọc về những hậu quả do các vua gian ác gây ra, xin nhớ rằng Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nầy. Dân Y-sơ-ra-ên phải chịu trách nhiệm vì chính họ yêu cầu có vua, đồng thời các vua cũng phải chịu trách nhiệm về sự gian ác của họ.

 

Điểm mấu chốt của hai sách Các vua là nó ghi lại sự chia cắt đất nước, sự sụp đổ và bị bắt lưu đày. Do đó hai sách này còn có thể gọi là “Sự hình thành và sụp đổ của quốc gia người Hê-bê-rơ”

 

Sách 2 Các vua 17:22 ghi lại biến cố đầy kinh hoàng của việc lưu đày. Đế quốc Asyri xâm lăng vương quốc phía bắc và trục xuất mọi người ra khỏi đất nước họ. Mười chi phái bị xiềng lại và giải về Assyri. Từ đó trở đi Kinh Thánh không hề nhắc đến 10 chi phái nầy nữa. Họ được xem là những chi phái của Y-sơ-ra-ên đã bị xóa tên trên bản đồ. Thật ra, 2 Các vua 17 nói về việc vương quốc phía bắc bị tiêu diệt bởi sự lưu đày của người Asyri. 2 Các vua 25 tường thuật sự lưu đày của vương quốc phía nam do Nê-bu-cát-nết-sa và người Babylon. Khi Giê-ru-sa-lem là thủ đô của vương quốc phía nam bị thất thủ, những người Giu-đa sống sót sau cuộc thảm sát bị đày sang Babylon. Bảy mươi năm sau đó, người Ba-tư chiếm Babylon. Chúa cảm động Siru đại đế nên vua ra chiếu chỉ cho phép mọi người Hê-bê-rơ đang sống trong lãnh thổ Ba-tư được tự do trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ, thành phố và quốc gia của họ.

 

Sau đó là thời kỳ “Hậu lưu đày.” Êxơra, Nêhêmi và Êxơtê ghi lại việc hồi hương của con dân Y-sơ-ra-ên từ xứ Babylon. Điều đặc biệt là sách Êxơtê mô tả những gì đã xảy ra cho người Hê-bê-rơ còn định cư tại Ba-tư mà không chịu trở về quê hương. Khi chúng ta chấm dứt lược khảo sách Êxơtê thì cũng chấm dứt việc nghiên cứu những sách lịch sử của Cựu ước.

 

Mọi tiên tri trong Cựu ước đều xuất thân từ một bối cảnh nhất định được ghi trong những sách lịch sử. Chúng ta sẽ gặp các vị tiên tri này sau khi lược khảo xong những sách văn thơ. Điều khá lý thú nhưng không kém phần gay cấn là xác định niên lịch gắn liền với bối cảnh lịch sử mà các vị tiên tri đã xuất hiện. Chúng tôi xin gợi ý là quí thính giả làm một biểu đồ để cho thấy từng tiên tri sẽ được xếp vào vị trí nào. Bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, những sách gọi là Các vua còn để lại những gương tốt và gương xấu. Khi học về 2 vương quốc nầy, chúng ta sẽ có dịp gặp những người vĩ đại nhất đã từng sống đó là các tiên tri.

 

Quí vị hiểu tiên tri nghĩa là gì? Chữ tiên tri theo nghĩa đen là “rao truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời.” Nó gồm hai chữ ghép lại. Chữ thứ nhất có nghĩa là “Đứng trước một điều gì đó”, chữ thứ hai nghĩa là “chiếu sáng.” Như vậy tiên tri là người đứng trước Lời của Đức Chúa Trời và chiếu sáng lời đó cho dân sự của Ngài. Đây là công việc của họ. Môi-se là người tiếp nhận lời Chúa trực tiếp từ nơi Ngài, nhưng kể từ Giô-suê trở đi thì các tiên tri được chỉ bảo là rao giảng lời đã được ban cho Môi-se. Các tiên tri cũng nhận sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Họ công bố sứ điệp nhận từ nơi Chúa nên chúng ta còn gọi là là những người rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Có những lúc tiên tri nói trước những việc sẽ xảy ra. Đây là khía cạnh được nhiều người ham thích. Khi nói về tiên tri, chúng ta thường nghĩ ngay đến một người tiên báo những việc xảy ra trong tương lai. Mặc dầu đây là phần rất hào hứng trong chức vụ tiên tri, nhưng công việc nầy thật ra chỉ là thứ yếu mà thôi. Nhiệm vụ chính của tiên tri là công bố Lời Đức Chúa Trời. Họ là những người tiếp nhận Lời Chúa và chiếu sáng nó lại cho dân sự của Ngài.

 

Các thầy tế lễ là những người dạy dỗ người khác. Nếu dân sự có điều gì thắc mắc về Lời Chúa thì các thầy tế lễ sẽ giải thích và dạy họ về Kinh thánh. Còn nhiệm vụ của các tiên tri là khuyến cáo dân sự làm những gì mà Kinh Thánh đã chỉ day. Khi mà đời sống đạo đức và tâm linh của con dân Chúa cần phải được thức tỉnh thì tiên tri đóng vai phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời để khuyến cáo dân sự Ngài về hành vi và lối sống của họ. Thông thường thì các tiên tri xuất hiện để công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời khi mà dân chúng không vâng lời Chúa.

 

Có lẽ chúng ta khá quen thuộc với một số các tiên tri. Nhân vật điển hình trong 1 Các vua là tiên tri Ê-li. Khi lược khảo sách Giô-suê, chúng ta thấy rằng Giô-suê đã không thành công trong việc huấn luyện người kế vị mình. Các vị quan xét theo sau cũng phạm một lỗi lầm tương tự. Họ đã cai trị trong những khoảng thời gian khác nhau, nhưng không ai trong vòng họ đã chuẩn bị người kế tục mình. Đó là một thất bại trong việc lãnh đạo của các quan xét. Nhưng Ê-li lại khác hẳn, ông đã nêu gương sáng vì thành công trong phương diện đào luyện người kế nghiệp mình. Vào những ngày cuối trước khi chấm dứt chức vụ, Ê-li đã lấy áo choàng của mình mà khoác lên một người khác. Người được khoác chiếc áo nầy không ai khác hơn là Ê-li-sê, và ông trở nên một trong những tiên tri lớn. Mặc dầu chúng ta nhấn mạnh vào 2 tiên tri chính trong sách Các vua, chúng ta không nên bỏ qua những tiên tri ít được biết đến, chẳng hạn tiên tri Mi-chê trong 1 Các vua 22.

 

Sau đời trị vì của Sa-lô-môn, đất nước bị chia làm đôi. Vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc và vương quốc Giu-đa ở phía nam. Hai nước có khi chiến tranh chém giết lẫn nhau, tuy nhiên cũng có lúc họ liên minh để đối phó với kẻ thù chung. Phần lớn các vua phía bắc đều gian ác và bội đạo. Vương quốc phía Nam thỉnh thoảng có vua tốt, thỉnh thoảng có vua xấu. Những vua này không thể nào so với Đa-vít, tuy nhiên một số vua rất kính sợ Chúa. Ê-xê-chia, Giô-sa-phát và Giô-si-a là những vị vua tốt. Làm thế nào để nhớ được vua nào là tốt, vua nào là xấu? Vì con số các vua tốt rất ít, do đó chỉ cần nhớ tên của những vua tốt, phần còn lại sẽ là các vua xấu.

 

Trong 1 Các vua 22, vua của vương quốc phía bắc và vua của vương quốc phía nam mở cuộc họp thượng đỉnh. Vua của vương quốc phía bắc, A-háp, ông là người rất độc ác. Giô-sa-phát là vua vương quốc phía nam, đó là một người vừa tốt, vừa xấu.

 

Trong cuộc họp mặt nầy, A-háp đã đặt vấn đề với Giô-sa-phát rằng, “Người Syri vẫn chiếm thành Ramốt Ghiliat của chúng tôi. Vua có bằng lòng gởi binh để cùng tôi chiếm lại thành nầy không?” Chúng ta tự hỏi là làm sao hai vua này lại có thể ngồi chung với nhau được, vì A-háp là một người gian ác trước mặt Chúa. A-háp cưới Giê-sa-bên. Họ có cả thảy 850 tiên tri giả, những người chuyên lo việc thờ thần tượng ngoại giáo.

 

Khi được A-háp đề nghị thực hiện một liên minh để tấn công Syri thì Giô-sa-phát chất vấn, “Ông đã cầu hỏi các tiên tri chưa?” Vào thời bấy giờ, việc cầu vấn các tiên tri trước những quyết định hệ trọng là điều thường làm. A-háp trả lời, “Ông muốn tiên tri sao, tôi có đến 850 tiên tri.” Bởi vậy A-háp hỏi những của ông, “Chúng ta có nên tấn công người Syri không?” Những tiên tri của A-háp và Giê-sa-bên không giống như tiên tri Mi-chê. Họ biết A-háp muốn nghe điều gì, bởi vậy họ đồng thanh nói, “Thưa vâng, vua hãy xuất binh và tiến đánh người Syri, vua sẽ thắng trận.” Một trong những tiên tri giả nầy là Sedekia, đặt những cái sừng bằng sắt lên đầu và nói, “Với các sừng này, vua sẽ báng dân Sy-ri cho đến khi diệt hết chúng nó.”

Giô-sa-phát không tin nơi lời của các tiên tri nầy, vua nói riêng với A-háp,

“Ở đây còn có đấng tiên tri nào khác của Đức Giê-hô-va để chúng ta cầu vấn người ấy chăng?”

Aháp đáp,

“Còn có một người, tên là Mi-chê, con trai của Giêm-la; nhờ người ấy ta có thể cầu vấn Đức Giê-hô-va; nhưng tôi ghét người, vì người chẳng nói tiên tri lành về tôi, bèn là dữ đó thôi.”

Giô-sa-phát nói,

“Đó là ai vậy? Xin mời ngay tiên tri đó.”

A-háp trả lời, “Đó là tiên tri Mi-chê” rồi miễn cưỡng A-háp phải sai người đi mời Mi-chê.

 

Khi sứ giả đến gặp Mi-chê thì họ nói với Mi-chê rằng, “Tám trăm năm mươi tiên tri đã bật đèn xanh, khuyến khích vua xuất binh tiến đánh người Syri và sẽ chiến thắng. Bây giờ chỉ còn một mình ngươi mà thôi. Ngươi cũng phải nói cùng một ý như vậy.” Mi-chê đáp, “Ta sẽ nói những gì mà Đức Giê-Hô-Va bảo ta phải nói.”

 

Lần đến chúng ta sẽ khảo sát về một tiên tri không chịu thỏa hiệp, không được công nhận, không màng lợi lộc đã trung thành làm người phát ngôn cho Đức Chúa Trời dầu phải trả bất cứ giá nào để truyền đạt sứ điệp của Ngài cho các vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa.

 

 

Bài trướcNgày 2/11/2016: Vâng Phục Cho Đến Chết
Bài tiếp theoBài 77: Mười Hai Sứ Đồ