Bài 67: Chúa Giê-Xu Bị Ma Quỷ Cám Dỗ – Các Môn Đệ Đầu Tiên

7114

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Ma-thi-ơ 4:1-25

 

Đề tài chính của Ma-thi-ơ 4 là: Sự cám dỗ của Chúa Giê-xu trong đồng vắng, sự khởi đầu chức vụ của Ngài tại Ca-bê-na-um, và sự kêu gọi bốn người môn đệ ở vùng biển Ga-li-lê.

 

CHÚA GIÊ-XU BỊ CÁM DỖ

 

Chúng ta hãy theo những diễn tiến trong sách Ma-thi-ơ. Chúa Giê-xu xuống trần, được sinh ra giữa chúng ta và được trở nên như loài người chúng ta. Ngài được nuôi nấng và lớn khôn như những trẻ em khác, nhưng Ngài là người trọn vẹn và không có tội lỗi nào hết. Bây giờ, qua phép báp-tem của Chúa, Ngài được liên hiệp với chúng ta, Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trên Ngài. Giờ đây, Ngài sẽ chịu những cám dỗ. Có một vài câu hỏi cần phải được trả lời. Liệu Ngài có thể chịu đựng và vượt qua những sự cám dỗ hay không?

 

Chữ “cám dỗ” có 2 nghĩa:

 

Xui giục hay dẫn dụ đến từ ma quỉ. Trong mỗi chúng ta có sự yếu đuối nào đó mà nó có thể xui khiến làm theo ma quỉ. Tuy nhiên đối với Chúa Giê-xu thì không phải như vậy: “Vì vua chúa thế gian nầy hầu đến; người chẳng có chi hết nơi ta.” (Giăng 14:30). Ngài “thánh khiết, không tội lỗi, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội.” (Hê-bơ-rơ 7:26). Do đó, sự cám dỗ đến với Chúa Giê-xu phải khác hơn là sự cám dỗ mà có thể làm cho chúng ta bị vấp ngã. Sự cám dỗ mà Chúa Giê-xu chịu lớn hơn là sự cám dỗ của chúng ta nhiều lắm.
Thử nghiệm. Theo Gia-cơ 1:13 Đức Chúa Trời không cám dỗ chúng ta. Tuy vậy, chúng ta được nói là “Chúa thử Áp-ra-ham” (Sáng thế ký 22:1). Điều nầy có nghĩa là Chúa muốn thử nghiệm đức tin của Áp-ra-ham.

 

Bây giờ Chúa Giê-xu bị cám dỗ. Ngài có thể bị sa ngã không?  Chắc chắn rằng KHÔNG!  Ngài sẽ không bị vấp ngã trước những sự cám dỗ, bởi vì nếu như Ngài thất bại thì chúng ta sẽ không bao giờ có được một Chúa Cứu Thế nào cả.

 

Có thể chúng ta sẽ hỏi: “Nếu như Chúa Giê-xu không bị vấp ngã, vậy thì sự cám dỗ của Ngài cần thiết và hợp lẽ không? Khi một chiếc xe đời mới được sản xuất thì nó phải được thử nghiệm trước để xem nó có được hoàn hảo để sử dụng không. Và mỗi viên hột xoàn thiệt đều được thử nghiệm trước để chắc rằng đó không phải là hột xoàn giả. Cũng một cách ấy, Chúa Giê-xu đã chịu cám dỗ để chứng minh những gì Ngài đã nói về chính mình là thật.

 

Tại sao Chúa Giê-xu bị cám dỗ? Đó là để chứng minh, bày tỏ rằng Ngài không thể bị vấp ngã. Vì sự cám dỗ của Ngài lớn hơn sự cám dỗ của chúng ta nhiều lắm. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng ở mức độ rất giới hạn. Giả sử như chúng ta bị cám dỗ ngày càng gia tăng, ngày càng nặng nề hơn, cho đến một lúc nào đó thì chúng ta cũng phải chịu thua. Nhưng Chúa Giê-xu không bao giờ bỏ cuộc, mặc dầu những sự áp lực tiếp tục gia tăng.

Một đặc điểm lạ lùng khác về sự cám dỗ này, khi chúng ta so sánh và đối chiếu với sự cám dỗ của bà Ê-va. Trước hết, Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong đồng vắng, trong khi đó bà Ê-va bị cám dỗ trong khu vườn Ê-đen.

