Bài 56: Giô-Sép Tỏ Thật Chính Mình

2680

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Sáng thế ký 45

 

Chúng ta đã đọc tìm hiểu Sáng thế ký từ đoạn 42,43 và 44 biết là cơn hạn hán xảy ra khắp xứ Ai-cập và nhiều nước chung quanh. Giô-sép được Đức Chúa Trời cho biết trước cơn đói kém này khi ông giải điềm chiêm bao cho Pha-ra-ôn. Giô-sép được cất nhắc lên làm chức tể tướng để cai trị xứ Ai-cập, đồng thời ông lo thâu trữ lương thực trong bảy năm được mùa. Ông điều hành việc phân phối bán lương thực trong những năm đói kém. Gia đình cha anh của Giô-sép thiếu lương thực, nên xuống Ai-cập mua lúa gạo. Trong chuyến đầu tiên đến Ai cập, Giô-sép nhận biết các anh mình trong khi các anh không nhận ra Giô-sép. Si-mê-ôn bị giữ lại làm con tin với điều kiện là các anh phải dẫn Bên-gia-min đến, nếu muốn mua lương thực lần nữa. Cha già Gia-cốp không cho dẫn Bên-gia-min đi vì sợ rủi ro xảy đến cho chàng. Nhưng cuối cùng vì hết lương thực cho nên Gia-cốp cho các anh dẫn Bê-gia-min đi xuống Ai-cập lần thứ hai. Giô-sép thử nghiệm các anh mình bằng cách bắt Bên-gia-min ở lại làm nô lệ. Giu-đa thay cho các anh hết lời phân giải xin tha cho em út Bên-gia-min và họ thay thế làm nô lệ, vì sợ cha già đau buồn mà chết sớm. Giô-sép thấy đời sống của các anh mình thay đổi, họ biết yêu thương anh em và quan tâm đến cha già.

 

Trong Sáng thế ký đoạn 45 này Giô-sép tỏ bày chính mình cho các anh biết.                                           

 

GIÔ-SÉP BÀY TỎ VỀ CHÍNH MÌNH

 

Sáng thế ký 45:1-2, “Bây giờ, Giô-sép không còn thể nào cầm lòng cho đậu được trước mặt các người hầu chung quanh, bèn la lên rằng: Hãy đuổi họ ra hết thảy! Khi Giô-sép tỏ thật cùng các anh em mình, thì không có một người nào khác ở tại đó hết. Người cất tiếng lên khóc; dân Ê-díp-tô nghe và nhà Pha-ra-ôn nghe nữa.”

 

Giô-sép đuổi mọi người giúp việc ra khỏi chỗ đó. Lần nầy Giô-sép không đi ra khỏi phòng như trước đây. Ông không thể cầm lòng trước sự thành thật ăn năn của các anh mình, nên bật lên khóc. Không ai hiểu tại sao, ngoại trừ chính Giô-sép. Ngay cả các tôi tớ của Giô-sép cũng không hiểu. 

 

Tất cả cảnh tượng này là vấn đề của một gia đình. Những niềm xúc cảm sâu xa của chúng ta chẳng nên phơi bày trước công chúng, vì nó chỉ có ý nghĩa thiêng liêng chính những người trong cuộc mà thôi.

 

Giô-sép không cầm giữ cảm xúc trong lòng, ông không thể chất chứa riêng nữa nên đã bộc lộ ra bằng tiếng khóc, khóc vì vui mừng. Những người phục vụ trong nhà của Pha-ra-ôn, họ có nghe được tiếng khóc, nhưng họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong nhà của Giô-sép.

 

Giờ đây Giô-sép không còn giữ bí mật về lai lịch của mình với các anh nữa, sau khi đã thử họ đầy đủ.

Xin được nhắc lại rằng, ngày sẽ đến khi Chúa Giê-xu Christ làm cho anh em Ngài là những người Do Thái, hiểu biết về chính Ngài, Khi Chúa đến lần thứ nhất, “Ngài đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Thật sự, họ đã giải giao Ngài đến nơi đóng đinh. Nhưng Ngài đến lần thứ nhì, Ngài sẽ làm cho dân của Ngài biết rõ chính Ngài. “Nếu có ai hỏi rằng: Những vết thương giữa cánh tay ngươi bởi cớ gì? Thì nó sẽ đáp rằng: Ấy là những vết thương ta đã bị trong nhà bạn ta.” (Xa-cha-ri 13:6) Đấng Christ sẽ bày tỏ chính Ngài cho dân tộc của Ngài, “Trong ngày đó sẽ có một suối mở ra cho nhà Đa-vít và dân cư Jê-ru-sa-lem, vì tội lỗi và sự ô-uế” (Xa-cha-ri 13:1). Đó sẽ là việc trong gia đình giữa Chúa Giê-xu và dân tộc của Ngài.

