Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 2)

1804

THIÊN ĐÀNG

 

TỐT ĐẸP BỘI PHẦN

 

Lời giải đáp cho các câu hỏi về niềm hy vọng cuối cùng của người tin Chúa


J. Oswald Sanders

 

 

Discovery House

Publishers

 

 

Một nơi chốn hay một trạng thái?

 

Chúng ta sẽ nhận biết nhau trên thiên đàng hay không?

Thiên đàng là một nơi chốn hay là một trạng thái của tâm trí?

Người sống có thể giao tiếp được với người chết hay không?

Tôi sẽ đi đâu sau khi chết?

Có một nơi được gọi là ngục luyện tội không?

Những trẻ sơ sinh và chậm phát triển trí não thì thế nào?

 


Chúng ta sẽ nhận biết nhau trên thiên đàng hay không?

“Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.”

Ma-thi-ơ 8:11

 

Đối với nhiều người, đây là câu hỏi quan trọng nhất về sự sống sau khi chết. Đối với một số người, việc không có câu trả lời chắn chắn cho câu hỏi này đã che khuất niềm mong đợi của họ về thiên đàng. Đó sẽ là nơi không có hạnh phúc gì đối với họ nếu như không thể nhận biết được bạn bè và những người thân yêu trong quá khứ. Một trong những niềm vui để mong chờ thiên đàng là viễn cảnh của sự đoàn tụ. Câu hỏi của chúng ta đã được diễn đạt lại thật thấm thía qua những vần thơ sau:

 

Khi ta gặp các thiên thần

Khi ta gia nhập ca đoàn thiên binh

Liệu ta nhận biết bạn mình

Lúc chào thăm ở miền vinh hiển này?

 

Liệu ta nhìn thấy mắt ai

Nhìn ta mừng rỡ như ngày xưa chăng?

Nhận vòng tay ấm ân cần

Nhận ra bè bạn, người thân của mình?

 

Đối với câu hỏi đó, J.H. Bavinck đã đưa ra câu trả lời chắc chắn, một câu trả lời được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi Thánh Kinh, như sau: “Niềm hy vọng được gặp nhau trên thiên đàng là hoàn toàn tự nhiên, là bản chất thật sự của con người, và phù hợp với Thánh Kinh.”[13] Cuộc sống trên thiên đàng sẽ mang đến sự giàu có thêm, không phải sự kiệt quệ. Tác giả George Mac Donald đã có lần đặt câu hỏi châm biếm thế này: “Lẽ nào khi ở thiên đàng chúng ta lại trở nên khờ dại hơn rất nhiều so với khi chúng ta ở trên đất này?”

 

Không có đoạn Kinh Thánh nào đề xuất việc hủy bỏ tất cả những mối quan hệ trước đây khi chúng ta đến thiên đàng. Trong lá thư gửi cho Canon Barry, Ngài William Robertson Nicoll, một soạn giả tôn giáo nổi tiếng, nhắc đến quan điểm của nhà thơ Robertson Browning về chủ đề này như sau: “Điều mà tôi tiếp nhận được từ Browning… đó là trong đời sau, mỗi người chúng ta sẽ có những nhân cách riêng biệt. Và tình yêu nguyên vẹn, thánh khiết giữa những cá nhân trong cuộc đời này vốn được sáng tạo bởi Đức Chúa Trời, sẽ tiếp tục sống động trong đời sau.”[14]

 

Yếu tố thiết yếu trong nhân cách mỗi người sẽ sẽ vẫn tồn tại sau khi chết chứ không mất đi như chiếc “lều” tạm được dựng trên đất này. Thân thể được định cho phải về với cát bụi, nhưng con người bề trong là tâm linh vẫn sống, và đặc điểm nhận diện của nó trong mối liên kết với thân thể thì không bị mất đi.

 

Các thiên sứ không có thân thể, nhưng họ tồn tại và hành động như những hữu thể có tính cách riêng biệt. Nếu các thiên sứ không có thân thể nhưng vẫn nhận ra nhau thì tại sao điều này lại không thể với những người tin Chúa? Trong Đa-ni-ên 9:21 và 10:13 ghi lại rằng thiên sứ trưởng Mi-ca-ên đã đến giúp đỡ bạn đồng sự với mình là thiên sứ Gáp-ri-ên khi thiên sứ Gáp-ri-ên gặp trở ngại trong công tác bởi các thế lực của Sa-tan. Nếu các thiên sứ có thể như vậy thì tại sao con người lại không thể?

 

Sự phục hồi những mối quan hệ đã bị chia cắt được bày tỏ rõ ràng trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17.

… chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

 

 

Nếu không có sự nhận biết nhau trên thiên đàng, thì ẩn dụ của Chúa chúng ta về người giàu và La-xa-rơ là vô nghĩa sao? Và trong ví dụ về quản gia bất trung, Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ Ngài, “Còn ta nói cho các ngươi: Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời” (Lu-ca 16:9).

 

Ở đây Chúa Giê-xu cho các môn đồ biết rằng khi vào thiên đàng, họ sẽ được nghênh tiếp bởi những người từng nhận lãnh sự hào phóng từ họ khi còn trên đất. Vàng bạc đầu tư vào công việc của Đức Chúa Trời được chuyển hóa thành những linh hồn cho Đấng Christ và thành những công nhân cung ứng cho mục vụ của Ngài. Phao-lô mong chờ niềm vui khi gặp lại những người mà ông đã dẫn dắt họ đến đức tin cứu rỗi trong Đấng Christ. “Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Giê-xu chúng ta trong khi Ngài đến sao?” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19).