 

Sứ đồ Ma-thi-ơ ký thuật sự cám dỗ của Chúa Giê-xu như sau: 

Ma-thi-ơ 4:1-3, “Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.”

Đây cũng là cách cám dỗ đối với bà Ê-va. Trước hết là về “thể xác.”  Bà trông thấy cái cây có vẻ ăn ngon (Sáng thế ký 3:6). Chúa Giê-xu bị thách thức biến đá thành ra bánh. Trong I Giăng 2:15,16 nói rằng có sự cám dỗ như vậy đối với những cơ đốc nhân, và được gọi là “sự ham muốn của xác thịt.”

  

Ma-thi-ơ 4:4, “Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”

Lời nầy cũng được tìm thấy trong sách Phục truyền Luật lệ ký 8:3. Chắc chắn Chúa Giê-xu biết về sách Phục truyền Luật lệ ký, và Ngài tin rằng sách nầy là Lời của Đức Chúa Trời mặc khải.

 

Bây giờ là cám dỗ thứ nhì: Ma-thi-ơ 4:5-6, “Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, Thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, Kẻo chơn ngươi vấp nhằm đá chăng.”

 

Ma quỉ dùng Lời Chúa trong Thi Thiên 91:11, 12, mặc dầu nó nói một cách không trung thực lắm.  Bây giờ, đây là sự cám dỗ thuộc về “tâm linh.”  Đối với bà Ê-va, bà thấy trái cây “quí vì để mở trí khôn.” Đối với những Cơ Đốc nhân hôm nay đó thì đó là sự “kiêu ngạo về đời sống.”

    

Ma-thi-ơ 4:7, “Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.”

Ngài đã dùng lời Chúa trong sách Phục truyền Luật lệ ký 6:16 để đối đáp lại với ma quỉ.

 

Cám dỗ thứ 3 về “tâm lý.” Ma-thi-ơ 4:8-9, “Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.”

Ma quỉ chỉ cho Ngài các nước trên thế gian, cùng sự vinh hiển của các nước ấy. Đây là một sự cám dỗ về tâm lý. Con người thường có sự ham muốn về quyền thế.  Bà Ê-va cũng gặp phải một sự cám dỗ như vậy, bà muốn “sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác (Sáng thế ký 3:5). Nhiều người trong chúng ta đã bị gục ngã trước cám dỗ nầy.

 

Hãy chú ý về sự trả lời của Chúa Giê-xu: “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4:10)

Ngài đã dùng những câu trong sách Phục truyền Luật lệ ký 6:13 và 10:20.  Chúng ta thấy Chúa của chúng ta mỗi khi trả lời với ma quỉ đều dùng Kinh Thánh cả. Dĩ nhiên, đây là một sự nhắc nhở cho tất cả chúng ta cần có Lời Chúa trong lòng mình luôn.

Tại sao nhiều người trong chúng ta lại gặp phải những sự khó khăn trong đời sống của Cơ Đốc nhân?  Đó là vì họ thiếu sự hiểu và chú tâm đến Lời Chúa. Chúng ta hãy để ý là Chúa của chúng ta lúc nào cũng dùng Kinh Thánh để trả lời với ma quỉ. Lời Chúa có sự giải đáp cho những nan đề của chúng ta. Chúa có câu trả lời đối với những khó khăn của chúng ta, và câu trả lời nầy nằm trong Lời Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta nên biết về Kinh Thánh nhiều hơn những gì mà chúng ta đang biết.

 

Mỗi khi trả lời cho ma quỉ, Chúa Giê-xu đã dùng Kinh Thánh. Ngài không nói, “Ta nghĩ là” hoặc “Ta tin là có một cách hay để làm điều nầy.” Ngài đã nói một cách khẳng định rằng Lời Chúa có chép như vầy.  Ngài đã dùng Lời của Đức Chúa Trời để trả lời. Và đối với những con cái Chúa điều nầy rất cần thiết.

Tiếp theo đó, hình như ma quỉ nghĩ rằng nó đã đưa ra những câu nói rất hay bởi vì trong câu kế chúng ta đọc:

 

Ma-thi-ơ 4:11, “Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.”

