Bài 7: Sự Sáng Tạo Có Đáng Tin? (Phần 1)

1872

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta bắt đầu khảo sát sách Sáng Thế ký bằng cách xem Đức Chúa Trời đã  phán dạy điều gì về sự sáng tạo.

 

Chữ Sáng thế ký chỉ về một điều gì bắt đầu hay khởi sự. Trở lại với bài học trước, Sáng thế ký được viết ra không phải chỉ để trình bày những gì đã xảy ra trong quá khứ, Đức Chúa Trời không bị bắt buộc phải giải thích cho chúng ta điều gì cả. Sở dĩ Ngài cho ghi chép lại để giúp chúng ta hiểu các sự việc đó có ý nghĩa gì cho ngày hôm nay.

 

Điều nầy đúng với tất cả các chủ đề khác trong sách Sáng thế ký; và đương nhiên, nó cũng đúng với mọi điều Chúa dạy về sự sáng tạo trời đất. Tôi xin trích đọc một số câu trong chương đầu tiên của sách Sáng thế ký:

 

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.

 Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.

Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.

Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.

Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.

Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành.”

 

Câu hỏi về sự sáng tạo trong Sáng thế ký rất phổ thông. Trong những cuộc tranh luận, nhiều người nghĩ rằng Kinh thánh không nói điều gì khác hơn là sự sáng tạo. Đây là đề tài mà các sinh viên thường muốn tranh luận.

 

Có hai quan niệm cực đoan về sự sáng tạo trong Kinh thánh. Thứ nhất, là lập trường của các nhà khoa học cho rằng, bản ký thuật về  sự sáng tạo trong Kinh thánh là không có giá trị về  mặt khoa học. Do đó,  họ  phủ nhận Kinh thánh là  lời được linh cảm bởi Đức Chúa Trời. Trái lại là lập trường thứ hai, những người rất bảo thủ thì đặt ngược vấn đề, “Xét theo Kinh thánh thì liệu khoa học có đáng tin không?” Đối với họ, chính khoa học chứ không phải là Kinh thánh cần được trắc nghiệm. Đối với họ, không phải là “Kinh thánh có phù hợp với khoa học không, nhưng khoa học có phù hợp với Kinh thánh không”?  Thật ra vấn đề là thế nầy: Kinh thánh và khoa học có tương hợp với nhau khi đề cập về sự sáng tạo không?

 

Trước tiên, thử đặt vấn đề, “Có thể nào một người vừa là khoa học gia vừa là Cơ Đốc nhân không?” Dựa theo cách mà các nhà  khoa học định nghĩa về khoa học, chúng ta không tránh khỏi vài rắc rối. Hiển nhiên, một nhà khoa học vẫn có thể  là người có niềm tin nơi Thiên Chúa. Không thiếu gì các khoa học gia sùng đạo. Tuy nhiên, dựa theo định nghĩa về khoa học, một nhà khoa học không thể  là một  người hữu thần; hoặc một người hữu thần thì không thể là một khoa học gia. Thế giới của các nhà khoa học là số liệu, dữ kiện hoặc hiện tượng có thể quan sát được. Các dữ kiện có thể  được nghiên cứu một cách khách quan. Dựa trên sự  quan sát các dữ kiện khách quan, họ tiến hành các thí nghiệm. Từ đó, họ đi đến các kết luận và áp dụng. Khoa học và phương pháp khoa học là như vậy. Khó khăn thứ  hai, đó là một nhà khoa học sẽ không có tinh thần khoa học nếu ông vận dụng đức tin. Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 11:6 dạy rằng:

 

“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.”

 

Câu Kinh thánh nầy không hề  nói rằng, trừ khi quí vị là các nhà khoa học, quí vị không thể nào đến cùng Đức Chúa Trời. Ngài không có một kế hoạch cứu rỗi đặc biệt dành riêng cho các nhà khoa học. Nhà khoa học cũng phải đến với Đức Chúa Trời bằng đức tin như mọi người khác. Và cũng chính đức tin đó  giúp chúng ta sống một đời sống làm hài lòng Đức Chúa Trời.

