Bài 67: Đức Chúa Trời Nhậm Lời

1907

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Những bài vừa qua giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về sáu sách lịch sử trong Cựu ước là hai sách Sa-mu-ên, hai sách Các vua và hai sách Sử ký. Những sách nầy ghi về các triều vua của Y-sơ-ra-ên. Khi tiếp cận với những sách đó, điều chúng ta luôn luôn để ý đến là khái niệm Nước Đức Chúa Trời. Nó hết sức quan trọng khi chúng ta học đến Tân ước. Giống như những sách lịch sử khác trong Kinh thánh, có hai điều quan trọng chúng ta cần phải chú tâm đến đó là: các gương tốt cũng như những điều cảnh cáo. Phaolô nói rằng, “Mọi điều đó xảy ra cho họ nhằm làm gương cho chúng ta là những người sống vào thời kỳ cuối cùng.” Câu chìa khóa cho lịch sử Cựu ước được tìm thấy trong 1 Co 10:11. Do đó chúng ta phải luôn luôn tìm những gương tốt để noi theo và những gương xấu để tránh xa khi học về câu chuyện lịch sử trong Kinh thánh. Những sách lịch sử Cựu ước chứa đầy những gương tốt lẫn gương xấu. Đây là những sách lịch sử, không phải là chuyện dân gian hư cấu.

 

Trước đây sách 1 & 2 Sa-mu-ên là một, cũng giống như hai sách Các vua và hai sách Sử ký trước đây là một. Vậy khi đến với hai sách 1 & 2 Sa-mu-ên là chúng ta đến với 1 sách toàn bộ vậy. Chúa dạy cho chúng ta qua những nhân vật được ghi lại trong sách Sa-mu-ên. Có rất nhiều nhân vật, một số người trong họ là những gương tốt, một số người là những gương xấu. Tuy nhiên, có 3 nhân vật chính trong cả hai sách mà nay chúng ta gọi chung là sách Sa-mu-ên. Tám chương đầu nói về đời sống và sự lãnh đạo của một người đồng thời cũng là tác giả của sách đó là Sa-mu-ên. Sa-mu-ên là một gương sáng ngời mà Đức Chúa Trời dùng để dạy chúng ta nhiều điều.

 

Chương 9 đến chương 15 nói về vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ. Đời sống của Sau-lơ là một gương xấu và để lại lời cảnh cáo nghiêm trọng cho chúng ta. Khi học chi tiết hơn về Sau-lơ, chúng ta thấy Chúa khuyến cáo chúng ta qua nhân vật nầy. Bắt đầu từ chương 16 của 1 Sa-mu-ên cho đến cuối 2 Sa-mu-ên, nhân vật chính là Đa-vít. Đa-vít là vị vua tốt nhất trong những vị của Y-sơ-ra-ên và là một người hết sức quan trọng trong Kinh thánh.

 

Một số họ là những nhân vật khổng lồ thuộc linh. Hiển nhiên Môi-se là người trên hết dựa vào những gì ông đã đóng góp cho công việc của Đức Chúa Trời. Trong giây lát nữa chúng ta sẽ thấy Sa-mu-ên là nhân vật quan trọng. Đa-vít là một nhân vật quan trọng nhất nếu xét theo những gì ông đã cống hiến cho công việc Đức Chúa Trời cũng như số trang mà Kinh thánh đã dành cho ông. Chúng ta nhắc lại rằng 11 chương đầu của Sáng thế ký đã gói ghém toàn bộ lịch sử của sự sáng tạo và văn minh nhân loại trong buổi sơ khai. Nhưng từ chương 12 đến 22 chỉ nói về một người, đó là Áp-ra-ham. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời thì câu chuyện về Áp-ra-ham quan trọng hơn cả lịch sử của sự khai thiên lập địa và mọi sự kiện khác trong 11 đoạn đầu của Sáng thế ký. Chúng ta thấy Đức Thánh Linh rất thận trọng trong việc Ngài dành bao nhiêu câu, bao nhiêu chương cho mỗi một nhân vật hoặc mỗi đề tài. Các nhân vật nầy rất quan trọng vì Kinh thánh đã dành rất nhiều trang để nói về họ.

 

Khi nhìn Đa-vít theo quan điểm  đó, chúng ta sẽ thấy ông quan trọng đến mức nào. Có bao nhiêu chương dành riêng để ghi về cuộc đời của ông? Thật ra một nửa sách 1 Sa-mu-ên và nguyên sách 2 Sa-mu-ên nói về Đa-vít. Đa-vít cũng là nhân vật quan trọng vì ông đã viết một nửa Thi thiên. Thi thiên là sách được nhiều người ưa chuộng. Chúng ta sẽ hiểu Thi thiên sâu sắc hơn nếu biết về tiểu sử của Đa-vít. Những Thi thiên của Đa-vít cho biết điều gì đã xảy ra trong cuộc đời của ông tại thời điểm ông cảm tác nó. Nếu chúng ta quen thuộc với 1 & 2 Sa-mu-ên và hiểu bối cảnh lịch sử của Thi thiên, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn sứ điệp và các bài học dưỡng linh. Vì thế, Đa-vít là một nhân vật rất quan trọng vì nhiều trang sách trong Kinh thánh đã đề cập đến ông.