Lu-ca 4:13 cho chúng ta biết ma quỉ tạm lìa khỏi Ngài.  Có thể nó trở lại những ngày sau đó và tiếp tục cám dỗ. Nó cám dỗ Chúa Giê-xu suốt đời sống của Ngài. Đặc biệt, chúng ta thấy sự cám dỗ của ma quỉ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi mà Chúa Giê-xu chịu đựng những sự đau khổ không lường nổi.

 

Bây giờ, chúng ta hãy tóm lược lại những diễn tiến xảy ra trong cuộc đời của Chúa, và ghi nhận những bài học cho chúng ta.

Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giê-xu được sinh ra như là một vị Vua, Ngài đã được giới thiệu như là một vị Vua, Ngài đã chịu phép báp-tem như một vị Vua, và bây giờ chúng ta thấy Ngài chịu cám dỗ như một vị Vua. Trong suốt  sách Tin Lành của Ma-thi-ơ nói Ngài là một vị Vua.

Sự cám dỗ nầy cho thấy nhiều điều. Một trong những điều đó là ma quỉ là một con người.  Trong sự tiếp xúc với Chúa Giê-xu, nó được xem như là người ta. Điều nầy trả lời cho những người tin Kinh Thánh mà đã có những câu hỏi về ma quỉ, bởi vì có người cho rằng ma quỉ chỉ là một sự ảnh tưởng vô hình mà thôi.

Chúng ta cũng để ý về sự xảo quyệt của ma quỉ. Đầu tiên, nó nói rằng, “Nếu ngươi là con của Đức Chúa Trời thì hãy biến đá nầy thành bánh đi.” Nói một cách khác, nó muốn Ngài chứng minh theo một cách thức mà không phải là của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, không có một sự cám dỗ nào có thể cám dỗ Chúa làm điều tội lỗi. Đối với Ngài, đó sẽ không phải là một sự cám dỗ thật sự, vì Chúa Giê-xu luôn làm điều thiện. Nhưng bởi vì bánh là vật cần thiết cho đời sống, biến đá thành bánh sẽ là một điều tốt. Và về sau, trong chức vụ của Chúa Giê-xu, Ngài đã hóa bánh cho nhiều người ăn. Nhưng những sự cám dỗ của ma quỉ nhắm vào để làm cho Chúa Giê-xu vượt qua ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống Ngài.

 

Chúng ta cũng thấy qua suốt những cuộc cám dỗ, Chúa Giê-xu đã dùng Lời của Đức Chúa Trời để trả lời cho ma quỉ. Nói một cách khác, Ngài dùng gươm của Thánh Linh (Ê-phê-sô 6:17) để chống lại với kẻ thù của Chúa và con người. Mỗi khi trả lời, Ngài nói, “Vì có lời chép rằng …” Chúng ta cần phải thông thạo cách dùng gươm của Thánh Linh.  Đó là vũ khí của chúng ta trong những ngày mà chúng ta cần hiện nay và vũ khí nầy rất là hiệu quả. Xin để ý rằng Chúa Giê-xu trích dẫn từ sách Phục truyền Luật lệ ký.

Điều thứ hai, ma quỉ muốn Chúa Giê-xu làm là trở nên một vị lãnh tụ tôn giáo nhờ vào quyền phép lạ thường, hơn là tỏ bày đầy uy quyền của Ngài, theo phương cách mà Đức Chúa Trời đã đề ra. Phương cách của ma quỉ làm mất đi thập tự của Đấng Christ. Ma quỉ muốn khiến Chúa Giê-xu trở nên vị lãnh tụ nhờ quyền năng phép lạ.

Ngày hôm nay rất nguy hiểm cho chúng ta bị gạt gẫm bởi những người được gọi là “người làm phép lạ.” Ngay bây giờ, nhiều người cố gắng tìm những người chữa bịnh bằng đức tin.