 

Khi một nhà khoa học tiếp nhận món quà đức tin giống như những người khác, khi họ tin vào thế giới siêu nhiên, khi họ tiếp cận với Đức Chúa Trời và sống một đời sống hài lòng Ngài thì dựa theo cách định nghĩa về  khoa học, họ không còn hành xử một cách khoa học nữa. Đức Chúa Trời là Thần linh; do đó, bất cứ ai đến  với Ngài và thờ lạy Ngài thì phải đến bằng tâm linh. Điều nầy không thuộc lĩnh vực khoa học. Khi chúng ta học hỏi về Đức Chúa Trời, về  sự  tạo dựng trời đất hoặc các hiện tượng siêu nhiên, hoặc sự mặc khải, hoặc phép lạ, chúng ta không còn ở trong phạm vi của khoa học.

 

Dầu vậy, tôi xin trình bày một số các điểm tương đồng giữa Sáng thế ký và khoa học. Có những điểm rất tương đồng đầy lý thú giữa bản ký thuật của Sáng thế ký về nguồn gốc của mọi vật và niềm tin của các khoa học gia về căn nguyên của vũ trụ. Dựa theo phần dẫn nhập Kinh thánh, khi đến với chủ đề sáng tạo cũng như khi đến với bất cứ phần nào trong Kinh thánh, chúng ta nên hỏi những câu hỏi như sau: “Điều gì được nói ở đây? Nó có nghĩa gì? Và nó có nghĩa gì đối với tôi.”  Hãy tự hỏi câu thứ nhất: “Điều gì được nói về sự sáng tạo?” Một trong những chữ cần lưu ý, đó là chữ “dựng nên.” Chữ nầy được xuất phát từ tiếng Hê-bơ-rơ “bara”, nó chỉ được dùng 3 lần trong bản ký thuật về sự sáng tạo. Thứ nhất: ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất; thứ hai: từ nước Ngài dựng nên; và cuối cùng Ngài dựng nên con người.

 

Ban đầu, có một hành động của bara hay sáng tạo. Kết quả hành động đầu tiên của sự sáng tạo là trời hay là vũ trụ và đất. Đất có khả năng sản xuất các loài thực vật. Mọi điều nầy là kết quả của hành động đầu tiên của sự sáng tạo. Hành động thứ hai của sự sáng tạo xảy ra trong nước. Điều nầy được nói trong chương 1 câu 21. Kết quả của hành động sáng tạo thứ nhì là sự sống của súc vật. Cuối cùng, hành động sáng tạo thứ ba nhằm tạo dựng con người. Xin hãy để ý điều nầy: Giữa 3 hành động của sự sáng tạo, sách Sáng thế ký dùng những chữ mô tả điều mà có thể phát triển hay thay đổi. Kinh thánh chép rằng “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Khi Ngài tạo dựng trời đất, chúng không có hình thể và trống không; chúng ở trong tình trạng ướt, ẩm thấp và tối. Câu thứ hai cho biết, Thần của Đức Chúa Trời bắt đầu vận hành trên sự sáng tạo nầy. Giữa câu một và câu hai nhiều người đưa ra giả thiết tạm gọi là “Thuyết Đại biến.” Thuyết nầy cho rằng, một cơn đại biến nào đó đã xảy ra sau câu một khiến tiêu hủy hoàn toàn công trình sáng tạo thứ nhất; do đó, Đức Chúa Trời phải thực hiện hành động sáng tạo thứ hai. Thuyết nầy cho rằng, Đức Chúa Trời không thể nào tạo nên một điều gì vô hình, ẩm thấp và tối tăm. Thưa quí vị, quí vị phải luôn luôn tự nhắc câu hỏi nầy: “Kinh thánh nói điều gì?” Nói một cách thẳng thắn, Kinh thánh không hề đề cập gì cả về cơn đại biến. Kinh thánh không nói rằng, một điều gì đó đã xảy ra cho công trình sáng tạo thứ nhất, rồi nó trở thành vô hình và trống không. Kinh thánh nói rằng, thế giới lúc bấy giờ là vô hình và trống không. Theo các nhà thần học, nó ở trong tình trạng hỗn độn. Và Kinh thánh cũng dạy rằng, Thần của Đức Chúa Trời bắt đầu vận hành trên công trình sáng tạo, thay đổi và làm cho nó phát triển. Giữa câu 1 và 21, có những chữ như phân ra, hợp lại, xuất hiện. Ví dụ, Kinh thánh  chép là đất khô bày ra hay xuất hiện. Điều nầy có nghĩa đất đã không được tạo dựng tại thời điểm nó xuất hiện. Nó đã được tạo dựng từ lúc ban đầu; và hiển nhiên, nó bị che phủ bởi nước. Vào một thời điểm nhất định, khi Đức Chúa Trời phân nước với nước thì đất khô liền xuất hiện. Điều khá lý thú, các nhà khoa học như cổ sinh vật học và địa chất học quả quyết rằng, trái đất đã từng ở dưới nước. Đây chính là điểm tương đồng giữa khoa học và bản ký thuật của Sáng thế ký.

