Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Để tiếp tục lược khảo Cựu ước, chúng ta sẽ tìm hiểu sách lịch sử đầu tiên đó là sách Giô-suê. Trong bài vừa qua, chúng ta đã khái quát về lịch sử của người Hê-bơ-rơ cũng như giải thích tầm quan trọng phải học về lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Bây giờ, khi đến sách đầu tiên của những sách lịch sử, chúng ta cần có cái nhìn bao quát về sách Giô-suê.
Có những điểm trái ngược nhau giữa hai sách Giô-suê và Dân số ký. Dân số ký là một bức tranh của sự vô tín. Dân số ký cho biết, người Hê-bơ-rơ đã không tiến chiếm đất hứa vì lòng vô tín. Dân số ký minh họa cho đời sống cứng lòng không tin của con dân Chúa và hậu quả đáng buồn sẽ xảy ra. Dân Y-sơ-ra-ên đã đủ lòng tin để được giải phóng ra khỏi Ai-cập, nhưng không tin quyết rằng, họ có thể tiến chiếm vùng đất hứa. Đây là hình ảnh của nhiều tín hữu ngày nay. Họ đã tin Chúa và được cứu ra khỏi tội, được cứu khỏi Ai-cập thuộc linh, nhưng họ không có đức tin để vượt sông Giô-đanh tiến vào Ca-na-an là nơi Đức Chúa Trời dành sẵn các phước hạnh cho họ. Sứ điệp dưỡng linh của sách Giô-suê là hãy chiếm hữu các phước hạnh thuộc linh mà Chúa dành cho bạn. Tác giả của sách chính là Giô-suê. Ông là người phụ tá cho con người vĩ đại của Đức Chúa Trời đó là Môi-se. Môi-se đã thành công trong việc chuẩn bị một người kế vị. Đó là lý do vì sao dân Y-sơ-ra-ên đã đạt được những chiến thắng lẫy lừng dưới sự lãnh đạo của Giô-suê. Môi-se đã làm một công tác quan trọng trong việc huấn luyện Giô-suê để có được một người kế vị giống như ông. Điều nầy xảy ra xuyên suốt Kinh Thánh. Ê-li huấn luyện Ê-li-sê, Giê-rê-mi huấn luyện các tiên tri; trong Tân ước thì Chúa Giê-xu huấn luyện 12 vị sứ đồ để thay mặt Ngài trong công tác phát triển vương quốc Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đào tạo Ti-mô-thê. Điều nầy diễn ra từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền. Bỏ qua việc nầy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc huấn luyện người kế thừa đã xảy ra ngay tại những sách đầu tiên của lịch sử. Sự chuyển tiếp những sách luật pháp sang sách lịch sử cũng là sự chuyển tiếp quyền lãnh đạo từ Môi-se sang Giô-suê.
Tên Giô-suê giống như tên Giê-xu. Khi nói theo tiếng Hy-lạp là Giê-xu, còn khi nói theo tiếng Hê-bơ-rơ là Giô-suê. Chúng ta biết Giê-xu nghĩa là ‘Đấng Cứu tinh’ hay ‘Đức Giê-hô -va cứu giúp’. Tên Giô-suê cũng có cùng một ý nghĩa đó.
Xét theo sứ mạng được nhận lãnh, Giô-suê bày tỏ về Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Giúp mà còn là Đấng Dẫn Dắt chúng ta vào trong vùng đất hứa thuộc linh đầy phước hạnh. Tôi nghĩ rằng, chữ quan trọng trong việc kinh nghiệm về sự giải cứu ra khỏi Ai-cập thuộc linh là TIN. Còn chữ quan trọng trong việc sở hữu các phước hạnh thuộc linh là VÂNG LỜI. Khi nói về đức tin là chúng ta đang nói về sự vâng lời. Đức tin chỉ về một sự cam kết, một sự cam kết vâng lời.
Vào thời điểm của sách Xuất Ê-díp-tô ký, Giô-suê đã được 40 tuổi. Xin nhớ rằng, chỉ có Giô-suê và Ca-lép là hai người sống sót suốt thời gian lang thang trong đồng vắng vì thái độ tin cậy và tích cực của họ khi do thám Ca-na-an. Chúa đã xem và thấy lòng tin của họ giống như Ngài đã xem và thấy đức tin của Áp-ra-ham. Khi đứng vào vị trí lãnh đạo thay Môi-se thì Giô-suê đã được 80 tuổi. Ông phải dẫn dân sự tiến vào Ca-na-an, chiến đấu với 7 quốc gia mạnh hơn người Y-sơ-ra-ên. Giô-suê qua đời vào năm 110 tuổi. Ông đã chứng tỏ là một người mạnh mẽ, trung thành, có tài lãnh đạo, khả năng thao lược và trên hết là đức tin lớn. Không được kêu gọi như Môi-se tại bụi gai cháy, không được ủy nhiệm trực tiếp từ Đức Chúa Trời; nhưng ông nhận sự ủy nhiệm từ một cụ già biết Đức Chúa Trời và biết Giô-suê. Cụ già đó không ai khác hơn là Môi-se.