 

Câu Kinh Thánh đó tất nhiên nói đến sự nhận biết trong niềm hân hoan. Còn có những trường hợp khác trong Kinh Thánh về sự đoàn tụ và nhận biết. Trong khu vườn nơi phần mộ, bà Ma-ri đã không nhận ra Chúa Giê-xu sau khi Ngài phục sinh và lầm tưởng Ngài là người làm vườn. Nhưng khi bà nghe tiếng gọi trìu mến “Ma-ri!” “Mari bèn xây lại, lấy tiếng Hê-bơ-rơ mà thưa rằng: Ra-bu-ni (nghĩa là thầy)! (Giăng 20:16). Chất giọng của Ngài có thể được nhận biết ngay.

 

Vì vậy, những mối quan hệ thánh khiết và thuộc linh của đời sống trên đất sẽ không bị cắt đứt, nhưng sẽ tiếp tục ở dạng thức tinh khiết. Những mối quan hệ gia đình giữa vòng các tín hữu sẽ không bị phá vỡ. Sự chết sẽ không hủy diệt sự kết nối của chúng ta với quá khứ.

 

Ô lời chào đón tưng bừng

Ca-na-an, chốn vui mừng hân hoan

Nối tình xưa đã bỏ ngang

Để không còn phải dở dang đôi đường

 

Mắt cười lấp lánh ánh dương

Không còn ràn rụa, lệ vương mi sầu

Trẻ mồ côi chẳng còn đâu

Chẳng còn góa phụ u sầu nữa đâu.

Henry Alford

 

Tất nhiên lý lẽ mạnh nhất cho sự nhận biết những người thân yêu trên thiên đàng là sự xuất hiện chính Chúa của chúng ta trong thân thể phục sinh của Ngài, khi Ngài nói với các môn đồ rằng: “Thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có” (Lu-ca 24:39).

 

Thiên đàng là một nơi chốn hay là một trạng thái của tâm trí?

 

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”

Giăng 14:1-3

 

Chúng ta gặp khó khăn khi cố gắng dùng ngôn ngữ giới hạn của mình để mô tả những sự kiện và những hoàn cảnh vượt khỏi không gian và thời gian. Trong sách Khải huyền, sứ đồ Giăng đang cố gắng tỏ bày những điều vô hạn, không thể diễn tả được, chỉ bằng phương tiện chuyển tải mà ông có sẵn. Đó là lý do tại sao, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, ông sử dụng những từ ngữ bất toàn trên đất này để mô tả một nơi thuộc về cõi trời. Khi sứ đồ Phao-lô cố gắng mô tả kinh nghiệm về “từng trời thứ ba”, ông gặp phải vấn đề tương tự. Ông chỉ có thể nói rằng ông “nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra” (II Cô-rinh-tô 12:4).

 

Chính vì thế, đối với những bản văn mang tính biểu tượng, chúng ta không thể giải nghĩa theo nghĩa đen cứng nhắc và thiếu tính tưởng tượng như đối với các luận án khoa học. Chúng ta cũng không nên rơi vào sai lầm ngược lại khi thuộc linh hóa quá mức đối với bản văn. Những cánh cổng bằng ngọc và những con đường bằng vàng rõ ràng là hình ảnh tượng trưng và phải được làm sáng tỏ, nhưng chúng biểu trưng cho điều gì đó có thật và chắc chắn.

 

Trong lời nhận xét về vấn đề hóc búa của việc giải kinh, Alexander Maclaren đề cập đến những lý thuyết về tính vật chất của đời sống tương lai như sau:

 

Một số người thích đọc sách về du lịch trong thế giới này hơn là những lời dự đoán về thế giới tương lai. Những tiên đoán đó có thể đúng hoặc sai. Điều đó không hề quan trọng. Tôi tin rằng thiên đàng là một nơi chốn. Tôi tin rằng tính hữu hình của cuộc sống tương lai của chúng ta là điều cốt yếu đối với sự hoàn hảo của thiên đàng. Tôi tin rằng Đấng Christ mang lấy và sẽ mãi mãi mang lấy thân thể con người. Tôi tin rằng điều đó bao hàm cả vị trí, hoàn cảnh, những công việc bên ngoài… Thiên đàng là gì? Ấy là sự nên giống Đức Chúa Trời, sự yêu thương, sự thánh khiết, và mối giao thông với Ngài.

 

Thiên đàng là một trạng thái tại một địa điểm nào đó trong vũ trụ bao la của Đức Chúa Trời. Nó không phải là một nơi mang tính vật chất mà chúng ta có thể xác định từ nơi đất này. Manh mối duy nhất mà chúng ta có về nơi chốn của thiên đàng được Chúa Giê-xu bày tỏ khi Ngài phán với các môn đồ: “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, và ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3). Do đó, thiên đàng là nơi Đức Chúa Trời ở.

 

Thiên đàng không phải ở trên theo cảm nhận không gian, nhưng là từ ngữ được sử dụng để chuyển tải ý tưởng rằng nó cao hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì chúng ta biết. Trong nhân tánh, Chúa Giê-xu có thể bày tỏ lẽ thật cao siêu này cho con người chỉ bằng những từ ngữ mà chúng ta có thể hiểu được.