 

Vậy ba nhân vật chính mà chúng ta sẽ học hỏi ở sách của Sa-mu-ên là Sa-mu-ên, Sau-lơ và Đa-vít. Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về Sa-mu-ên. Tám chương đầu của 1 Sa-mu-ên nói về ông. Sa-mu-ên nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm.” Bất cứ khi nào một tên trong Kinh thánh chấm dứt với chữ “ÊN” gồm hai mẫu tự “Ê” và “L” thì chúng ta  biết rằng nó có liên quan đến Đức Chúa Trời, giống như Đa-ni-ên chẳng hạn. Chữ ÊN trong tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về Đức Chúa Trời. Sa-mu-ên hay “Đức Chúa Trời nhậm” là một tên rất thích hợp để chỉ về Sa-mu-ên. Sa-mu-ên được sanh ra là kết quả của việc Đức Chúa Trời nhậm lời cầu xin của mẹ ông tên là An-ne. An-ne là một gương tốt trong Kinh thánh. Mỗi lần có lễ dâng con thì tên của bà lại được nhắc đến. An-ne bị chứng hiếm muộn, không thể sinh con. Vào thời đó con cái được xem là một phước hạnh của Đức Chúa Trời. Bà đã khẩn thiết cầu nguyện xin Chúa ban cho một đứa con. Vì bà tuôn đổ lòng mình trong sự khẩn nguyện nên thầy tế lễ Hê-li tưởng rằng bà bị say rượu. Hê-li nói với An-ne rằng, “Bà kia, đi dã rượu đi.” An-ne giải thích cho ông biết rằng bà không say rượu nhưng là vì bà tha thiết xin Chúa ban cho một đứa con. Thầy tế lễ Hê-li cảm động và chúc phước cho bà rằng Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời cầu nguyện của bà. Và Đức Chúa Trời đã làm điều đó. An-ne có thai. Sau khi Sa-mu-ên chào đời, An-ne nuôi dưỡng cho đến ngày dứt sữa rồi đem cậu bé lên đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời. An-ne đã hoàn toàn phó thác con mình cho Ngài.

 

Như vậy Sa-mu-ên là kết quả của một lời cầu xin của người mẹ, điều này khiến tên “Sa-mu-ên” hay “Đức Chúa Trời nhậm” rất tương xứng. Tên này cũng thích hợp vì khi còn là một cậu bé rất nhỏ ở trong đền thờ với thầy tế lễ Hê-li thì Sa-mu-ên đã nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời. Chúa phán với Sa-mu-ên những điều rất đáng kinh sợ. Thầy tế lễ Hê-li là người đã nuôi dưỡng Sa-mu-ên như một người cha nhưng ông đã trở nên không vâng lời Đức Chúa Trời. Hê-li không kỷ luật những người con trai của ông. Những việc xấu xa đồi bại đã xảy ra tại đền thờ chỉ vì thái độ dung túng nầy. Đức Chúa Trời đã phán với cậu bé Sa-mu-ên rằng Ngài sẽ cất chức thầy tế lễ khỏi dòng dõi Hê-li vì ông đã không có biện pháp nào với những đứa con hư đốn của mình. Tên của Sa-mu-ên hay “Đức Chúa Trời nhậm” cũng thích hợp khi ông trở nên người trưởng thành. Kinh thánh ghi rằng,

 

Sa-mu-ên trở nên khôn lớn, Đức Giê-hô-va ở cùng người: Ngài chẳng để một lời nào của người ra hư.

Từ Đan cho đến Bê-e-sê-ba, cả Y-sơ-ra-ên đều biết rằng Sa-mu-ên được lập làm tiên tri của Đức Giê-hô-va.

 

Cả Y-sơ-ra-ên đều nghe sứ điệp của Đức Chúa Trời do Sa-mu-ên rao giảng, ông là một tiên tri đầy uy tín ngay từ khi mới bước vào chức vụ. Do ba lý do trên mà tên của ông “Đức Chúa Trời nhậm” thật xứng hợp vậy.

 

