Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sách tiếp theo mà chúng ta cùng nhau lược khảo trong các sách lịch sử của Cựu ước là sách 1 Sa-mu-ên. Xin phép được nhắc lại là các sách lịch sử được chia ra làm 3 loại. Thứ nhất là những sách lịch sử mang ý nghĩa hình bóng, gồm 3 sách Các quan xét, Giô-suê và Ru-tơ. Bên cạnh dữ kiện lịch sử, các sách này còn mang những ý nghĩa hình bóng. Mọi việc đã xảy ra là các gương để khuyến cáo chúng ta là những người sống vào thời kỳ cuối cùng.
Phần thứ hai tiếp theo là 6 sách, gồm 1&2 Sa-mu-ên, 1&2 Các vua, 1&2 Sử ký được ghi theo thứ tự thời gian. Phần nầy được gọi là “những sách lịch sử về các triều vua.” Sách 1 Sa-mu-ên còn được xem là sách thứ nhất của Các vua. Sách 2 Sa-mu-ên gọi là sách thứ nhì của Các vua. Cứ như vậy sách mà chúng ta thường gọi là 1 & 2 Các vua được gọi là sách Các vua thứ ba và thứ 4. Theo các học giả thì những sách nầy nói về Vương quốc của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là chúng ta cần biết là mục đích khi lược khảo những sách nầy. Hãy điều đó khi chúng ta đi qua hai sách của Sa-mu-ên.
Điều thứ nhất mà chúng ta nên tìm hiểu là khái niệm về Nước của Đức Chúa Trời. Nước của Đức Chúa Trời là một khái niệm rất then chốt. Trong phần giữa của bài giảng trên núi, Ma-thi-ơ chương 6, Chúa Jêsus nói về các giá trị, thứ tự ưu tiên và sau khi đề cập đến những điều mà chúng ta cho là quí giá, Chúa phán, “Trước tiên hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời.” Chúa Jêsus cũng dạy môn đồ cầu nguyện rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh, Nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời. Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày…” Trước khi Chúa dạy “Xin cho chúng con …” thì 3 lần Ngài bảo chúng ta hãy đặt Đức Chúa Trời vào hàng đầu. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện cho Danh của Đức Chúa Trời, Nước của Đức Chúa Trời và Ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cầu nguyện cho 3 điều liên quan đến Đức Chúa Trời trước khi cầu nguyện cho nhu cầu của chúng ta. Tại sao Chúa dạy các môn đồ cầu nguyện cho Nước của Đức Chúa Trời? Vì đây là một khái niệm rất quan trọng.
Chương thứ 3 của sách Giăng cho biết Chúa Jesus đã nói chuyện thâu đêm với một Ra-bi tên là Ni-cô-đem. Cuộc đối thoại xoay quanh chủ đề sanh lại. Chúa nói với Ni-cô-đem rằng, “Ngươi phải sanh lại.” Ngày nay chúng ta nói rất nhiều về sự sanh lại. Quyển sách Tái sanh của ông Chuck Colson thuật lại kinh nghiệm của tác giả về vấn đề này. Nhiều nhà lãnh đạo uy tín đã công khai thừa nhận rằng họ đã được tái sanh, nên hai chữ nầy càng trở nên phổ thông. Vậy tái sanh nghĩa là gì? Thật ra trong cuộc nói chuyện giữa Chúa Jêsus và Ni-cô-đem đề tài quan trọng không chỉ là tái sanh nhưng là Nước của Đức Chúa Trời. Chúa đã khẳng định với Ni-cô-đem rằng, “Nếu một người không sanh lại bởi nước và Thánh linh thì không thể thấy được Nước của Đức Chúa Trời.” Sự sanh lại không tự kết thúc tại đó nhưng nó nhắm đến một mục đích sau cùng. Mục đích sau cùng chính là nước của Đức Chúa Trời. Như vậy khái niệm Nước của Đức Chúa Trời rất quan trọng trong Kinh thánh. Qua các sách lịch sử: Sa-mu-ên, Các vua và Sử ký, chúng ta sẽ học biết Nước của Đức Chúa Trời có nghĩa gì.
Chúng ta nhớ lại rằng dân Y-sơ-ra-ên đã từng sống dưới sự lãnh đạo theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng rồi họ muốn đi theo ý riêng. Chúa muốn dân sự sống dưới chế độ thần quyền hay Chúa cai trị trực tiếp. Những gì mà Chúa cần trong chế độ thần quyền là tiên tri hay thầy tế lễ như Môi-se hoặc Sa-mu-ên. Khi đến với Đức Chúa Trời để cầu thay cho dân sự, họ đóng vai của một thầy tế lễ . Khi đến với dân sự để công bố Lời Đức Chúa Trời, họ đóng vai của một tiên tri. Nếu có một người làm điều này, thì Ngài có thể cai trị dân sự của Ngài qua người đó. Vị tiên tri hay thầy tế lễ sẽ là một phương tiện qua đó Chúa truyền đạt ý chỉ của Ngài và Ngài là Vua của họ. Đó là một hình thức mà Đức Chúa Trời mong muốn.