 

Vì vậy, đối với câu hỏi: Thiên đàng có phải là một nơi chốn không? Câu trả lời là “Phải” và “Không.” Nó không phải là một nơi chốn theo cảm nhận không gian như khi nói: Giê-ru-sa-lem là một nơi chốn. Về cơ bản, nó sẽ khác biệt so với môi trường thời gian-không gian hiện tại của chúng ta. Đối với Chúa Jêsus, thiên đàng là nơi Cha của Ngài sở hữu ngôi nhà của Ngài.

 

Nhưng ngay cả điều này cũng có vấn đề, vì “Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24). Do đó Ngài không chiếm không gian như chúng ta biết. Ngài không có hình dạng thân thể. Điều này có hàm ý rằng thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn không?

 

Tuy nhiên, chúng ta không phải là thần như Đức Chúa Cha. Chúng ta sẽ có thân thể thuộc linh. Chúa Giê-xu cũng tiếp tục với thân thể phục sinh của Ngài ở một nơi nào đó. Điều này dường như cần phải có một nơi chốn.

 

Trong bài cầu nguyện chung, có lời cầu xin: “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10). Điều này cũng gợi ý rằng thiên đàng cũng có địa điểm tương tự như trái đất vậy (Lu-ca 15:7).

 

Ngoài ra, sự Thăng thiên của Đấng Christ cũng cho thấy thiên đàng là một nơi chốn thật sự. Ngài đi đến một nơi nào đó, nhưng nơi đó chỉ được mô tả bằng những biểu tượng trong Kinh Thánh. Trong khi thiên đàng không thật sự là một thành phố, nhưng nó lại giống như một thành phố. Tất cả những gì chúng ta có thể nói cách quả quyết về thiên đàng chính là những điều mà Kinh Thánh mô tả về nó. Chắn chắn rằng những đặc tính có hại thuộc về đất này sẽ không có mặt ở đó.

 

Người sống có thể giao tiếp được với người chết hay không?

“Nếu có ai bảo các ngươi: Hãy cầu hỏi đồng bóng và thầy bói, là kẻ nói ríu rít líu lo, thì hãy đáp rằng: Một dân tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Há lại vì người sống mà hỏi kẻ chết sao?”

Ê-sai 8:19

 

Liệu người ta có thể vén bức màn phân cách giữa người sống và người chết được không? Chúng ta có thể giao tiếp với những người đã chết không? Đây là những câu hỏi được nảy sinh, đặc biệt trong tâm trí của những người có tình cảm sâu nặng mà giờ đây phải chịu cảnh chia ly. Họ ước ao có được sự an ủi trong lĩnh vực thuộc về thế giới siêu nhiên.

 

Một trong những hậu quả tai hại của chiến tranh và lan rộng của các thảm họa thiên nhiên đó là sự tái bùng nổ của thuyết thông linh—nỗ lực để giao tiếp với linh hồn của những người chết qua những thế lực trung gian có sự nhạy cảm đặc biệt. Trong thời khủng hoảng, khi gia đình mất một người thân, thì sự bùng nổ của thuyết này là điều dễ hiểu. Người ta muốn biết liệu người thân yêu của mình có hạnh phúc không hay họ có ý thức về những gì đang diễn ra trên đất không. Tuy nhiên việc thực hành thông linh hoàn toàn bị lên án trong Kinh Thánh và bị nghiêm cấm. “Ở giữa ngươi… chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy…” (Phục truyền 18:10-12).

 

Tân ước cũng không thua kém Cựu ước trong việc đưa ra những lời cảnh báo về điều đó. Sự phát triển của thuyết thông linh hiện đại là một trong những dấu hiệu tiên báo về ngày sau rốt, liên quan đến sự cảnh báo được bày tỏ bởi Đức Thánh Linh: “Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì” (I Ti-mô-thê 4:1-2).

 

Một số nhà giải kinh đã mô tả những anh hùng đức tin bất tử của Cựu ước trong Hê-bơ-rơ 11 như những khán giả đối với loài người trên đất—đám mây những nhân chứng được đề cập trong Hê-bơ-rơ 12:1: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta…”

 

Thomas Hewitt viết: “Xuyên suốt Thư tín (Hê-bơ-rơ), và đặc biệt trong chương 11, ‘người chứng kiến’ luôn có nghĩa là ‘người làm chứng,’ tức là, một người xác nhận cho một sự thực nào đó, và ở đây mang ý nghĩa tự nhiên nhiều hơn. Trong thời sau, từ ngữ đó mang nghĩa là một người trung tín cho đến chết trong sự làm chứng của mình—một người tử đạo. Không thể kết luận được gì từ phân đoạn này về mối liên hệ giữa người còn sống và người đã chết.[15]

 

Vì thế, từ sự suy xét một cách thích đáng những phân đoan Kinh Thánh liên quan, chúng ta rút ra được hai điều: (1) Những nỗ lực giao tiếp của người sống với người chết rõ ràng bị nghiêm cấm. (2) Không có sự hỗ trợ nào của Thánh Kinh đối với quan điểm cho rằng các thánh đồ đã qua đời có thể dự phần rõ ràng và tích cực trong các hoạt động của các chiến sĩ của Hội thánh.

 

Tôi sẽ đi đâu sau khi chết?