Chúng ta sẽ thấy một sự chuyển tiếp quan trọng trong sự lãnh đạo của Giô-suê. Môi-se đã nhận sự kêu gọi trực tiếp của Đức Chúa Trời tại bụi gai cháy; đồng thời, ông cũng tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời trực tiếp trên núi Si-nai. Nhưng bây giờ, Giô-suê được căn dặn là phải suy gẫm luật pháp, tức là Lời thành văn của Đức Chúa Trời. Đây là Lời đã được ban cho bởi Đức Chúa Trời qua Môi-se. Giống như các vua của Y-sơ-ra-ên, Giô-suê cần phải suy gẫm Lời Chúa ngày và đêm. Trong cương vị của một người lãnh đạo, Giô-suê phải tuân giữ các mạng lịnh của Chúa.
Sứ điệp dưỡng linh của sách Giô-suê là hãy chiếm hữu các phước hạnh thuộc linh mà Chúa đã dành cho bạn. Trước khi Đức Chúa Trời ban đất Ca-na-an cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài đã hứa với các vị tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời ban cho họ cách vô điều kiện nhưng việc tiến chiếm và sở hữu là có điều kiện. Vùng đất hứa chỉ về các phước hạnh thuộc linh mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu. Quyền sở hữu các phước hạnh thuộc linh là vô điều kiện, nhưng sở hữu các phước hạnh thuộc linh nầy và thực sự sử dụng nó là có điều kiện.
Giô-suê 1:3 “Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi, y như ta đã phán cùng Môi-se” được xem là câu chìa khóa cho cả sách Giô-suê.
Trước khi băng qua sông Giô-đanh để tiến chiếm Ca-na-an, thì Lời Chúa phán cho Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên rằng, “Nơi nào bàn chân ngươi đạp đến thì Ta ban cho các ngươi như Ta đã hứa cùng Môi-se.” Quí vị thấy không, cả vùng đất Ca-na-an đã ban cho Y-sơ-ra-ên. Xét về quyền sở hữu thì họ có tất cả, nhưng xét về sự sở hữu thực sự thì họ chưa có. Luật về sở hữu đó là mỗi một tấc đất tại Ca-na-an mà chân họ đạp đến thì Chúa ban cho họ.
Các phước hạnh thuộc linh như cầu nguyện, Lời Chúa, mối thông công, thờ phượng, niềm vui trong sự phục vụ, được Chúa dùng trong chương trình của Ngài… Có nhiều phước hạnh thuộc linh Chúa dành sẵn cho chúng ta. Chúa ban tất cả mọi điều nầy cho những người tin Ngài, nhưng một số thì nhận được, còn một số thì không. Câu chìa khóa rất là thực tế đó là chúng ta phải đặt chân trên nó. Chúng ta sở hữu sự cầu nguyện bằng cách cầu nguyện; sở hữu sự tôn thờ Chúa bằng cách thờ phượng; sở hữu Kinh Thánh bằng cách đọc Kinh Thánh, hiểu Kinh Thánh và áp dụng Kinh Thánh. Chúng ta sở hữu các phước hạnh thuộc linh từng bước một.
Nhiều người tin rằng, nội dung của Giô-suê liên hệ chặt chẽ với 5 sách đầu của Kinh Thánh, cho nên, nó phải được học kèm với 5 sách của Môi-se. Năm sách của Môi-se được gọi là Ngũ kinh vì nó gồm 5 sách luật pháp. Một số người khác tin rằng, sách luật pháp đề cập rất nhiều đến đất hứa; còn Giô-suê thì thật sự đem họ vào đất hứa. Do đó, nội dung của sách nầy thuộc về Ngũ kinh. Điều nầy minh họa rất hay về sự cứu rỗi.
Sáng thế ký nói về nguồn gốc của sự cứu rỗi.
Xuất Ê-díp-tô ký nói đến sự cứu thoát ra khỏi hình phạt và quyền lực của tội lỗi bởi huyết của chiên con lễ vượt qua và quyền năng phép lạ của Đức Chúa Trời.
Lê vi ký nói về mục đích của sự cứu rỗi, đó là thờ phượng Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu chúng ta.