 

Ma quỉ đã trở lại và cũng dùng Kinh Thánh.  Nó nói: “Vì Ngài sẽ ban lệnh cho thiên sứ Ngài. Thiên sứ sẽ nâng ngươi trên bàn tay mình, e chơn ngươi vấp nhầm hòn đá chăng.” (Thi Thiên 91:11-12). Ma quỉ rất hay trong việc dùng Kinh Thánh, nhưng nó dùng không được đúng.  Shakes          peare nói rằng ma quỉ có thể trích dẫn Kinh Thánh cho mục đích của nó; nhưng thật ra là ma quỉ có thể trích dẫn sai lệch Kinh Thánh cho mục đích của nó. Ma quỉ đã chừa lại một câu quan trọng từ đoạn Kinh Thánh mà nó đã dùng trong Thi Thiên 91. Nó bỏ đi câu: “Bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi” Đó là phần rất quan trọng của đoạn Kinh Thánh nầy. Ma quỉ cố gắng làm cho Chúa Giê-xu quên đi đường lối của Đức Chúa Trời. Cho nên chúng ta không thể ép Chúa làm một điều nào đó, dùng Chúa như người làm việc cho chúng ta và chịu dưới quyền điều khiển của mình. Chúng ta không thể làm như vậy! Chúa là Đấng tối cao và chúng ta chỉ là những vật thọ tạo. Ngài là Đấng Tạo Hóa. Chúng ta phải đầu phục ý muốn của Chúa, chứ không phải ý muốn riêng của chúng ta. Đây là điều quan trọng cần nhận biết.

 

Một điều khác về sự cám dỗ nầy, một câu hỏi có thể được nêu ra, ma quỉ hứa ban cho Chúa Giê-xu các nước của thế gian. Ma quỉ có vương quốc nào để cho không? Hãy suy nghĩ về việc này trước khi chúng ta cố gắng tìm câu trả lời. Chúa Giê-xu không có thách thức ma quỉ về việc nó có các nước trên thế gian để cho hay không. Ngài không nói với nó: “Ngươi không thể cho ta các nước trên thế gian vì ngươi không có đâu để mà cho.” Ma quỉ đang cầm quyền trong thế gian, nó có thể điều khiển nhiều người, nhiều thế lực theo ý muốn của nó.

 

Trong câu 11 chúng ta thấy sau khi cám dỗ lần thứ ba, ma quỉ tạm lìa Chúa Giê-xu, không hoàn toàn rời hẳn. Dĩ nhiên, nó không để cho Chúa yên, nó sẽ trở lại.

 
CHÚA GIÊ-XU KHỞI ĐẦU CHỨC VỤ CỦA NGÀI TẠI CA-BÊ-NA-UM

 

Ma-thi-ơ 4:12-13, “Vả, khi Đức Chúa Jêsus nghe Giăng bị tù rồi, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê. Ngài bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Ca-bê-na-um, gần mé biển, giáp địa phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li.”

 

Chúa Giê-xu lánh khỏi khu vực Giê-ru-ra-lem bởi vì Giăng bị vua Hê-rốt bắt và bỏ tù.  Bây giờ, Chúa Giê-xu tạm dời địa điểm Ngài từ phía nam về phía bắc, và từ Na-xa-rét, quê hương của Ngài tới thành Ca-bê-na-um. Ma-thi-ơ không cho chúng ta biết nhiều về chi tiết của sự dời đổi này trong phần ghi chép của ông. Đây là một thí dụ cụ thể cho thấy rằng, bốn sách Tin Lành không phải được có cùng ý ghi chép một cách giống nhau. Quyển nầy không phải là bổn sao của một trong những quyển sách kia. 

 

Nhưng ai cố gắng để phối hợp bốn quyển sách Tin Lành là một sai lầm lớn.  Có một mục sư đã viết một quyển sách tựa đề “Tại sao có bốn sách Tin Lành?” Trong đó đã cố gắng cho thấy rằng mỗi quyển sách được viết với một mục đích khác nhau. Không có quyển nào nhắm vào mục đích ghi lại tiểu sử của Chúa Giê-xu. Không ai có thể viết điều đó. Sách Ma-thi-ơ được viết cho thành phần tôn giáo và trước hết là cho quốc gia Do Thái. Thật ra, quyển sách nầy được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Papias và Eusebius, cả hai vị giáo phụ nầy đều nói vậy, và cũng như nhiều người khác nữa trong giai đoạn đó.

 

Mặc dầu Ma-thi-ơ không cho chúng ta biết nhiều về chi tiết của sự dời về thành Ca-bê-na-um, nhưng chúng ta học được từ các sách Tin Lành khác rằng, Chúa Giê-xu đã bị khước từ ở quê hương của Ngài. Ca-bê-na-um trở thành địa bàn chủ yếu của Ngài cho đến giờ phút Ngài đi đến thành Giê-ru-sa-lem để chịu đóng đinh.

Ma-thi-ơ sẽ cho chúng ta biết lý do Ngài đã dời địa điểm từ thành Na-xa-rét tới thành Ca-bê-na-um, để cho thấy trong mọi sự Chúa Giê-xu làm là để ứng nghiệm về lời của các tiên tri thời Cựu Ước.

 

Ma-thi-ơ 4:14-16, “Để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, Ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, Tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại, Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn; Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, Thì ánh sáng đã mọc lên.”

 

Chúng ta tìm thấy lời tiên tri nầy trong Ê-sai 9:1-2 và Ê-sai 42:6-7. Chúng ta không đi sâu vào lai lịch của khu vực nầy, được gọi là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại, nhưng nếu muốn nghiên cứu thêm, chúng ta sẽ tìm thấy những sự hữu ích trong sự hiểu biết về hoàn cảnh của khu vực đang lúc Chúa Giê-xu còn tại đó. Vùng nầy được gọi là xứ của người ngoại vì có nhiều người từ đế quốc La Mã dồn về đó ở. Có một nơi nghĩ mát tốt quanh vùng bờ hồ Ga-li-lê, nhưng đây chỉ là những nơi ăn chơi trác tạc. Mặc dầu những người tại đó sống gần thành Giê-ru-sa-lem, nhưng họ rất xa với Đức Chúa Trời.

 

Sự sáng của Chúa Giê-xu đã đến với họ và sự hiện diện của Ngài đã tạo nên trách nhiệm cho những người nầy. Họ chứng kiến nhiều phép lạ của Ngài, nhưng lại có rất ít sự hưởng ứng về những phép lạ đó. Về sau, trong Ma-thi-ơ 11:20-24, Ngài rao báo sự đoán phạt đối với họ trong câu: “Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin.”

Tại Ca-bê-na-um, Chúa Giê-xu đã tiếp tục công tác mà Giăng Báp-tít đã rời bỏ.

    

Ma-thi-ơ 4:17, “Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.”

 

Sứ điệp của Chúa Giê-xu là “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.”  Thiên đàng đã đến gần trong con người của một vị Vua, họ không thể có nước thiên đàng mà không có Ngài.  Như chúng ta đã thấy, nước thiên đàng, nói theo một cách đơn giản, là sự tể trị của các từng trời trên mặt đất.  Đây là điều mà Chúa Giê-xu sẽ mang đến trái đất nầy trong một ngày nào đó.  Trái đất nầy sẽ trở nên “thiên đàng” cho dân Do Thái, một dân tộc trên đất, và họ sẽ đi vào sự vĩnh cửu ngay tại nơi đây. Trong khi hội thánh có hy vọng thiên đàng, nhưng hy vọng trên đất là hy vọng của Cựu ước.

 

CHÚA GIÊ-XU KÊU GỌI NHỮNG MÔN ĐỆ

 

Bây giờ Chúa bắt đầu kêu gọi các môn đệ theo Ngài.  Để ý đến những câu sau đây:

Ma-thi-ơ 4:18-19, “Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.”

 

Trong các sách Tin lành, Chúa Giê-xu đã có ít nhất là ba lần kêu gọi những người môn đệ, hay nói một cách chính xác hơn, là có ba lần gặp mặt giữa Chúa và những người nầy. Lần gặp gỡ đầu tiên được xảy ra tại Giê-ru-sa-lem như đã dược chép trong Giăng 1:35-42. Lần gặp gỡ thứ nhì tại vùng biển Ga-li-lê. Những người môn đệ này đã gặp Chúa Giê-xu trước đây, những lúc đó Ngài chưa kêu gọi họ theo Ngài. Bây giờ, tại bờ hồ Ga-li-lê, khi Ngài gặp lại họ, Ngài đã kêu họ theo Ngài. Nhưng rồi sau đó chúng ta thấy họ đi đánh cá trở lại. Mác và Lu-ca cho chúng ta chi tiết đó. Và sau cùng, Ngài kêu gọi họ lần nữa và trở nên những sứ đồ.