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.”

Lu-ca 23:43

“Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn”

Phi-líp 1:23

 

Đây là câu mà một người sâu sắc sẽ hỏi lúc này hay lúc khác. Cách duy nhất để chúng ta có câu trả lời đầy thẩm quyền là căn cứ vào sự khải tỏ thiêng liêng trong Kinh Thánh. Đặc điểm của Lời Chúa ấy là mỗi tín lý hoặc lẽ thật quan trọng đều được diễn giải sâu rộng ở nơi nào đó trong Kinh Thánh. Ví dụ, sự Phục sinh được bàn luận nhiều trong I Cô-rinh-tô 15. Nhưng không có sự diễn giải sâu rộng nào cho câu hỏi của chúng ta ở trên. Tuy nhiên, không phải chúng ta bị bỏ mặc khi không có những báo trước rõ ràng về những gì đang chờ đợi dành cho người tin Ngài trong thế giới hầu đến.

 

Sự chết liên quan đến sự tách rời của thân thể và linh hồn (từ “linh hồn” được dùng để biểu thị cho phần phi vật chất của con người). Thân thể bị phân hủy, nhưng linh hồn vẫn sống trong ý thức và trong sự tồn tại cá nhân. Một số nhà giải kinh cho rằng trong khoảng thời gian từ khi chết và đến khi được sống lại, người tin Chúa sẽ ở trong trạng thái không có thân thể. Dựa trên II Cô-rinh-tô 5:1-4, một số người thiên về suy nghĩ rằng người tin Chúa sẽ mặc lấy một “thân thể tạm thời” cho đến khi phục sinh, được nhận lấy thân thể thuộc linh.

 

Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra. Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời, miễn là gặp thấy chúng ta đang mặc áo, không trần truồng. Bởi chưng chúng ta ở trong nhà tạm nầy, than thở dưới gánh nặng, vì chúng ta không cầu cho bị lột trần, song cầu cho được mặc lại, để sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi. Đấng đã gây dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta.

II Cô-rinh-tô 5:1-4

 

Sự thống nhất phổ biến dường như được John Gilmore mô tả thế này, “chúng ta tồn tại có ý thức trong suốt khoảng thời gian đó, mặc dầu chúng ta chưa ở trong thân thể phục sinh. Chúng ta không bay lơ lửng trong không gian như những linh vô hình, không có khả năng nói chuyện và hoạt động. Chúng ta cũng không ngủ, không bất tỉnh tạm thời hay ở trong trạng thái hôn mê. Chúng ta phải rất sống động và rất gần với Đấng Christ, vì ‘vắng mặt trong thân thể’ nghĩa là ‘có mặt với Chúa.’”[16]

 

Có nhiều điều liên quan đến chủ đề này mà chúng ta không biết và không thể biết cách chắc chắn. Nhưng chúng ta biết chắc rằng khi chết đi, linh hồn của người tin Chúa sẽ đến ngay thiên đàng, nơi mà họ hạnh phúc trọn vẹn và hoàn toàn. Và còn có nhiều điều hơn và tốt đẹp hơn theo sau nữa. Như có người từng diễn giải, ngay lúc chúng ta trút hơi thở cuối cùng, là lúc chúng ta nhận lấy hơi thở đầu tiên ở thiên đàng. Điều đó đã xảy ra với tên cướp sắp chết, vì chẳng phải Chúa đã nói với người này rằng rằng: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” hay sao?

 

Sau khi tên cướp cất tiếng thỉnh cầu: “Hỡi Giê-xu, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” (Lu-ca 23:42), sự đáp lời của Chúa cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta. Chúng ta không cần phải quá chú tâm vào những lời của tên trộm cướp, vì anh ta ắt hẳn chẳng biết gì về thần học. Tuy nhiên, trong những lời đó có một sự thừa nhận vừa chớm nỏ trong anh ta về vương quyền của Ngài.

 

Sự hiểu biết của tên cướp về Đấng Christ là ai thì chắc chắn là rất giới hạn, nhưng Đức Thánh Linh đã hành động trong lòng anh trong việc đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Cứu Thế, và tấm lòng anh ta nảy mầm đức tin để đưa đến những lời phán đầy ý nghĩa của Chúa.

 

Phải lưu ý rằng, như đôi khi Ngài vẫn làm, Chúa Giê-xu không đáp lời chính xác theo lời cầu xin của người này nhưng Ngài đã làm điều gì đó lớn lao hơn bội phần. Ngài thỏa đáp khát khao trong tấm lòng anh ta. Tên tcướp đã không và cũng không thể biết chính xác lời cầu xin của mình sẽ không được nhậm trong vòng ít nhất hai ngàn năm, cho đến khi Đấng Christ hoàn toàn đến trong nước Ngài.

 

Tiến sĩ Anderson Berry nhìn thấy một tương ứng giữa lời cầu xin của tên trộm cướp và sự trả lời của Chúa Giê-xu như sau:

 

Anh thưa với Chúa Giê-xu

Và Chúa Giê-xu trả lời anh

Thưa Chúa,

Ta sẽ nói cho con sự thật

Xin hãy nhớ đến con

Con sẽ ở với ta

Khi Ngài đến

Hôm nay

Trong vương quốc của Ngài

Trong Ba-ra-đi

 

Đối với tên trộm cướp, Chúa Giê-xu hứa rằng việc không còn trong thân thể nghĩa là ngay lập tức được ở với Chúa.

Chúng ta có thể rút ra ba ý từ câu trả lời của Ngài:

1.      Linh hồn vẫn sống khi thân thể bị phân hủy.

2.      Linh hồn và thân thể tồn tại tách rời nhau. Trong khi thân thể vẫn còn ở trong phần mộ, linh hồn có thể được ở với Đấng Christ. Thân thể của tên trộm cướp sẽ bị ném bỏ cách tàn bạo, nhưng linh hồn anh ta ngay lúc đó sẽ đối diện trực tiếp với Đấng Christ, trong nơi ở của linh hồn những người đã mất—Ba-ra-đi. Trải nghiệm của anh ta không phải là một giấc ngủ không hay biết gì, nhưng đó là sự liên hiệp có ý thức với Đấng Christ.

3.      Không có một khoảng trống nào xen giữa khoảnh khắc của sự chết và việc bước vào cõi đời đời vui sướng, phước hạnh của linh hồn đã được cứu chuộc.

 

Điều này làm nảy sinh câu hỏi:

Trong trạng thái trung gian, linh hồn có ngủ không?

 

Một số nhóm phái tôn giáo hài lòng với quan điểm rằng giữa sự chết và sự sống lại (khoảng thời gian được gọi là “trạng thái trung gian”), linh hồn “ngủ”—tức là tồn tại trong một trạng thái vô ý thức, một giấc ngủ không mộng mị. Hiện tượng này được biết như là “giấc ngủ linh hồn.” Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng có cách giải thích khác đối với sự bảo đảm của Đấng Christ dành cho tên cướp biết ăn năn. Vì không có dấu chấm câu trong nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp của Lu-ca, nên khi chuyển ngữ các dịch giả phải thêm dấu câu căn cứ vào bối cảnh. Những người bảo vệ cho “giấc ngủ linh hồn” lý luận rằng những gì Chúa Giê-xu thực sự đã nói là: “Quả thật, ta nói cùng ngươi hôm nay, ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” và không nói: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” Vì thế, theo quan điểm của họ, “hôm nay” ở đây liên quan đến thời điểm Chúa Giê-xu đưa ra lời hứa, không phải thời điểm tên trộm đến trong Ba-ra-đi.

 

Nhưng tại sao Chúa lại xác định thời điểm Ngài đang nói? Ý nghĩa hợp lý duy nhất là linh hồn của tên trộm cướp sẽ được ở với Ngài trong Ba-ra-đi ngay chính ngày hôm đó.

 

Đúng là sự chết trong Kinh Thánh đôi khi được nói đến như “giấc ngủ” (ví dụ: Giăng 11:11; I Cô-rinh-tô 15:6,18,20,51; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-15). Nhưng trong các phân đoạn này, giấc ngủ đơn thuần chỉ là lối nói uyển ngữ chỉ về sự chết chứ không mang nghĩa đen. Bối cảnh cho thấy điều đó rất rõ ràng. Chúa Giê-xu sử dụng cách nói đó khi Ngài nói với các môn đồ rằng La-xa-rơ “đương ngủ.” Họ dựa vào nghĩa đen của lời đó và trả lời: “Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành.” Sau đó, Chúa phán với họ cách tỏ tường rằng: “La-xa-rơ chết rồi” (Giăng 11:11-14).

 

Không có chỗ nào trong Kinh Thánh khẳng định về linh hồn ngủ. Chỉ có con người ngủ, linh hồn thì không. Vấn đề lớn ở đây là những đề xuất của thuyết “linh hồn ngủ” không bao giờ có thể giải quyết một cách thuyết phục là làm thế nào để giải nghĩa một vài chỗ trong Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng có một sự tồn tại cá nhân và có ý thức giữa sự chết và sự sống lại. Ví dụ về người giàu và La-xa-rơ là một trong số đó (Lu-ca 16:19-31).

 

Trong cách nhìn khách quan thì Chúa Giê-xu không đưa ra ví dụ này hay điều gì đó liên quan để nói về trạng thái trung gian giữa sự chết và sự sống lại. Thật ra Ngài muốn đưa ra lời cảnh báo về những hệ quả từ đời sống của chúng ta khi còn trên đất. Trong khi thừa nhận rằng điều đó có thể đúng, chúng ta phải tự hỏi rằng đó có phải là tất cả những điều cần thiết mà Ngài muốn dạy hay không? Nếu vậy thì chẳng phải điều đó cũng đồng nghĩa với việc Ngài cũng khiến cho chúng ta hiểu sai về vấn đề trạng thái trung gian? Hiển nhiên rằng Ngài muốn chúng ta học biết rằng cả người giàu và La-xa-rơ đều đang sống động và có ý thức, nếu không thì ẩn dụ đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

 

Hơn nữa, làm sao mà khái niệm “linh hồn ngủ” có thể hài hòa với những phần Kinh Thánh theo sau đó được? “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.” Sao người ta có thể ngồi đồng bàn với ba tộc trưởng này nếu họ đang ngủ?”

 

“Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi” (Lu-ca 16:24). Sao người giàu có thể cảm biết được sự đau đớn giày vò nếu ông ta đang ngủ?

 

“Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phi-líp 1:21). Sao nó có thể có ích lợi cho Phao-lô được nếu nó chỉ mang lại sự vô thức?