 

Chữ bara có nghĩa là sáng tạo; được dịch nôm na là tạo dựng, có nghĩa là tạo nên một điều gì đó từ chỗ không có gì cả. Tuyệt đối không có gì cả. Đức Chúa Trời đã thực hiện một bara và kết quả là có các sự vật hiện hữu. Sáng tạo khác với chế tạo. Ví dụ, chúng ta cưa một khúc cây thành từng miếng nhỏ, bào cho trơn rồi đóng lại thành bàn hay ghế. Đây không phải  là sự sáng tạo, mà là sự chế tạo. Chế tạo có nghĩa là chúng ta thay đổi dạng thể của một cái gì đã hiện hữu rồi. Những chữ từ câu 2 đến câu 21 là những chữ mang ý nghĩa đó: thay đổi một điều gì đã có sẵn rồi. Đây không phải là sự sáng tạo theo ý nghĩa của chữ bara.

 

Hành động sáng tạo thứ nhất, mặc dầu đã tạo nên vũ trụ, trái đất và cây cối, nhưng chưa tạo nên súc vật. Bởi vậy, cần phải có một hành động sáng tạo khác từ nước. Một lần nữa các nhà khoa học quả quyết rằng, sự sống của các loài súc vật bắt đầu tư trong nước, như Sáng thế ký đã nói. Nhưng chưa đủ, cần có hành động sáng tạo thứ ba, vì sự sống của súc vật không tiến hóa thành sự sống của con người. Hành động sáng tạo thứ ba từ câu thứ 26 và 27. Kết quả của sự sáng tạo thứ ba là sự tạo dựng con người. Khi học về sự sáng tạo trong sách Sáng thế ký từng câu một cách cẩn thận và đối chiếu với thuyết tiến hóa vô thần, quí vị sẽ khám phá rằng, Sáng thế ký đã đề cập đến ba bế tắc trong thuyết nầy. Cả ba lần Kinh thánh chép rằng, “Đức Chúa Trời dựng nên!” Tại những chỗ mà Kinh thánh khẳng định Đức Chúa Trời dựng nên, các nhà tiến hóa vô thần đã lúng túng đưa ra các giả thiết về ba chỗ bế tắc nầy.

 

Hãy đọc chương một của sách Sáng thế ký và cẩn thận nghiên cứu câu chuyện sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo dựng; và Ngài vẫn tiếp tục công việc đó. Ngài muốn tạo dựng trong quí vị một tấm lòng mới. Nếu quí vị đang lắng nghe chương trình nầy, nhưng hãy biết rằng, nếu qua đời hôm nay, quí vị sẽ không được ở cùng Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài chưa tạo dựng nên trong quí vị một tấm lòng mới. Tôi mời quí vị thưa với Chúa trong giờ nầy: “Chúa ơi, con cần quyền năng sáng tạo của Ngài trong đời sống con. Hỡi Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên trời, đất, vạn vật và loài người. Con muốn biết Ngài, con muốn Ngài tạo nên trong con một tấm lòng mới. Xin giúp con đi theo đường lối của Ngài.” Nếu quí vị đã cầu nguyện như vậy, xin hãy tiếp xúc với chúng tôi. Chúng tôi sẽ gởi biếu quí vị những tài liệu căn bản để hiểu biết thêm về Đấng tạo hóa và cũng là Cha trên trời của quí vị. Trân trọng kính chào. 

 

Bài trướcBồi Linh Huấn Luyện Mục Sư, Truyền Đạo, Chấp Sự Tỉnh Bến Tre.
Bài tiếp theoBài 279: Mọi Sự Đều Trong Sạch