Bài 66: Vương Quốc của Đức Chúa Trời (TT)

1913

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Một trong những cụm từ rất quan trọng giúp chúng ta hiểu Kinh thánh cả Cựu ước lẫn Tân ước đó là “Nước của Đức Chúa Trời” hay “Vương quốc của Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Trời muốn chúng ta lưu ý đặc biệt về chủ đề nầy vì Ngài cho phép 6 sách được ghi lại để nói về Nước của Đức Chúa Trời. Các học giả xem hai sách Sa-mu-ên, hai sách Các vua và hai sách Sử ký là các sách viết về vương quốc  trong Cựu ước.

 

Khi đọc qua các sách lịch sử nói về các triều vua, chúng ta thấy có sự nhấn mạnh về khái niệm Nước Đức Chúa Trời. Để hiểu được tầm quan trọng Nước Đức Chúa Trời trong Tân ước, chúng ta phải hiểu khái niệm Nước Đức Chúa Trời trong Cựu ước. Theo Cựu ước, Nước Đức Chúa Trời chỉ về một nước mà Đức Chúa Trời là vua, Ngài cai trị trên nước của Ngài. Chúa muốn Ngài là vua của tuyển dân Y-sơ-ra-ên, còn họ là thần dân trong nước của Ngài. Bởi vậy khái niệm Nước Đức Chúa Trời trong Cựu ước được hiểu theo nghĩa đen. Nói cách khác, Chúa muốn vương quốc của Ngài bao gồm những con người cụ thể, sống tại một lãnh thổ nhất định vào một thời điểm nhất định của lịch sử. Chúa muốn làm vua của họ, Ngài muốn những người đó sống dưới vương quyền của Ngài ngay trên đất nầy. Đó chính là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã gián tiếp nói với Đức Chúa Trời qua Moise rằng, “Chúng tôi không muốn lối cai trị đó. Chúng tôi chỉ muốn có vua giống như các dân tộc khác.” Chúa đã trả lời rằng, “Được rồi, Sa-mu-ên sẽ cho biết điều gì xảy ra khi các ngươi có vua. Các ngươi sẽ được thỏa mãn những gì lòng mình mong muốn.” Cuối cùng họ đã có vua. Và kết quả là gì? Những sự đau lòng và thương tâm.

 

Bạn cảm thấy thế nào khi đọc qua những sách lịch sử ghi về các triều vua dân Y-sơ-ra-ên? Có người sau khi đọc xong thì  nói rằng, “Tôi chưa bao giờ đọc điều gì kinh khủng như vậy. Nếu không bởi Thánh Linh thì tôi không thể đọc xong. Thật kinh hoàng.” Đúng vậy, khi đọc những sách ghi lại các triều vua, bạn sẽ thấy kinh sợ, Đức Chúa Trời không muốn họ có vua vì Ngài biết điều gì sẽ xảy ra cho họ. Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, nhưng trách nhiệm đó thuộc về các vua của họ vì phần lớn những vua nầy đều gian ác trước mặt Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên cũng chịu trách nhiệm vì họ muốn những vua này. Xin chúng ta đừng quên điều đó khi đọc những sách về các triều vua.

 

Giá trị lớn lao trong việc đọc sách lịch sử về các triều vua, ở chỗ nó giúp chúng ta hiểu đúng khái niệm Nước Đức Chúa Trời trong Tân ước. Kết quả mà các vua đã đem lại cho dân Y-sơ-ra-ên là vương quốc bị chia đôi, dân chúng bị lưu đày và mọi nỗi thống khổ đi kèm với việc đày ải là 400 năm yên lặng. Không có điều gì xảy ra cả trong suốt thời gian này. Đức Chúa Trời không hề nói gì cả từ thời điểm cuối cùng của lịch sử người Hê-bơ-rơ ở sách Nê-hê-mi cho đến thời Tân ước. Bốn trăm năm hoàn toàn yên lặng. Vào lúc mà Đức Chúa Trời đánh tan sự yên lặng thì một lần nữa dân Y-sơ-ra-ên lại bị ngoại xâm. Lần này họ bị thống trị bởi người La Mã. Họ phải sống với bao nỗi đắng cay. Tuy nhiên, Giăng Báp-tít và Chúa Jêsus đã phá tan sự yên lặng đang bao trùm. Chúa và Giăng đã làm gì? Ngài và Giăng đã giảng dạy về tin mừng của Nước Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa gì? Lu-ca chương 17, Chúa Jêsus phán rằng, “Khi ta nói với các ngươi tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, ta không có ý nói rằng Đức Chúa Trời muốn vương quốc của Ngài phải gồm có lãnh thổ và phải mang tính chất lịch sử. Đó là điều mà các ngươi đã khước từ hằng mấy trăm năm trước đây. Nay ta công bố cho các ngươi một tin mừng đó là Đức Chúa Trời mong muốn làm Vua của các ngươi trở lại. Nhưng Nước Đức Chúa Trời được hình thành trên từng cá nhân. Nước Đức Chúa Trời ở trong lòng các ngươi. Bài học về những gì mà Chúa Jêsus đã tuyên bố đó là bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, trai hay gái đồng ý giương cờ trắng đầu hàng và thưa với Chúa rằng, “Con muốn Ngài làm vua của con, con muốn được làm thần dân của Ngài,” thì họ sẽ trở nên công dân trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Họ đã thấy Nước Đức Chúa Trời và đã bước vào trong Nước của Ngài.