Sa-mu-ên đã làm gương cho chúng ta trên nhiều phương diện. Thứ nhất, cùng với mẹ, Sa-mu-ên nêu một gương sáng về việc dưỡng dục con cái theo tinh thần Cơ đốc. Nhiều người cho rằng để trở nên một người phục vụ Chúa hữu dụng, người đó phải lăn lộn với cuộc sống và nếm đủ mọi đắng cay ngọt bùi. Người đó phải xông xáo vào trường đời để chiến đấu cho niềm tin của mình, họ phải chung vai sát cánh với mọi người. Điều đó sẽ khiến họ trở nên những tiên tri hay thầy tế lễ hay Mục sư có kết quả. Nhưng cuộc đời của Sa-mu-ên và Giăng Bap-tít là một chứng cớ đi ngược lại với quan điểm trên. Chúa Jêsus khẳng định rằng Giăng Báp-tít là một người vĩ đại nhất trong số những người đã được sinh ra. Xa-cha-ri là một người cha rất tin kính đã cho Giăng Báp-tít được nuôi dưỡng trong đồng vắng. Giăng Báp-tít được trưởng dưỡng và chăm sóc đức tin trong đồng vắng cho đến khi ông bắt đầu chức vụ ở độ tuổi 30. Giăng chỉ rao giảng trong thời gian 18 tháng, tức là vỏn vẹn có một năm rưỡi, tuy nhiên Chúa Jêsus đã gọi ông là người vĩ đại nhất trong những người đã từng được sinh ra. Giăng đã được ấp ủ chớ không bị tung vào giữa dòng đời để chịu ảnh hưởng của thế gian. Ông đã trải qua một quá trình chăm sóc đầy đủ trước khi chính thức bước chân vào chức vụ.

 

Sa-mu-ên cũng giống như Giăng. Thầy tế lễ Hê-li dưỡng dục Sa-mu-ên trong đền thờ. Sa-mu-ên đã được dạy về Đức Chúa Trời và Lời của Ngài ngay từ khi còn là một em bé. Bởi vậy, Sa-mu-ên là một chứng cớ cho thấy nếu con trẻ được dưỡng dục tốt trong đức tin thì sau nầy chúng sẽ hữu dụng cho nhà Đức Chúa Trời như thế nào. Cuộc đời của Sa-mu-ên là một bài học trong việc duỡng dục con cái. Kenneth Scott Latourette là người viết sách 1 cuốn sách về lịch sử Hội thánh rất có giá trị, ông cũng là phụ trách môn học nầy tại trường thần học Yale. Ông đã nói rằng, trong suốt lịch sử của Hội thánh, những người đã tạo được ảnh hưởng với thế giới là những người đã được dưỡng dục tốt tại gia đình. Xin đừng nghĩ rằng bạn phải trở nên những tay trùm du đãng hoặc những viên chức tham nhũng, sống trong cảnh tù tội rồi mới phục vụ Chúa cách hữu hiệu. Thực tế có xảy ra một số trường hợp, nhưng đây là ngoại lệ chớ không phải phổ thông. Thông thường các giáo sĩ xuất thân từ những gia đình mà cha mẹ họ là  giáo sĩ hoặc từ những gia đình chịu ảnh hưởng Cơ Đốc. Ngày nay nhiều người đang phục vụ Chúa là con cái của những giáo sĩ và họ đã được lớn lên ở những công trường truyền giáo. Những giáo sĩ nầy là kết quả của việc duỡng dục giống như Sa-mu-ên hay Giăng Báp-tít.

 

Sa-mu-ên đã đóng góp rất lớn cho công việc Chúa. Ông đã đánh dấu một bước đổi thay trong lịch sử của người Hê-bơ-rơ bằng cách đem họ ra khỏi tình trạng thuộc linh đen tối dưới thời cai trị của các quan xét. Giai đoạn này kéo dài đến 400 năm, và đó là những tháng ngày tăm tối trong lịch sử của người Y-sơ-ra-ên. Họ ở trong tình trạng khủng hoảng lãnh đạo.

 

Sa-mu-ên được xem là quan xét sau cùng. Ông không những đóng vai của tiên tri, thầy tế lễ, quan xét mà còn nhà lãnh đạo chính trị. Ông không những lãnh đạo thuộc linh nhưng còn lãnh đạo chính quyền. Sa-mu-ên đặt nền móng cho những nhà lãnh đạo tương lai như Đa-vít và các vị tiên tri lớn sau này. Chúa đã dùng ông để xức dầu cho vị vua sáng chói nhất trong lịch sử của người Do Thái đó là vua Đa-vít. Suốt cả cuộc đời, Sa-mu-ên chứng tỏ rằng ông là một nhà lãnh đạo xuất sắc về thuộc linh lẫn chính trị. Ông đã trung tín và thành công cho đến cuối cùng. Nhiều người trong Kinh thánh lẫn trong lịch sử của giáo hội đã khởi đầu rất tốt đẹp và đầy triển vọng nhưng trong giai đoạn cuối họ không còn giữ được tinh thần ban đầu.

 

Tóm lại, Sa-mu-ên là người nghe tiếng Chúa, nhận lãnh sứ điệp từ nơi Ngài và vâng lời Chúa rao giảng sứ điệp đó. Cuộc đời của ông là một gương sáng cho chúng ta. Tuy nhiên, trong bài tiếp theo chúng ta sẽ khảo sát một nhân vật tương phản với Sa-mu-ên. Người đó không ai khác hơn là Sau-lơ. Cuộc đời của của ông là những trang sử buồn thảm và đã được ghi lại nhằm cảnh cáo chúng ta.

 

 

Bài trướcTHƠ: Lòng Cha
Bài tiếp theoBài 67: Chúa Giê-Xu Bị Ma Quỷ Cám Dỗ – Các Môn Đệ Đầu Tiên