 

Điều lạ lùng vì Chúa Giê-xu lại kêu gọi những con người như vậy. Ngài kêu gọi những người không hoàn toàn như những người môn đệ này, thì Ngài cũng có thể dùng chính mỗi chúng ta. Đó là một điều khích lệ khi chúng ta nhận biết rằng không phải những người thánh thiện mới được Chúa dùng đến. Nhưng cho dầu chúng ta có làm bất cứ nghề nào đi nữa thì Chúa vẫn có thể dùng chúng ta. 

Nhiều năm trước đây có một phụ nữ trong hội thánh nọ, bà hoàn toàn không biết mở lời mỗi khi muốn làm chứng về Chúa, nhưng bà có thể làm bánh rất ngon. Bà thường hay than thở về việc mình không có khả năng chứng đạo. Một ngày kia Mục sư Quản nhiệm đã nói với bà rằng: “Bà có bao giờ nghĩ là Chúa muốn dùng bà trong việc làm bánh cho Hội Thánh không?” Việc nầy nghe qua có vẻ hơi kỳ, nhưng thật sự thì không. Điều quan trọng đối với chúng ta là dâng chính mình cho Ngài. Dưới sự điều khiển của Chúa, Ngài sẽ không để tất cả chúng ta cùng làm một công việc giống nhau, bởi vì Ngài ban cho chúng ta những ân tứ khác nhau. Hội Thánh của Chúa có nhiều hội viên, và tất cả đều có những phần trách nhiệm khác nhau để thực hiện.

 

Ma-thi-ơ 4:20-22, “Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.”

Đây là những người rất là cảm mến, chúng ta sẽ biết họ nhiều hơn khi chúng ta học tiếp tục, và đặc biệt là khi chúng ta thấy họ trong các sách Tin lành khác. Hiện thời chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-xu đang ở miền bắc của Do Thái.

    

Ma-thi-ơ 4:23, “Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân.”

 

Xin hãy chú ý là Chúa Giê-xu đang dạy dỗ trong các nhà hội, và Ngài giảng dạy Tin lành của nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Rất đông người tiếp nhận Chúa Giê-xu. Ngài cũng chữa lành mọi thứ bệnh tật của họ. Có ngàn người trong những ngày đó đã được Chúa Giê-xu chữa lành.  Ma-thi-ơ đã đặc biệt cho chúng ta biết điều đó. Nếu như chúng ta để ý thì thấy rằng đây không phải là chỉ có một vài trường hợp lẻ tẻ, nhưng cả ngàn người đã được chữa bịnh. Đó là lý do tại sao những kẻ thù nghịch Chúa Giê-xu thắc mắc về quyền phép của Ngài.

 

Ma-thi-ơ 4:24-25, “Vậy, danh tiếng Ngài đồn ra khắp cả xứ Sy-ri, người ta bèn đem cho Ngài mọi người đau ốm, hay là mắc bịnh nọ tật kia, những kẻ bị quỉ ám, điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa cho họ được lành cả. Vả lại, từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài.”

 

Đê-ca-bô-lơ là một miền gồm 10 thành phố phía bắc của xứ Ga-li-lê, phía đông của sông Giô-đanh. Cũng có nhiều người đến từ Giê-ru-sa-lem, từ Giu-đê và khắp xứ Pha-lét-tin.  

Xin chúng ta ghi nhớ là sách Tin Lành Ma-thi-ơ không có ý hướng cho chúng ta bản ký thuật lịch sử về đời sống của Ngài, nhưng trình bày cho chúng ta Giê-xu là Vua của nước thiên đàng. Nếu chúng ta không theo dõi được mục đích này của Ma-thi-ơ cũng bị lạc đi.

 

Ngày nay ma quỷ vẫn còn cám dỗ tấn công những người theo Ngài, hầu việc Ngài, xin Chúa cho chúng ta biết dùng Lời của Ngài mà thắng sự cám dỗ. Nguyện xin Chúa gìn giữ các mỗi chúng ta luôn an lành.

       

 

 

Bài trướcBài 67: Đức Chúa Trời Nhậm Lời
Bài tiếp theoBồi Linh Phụ Nữ Tỉnh Bến Tre 2016