Trong sách đầu tiên của Sa-mu-ên, ông là một nhà lãnh đạo tiêu biểu trong chế độ thần quyền. Sa-mu-ên vừa là tiên tri, vừa là thầy tế lễ. Sa-mu-ên làm giống như những gì mà Môi-se đã làm. Nhưng đương thời ông, dân chúng đã yêu cầu rằng, “Chúng tôi không muốn sống dưới thể chế nầy nữa, chúng tôi muốn có một vua giống như các dân tộc chung quanh.” Sa-mu-ên rất buồn về điều đó. Ông đem vấn đề trình dâng lên Đức Chúa Trời, Ngài phán với rằng, “Đừng xem đây là vấn đề riêng của ngươi. Họ không từ bỏ ngươi, nhưng họ từ bỏ Ta. Họ không muốn Ta cai trị và làm vua của họ. Chính ta bị từ khước chớ không phải ngươi.” Rồi Chúa phán với Sa-mu-ên rằng, “Nếu họ muốn vua, hãy cho họ vua.” Đây chính là đường lối của Đức Chúa Trời. Những năm tháng lang thang trong sa mạc, Chúa đã nuôi họ bằng ma-na, thế nhưng rồi họ nói rằng họ muốn ăn thịt. Đức Chúa Trời phán, “Được, các ngươi sẽ có thịt. Không phải là một hoặc hai ngày nhưng suốt cả một tháng cho đến khi thịt tràn ra lỗ mũi đến nỗi các ngươi chán ngán, không còn ăn được nữa. Các ngươi muốn gì thì được nấy.” Đó là đường lối của Đức Chúa Trời. Thi thiên 37 Chúa hứa Ngài sẽ làm thành những điều lòng chúng ta ao ước. Đây là một lời hứa nhưng cũng là một thách thức. Những gì chúng ta ao ước và ấp ủ trong lòng thì chúng ta sẽ được điều đó.
Khi Đức Chúa Trời ban cho họ thịt thay vì ma-na, Thi thiên ghi rằng, “Ngài ban cho điều lòng họ ao ước, nhưng Ngài giáng bịnh tật làm tổn hại linh hồn chúng nó.” Khi dân Y-sơ-ra-ên muốn có một Vua, thì Đức Chúa Trời cũng làm y như vậy. Ngài phán, “Theo ý muốn của Ta, thì Ta làm vua của của các ngươi, nhưng nếu các ngươi muốn theo ý riêng thì các ngươi sẽ có vua.” Những sách 1 & 2 Sa-mu-ên, 1 & 2 Các vua, 1 & 2 Sử ký nói về những vị vua mà dân Y-sơ-ra-ên đã cầu xin, do đó nó được gọi là “Những sách lịch sử về các triều vua.”
Vị vua đầu tiên tên là Sau-lơ. Sa-mu-ên không sao tránh khỏi xúc động khi xức dầu cho vị vua đầu tiên nầy. Tuy nhiên không bao lâu sau đó, chúng ta khám phá rằng Đức Chúa Trời đã không làm việc cách suôn sẽ với vị vua này như trong trường hợp của một vị tiên tri hoặc thầy tế lễ như Môi-se hay Sa-mu-ên. Với Môi-se và Sa-mu-ên thì họ làm những gì Chúa bảo họ làm, nhưng vua Sau-lơ thì không phải như vậy, ông không vâng lời Chúa. Khi Sau-lơ không vâng lời Chúa thì Ngài không thể hành động qua ông. Chúa phán với Sa-mu-ên hãy đi cảnh cáo Sau lơ vì nếu Sau lơ không vâng lời, thì Ngài không thể dùng vua được. Khi đối diện với Sau-lơ, thì Sa-mu-ên đã thẳng thừng tuyên bố rằng, “Đức Chúa Trời lấy nước khỏi tay ngươi mà ban cho một người khác đẹp lòng Ngài, người đó sẽ làm theo mọi điều Ngài phán dạy.” Đó là lý do vì sao vị vua tiếp theo là người hết lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu một người sẵn sàng làm theo ý muốn của Chúa thì Ngài có thể làm việc qua con người đó.
