Bài 75: Ba Sự Thật Về Tội Lỗi

2982

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong chương trình lược khảo toàn bộ Kinh thánh, chúng ta đã tìm hiểu 2 sách 1&2 Sa-mu-ên. Những tội lỗi của Đa-vít đã được ghi chép lại để cảnh cáo chúng ta không đi theo vết xe đổ. Hôm nay sẽ có một bài nữa liên quan đến tội lỗi của Đa-vít. Có lẽ bạn nghĩ rằng chúng ta nhấn mạnh quá nhiều đến tội của Đa-vít. Sở dĩ chúng ta dành nhiều thời gian nói về điều này vì Kinh thánh đã nhấn mạnh đến tội của Đa-vít. Chúng ta cố gắng khám phá vì sao Đức Chúa Trời lại dành thật nhiều chương trong 2 Sa-mu-ên để nói về tội của Đa-vít. Điều quan trọng là chúng ta cần rút ra những bài học mà Chúa muốn chúng ta ghi nhớ qua giai đoạn đen tối nầy trong cuộc đời của Đa-vít.

 

Mục đích của chương trình Thánh kinh lược khảo là hướng vào phần dưỡng linh và áp dụng những sự dạy dỗ của toàn bộ Kinh thánh vào đời sống hằng ngày của bạn và tôi. Khi tìm hiểu từng sách, chúng ta trả lời 3 câu hỏi then chốt sau đây: Sách này nói về điều gì? Điều đó có nghĩa gì? và cuối cùng là điều đó có nghĩa gì cho bạn và tôi hay nói cách khác điều đó ảnh hưởng thế nào trên đời sống tôi?

 

Trả lời những câu hỏi đó cho sách 2 Sa-mu-ên là điều hết sức quan trọng. Một trong những áp dụng quan trọng nhất từ sự sa ngã của Đa-vít là xem xét cách mà ông đã giải quyết thế nào đối với tội lỗi.

 

Có hai phần trong tâm trí của chúng ta, đó là ý thức và tiềm thức. Hầu như mọi người đều kinh nghiệm về những ý tưởng trái ngược nhau hiện hữu trong tâm trí. Về phương diện ý thức, chúng ta có một suy nghĩ tốt và tích cực chẳng hạn “Chúa là Đấng chăn giữ tôi, không có gì khiến tôi phải lo âu bối rối, tôi đặt lòng tin tuyệt đối nơi Đấng chăn giữ tôi.” Tưởng tượng chỉ 30 giây sau đó, khi rời khỏi ghế, một ý tưởng lo âu lại đến với chúng ta. Vì sự lo âu này mà cuối cùng chúng ta phải bị bịnh loét và viêm ruột chẳng hạn. Các bác sĩ cho biết chúng ta bị bịnh vì lo âu. Một phương diện thì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ chúng ta, nhưng một phương diện khác thì chúng ta lại có những ý tưởng lo âu. Nói cách khác, tâm trí của chúng ta có những ý tưởng trái ngược nhau. Làm thế nào để đối phó với tình trạng này?

 

Các nhà tâm lý cho rằng tâm trí của chúng ta được chia ra làm hai ngăn và các tư tưởng đối nghịch nhau được cách ly. Trong một ngăn chúng ta có đức tin nơi Chúa và nhận thức rằng “Chúa là Đấng chăn giữ tôi.” Khi tự nhủ điều này, chúng ta không cho phép mình nhớ lại là mình bị viêm ruột. Ngăn kia của tâm trí chứa sự lo âu. Khi lo âu, chúng ta không nhớ rằng mình có đức tin và đừng nên lo lắng gì. Đây là hiện tượng tâm thần phân liệt về phương diện thuộc linh.

 

Hiện tượng tâm thần phân liệt về phương diện thuộc linh không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với phần ý thức trong tâm trí chúng ta. Mọi suy nghĩ có ý thức đi vào trong phần tiềm thức và được lưu trữ tại đó, nên mọi người đều có trí nhớ rất lạ lùng. Khả năng nhớ lại những việc trong quá khứ của mỗi người đều khác nhau, nhưng trên căn bản chúng ta nhớ mọi sự . Nếu bị thôi miên và hỏi thì người ta có thể nói lại những việc xảy ra khi còn là em bé 8 tuổi. Lượng thông tin dự trữ trong bộ nhớ của tiềm thức là một phép lạ tuyệt vời như chiếc máy vi tính.

 

Nếu chúng ta có ý tưởng đối nghịch trong tâm trí, thì những ý tưởng đối nghịch này sẽ chuyển sang tiềm thức và lưu trữ tại đó vĩnh viễn. Chúng ta tạo nên một nơi để chứa đựng những suy nghĩ trái ngược trong tiềm thức. Điều này dần dần tạo nên hậu quả nghiêm trọng vì tiềm thức chúng ta giống như một cái ly. Khi cái ly đó bị đầy bởi những ý tưởng đối nghịch, thì nó cũng tạo ra những triệu chứng trên cơ thể chúng ta hay nói rõ hơn là nó hủy hoại cơ thể chúng ta.

 

Kinh thánh cho biết chúng ta phải làm thế nào để đối phó với những ý tưởng đối nghịch như vậy. Nhiều chỗ trong Kinh thánh dạy rằng, “Chúng ta phải giải quyết những sự đối nghịch nầy.” Các tâm lý gia cũng nói giống như vậy. Họ cho biết, “Anh chị có nan đề vì anh chị có quá nhiều ý tưởng đối kháng với nhau.” Nhưng bạn sẽ làm thế nào để giải quyết những sự đối kháng nầy? Những nhà tâm lý đời này sẽ không cân nhắc đến yếu tố đạo đức luân lý khi tìm cách giải quyết những xung đột vì phần nhiều họ không có một tiêu chuẩn tuyệt đối về đạo đức. Ngay khi chính bản thân họ có một tiêu chuẩn đạo đức cho riêng mình thì họ cũng không đưa ra những nhận định mang tính chất đạo đức có liên quan đến bạn. Họ cho rằng đó là phạm vi của tôn giáo. Họ quyết định đứng ngoài phạm vi đó. Tuy nhiên họ sẽ nói rằng bạn phải quyết định làm một điều gì đó để giải quyết sự đối kháng trong tâm trí. Kinh thánh thì khác hẳn, Kinh thánh có một tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng. Kinh thánh cho biết điều gì là đúng, điều gì là sai. Nếu đời sống của bạn dựa trên những tiêu chuẩn như liêm khiết, ngay thẳng nhưng bạn không sống theo tiêu chuẩn đó thì bạn sẽ tự làm cho mình khốn khổ . Bạn sẽ làm đầy tiềm thức bởi những ý tưởng đối nghịch nhau.

 

Một trong những mức nghiêm trọng của sự xung đột trong tâm trí là mặc cảm tội lỗi. Tuy nhiên mặc cảm tội lỗi, xét theo một phương diện lại là tốt vì nó cho biết bạn có một tiêu chuẩn về sự công nghĩa, nó chứng tỏ rằng bạn có một tiêu chuẩn ngay thẳng cho cuộc sống. Mặc cảm tội lỗi cho biết bạn nhận thức đâu là đúng đâu là sai, và bạn mang mặc cảm tội lỗi vì mình đã không sống đúng theo tiêu chuẩn đó. Chúa Jêsus đã dạy về điều này như sau, “Con mắt là đèn của thân thể, nếu mắt ngươi yếu thì cả thân thể ngươi tối tăm.” Nhiều người đang sống trong sự tối tăm đó. Đối với chúng ta, họ không có một tiêu chuẩn đạo đức gì cả và hầu như họ không bị khuấy động bởi mặc cảm tội lỗi vì họ không quan tâm đến khía cạnh đạo đức.

 

Kinh thánh dạy chúng ta giải quyết những xung đột trong tâm trí dựa trên niềm tin của chúng ta. Vì con mắt là đèn của thân thể, nếu mắt sáng, nhìn đúng và chúng ta sống theo những gì chúng ta nhận thức thì cả thân thể được sáng. Kinh thánh dạy rằng chúng ta giải quyết những xung đột trong tâm trí bằng cách sống theo những gì chúng ta tin.

 

Nhiều người cố gắng giải quyết vấn đề mặc cảm tội lỗi bằng cách tự nhủ rằng trên đời nầy chẳng có gì là đúng, chẳng có gì là sai. Vì vậy không có lý do để mang mặc cảm tội lỗi. Đây không phải là cách đối phó với nan đề nầy. Đa-vít cho biết chúng ta giải quyết mặc cảm tội lỗi khi nhận thức được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là thế nào, thậm chí chính tiêu chuẩn công nghĩa của Ngài lên án chúng ta. Một khi chúng ta thú tội thì Đức Chúa Trời sẽ khôi phục lại tâm linh chúng ta. Đây là bài học áp dụng quan trọng nhất được rút ra từ sự sa ngã của Đa-vít.

 

Một bài học ứng dụng khác cũng được tìm thấy qua tội lỗi của Đa-vít đó là ai nấy sớm muộn gì rồi cũng sẽ gặt những gì mình đã gieo. 2 Sa-mu-ên 11 – 18 cho thấy Đa-vít đã gặt lấy những hậu quả đó. Câu chuyện của Đa-vít cũng như những phần khác trong Kinh thánh dạy chúng ta những bài học giống nhau. Nó nói đến 3 sự kiện về tội lỗi và 3 sự kiện về cứu chuộc.

 

Thứ nhất, tội lỗi sẽ dẫn đến hình phạt. Hình phạt đối với tội lỗi là một trong những điều khẳng định rất rõ ràng trong Kinh thánh. Tội lỗi dẫn đến hình phạt, hình phạt trong hiện tại và hình phạt trong tương lai. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời phải sai Chúa Jêsus giáng thế làm người. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết hình phạt của tội lỗi là tin vào sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá.

 

Chúng ta bước vào đời với bản án định sẵn, cách duy nhất để thoát khỏi bản án trong tương lai là tin vào Chúa Jêsus Christ. Ai tin thì không còn bị kết án, nhưng nếu ai không tin thì họ đã bị kết án rồi vì không chịu tin đến Chúa Cứu thế Jêsus Christ. Chúng ta được cứu thoát khỏi địa ngục khi đặt lòng tin nơi Ngài.

 

Tuy nhiên, hơn một nửa những lần Kinh thánh dùng từ cứu rỗi thì lại không có ý nói đến tương lai. Nó ngụ ý việc được cứu khỏi những hình phạt của tội lỗi ngay trong hiện tại. Chúng ta được cứu khỏi một đời sống hoang phí. Đời sống hoang phí được xem như là một phần của hình phạt trong hiện tại. Khi Chúa Jêsus nói về địa ngục, Ngài dùng chữ “Gehenna.” Gehena là một nơi rất rộng để người ta đổ rác ngoài thành Giê-ru-sa-lem, đó là nơi mà “sâu bọ chẳng hề chết và lửa chẳng hề tắt.” Bạn có thể ngửi mùi của nó từ nơi xa hằng mấy cây số. Khi nói đến Gehena thì người ta nghĩ đến những gì bỏ đi và không có giá trị. Chúa Jêsus dạy rằng địa ngục và Gehena có ý nghĩa giống nhau.

 

Một hình phạt khác trong hiện tại là xiềng xích hay sự thống trị của tội lỗi. Con người không có tự do thật. Chúa Jêsus đã nói rất nhiều về xiềng xích của tội lỗi. Con người không thể làm điều họ muốn làm, con người làm những gì họ phải làm. Họ bị chế ngự bởi những thói quen và sự bắt buộc. Điều này có nghĩa là con người không có sự tự do thật. Sự cứu rỗi giải phóng con người ra khỏi vòng nô lệ. Tội lỗi gây ra hậu quả trong hiện tại lẫn tương lai.

 

Khía cạnh thứ hai đó là quyền lực của tội lỗi. Nếu tội lỗi có sức mạnh đánh gục một người như Đa-vít thì hiển nhiên nó có một sức mạnh rất lớn. Cả câu chuyện của Đa-vít được đúc kết lại qua lời của Phao-lô trong 1 Co 10:12, “Bởi vậy, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” Trong câu tiếp theo, Phao-lô nói rằng, “Sự cám dỗ là điều thường xảy ra cho con người.” Nếu bậc thánh nhân như Đa-vít mà còn bị quyền lực của tội lỗi đánh gục thì chúng ta là ai mà nghĩ rằng mình sẽ không nao núng gì trước sức mạnh của nó?” Cần nhớ rằng tội lỗi có một sức mạnh ghê ghớm, và đừng bao giờ xem thường sức mạnh của nó.

 

Sự kiện thứ ba liên quan đến tội lỗi là nó có một giá phải trả. Ngày nay, tại một số tiệm, các món hàng đều được đính với cái nhãn ghi giá tiền của món hàng đó. Cái nhãn ghi giá tiền của tội lỗi rất cao. Phao-lô nói rằng, “hậu quả của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Phao-lô không phải chỉ đề cập đến sự chết theo nghĩa đen, nhưng là hậu quả đầy cay đắng, đau khổ mà người phạm tội phải gánh lấy. Tội lỗi luôn luôn rồi phải trả giá và giá đó chính là sự chết.

Bài trướcNgày 14/9/2016: Ba Điều Quan Trọng Phải Có
Bài tiếp theoBài 75: Quyền Năng Của Chúa Giê-Xu (TT)