 

Khi Chúa Jêsus nói chuyện với Ni-cô-đem về sự sanh lại, thì đây không phải là điểm kết thúc, nhưng điểm kết thúc chính là vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus nói với ông rằng, “Ni-cô-đem, ai muốn được nhìn thấy Nước Đức Chúa Trời  thì họ cần trải qua một kinh nghiệm . Người đó phải sanh lại. Chỉ khi họ sanh lại, họ mới có con mắt thuộc linh để biết rằng Đức Chúa Trời muốn làm vua của họ. Sau khi họ nhìn thấy Nước Đức Chúa Trời thì họ mới bước vào trong nước đó.” Phao-lô nói cùng một ý trong 1Co 12:3, “Nếu không bởi Thánh Linh thì không ai có thể xưng rằng Jêsus là Chúa.”

 

Mục sư Dick Woodward kể về chức vụ của ông như sau, “Trong buổi huấn luyện với các chấp sự, tôi đặt một số câu hỏi cho họ là những người sinh hoạt trong Hội thánh nhiều năm. Liên quan đến những câu hỏi này, tôi yêu cầu họ đọc phần nữa sau của Ma-thi-ơ chương sáu để học về các tiêu chuẩn giá trị của Chúa Jêsus. Tôi cũng gợi ý để họ suy nghĩ và trả lời hai câu hỏi. Thứ nhất: Theo sự dạy dỗ của Chúa Jêsus ở Mat 6:19-34, thì thứ tự ưu tiên trong đời sống của tôi là gì? Trong những điều ưu tiên nầy, điều gì là quan trọng nhất? Tôi xin họ ghi xuống câu trả lời và gợi ý rằng, “Xin quý ông trả lời những câu hỏi này dựa trên kinh nghiệm  của mình, những thứ tự ưu tiên trong đời sống thể hiện qua việc quý ông dùng thời gian như thế nào, dùng tiền bạc như thế nào, dùng năng lực như thế nào, dùng tình cảm như thế nào. Hay nói cách khác quý ông đã dùng cuộc đời của mình như thế nào.” Tôi nói, “Xin hãy thành thật với các câu trả lời, nếu muốn quý ông có thể chia sẻ, bằng không quý ông không buộc phải trả lời. Hãy làm điều này vì lợi ích cho chính mình.” Sau khi dành 4 giờ với các câu hỏi nầy, chúng tôi ngồi lại với nhau. Tôi hỏi, “Có ai muốn chia sẻ điều gì không?” Sau một hồi yên lặng khá lâu, một ông nói, “Tôi sẽ nói cho quý vị nghe. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Chúa Jêsus và Đức Chúa Trời phải chiếm ưu tiên và quan trọng nhất trong đời sống của tôi. Ngài phải được tôn lên hàng đầu.” Tôi hỏi, “Vậy trước đây ông chưa hề biết điều đó sao?” Ông đáp, “Chưa, tôi không hề biết điều đó.” Thật không thể nào tưởng tượng được là ông ấy lại không hiểu điều này vì tôi đã từng giảng dạy về điều đó suốt 10 năm trong Hội thánh tôi.” Cuối cùng cho đến khi chính ông suy nghĩ riêng cho chính mình thì ông hiểu được.

 

Thế rồi tôi nói tiếp, “Còn câu hỏi thứ hai thì sao? Dựa vào việc quý ông dùng thì giờ, tiền bạc, năng lực thì điều gì là những ưu tiên trong đời sống của quý ông? Chúa Jêsus dạy rằng “Của cải các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi cũng ở đó.” Điều này có nghĩa là hãy xem lại các hóa đơn, sổ sách chi tiêu trong hai năm để biết mình đã dùng tiền như thế nào, xem lại cuốn nhật ký hai năm vừa rồi để biết mình dùng thời gian như thế nào. Từ đó quý ông sẽ biết lòng của mình đang hướng về điều gì.” Ông ấy nói, “Điều quan trọng nhất trong đời sống của tôi là chính tôi, vợ tôi,  đứa con trai của chúng tôi và sự bảo đảm về vấn đề tài chánh.” Ông nêu ra 6 điều và kết luận, “Tôi tự hỏi Chúa đang ở  đâu trong đời sống mình?”