 

Không bài tín điều trọng yếu nào của Hội thánh nói đến “linh hồn ngủ” như một giáo lý được chấp nhận. Trái lại, điều thứ 40 trong Bản 42 tín điều được ban hành trong triều đại của Edward VI, nói rằng:

 

Những linh hồn từ giã cuộc sống này không ngủ vùi hay chết đi cùng với thân thể. Việc nói rằng những linh hồn đó chìm vào giấc ngủ, hoàn toàn vô ý thức, không có cảm giác hay cảm nhận gì cả, mãi cho đến ngày phán xét… là hoàn toàn trái ngược với niềm tin đúng đắn đã được rao truyền cho chúng ta trong Kinh Thánh.

 

Có một nơi được gọi là ngục luyện tội không?

“Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.”

(Hê-bơ-rơ 9:26)

 

Xem xét về thiên đàng mà không kể đến một tín lý được hàng triệu người nắm giữ—tức là ngục luyện tội—thì sẽ rất thiếu sót. Tín lý này, được ban hành bởi Giáo hội Công giáo La Mã, được tóm lược bởi J. Gibbons, là một trong các hồng y của họ, trong bài Đức tin của tổ phụ chúng ta qua những lời lẽ sau đây:

 

Giáo hội Công giáo dạy rằng, bên cạnh một nơi khổ hình đời đời cho những kẻ gian ác và nơi yên nghỉ đời đời cho những người công chính, tồn tại một trạng thái trung gian của hình phạt tạm thời, dành cho những người đã chết trong những tội lỗi có thể tha thứ được hoặc không thỏa đáp được sự công bình của Đức Chúa Trời đối với những tội lỗi đã được tha thứ. Giáo hội cũng dạy chúng ta rằng, mặc dầu những linh hồn đang bị giới hạn bởi trạng thái trung gian, thường gọi là ngục luyện tội, không thể tự giúp mình, nhưng họ có thể được hỗ trợ bởi lời cầu thay của những người trung tín trên đất.

 

Như vậy, Công giáo La Mã dạy rằng ngục luyện tội là “nơi có những linh hồn mà số đông các tín hữu đã khuất đang chịu đựng sự thống khổ và bởi đó họ được tinh luyện dần dần.”

 

Đối với viễn cảnh nghiêm trọng như thế thì ắt hẳn phải có nhiều phẩn Kinh Thánh nói về nó. Nhưng liệu có phải như thế trong trường hợp này? Trong Từ điển Công giáo chúng ta đọc được: “Chúng ta bám vào những nguyên tắc chung của Kinh Thánh hơn là những phân đoạn Kinh Thánh cụ thể thường được viện dẫn như bằng chứng cho ngục luyện tôi. Chúng ta nghi vấn rằng liệu chúng có chứa đựng một sự liên quan rõ ràng và trực tiếp nào tới ngục luyện tội hay không.”

 

Thiên đàng có được đề cập trong Kinh Thánh không? Rất nhiều lần. Và địa ngục? Rất nhiều lần. Còn ngục luyện tội? KHÔNG CÓ LẦN NÀO. Cũng không có quan điểm nào được giới thiệu mãi cho đến thế kỷ thứ hai. Và nó không phải là một tín điều của Giáo hội Công giáo La Mã mãi cho đến năm 1439 tại Công đồng Florence.

 

Thật lạ phải không khi Kinh Thánh yên lặng về vấn đề này, Hội thánh đầu tiên cũng không biết gì về nó, và mười bốn thế kỷ đã trôi qua trước khi Giáo hội La Mã chính thức thừa nhận niềm tin để-làm-đầy-rương-tiền này? Chẳng có gì ngạc nhiên khi Hugh Latimer gọi nó là “Ngục Móc Túi.”

 

Hầu hết những người theo Tin Lành đều không biết rõ hết rằng theo giáo lý này, ngay cả những những thành viên sùng kính và trung tín của Giáo hội La Mã, ngoại trừ những trường hợp hiếm hoi (thậm chí cũng không chắc có ai không phải trải qua lửa luyện tội, “những đau đớn của nó khủng khiếp/trầm trọng hơn tất cả những nỗi đau trên thế giới này” (Thánh Thomas Aquinas). Cha F.W. Faber, một người thật sự thánh thiện, người đã cho chúng ta có được nhiều bài thánh ca hay tuyệt, mô tả điều đó như sau:

 

Trong nỗi đau khủng khiếp hơn tất cả những đớn đau trần thế,

Những người yêu mến của Chúa Jêsus, họ nằm đó,

Để ngọn lửa thiêu cháy những vết ô nhơ của mình

Và tôn thờ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

 

Có phải đó là cách Đức Chúa Trời đối cùng những người Ngài yêu mến? Có phải đó là sự nghỉ ngơi được hứa ban, là nơi được sắm sẵn? Đó có phải là viễn cảnh mà Phao-lô đã từng chứng kiến để rồi ông có một khát khao mãnh liệt được đi ở với Đấng Christ, mà ông chắc chắn là tốt đẹp hơn bội phần (Phi-líp 1:23)?