Cho dầu vua là một người vâng lời hay không vâng lời Chúa thì tiên tri hay thầy tế lễ vẫn luôn luôn có mặt tại đó. Vị tiên tri hay thầy tế lễ chỉ rút lui ra phía sau sân khấu chính trường. Nếu một vị vua nào đó không đi theo đường lối của Đức Chúa Trời thì vị tiên tri hay thầy tế lễ sẽ xuất đầu lộ diện để công khai bày tỏ Lời Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài cho vị vua đó. Họ sẽ nói với vua rằng, “Vua khá làm điều vừa lòng Chúa, bằng không vua và dân sự sẽ gặt lấy hậu quả.” Điều này xảy ra thường xuyên trong những sách lịch sử về các triều vua. Chẳng hạn sau khi Đa-vít phạm tội tà dâm và sát nhân thì Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Na-than đến gặp Vua và thẳng thắn chỉ rõ hành vi tội lỗi của nhà vua. Dẫu vậy Đa-vít là vị vua tốt nhất trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Đa-vít là người vâng phục Chúa và sẵn sàng làm mọi điều Chúa muốn nên Ngài hành động qua Đa-vít. Sau khi Đa-vít qua đời thì con ông là Sa-lô-môn lên kế vị. Thoạt nhìn lúc ban đầu thì Sa-lô-môn là một người đầy hứa hẹn, là người màĐức Chúa Trời có thể dùng. Thế nhưng, khi về già, ông quay lưng từ bỏ Đức Chúa Trời để chạy theo các thần tượng ngoại bang. Ông có 700 hoàng hậu và 300 cung phi. Chính những người đàn bà nầy đã làm cho Sa-lô-môn thay lòng đổi dạ, khiến ông xa cách Đức Chúa Trời. Hậu quả đương nhiên là thảm họa đã giáng trên quốc gia mà ông cai trị.
Một cách cụ thể là sau khi ông qua đời, vương quốc bị chia đôi. Mười chi phái ở phía bắc lập thành quốc gia Y-sơ-ra-ên. Hai chi phái còn lại ở phía nam là Bên-gia-min và Giu-đa gọi chung một tên là Giu-đa. Việc đất nước bị phân đôi không phải là hậu quả do tội của Đa-vít nhưng là hậu quả do tội của Sa-lô-môn. Người A-si-ri thôn tính vương quốc phía bắc và bắt cư dân tại đó đày đi làm nô lệ. Những chi phái nầy không hề quay trở về quê cha đất tổ. Họ hoàn toàn biệt tăm biệt tích, không ai còn nhắc đến tên của họ nữa. Vương quốc phía nam bị người Ba-by-lôn xâm chiếm. Hai chi phái Giu đa và Bên-gia-min bị bắt lưu đày sang Babilon. Trong vòng 70 năm đất đai của người Y-sơ-ra-ên trở thành vô chủ vì không ai sinh sống tại đó. Sau đó người Ba tư xâm chiếm Ba-by-lôn. Điều đầu tiên xảy ra khi Ba tư chinh phục Ba-by-lôn là Si-ru đại đế có một giấc mơ. Trong giấc mơ nầy, Đức Chúa Trời đã cảm động ông ra một chiếu chỉ rằng, mọi người Hê-bơ-rơ bị bắt lưu đày tại Ba-by-lôn nay là Ba tư, được tự do trở về Y-sơ-ra-ên để xây dựng lại đền thờ và thành phố của họ.
Trên đây là phần tổng quan về lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Lịch sử Hê-bơ-rơ là một môn học khó. Tuy nhiên, không cần phải là những người rất chuyên môn về lịch sử Hê-bơ-rơ mới hiểu Cựu ước nhằm rút ra các bài học áp dụng thuộc linh thực tiễn cho đời sống của mình. Thật ra khi đọc về lịch sử Cựu ước một cách khái quát, chúng ta chỉ cần ghi nhớ 7 sự kiện liên quan đến lịch sử của người Hê-bơ-rơ là đủ.
Sự kiện thứ nhất là vương quốc được hình thành. Vì họ muốn có một vua nên Đức Chúa Trời ban cho họ vua. Hậu quả của những tội lỗi do Sa-lô-môn gây ra là vương quốc bị chia đôi, 10 vương quốc ở phía bắc và 2 vương quốc ở phía nam. Đây chính là sự kiện thứ hai. Sự kiện thứ ba là người A-si-ri xâm lăng vương quốc phía bắc, lưu đày dân cư sang những nơi khác. Sự kiện thứ 4 là sự tuyệt chủng của vương quốc phía bắc. Sau khi 10 chi phái ở phía bắc bị xâm lăng và lưu đày bởi người A-si-ri thì chúng ta không hề được nghe gì về họ cả. Sự kiện thứ năm là người Ba-by-lôn xâm chiếm và lưu đày những người thuộc vương quốc phía nam. Sự kiện thứ sáu là đế quốc Ba Tư chinh phục người Ba-by-lôn. Sự kiện thứ bảy sau cùng là sự hồi hương của những người Do Thái sau khi bị lưu đày tại đó. Nếu nắm được 7 sự kiện quan trọng nầy thì chúng ta có được một kiến thức căn bản để đọc phần Cựu ước.
Chương trình nầy chỉ mang tính chất lược khảo nên chúng ta sẽ dừng tại đây mà không đi vào chi tiết. Trong bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về khái niệm quan trọng trong Kinh thánh đó là “Vương quốc của Đức Chúa Trời.”