 

Chuyện Giô-sép bất ngờ bày tỏ chính ông với các anh em của ông, cho chúng ta có sự suy nghĩ, khi ngày của Đấng Christ trở lại sẽ là phước hạnh khi chúng ta nhận biết Ngài.

 

Sáng thế ký 45:3, “Giô-sép nói cùng anh em rằng: Tôi là Giô-sép. Cha tôi còn sống chăng? Nhưng trước mặt người các anh em bối rối, chẳng đáp lời được.”

 

Chữ ‘bối rối’ chưa diễn tả hết tâm trạng của các anh Giô-sép, khi họ nghe một người rất xa lạ nói một câu rất đơn giản “Tôi là Giô-sép.” Thật ra, các anh Giô-sép rất kinh hãi khi họ nhận diện ra Giô-sép. Nếu chúng ta nghĩ rằng họ có sự sợ hãi trước đó, thì bây giờ họ kinh hãi hơn nữa. Những điều nầy đã không được nhắc đến khoảng 25 năm qua, kể từ khi Giô-sép bị bán cho dân Ích-ma-ên. Chắc chắn rằng, bây giờ các anh sợ Giô-sép muốn trả thù. Họ rất kinh sợ không nói lời nào.

 

Lần này Giô-sép lập lại câu hỏi cha còn sống không. Trước đây Giô-sép đã hỏi với tư cách người lạ dò thăm tin tức, bây giờ ông hỏi với tư cách của một người con, trông mong tin tức của cha mình.

 

Sáng thế ký 45:4, “Người lại nói rằng: Các anh em hãy lại gần tôi. Họ bèn lại gần. Người nói: Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô.”

Giô-sép nói: “Tôi là em của các anh.” Đây là giờ phút rất là cảm động! Chúng ta có thể hình dung được cảm xúc của họ thế nào, khi họ nghe nói lần thứ hai, bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. 

 

Xin hãy chú ý đến hành động của Giô-sép. Ông có giận dữ, ông không tìm cách trả thù. Việc trả thù là hành động bình thường, nhưng tại đây Giô-sép không tìm cách trả thù. Nhưng Giô-sép có thái độ thân thiện thành thật, ông mời họ “hãy lại gần” mình. Có lẽ nhiều hay ít, họ gần lại hơn, vì cảm thấy phải vâng lời người này. Trên mỗi khuôn mặt còn in mối sợ hãi, nên Giô-sép cố giải bày cho họ lấy lại niềm tin.

 

Sáng thế ký 45:5, “Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.”

 

Giô-sép nhận biết tất cả những gì Đức Chúa Trời cho phép xảy ra, đó là mục đích của Ngài. Đức Chúa Trời đang làm việc trên đời sống ông.

 

Sáng thế ký 45:6-8, “Kìa, hai năm rồi trong xứ đã bị đói kém, và còn năm năm nữa sẽ không còn cày cấy chi, gặt hái chi được hết. Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em. Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời; Ngài dường đặt tôi làm cha Pha-ra-ôn, cai quản cả nhà người, và trị vì khắp xứ Ê-díp-tô.”

 

Về phần các anh của Giô-sép có thể lộ ra hai phản ứng. Những người đã mưu toan bán em mình thì có thể là sầu não lắm, làm cho họ cảm thấy cay đắng. Còn những người khác dầu không chủ mưu, nhưng lại đồng lõa nên cảm thấy hối tiếc.

 

Giô-sép xác định mục đích sâu xa hơn trong hành động của các anh “Vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.” Đây là một kế hoạch thiên thượng cao sâu. Vì chính Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng cai trị thế giới, kiểm soát được tất cả công việc xảy ra cho con cái Ngài.   

 

Nếu chúng ta có thể thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời làm việc trong đời sống của chúng ta, chúng ta có nên giận dữ hoặc trả thù không?

 

Một lần nữa, Giô-sép dâng sự vinh quang cho Đức Chúa Trời.

 

Giô-sép giải thích cách sâu sắc hơn, thật chẳng phải các anh đưa ông đến Ai-cập, song chính là Đức Chúa Trời. Đó là cách mạnh mẽ xác nhận rằng Đức Chúa Trời tể trị mọi sự việc, Giô-sép nêu lên điểm này để an ủi các anh mình, ông đang nâng đỡ tâm linh của các anh, vì trong hoàn cảnh đau buồn các anh Giô-sép cần học biết về lòng thương xót và sự tể trị của Ngài, vì con người xem sự xảy ra trong sự đau buồn, nhưng Đức Chúa Trời hướng dẫn sự việc theo mục đích của Ngài. Cho nên chúng ta luôn tìm biết ý định tốt lành Chúa cho xảy ra trên đời sống của từng người.  

 

Giô-sép được 17 tuổi khi được đem đến xứ Ê-díp-tô. Ông được 30 tuổi khi làm việc cho Pha-ra-ôn. Có bảy năm được mùa và bây giờ hạn hán đã hai năm. Vì vậy, Giô-sép được 39 tuổi và ở tại Ê-díp-tô được hai mươi hai năm. Ông đã thấy mọi điều mà bàn tay của Đức Chúa Trời hành động.

 

GIÔ-SÉP MỜI GIA ĐÌNH ÔNG VỀ XỨ Ê-DÍP-TÔ

 

Sáng thế ký 45:9-11, “Các anh hãy mau mau trở về cha tôi đi, và nói với người rằng: Giô-sép, con của cha, có nói như vầy: Đức Chúa Trời đã đặt tôi làm chúa cả xứ Ê-díp-tô, cha hãy xuống với tôi; xin đừng chậm trễ, cha, các con, các cháu, các chiên, bò cùng tài vật của cha sẽ ở tại xứ Gô-sen gần tôi đây. Ở đó tôi sẽ nuôi cha, (vì còn năm năm đói kém nữa), e khi cha, người nhà cha, và hết thảy loài vật của cha phải bị ách mà hao mòn.”

 

Giô-sép nói thêm nữa để làm cho các anh mình yên trí, đó là bàn bạc kế hoạch cho tương lai. Giô-sép là người tính toán cách mau lẹ và nói rõ cho các anh biết những điều sẽ làm, xin các anh hãy mau mau trở về xứ nói cho cha biết tin Giô-sép vẫn còn sống và đang có địa vị, quyền hành tại Ai-cập, Giô-sép nhắn tin với cha là hãy xuống mau đừng chậm trễ. Giô-sép chọn một chỗ tốt và thích hợp cho gia đình ông định cư, đó là xứ Gô-sen. Xứ này ở về phía đông bắc của Ai-cập. Giô-sép muốn rằng, cần có cuộc di cư toàn diện gồm cả gia đình cùng với súc vật và tài sản. Giô-sép sẽ cung cấp lương thực cho tất cả mọi người trong gia đình của cha và các anh mình.

 

Gia-cốp và gia đình ông không thể sống sót được nếu họ tiếp tục ở xứ Pa-lê-tin trong thời gian hạn hán nầy. Họ có thể sẽ bị chết hết. Giô-sép muốn đem họ xuống chỗ Gô-sen là phần đất tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô. Tại  vùng đất nầy, Đức Chúa Trời sẽ làm cho họ trở nên một dân tộc, là nơi ở cách biệt với thế giới xung quanh. Đời sống của các anh em được tỏ bày rằng họ cần rời khỏi vùng đất Ca-na-an.

 

Sáng thế ký 45:12, “Này, các anh và Bên-gia-min, em tôi, đã thấy tận mắt rằng, chánh miệng tôi đã nói chuyện cùng các anh em đó.”

 

Có thể họ đứng đó nghe cách say mê và gương mặt họ nhìn xuống. Sau đó họ lại nhìn lên, họ không dám nói một lời nào, chỉ lắng nghe Giô-sép nói những lời mà dường như khó có thể tin được – Họ không thể tin được, nhưng Giô-sép thật sự còn sống đang đứng ngay trước mặt họ, và nói cách rõ ràng minh bạch bằng tiếng mẹ đẻ với các anh. Bên-gia-min mà cha sẵn lòng tin hơn hết cũng thấy nghe hết mọi sự chuyện này.

 

Sáng thế ký 45:13-14, “Vậy, hãy thuật lại các điều vinh hiển của tôi tại xứ Ê-díp-tô, cùng mọi việc mà anh em đã thấy cho cha nghe, và hãy mau mau dời cha xuống đây. Đoạn, người ôm lấy cổ Bên-gia-min, em mình, mà khóc; Bên-gia-min cũng ôm cổ người mà khóc. Người cũng ôm các anh mình mà khóc. Đoạn, anh em nói chuyện cùng người.”

 

Đây là một hình ảnh khắng khít giữa Giô-sép và Bê-gia-min là hai anh em ruột. Giô-sép đối với Bên-gia-min là em cùng cha mẹ với mình niềm xúc cảm mặn nồng hơn, Giô-sép ôm cổ em mình mà khóc. Những người anh khác rất kinh ngạc, nhưng bây giờ họ bắt đầu bình tĩnh lại và nói chuyện với nhau. Tin tức bắt đầu được loan đi.

 

Sáng thế ký 45:16, “Lập tức, tiếng đồn đến nhà Pha-ra-ôn rằng: Anh em Giô-sép đã đến. Pha-ra-ôn và quần thần nghe lấy làm đẹp dạ.”

 

Có tiếng ồn ào từ trong nhà của Giô-sép, những người chung quanh có thể nghe được. Pha-ra-ôn muốn biết chuyện gì đã xảy ra, có thể ông sẽ hỏi người hầu của Giô-sép, chuyện gì đã xảy ra. Người hầu có thể nói, “Vâng, ông biết là có 11 nguời đàn ông, đến từ xứ Ca-na-an – họ là anh em của Giô-sép!” Điều đó làm cho Pha-ra-ôn cũng vui mừng. Tại sao điều đó làm cho ông vui? Xin nhớ rằng Pha-ra-ôn có thể là vua Hy-sót, có cùng một chủng tộc với Giô-sép và gia đình của ông. Pha-ra-ôn không thể tin tưởng những người Ê-díp-tô và ông đã lấy làm vui lòng vì Giô-sép là người trung thành, do đó Pha-ra-ôn cũng vui mừng giống như Giô-sép. Giô-sép là người được Pha-ra-ôn, các quần thần quan tâm và quý mến.

 

Sáng thế ký 45:17-19, “Pha-ra-ôn bèn phán cùng Giô-sép rằng: Hãy dặn các anh em ngươi rằng: Hãy chỡ đồ lên lừa, đi trở về xứ Ca-na-an, rước cha và người nhà của các ngươi xuống ở cùng ta. Ta sẽ nhượng cho vật tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô, và các ngươi sẽ hưởng mầu mỡ của đất. Còn ta dặn ngươi hãy nói lại cùng họ như vậy: Hãy đem xe cộ từ xứ Ê-díp-tô về cho con nhỏ và vợ mình, cùng dời cha các ngươi xuống đây. Đừng tiếc tài vật mình, vì vật tốt nhất của xứ Ê-díp-tô sẽ về phần các ngươi.”

 

Hãy chú ý rằng, Pha-ra-ôn chuẩn bị gởi xe cộ đi. Những chiếc xe nầy chứng tỏ sự phát minh của họ sớm, trong khi xứ Ca-na-an chưa có xe cộ, nhưng người Ai-cập thì phát triển nhanh hơn.

 

Pha-ra-ôn nói là không cần phải mang gì cả, chúng tôi sẽ cung cấp những gì các ngươi cần. Đây là vấn đề rất quan trọng nên Pha-ra-ôn phê chuẩn đồng ý cho Giô-sép mạnh dạn tiến hành việc đưa gia đình xuống sinh sống tại Ai-cập. Việc gởi xe đi tiếp đón gia đình Giô-sép cho thấy thêm sự cấp bách, nếu chậm trễ sẽ gây cho Giô-sép lo lắng và nguy cơ cho gia đình cha ông. Pha-ra-ôn đối xử với gia đình Giô-sép cách rộng rãi để tỏ lòng biết ơn sự giải cứu mà Giô-sép mang lại cho đất nước Ai-cập, cho nên các vật tốt nhất của xứ Ai-cập sẽ dành cho họ để bù lại những gì họ bỏ lại.

 

Sáng thế ký 45:21-26, “Các con trai của Y-sơ-ra-ên làm y như lời; Giô-sép vâng mạng Pha-ra-ôn, đưa những xe cộ cho anh em mình, và luôn vật thực dùng trong lúc đi đường. Người cũng đưa áo xống mặc đổi thay cho mỗi người, còn Bên-gia-min, người cho trăm miếng bạc cùng năm bộ áo xống. Người cũng sai đem về cho cha mình mười con lừa chỡ các vật quí nhất trong xứ Ê-díp-tô, mười con lừa cái chỡ lúa, bánh, và lương thực để dành dùng trong khi cha đi đường. Vậy, Giô-sép đưa anh em mình lên đường. Lại dặn họ rằng: Xin anh em đừng cải lẫy nhau dọc đường. Các anh em ở Ê-díp-tô trở lên và đến xứ Ca-na-an, nơi Gia-cốp, cha mình, thuật lại lời nầy mà rằng: Giô-sép hãy còn sống; lại ấy là người đang cai trị cả xứ Ê-díp-tô. Nhưng lòng Gia-cốp vẫn vô tình vì người không tin lời họ nói.”

 

Giô-sép cho xe cộ và lương thực để các anh thực hiện cuộc hành trình trở về Ca-na-an, Giô-sép còn cho thêm quần áo mới thay đổi, có thể mỗi người hai bộ. Còn Bê-gia-min gần gũi hơn nên được Giô-sép cho năm bộ và trăm miếng bạc. Để làm tặng phẩm tôn kính cha, Giô-sép gởi đến mười xe lừa chở đầy các vật quý.

 

Giô-sép cũng biết bản tánh của con người, nên khi tiễn các anh ra về nên dặn các anh là đừng tranh cãi nhau lúc dọc đường, vì rất có thể họ sẽ gán tội cho những ai đã chủ mưu hãm hại Giô-sép trước đây, rồi người khác thì bào chữa làm cho sự tranh cãi xảy ra. Qua lời khuyên của Giô-sép mà hành trình của họ bình an. 

 

Sáng thế ký 45:27-28, “Anh em thuật lại cho người nghe mọi lời Giô-sép đã nói; Gia-cốp vừa thấy các xe cộ của Giô-sép sai đem về đặng rước mình, thì tâm thần người tỉnh lại, bèn nói rằng: Thôi, biết rồi; Giô-sép, con trai ta, hãy còn sống; ta sẽ đi thăm nó trước khi ta qua đời.”

 

Lúc đầu khi nghe tin Giô-sép còn sống, Gia-cốp không thể tin những điều đó là thật, các anh có thể hiểu rõ nỗi khó khăn của cha. Nhưng các con của Gia-cốp cứ tiếp tục thuật lại và mỗi người quả quyết cùng sự việc mà họ đã thấy, đã nghe Giô-sép tận mặt. Rồi khi nhìn thấy xe cộ và các tặng vật mà Giô-sép gởi cho cha, nên cuối cùng Gia-cốp mới chịu tin, ông bắt đầu vui mừng và nóng lòng.

 

Chúng ta thấy hai hình ảnh khác nhau của các anh Giô-sép, đó là trước đây khi họ gởi cái áo choàng nhiều màu sắc của Giô-sép bị nhúng trong máu con dê đực, để cho cha mình là Gia-cốp tin rằng Giô-sép đã chết, nay thì họ cố gắng làm chứng và thuyết phục cha mình tin là Giô-sép vẫn còn sống. Các anh Giô-sép đã thay đổi.

 

Chúng ta thấy sự cảm động gì ở nơi đây! Sự trông mong gặp lại Giô-sép chắc chắn ảnh hưởng đến Gia-cốp, để quyết định đi xuống Ai-cập.

 

Có phải ông Gia-cốp sẽ dự định ở luôn tại Ai-cập không? Chắc chắn là không. Ông chỉ dự định xuống thăm con một thời gian ngắn, sau khi nạn đói qua đi. Nhưng ông đã không trở về Ca-na-an, cho đến khi ông qua đời tại Ai-cập, các con của ông đem thi hài ông về chôn tại xứ Ca-na-an.

 

Cuộc hội ngộ của Giô-sép và các anh mình đem đến sự vui mừng khi Giô-sép thấy tâm tình của các anh thay đổi, nay họ biết yêu cha già, yêu anh em; còn các anh Giô-sép vui mừng vì biết Giô-sép còn sống và được Giô-sép tha thứ tội lỗi hãm hại trước đây. Và người vui mừng hơn hết là Gia-cốp khi hay tin người con trai yêu dấu mà ông tin rằng đã chết nhưng nay còn sống.

 

Bài trướcThánh Kinh Hè Cho Các Tín Hữu Huyện Bắc Trà My, Tỉnh Quảng Nam
Bài tiếp theoNgày 22/7/2015: Ăn Năn Nửa Vời