 

Vì cớ ngục luyện tội, ngay cả những người Công giáo sùng đạo cũng sống trong nỗi sợ hãi sự chết và những điều đằng sau nó. Nhưng Đấng Christ đã mang lấy nhân tánh của chúng ta để bày tỏ mục đích của sự giải cứu “mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời” (Hê-bơ-rơ 2:15). Tín lý về ngục luyện tội đem đến cho Giáo hội Công giáo La Mã quyền kiểm soát những tín đồ của mình khi chết cũng như khi sống. Nhưng chẳng có chút bằng chứng nào của Kinh Thánh cho giáo lý đó.

 

“Có sự làm sạch tội không? Có. Có ngục luyện tội không? Không.” Vì thế, John Gilmore đã viết:

Sự làm sạch tội không đòi hỏi phải có một ngục luyện tội. Nói cách khác, ngục luyện tội từng cần thiết nhưng nó đã qua rồi… Kinh Thánh nói về nơi xưa là ngục luyện tội – nơi đồi Gô-gô-tha xưa kia mà Chúa Giê-xu đã chết vì tội của chúng ta. Ngài trở nên nơi luyện tội của chúng ta và nhận lấy địa ngục của chúng ta. Hê-bơ-rơ 1:3 nói rằng: “Sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao.”[17]

 

Vì thế với sự tin cậy hoàn toàn vào Lời Kinh Thánh được linh cảm và không sai trật, và ý thức rằng mình đã phạm tội trọng, chúng ta xưng tội mình với Đấng Christ, Đấng Trung bảo duy nhất của chúng ta, và trao phó linh hồn chúng ta cho sự gìn giữ của Ngài, trong niềm tin cậy thật sự và chắc chắn rằng Ngài là thành tín đối với lời hứa của Ngài và đã thanh tẩy chúng ta trong ngục luyện tội thật của chính huyết Ngài, là điều “làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”

 

Trẻ em và những người chậm phát triển trí nào thì thế nào?

“Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.”

Ma-thi-ơ 19:14

 

Lưu ý: Trong phần này từ ngữ trẻ em dùng để chỉ tất cả những trẻ em chết trước khi đến tuổi chịu trách nhiệm về đạo đức, cũng như những người chậm phát triển trí não.

 

Đây là câu hỏi không thể né tránh khi quan tâm đến thiên đàng, đặc biệt là đối với những bậc cha mẹ bị mất con nhỏ hay những gia đình có người lớn nhưng trí não không phát triển. Những trẻ em như vậy hình thành nên một phần đáng chú ý trong dân số toàn cầu. Số phận của họ thế nào?

 

“Chúng ta tin rằng tất cả những người chết lúc còn thơ ấu cũng nằm trong sự chọn lựa của ân điển và được tái tạo, được cứu bởi Đấng Christ qua Đức Thánh Linh, Đấng làm việc theo thời điểm và theo cách Ngài đẹp lòng.” Phát biểu này trong Bản tuyên xưng Đức tin của Giáo hội Cải chánh là điều được hầu hết các Cơ Đốc nhân cảm thấy đồng tình. Câu hỏi quan trọng là liệu nó được Kinh Thánh ủng hộ không?

 

Thoạt nhìn có vẻ như hai lời khẳng định quan trọng của Phao-lô cũng nhắc đến cả những người chết trước tuổi chịu trách nhiệm về đạo đức hay chậm phát triển trí não: “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” và “từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam” (Rô-ma 3:23; 5:14).

 

Quan niệm của giáo hội Công giáo La Mã rằng những trẻ em chưa được báp-tem sẽ hư mất là mâu thuẫn với niềm tin của các Cơ Đốc nhân Tin Lành, cũng như không có nền tảng Kinh Thánh. Rô-ma 5:14,19 khẳng định rằng toàn bộ loài người đều can dự vào tội lỗi của A-đam và những hậu quả tai hại của nó, và rằng mỗi người đều thừa hưởng bản chất hư hoại cùng với hậu quả tội lỗi và sự đoán phạt. Nhưng Miller Erickson đưa lời giả thích như sau như sau:

 

Đối với việc quy tội hoặc phán quyết về sự công chính, phải có một sự quyết định có ý thức và tự nguyện nào đó từ phía chúng ta. Nếu chưa có điều này thì chỉ là một sự quy tội có điều kiện. Do đó không có sự kết án nào cho đến khi người đó đạt đến tuổi phải chịu trách nhiệm. Nếu một đứa trẻ chết trước khi có được khả năng đưa ra những quyết định đạo đức thật sự thì nó cũng không bị kết án.[18]

 

Hầu hết sẽ đồng ý rằng nếu có sự cứu rỗi cho trẻ em, thì điều đó đến từ sự vận hành của ân điển Đức Chúa Trời và trên nền tảng của công lao của Đấng Christ chứ không dựa trên sự xứng đáng hay sự vô tội của đứa trẻ. Rõ ràng rằng những người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm không phạm tội theo cách giống như người trưởng thành. Họ không cố ý khước từ Tin lành. Như một ai đó đã phát biểu rằng: “Cũng như việc dầu không có hành động tội lỗi nào, trẻ em vẫn thừa hưởng sự hư hoại từ A-đam, thì dầu không có hành động cá nhân nào, thì các em vẫn được Đấng Christ cung ứng sự cứu rỗi.” Nếu vậy, điều này xảy ra chỉ do Đức Chúa Trời tính sổ tội lỗi của chúng với Đấng Christ.