Phục truyền luật lệ ký khuyến khích những người được cứu phải lấy đức tin để sở hữu, kinh nghiệm các phước hạnh thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã dự bị sẵn cho người tin Ngài.
Sách Dân số ký là một hình ảnh đáng buồn về sự chết của cả một thế hệ của dân sự Đức Chúa Trời vì không vâng lời và tin cậy Chúa.
Nhưng sách Giô-suê là sự tương phản với sách Dân số ký. Nếu Dân số ký là một minh họa của sự vô tín, thì Giô-suê là một minh họa của đức tin. Sách Giô-suê nói rằng, “Bởi đức tin ngươi có thể sở hữu tất cả mọi phước hạnh thuộc linh.”
Có nhiều câu Kinh Thánh trong Tân ước đề cập đến trọng tâm sách Giô-suê, đó là sở hữu vùng đất hứa. Nhiều học giả cho rằng, sách Ê-phê-sô trong Tân ước giống như sách Giô-suê trong Cựu ước. Ê-phê-sô nói về những phước hạnh thuộc linh trong Đấng Christ. Nó cho biết, việc sở hữu các phước hạnh thuộc linh nầy là điều khả dĩ. Những lời dạy dỗ thường ở trong Tân ước, còn những minh họa thường nằm trong Cựu ước.
Sách Giô-suê cho biết, đức tin sẽ chiếm hữu được tất cả. Chúng ta có thể đi vào vùng đất hứa thuộc linh và kinh nghiệm mọi phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã dự bị cho người tin. Sách Ê-phê-sô giải thích sâu hơn. Ví dụ, câu chìa khóa của sách Ê-phê-sô cũng là đoạn 1 câu 3. Điều nầy rất dễ nhớ vì cả hai sách đều có câu chìa khóa giống nhau: đoạn 1 câu 3. Ê-phê-sô 1:3 chép rằng,
Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời,
Đây là một câu rất hay của Kinh Thánh. Có nhiều điều dạy dỗ qua câu nầy. Trước tiên, nó là bức tranh của vùng đất hứa. Với Tân ước, vùng đất hứa là thiên đàng. Khi Chúa Giê-xu nói chuyện với Nicôđem về sự tái sanh, thì Ni-cô-đem không hiểu Ngài. Ông nói, “Làm sao điều đó có thể xảy ra được?” Chúa trả lời rằng,
Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được?
Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người ở trên trời. (Giăng 3:13)
Chúa Giê-xu nhìn thẳng vào mắt Ni-cô-đem và nói, “Không có ai đã từng lên thiên đàng ngoại trừ Ta. Không có ai đã từng giáng thế từ thiên đàng ngoại trừ Ta” Và Chúa phán, “Ta ở trên trời hay thiên đàng.” Ni-cô-đem không hề đặt câu hỏi “làm thế nào?” Trong khi nói chuyện tại phòng cao, Chúa cho biết thiên đàng là một nơi chốn.
Tuy nhiên, thiên đàng không chỉ là một nơi chốn mà chúng ta sẽ đến đó sau khi qua đời, mà cũng là thế giới thuộc linh chúng ta hiện đang sống trong đó. Đây là ý nghĩa của những gì mà Phaolô nói trong Ê-phê-sô 1:3 rằng, “Đức Chúa Trời có mọi phước hạnh thuộc linh dành cho chúng ta, nhưng chúng ta phải đến để nhận lấy.” Quí vị biết nó đang ở đâu không? Sách Giô-suê cho biết, nó đang ở trong vùng đất hứa. Dân Y-sơ-ra-ên phải đi vào đất hứa để chiếm hữu nó. Sách Ê-phê-sô cho biết phước hạnh thuộc linh ở trong Đấng Christ. Nó ở những nơi trên trời trong Đấng Christ. Nếu muốn sở hữu các phước hạnh thuộc linh thì chúng ta phải đến với Đấng Christ, ở những nơi trên trời vì đó là chỗ Đức Chúa Trời dự bị. Bởi đức tin, chúng ta có thể sống trong Đấng Christ và sống trong thế giới thiên đàng ngay hôm nay.
Để kết thúc, tôi xin phép được hỏi, quí vị có tin nơi các bài học dưỡng linh từ hai câu chìa khóa của sách Giô-suê và Ê-phê-sô không? Quí vị có tin rằng, quí vị có thể tiến vào vùng đất hứa hay sống một đời sống sung mãn như Chúa Giê-xu đã nói không? Nếu tin điều đó, tôi mời quí vị bởi đức tin mà tiến vào và sở hữu mọi phước hạnh thuộc linh trong Đấng Christ.