 

Sau khi nhiều người trong vòng họ tâm tình như vậy, tôi nói, “Với cả sự chân thành, tôi xin chia sẻ vài điều với quý vị. Chúa Jêsus dạy rằng nếu ai được tái sanh, người đó sẽ thấy được Nước Đức Chúa Trời và được bước vào trong Nước của Ngài. Khi được sanh lại, quý vị bước vào trong mối liên hệ mà Đức Chúa Trời là Vua của quý vị. Nhiều người nói rằng, quý vị chưa bao giờ thấy được lẽ thật nầy và quý vị cũng thẳng thắn nhận rằng mình chưa bước vào trong mối liên hệ đó. Bây giờ tôi xin phép hỏi, quývị đã được tái sanh chưa? Nếu Chúa Jêsus dạy rằng sự tái sanh sẽ dẫn đến mối liên hệ mới với Đức Chúa Trời thì quý vị nghĩ rằng mình đã được tái sanh chưa? Nói cách khác, mục đích của sự tái sanh là quý vị có thể thấy và bước vào Nước Đức Chúa Trời. Nếu nói rằng quý vị chưa thấy, chưa bước vào trong Nước Đức Chúa Trời thì cũng có nghĩa là quý vị chưa kinh nghiệm sự tái sanh.

 

Sứ đồ Phao-lô dạy rằng, nếu không bởi Đức Thánh Linh thì chúng ta không thể xưng Jêsus là Chúa. Ông muốn nói gì tại đây? Nhiều người xưng Jêsus là “Đấng Cứu thế” nhưng lại chưa bao giờ kinh nghiệm Jêsus là Chúa. Họ tin cậy Ngài là Đấng cứu rỗi linh hồn, nhưng chưa bao giờ họ cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm chi? Xin Ngài hãy làm Chúa và làm Vua của con.” Chúa Jêsus khẳng định rằng kết quả đầu tiên của sự sanh lại đó là chúng ta nhận thức rằng Đức Chúa Trời muốn làm vua trên đời sống chúng ta. Có thể lắm chúng ta không tôn Ngài làm vua cách tuyệt đối trong đời sống mình, nhưng ít nhất chúng ta sẽ sống trong mối liên hệ mà Đức Chúa Trời là vua của mình. Đó là ý nghĩa của nhóm từ Nước Đức Chúa Trời. Khái niệm nầy rất đơn giản nhưng nhiều người làm cho nó trở nên phức tạp. Chúa Jêsus phán, “Nếu các ngươi không sanh lại thì không thể thấy được Nước Đức Chúa Trời.” Chúa không có ý nói “Nếu không sanh lại thì sau khi qua đời các ngươi sẽ không thể thấy thiên đàng hay hưởng được thiên đàng. Chúa không nói về thiên đàng sau sự chết. Quay trở lại với Cựu ước, chúng ta biết đây không phải là ý nghĩa của Nước Đức Chúa Trời. Cho nên việc lược khảo sáu sách lịch sử là điều quan trọng vì nó giúp chúng ta hiểu Nước Đức Chúa Trời có nghĩa gì và Nước Đức Chúa Trời không có nghĩa gì.

 

Chúa Jêsus đã đến để rao giảng về  tin mừng của Nước Đức Chúa Trời. Phao-lô cũng giảng dạy, chia sẻ những điều liên quan đến Nước Đức Chúa Trời. Xin khẳng định một lần nữa rằng, Nước Đức Chúa Trời là một khái niệm rất quan trọng. Lời cầu nguyện của chúng ta là, “Nước Cha được đến.” Khi phân loại các thứ tự ưu tiên, Nước Đức Chúa Trời phải trở thành hàng đầu của chúng ta. Nếu tưởng tượng những ưu tiên trong cuộc đời chúng ta giống như một cái đích gồm có nhiều vòng tròn đồng tâm, ở ngay chính giữa là tâm điểm rồi vòng số một, số hai, ba, bốn … thì tâm điểm chính là Nước Đức Chúa Trời. Khi đọc 1Sa-mu-ên, chúng ta sẽ khám phá Nước Đức Chúa Trời có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn làm vua của chúng ta. Khi chúng ta không muốn Ngài làm vua của mình thì chúng ta có quyền chọn đi theo ý riêng, nhưng nên nhớ rằng sớm muộn gì rồi chúng ta cũng gặt lấy hậu quả của sự lựa chọn đó.

 

Sau khi dân Y-sơ-ra-ên gặt bao nhiêu hậu quả thảm khốc, Đức Chúa Trời đã yên lặng một thời gian dài. Cuối cùng Ngài đã đánh tan không khí yên lặng bằng sự rao truyền một tin mừng, “Đức Chúa Trời muốn làm vua của chúng ta.” Nước của Ngài ở ngay tại mỗi cá nhân. Điều then chốt là bạn thấy Nước Đức Chúa Trời và bạn có bằng lòng bước vào trong mối liên hệ đó với Ngài, ngay bây giờ, ngay hôm nay để tôn Ngài làm vua và bạn làm thần dân của Ngài không?  Đây chính là điều quan trọng nhất khi học đến những sách lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Nếu hiểu được khái niệm nầy trong Cựu ước, nó sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa trong Tân ước. Mục đích của sự tái sanh và kết quả đầu tiên của sự tái sanh là Nước Đức Chúa Trời. Khi được sanh lại, chúng ta sẽ thấy Nước Đức Chúa Trời và bước vào trong nước của Ngài. Bạn đã thấy Nước Đức Chúa Trời chưa? Bạn đã bước vào trong Nước của Ngài chưa? Bạn đã được tái sanh chưa?

 

Bài trướcThư Mời V/v Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Tân Hiệp – Kiên Giang
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Hai Tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu