Bài 50: Sở Hữu Các Phước Hạnh Thuộc Linh (tt)

1431

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Trong bài trước, chúng ta đã nhấn mạnh đến các bài học áp dụng thực tiễn của sách Giô-suê, được tìm thấy trong đoạn 1 câu 3. Sứ đồ Phao-lô trình bày cùng một ý trong Ê-phê-sô 1:3.

 

Cũng trong ý đó, Sứ đồ Phi-e-rơ nói về vùng đất hứa trong những  nơi trên trời, trong Chúa Jêsus Christ bằng những lời như sau:

 

“Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta! Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta” (II Phi-e-rơ 1:2).

 

Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sự hiểu biết Đức Chúa Trời không bằng tri thức nhưng bằng kinh nghiệm. Nếu để ý trong các thư của Phi-e-rơ, chúng ta sẽ thấy, ông nói về sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ là một cụ già biết Chúa. Không phải là một học giả giống như Phao-lô hay Lu-ca, nhưng Phi-e-rơ là một người khổng lồ thuộc linh vì ông biết Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nói rằng, bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính. Điều nầy có nghĩa là mọi điều chúng ta cần để sống một đời sống tin kính. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta “bởi sự hiểu biết của Ngài là Đấng gọi chúng ta đến vinh hiển và nhân đức.” Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều cần thiết để sống một đời sống thánh thiện. Và để nhận những điều nầy, chúng ta phải sống đời sống tin kính. Chúng ta hãy đến để hiểu biết Chúa, và hãy đến để có mối thông công với Ngài.

 

Đức Chúa Trời đã sắm sẵn mọi sự cho chúng ta. Sứ đồ Gia-cơ đã nói rằng, “Chúng ta không nhận được vì chúng ta không cầu xin.” Lời Chúa là chân thật. Chúa đã dành sẵn mọi phước hạnh thuộc linh cho chúng ta, đã ban vùng đất hứa thuộc linh cách vô điều kiện. Chúng ta có quyền sở hữu trên những điều nầy, thế nhưng tại sao thực tế chúng ta không có phước hạnh thuộc linh cách phong phú? Gia-cơ trả lời rằng, vì chúng ta không cầu xin. Đây là một cách nói khác nhưng có cùng một ý của sách Giô-suê; ý nầy được lặp đi lặp lại khoảng 16 lần. Sở dĩ chúng ta không nhận được vì chúng ta không tin. Vì sao những phước hạnh đang dành sẵn, nhưng chúng ta lại không cầu xin? Chỉ vì chúng ta không tin.

 

Có câu chuyện vui kể về một Mục sư được lên thiên đàng. Phi-e-rơ liền gặp ông, chào mừng và dẫn đi một vòng để giới thiệu. Trong lúc đi dạo, Mục sư hỏi: “Những cái thùng lớn, dài và hẹp ở đàng kia là gì vậy?” Phi-e-rơ nói: “Hãy nhớ lại có lần ông rất cần những băng ghế dài để dùng trong nhà thờ không? Tại đây đã chuẩn bị hết cả, nhưng ông lại chẳng bao giờ xin nên nó vẫn còn nằm đó.” Đến một nơi khác, họ gặp một thùng rất lớn được đóng bằng những thanh gỗ bên ngoài, Mục sư hỏi: “Đây là cái gì vậy?” Phi-e-rơ nói: “Ông có nhớ khi Hội thánh cần một cây đàn không? Chúng tôi đã đóng thùng để sẵn sàng chuyển xuống nhưng ông cũng không cầu xin gì cả nên nó vẫn còn đó.”

 

“Chúng ta không nhận được vì không cầu xin.” Phi-e-rơ nói rằng chúng ta có thể có tất cả. Phao-lô nói rằng chúng ta có thể có tất cả. Nhưng thực tế, vì sao chúng ta lại không có tất cả? Vì chúng ta không hiểu về đức tin. Đức tin như một cây cầu đem chúng ta đến các phước hạnh thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn, để chúng ta tuyên bố quyền sở hữu và sử dụng nó. Đó là lý do vì sao Chúa ban cho chúng ta sách Giô-suê.

 

Sách Giô-suê có 16 hình ảnh về đức tin. Khi Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu biết về đức tin, thì ngay trong sách đầu tiên của Kinh Thánh, Ngài cho chúng ta 12 chương nói về Áp-ra-ham. Chúa muốn dạy rằng, các ngươi cần học hỏi về Áp-ra-ham. Ngài dành nhiều chương để nói về Áp-ra-ham hơn cả việc ký thuật lại sự sáng tạo trời đất, con người cũng như các nền văn minh nhân loại. Số chương trong Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời dùng để nói về Áp-ra-ham gấp đôi số chương dùng để nói về các đề tài trên. Điều đó chứng tỏ rằng, đức tin rất quan trọng và Ngài muốn chúng ta hiểu biết về đức tin. 

 

Dẫu vậy, Chúa vẫn còn những điều liên quan đến đức tin mà Ngài muốn nói với chúng ta. Đức Chúa Trời ban cho 16 minh họa về đức tin trong sách Giô-suê. Chúng đề cập về một điều giống nhau: đức tin là gì và làm thế nào để đức tin trở nên linh nghiệm. Chúng ta đã có quyền sở hữu vùng đất hứa thuộc linh nhưng chưa thật sự sở hữu nó, vì chúng ta chưa biết rõ về đức tin.

 

Sứ đồ Phao-lô viết cho chúng ta một câu rất hay về đức tin trong 2 Cô-rinh-tô 9:8. Hình ảnh Ca-na-an được Phao-lô diễn tả: “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành.” Câu nầy nói về “ơn” hay  “ân sủng” của Đức Chúa Trời. Ân sủng chỉ về những phước hạnh và sự ban cho của Đức Chúa Trời mà chúng ta không xứng đáng để nhận lãnh. Ân sủng thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ân sủng được bày tỏ dưới hình thức quyền năng của Đức Chúa Trời, quyền năng để sống một đời sống tin kính. Như vậy, chữ ân sủng là một hình ảnh rất hay về vùng đất hứa thuộc linh, hay các phước hạnh thuộc linh. Bởi đức tin, chúng ta chiếm hữu ân sủng của Đức Chúa Trời. Chúa ban cho chúng ta đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, không phải chỉ một chút nhỏ giọt nhưng là đầy dẫy. Chúa ban cho chúng ta đủ mọi thứ ơn cách đầy dẫy trong mọi lúc, đầy đủ cho mọi sự để chúng ta được dư dật mà làm mọi việc lành. Đó là những gì Phao-lô muốn trình bày. Nếu Lời Chúa là chân thật, thì tại sao chúng ta không luôn luôn dư dật trong các việc lành và không có sự đầy đủ từ nơi Chúa để làm mọi việc?

 

Một Mục sư kể lại câu chuyện như sau:

“Hôm kia khi dùng cơm với một người quen, tôi hỏi: “Hôm nay ông thế nào?” Người bạn trả lời như thông lệ: “Ô! rất tốt, rất tốt” Tôi cảm thấy hết hứng thú về cách trả lời rất là máy móc như vậy. Hôm đó là ngày thứ Hai, ông ấy không được vui trong Chúa nhật, và tôi nói với ông: “Nếu ông không cảm thấy vui vẻ, dễ chịu thì ông sẽ trả lời thế nào với câu hỏi của tôi?” Ông ấy trả lời: “Nếu vậy thì tôi đã nói dối với ông?” “Vậy thì xin hãy nói ông đang thật sự cảm thấy thế nào?” Sau đó, chúng tôi có một buổi nói chuyện rất thành thật với nhau. 

 

Có khi nào quý vị gặp một tuần lễ giống như vậy, một tuần lễ mà quý vị thấy mình không sở hữu các phước hạnh thuộc linh?

 

Nếu Đức Chúa Trời đã ban mọi ơn đầy dẫy để chúng ta có đủ trong mọi lúc, cho mọi sự thì tại sao chúng ta lại có những tuần lễ như vậy? Có nhiều câu trả lời. Một câu chuyện kể về chàng thanh niên trẻ tuổi giàu có dự định nghỉ hè ở đảo Bermuda. Anh ấy chuyển xuống thuyền chiếc xe chạy nhanh nhất đến tại đó trước. Nhưng khi đến nơi, anh mới thất vọng vì tốc độ giới hạn chỉ là 30km mà thôi. Ngày kia, anh lái chiếc xe chạy rất nhanh. Phía sau, một ông cụ đang chạy một loại xe giống như xe Mobilet, tức xe máy 2 bánh và có bàn đạp. Anh mất kiên nhẫn, không sao chịu được nên sang số và nhấn ga để phóng tới. Anh vượt qua ông già và tăng tốc độ đến 45 km/h. Ông già cũng chạy bám theo sát nút. Anh phóng xe lên 55 km/h; tuy nhiên, ông già cũng không chịu thua chạy sát theo xe. Anh tiếp tục tăng tốc độ lên 65 km/h, thì ông già cũng vậy. Cuối cùng, anh phải giảm ga và tấp xe đậu vào bên lề. Ông già cũng dừng xe bên cạnh anh. Bước xuống xe, anh đi về phía ông già; trong khi, ông nầy thì mặt mày trắng chạch. Anh hỏi: “Ủa, chiếc Mobilet của ông dùng loại động cơ gì vậy?” Ông già trả lời: “Không phải là do động cơ đâu cậu, cái dây nịt của tôi bị mắc vào phía sau xe của cậu.” Đây cũng là điều xảy ra cho nhiều con cái Chúa. Họ đi theo Chúa lúc trồi, lúc sụt bởi vì cái dây nịt thuộc linh của họ bị dính vào xe của người khác. Đó là một trong những câu trả lời.

 

Nếu Đức Chúa Trời đã ban mọi ơn đầy dẫy cho chúng ta, tại sao chúng ta không có nhiều sức mạnh thuộc linh hơn? Có lẽ, chúng ta được lôi kéo bởi những người có năng lực thuộc linh nhưng chúng ta không có riêng cho mình. Có thể, chúng ta thấy ai đó thật sự có sức mạnh và sự thu hút; rồi chúng ta theo họ cố gắng sống dựa vào năng lực của họ. Phải chăng đó là lý do vì sao đời sống thuộc linh của chúng ta trồi sụt thất thường, khi mạnh khi yếu giống như một người mà dây nịt của họ bị bám vào xe của người khác.

 

Có thể nói rằng, Giô-suê là sách đề cập về ân tứ. Đây là ý nghĩa chính của sách. Theo nghĩa đen, vùng đất hứa Ca-na-an phải được tiến chiếm hết thành nầy đến thành khác. Nhưng bài học dưỡng linh mà chúng ta quan tâm đến không phải là vùng đất Ca-na-an mà là ân tứ. Quý vị có tin rằng, Đức Chúa Trời ban cho mọi ơn dư dật trên chúng ta không? Không phải chỉ trên những tôi tớ vĩ đại của Ngài mà trên cả chúng ta. Trong mọi trường hợp, chúng ta có thể đến với Chúa để nhận ơn của Ngài nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của công việc mà Chúa đã kêu gọi chúng ta. Do đó, chúng ta không phải èo uột nhưng dư dật trong mọi sự để làm mọi việc Ngài đã kêu gọi chúng ta.

 

Vùng đất hứa Ca-na-an là mục đích của dân Y-sơ-ra-ên sau khi được giải phóng ra khỏi Ai-cập. Ca-na-an là mục đích sự giải cứu của dân Y-sơ-ra-ên. Ngày nay, chúng ta được cứu bởi tin Chúa Jêsus là con độc sanh của Đức Chúa Trời. Chúa là giải pháp duy nhất của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa duy nhất của thế gian nầy. Chúng ta đã đặt đức tin nơi Ngài và đã nhận được sự cứu rỗi. Chúa đã cứu chúng ta ra khỏi Ai-cập thuộc linh. Vậy, mục đích sự cứu rỗi của chúng ta là gì?

 

Sứ đồ Phao-lô dạy rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển bởi đức tin. Nói cách khác, chúng ta được cứu nhờ vào ân điển của Chúa; không làm gì khác hơn là dùng đức tin để tiếp nhận. Nó là món quà của Đức Chúa Trời. Chúng ta không được cứu bởi những việc thiện lành mình làm, nhưng Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 2:10 rằng: “Chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

 

Chúng ta được cứu để làm các việc lành mà Chúa đã định trước cho chúng ta. Đây chính là mục đích khi Ngài cứu chúng ta. Đức Chúa Trời có những công việc mà Ngài muốn mỗi chúng ta thực hiện và kinh nghiệm. Chúa muốn chúng ta bước đi theo chương trình đó. Ngài muốn chúng ta dấn thân vào một số các công tác thuộc linh. Chúa không phải cứu chúng ta để rồi chỉ đem chúng ta lên thiên đàng. Sự cứu rỗi không phải chỉ là một tấm giấy thông hành để chúng ta lên thiên đàng. Dĩ nhiên, sự cứu rỗi bao gồm những điều đó, nhưng nó còn nhiều hơn như vậy nữa. Có một mục đích cho sự cứu rỗi ngay trong đời nầy. Đây là điều mà vùng đất Ca-na-an tiêu biểu. Lý do khiến chúng ta không nhận được ơn phước nầy vì chúng ta không biết áp dụng nó, chiếm hữu nó. Nói một cách đơn giản, chúng ta không biết đức tin là gì. Do đó, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sách Giô-suê để dạy rằng, bởi đức tin chúng ta vâng lời; và bởi vâng lời chúng ta chiếm hữu được các phước hạnh thuộc linh.

 

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Năm Căn – Tỉnh Cà Mau
Bài tiếp theoBài 50: Giô-sép Giải Mộng Trong Tù