 

Kinh Thánh phân biệt giữa những người có trách nhiệm đạo đức đối với các hành vi của mình và những người chưa có. Những người chưa có trách nhiệm được Ngài loại trừ khỏi sự đoán phạt trên những người Y-sơ-ra-ên đã từ chối bước vào xứ Ca-na-an. “Những con trẻ của các ngươi mà các ngươi đã nói rằng sẽ thành một miếng mồi, và những con trai các ngươi hiện bây giờ chưa biết điều thiện hay là điều ác, sẽ vào xứ đó” (Phục truyền 1:39). Đức Chúa Trời cũng bày tỏ sự quan tâm đối với “hơn mười hai vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả” của dân ngoại bang Ni-ni-ve (Giô-na 4:11).

 

Chúa Giê-xu yêu thương các trẻ nhỏ và thường nói về chúng. Nhưng không có lần nào Chúa nói hay ám chỉ rằng những con trẻ sẽ ở trong hiểm họa hư mất. Quả thật, những lời của Ngài dường như ám chỉ hoàn toàn ngược lại, như những câu Kinh Thánh sau minh chứng:

 

Hãy để con trẻ đến cùng ta, … vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.

Ma-thi-ơ 19:14

 

Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời.

Ma-thi-ơ 18:10

 

Cũng thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư mất.

Ma-thi-ơ 18:14

 

Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

Ma-thi-ơ 18:3

 

Sau khi xem xét những câu Kinh Thánh trên, Tiến sĩ A. H. Strong đã nói thế này:

 

Trong khi những lời này dường như muốn loại trừ hoàn toàn ý tưởng cho rằng con trẻ được cứu bởi bản chất thánh thiện tự nhiên của chúng hoặc được cứu không nhờ vào phước lành của sự đền tội, thì dường như những lời đó cho rằng con trẻ cũng nằm trong số những người có quyền nhận lãnh những phước hạnh đó. Nói cách khác, sự quan tâm và chăm sóc của Đấng Christ vươn xa để chọn những con trẻ cho sự sống đời đời và khiến chúng trở nên công dân của Thiên quốc.[19]

 

Từ những phần Kinh Thánh trên, có thể rút ra kết luận chắc chắn rằng, vì Đấng Christ tiếp nhận những con trẻ ở đây, Ngài sẽ không từ chối chúng ở nơi kia. Nếu từ chối, liệu Ngài có dùng con trẻ để làm kiểu mẫu cho người được thừa hưởng nước thiên đàng không?

 

Hãy lắng nghe những bài ca thánh

Những âm thanh lấp lánh thiêng đàng

Muôn ngàn con trẻ hát vang

Chung hoà nhịp điệu rộn ràng ngợi khen

Charles Wesley

 

Sự khác biệt nổi bật trong sự than khóc của Đa-vít về sự chết của hai con trai của ông—một trưởng thành và một là con trẻ—cung cấp bằng chứng rằng ngay cả dưới giao ước cũ, ông cũng chắc chắn về sự cứu rỗi dành cho trẻ em. Hãy so sánh hai lời khóc than của Đa-vít:

 

Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! Con trai ta! Con trai ta!

II Sa-mu-ên 18:33

 

Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta.

II Sa-mu-ên 12:22-23

 

Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra khi bàn về chủ đề này: “Tuổi chịu trách nhiệm về đạo đức là bao nhiêu?” Không thể có được một con số cố định, vì trẻ em không trưởng thành ở cùng một độ tuổi. Một nguyên tắc được đề nghị là: “Khi chúng có một hành động theo sự lựa chọn độc lập, hoặc khước từ niềm tin của gia đình hay của một tập thể, chấp nhận chịu trách nhiệm cho hành động đó, và tự lập đủ để hành động như vậy, rồi chúng tự đưa mình ra khỏi sự quan phòng đầy ân điển đối với tình trạng thuộc linh không thể tự lo liệu của chúng trước đó.”[20]

 

Chúng ta có thể an nghỉ trên lẽ thật rằng “Chúa biết kẻ thuộc về Ngài” (II Ti-mô-thê 2:19).

 

Đứng trên lời này của Kinh Thánh, cùng với một lương tâm cứu rỗi được soi sáng, chúng ta không có sự nghi ngại nào trong niềm tin rằng những con trẻ của chúng ta được “an toàn trong tay Chúa Jêsus.” Ngoài ra, chúng ta có thể nói với lòng tin quyết rằng: “Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?” (Sáng thế ký 18:25).

 

————————————————————–


[13] William Hendriksen, The Bible on the Life Hereafter, (Grand Rapids: Baker, 1975), 66.

[14] Rober E. Speer, Jesus and Our Human Problems (New York: Revell, 1946), 178.

[15] Thomas Hewitt, Epistle to the Hebrews (London: InterVarsity, 1960), 189.

[16] John Gilmore, Probing Heaven: Key Questions on the Hereafter (Grand Rapids: Baker, 1989).

[17] John Gilmore, Probing Heaven: Key, 141.

[18] Millard J. Erickson, Christian Theology (Grand Rapids: Baker, 1985), 639.

[19] Augustus H. Strong, Systematic Theology (Philadenphia: Judson Press, 1907), 662.

[20] Glen Cupitt, article in The Reaper (Auckland, New Zealand, May 1973), 14.

 

Bài trướcLễ Giáng Sinh & Bầu Cử Ban Đại Diện Tỉnh Bình Thuận
Bài tiếp theoBài 63: Ai Là Người Cầu Hôn?