Bài 44: Gia-Cốp Trở Về Bê-Tên

2921

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Sáng thế ký 35

                                                   

Ngay sau khi Ê-sau quay lưng lại để khởi hành trở về trại của mình, Gia-cốp dẫn gia đình của ông đến xứ Si-chem. Đó là một cuộc di chuyển bi thảm. Gia-cốp vẫn tiếp tục nương dựa vào tài trí của mình. Đi-na con gái ông bị cưỡng hiếp. Si-môn và Lê-vi, hai người anh ruột của nàng, đi vào thành Si-chem tìm đến vị hoàng tử có trách nhiệm đã gây ra sự việc. Dù chàng này muốn kết hôn với nàng, họ giết chàng Si-chem, và các con trai của Gia-cốp đã tiến hành một cuộc thảm sát, mà cuộc thảm sát đó giống như những cánh băng đảng thanh toán nhau. Khi họ về đến nhà, Gia-cốp nói:‘Các con đã làm cho tên của cha thành một mùi kinh tởm trong vòng dân xứ này.’

           

Nhiều nhà giải kinh nói rằng thật là một thảm kịch cho Gia-cốp khi phải dừng chân ở Si-chem. Nhưng có phải Gia-cốp đã sẵn sàng đến xứ Bê-tên không? Có phải ông ta đã sẵn sàng với kinh nghiệm Đức Chúa Trời đã ban cho mình? Không, thảm kịch đã xảy ra trong đoạn 34 là kết quả của một người đã sống bằng sức mạnh của xác thịt con người. Cái tôi đã bị xẹp lép, nhưng vẫn chưa có một sự thử nghiệm đức tin nơi Chúa. Bởi vì ông ta đã không có đức tin để tiếp tục đi đến xứ Bê-tên. Ông dừng lại ở xứ Si-chem. Những thảm kịch đã xảy ra trong cuộc đời của ông bày tỏ ra rằng, ông không phải là người lãnh đạo trong chính gia đình của mình. Ông đã không nắm giữ vai trò thích đáng mà ông phải nắm giữ. Ông đã không trở nên một người lãnh đạo thuộc linh theo bất cứ cái nhìn nào. Gia-cốp đã không chuẩn bị mình cho việc chăn dắt 11 người con trai. Sau khi thảm kịch này xảy ra, Gia-cốp bắt đầu thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong cuộc đời của ông, và bây giờ ông quyết định rằng ông nên hành động thật sớm.

 

Gia-cốp trở về Bê-tên

 

Sáng thế ký 35:1, “Đức Chúa Trời phán cùng Gia-cốp rằng: Hãy chổi dậy, đi lên Bê-tên mà ở, và hãy lập nơi đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng hiện ra cùng ngươi đương lúc chạy trốn khỏi Ê-sau, anh ngươi.”

 

Bây giờ Đức Chúa Trời đang gọi người đàn ông này trở lại Bê-tên. Sau cái kinh nghiệm đau buồn vừa qua, ông ta đã sẵn sàng bước đi. Ông đã không có đức tin để đi ra khỏi chỗ cũ của mình, nhưng bây giờ Gia-cốp bắt đầu nắm giữ vai trò lãnh đạo thuộc linh trong gia đình mình.

 

Sáng thế ký 35:2, “Gia-cốp bèn nói cùng vợ con và mọi kẻ đi theo mình rằng: Hãy dẹp các tượng thần ngoại bang khỏi giữa các ngươi, làm cho mình được thanh sạch và thay áo xống đi.”

 

Gia-cốp bảo mọi người nhà mình phải làm một số điều. Trước tiên, họ phải “dẹp các tượng thần ngoại bang khỏi giữa các ngươi.” Chúng ta có thể hết sức kinh ngạc về chuyện này. Chúng ta còn nhớ là khi Gia-cốp trốn đi với Ra-chên và Lê-a, Ra-chên giấu đem theo mình những thần tượng của gia đình mình. Vào lúc đó Gia-cốp không biết rằng nàng đã lấy những hình tượng đó đem theo. Ông đã rất thành thực khi nói với La-ban rằng những hình tượng nhỏ đó không có trong hành lý của đoàn lữ hành. Thực sự, ông đã không biết chúng đang nằm trong đó. 

 

Khi những hình tượng đó bị khám phá ra, chúng ta giả định là Gia-cốp muốn dẹp bỏ chúng, vì ông đã nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thần Hằng Sống. Trong thực tế, ông đã có một kinh nghiệm gặp gỡ Ngài. Nhưng ông đã không dẹp bỏ những hình tượng, và bây giờ chúng ta thấy là cả gia đình ông đang thờ phượng những thần tượng ngoại bang này. Đây là lần đầu tiên, Gia-cốp nắm giữ trách nhiệm lãnh đạo thuộc linh. Ông ra lệnh: ‘Hãy dẹp bỏ những thần giả này, những thần ngoại bang này.’ Điều trước tiên họ phải làm là dẹp bỏ đi điều tội lỗi. 

 

Có rất nhiều người thờ phượng hầu việc một số thần tượng nào đó trong 6 ngày và đến ngày Chúa nhật cố gắng thờ phượng hầu việc Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ Đốc nhân, ngay cả những người thuộc khuynh hướng bảo thủ cực đoan, có những thần ngoại bang, và sau đó họ tự hỏi tại sao mình không tìm thấy được những kinh nghiệm phước hạnh trong buổi thờ phượng ngày Chúa nhật của hội thánh. Chúng ta phải dẹp bỏ đi những thần tượng ngoại bang trong lòng chúng ta. Những thần tượng có thể là những tham muốn xấu xa. Có một loại thương gia luôn chạy theo đuổi đồng tiền mình có thể thâu vào được. Loại người này tận hiến đời sống cho việc kiếm tiền hơn là tận hiến cho sự thờ phượng hầu việc Chúa vào Chúa nhật. Rồi sau đó lại tự hỏi có trục trặc gì đây trong đời sống tâm linh của mình. Nếu chúng ta đang đi trở lại Bê-tên nơi gặp Đức Chúa Trời lúc ban đầu, thì phải dẹp bỏ tất cả những điều tội lỗi. 

 

Sau đó, Gia-cốp nói. ‘Hãy dọn mình cho sạch.’ Đối với những người tin kính Chúa, điều đó có nghĩa là xưng nhận tội. Phải giải quyết tội lỗi trong đời sống của mình. Chúng ta không thể đến nhà thờ ngày chúa nhật và lơ đi cách chúng ta đã sống trong tuần lễ vừa qua. Ít nhất thì chúng ta cũng phải tắm sạch và xức dầu khử mùi hôi khi đến nhà thờ. Cũng vậy, đang có những mùi hôi thuộc linh trong các hội thánh của chúng ta vì không có sự xưng nhận tội, không có sự dọn mình cho sạch. ‘Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác’ (I Giăng 1:9). Phải xưng nhận tội. Ngài sẽ tha  thứ, nhưng chúng ta phải xưng nhận tội.

 

‘Và thay áo xống đi,’ nói cách khác, đó là dẹp bỏ đi áo xống cũ. Trong Kinh Thánh ‘áo xống’ nói về thói quen xấu. Con cái của Đức Chúa Trời phải mặc lấy nếp sống tỏ ra mình là ai và tỏ ra mình thuộc về ai. Các bạn có mặc lấy bản tính của Chúa không? Có thể nào quý vị bị khám phá ra là ở nơi làm việc hay ở trường học hay ở khu phố, đời sống mình chẳng có chút nào khác với những người không thuộc về Chúa không? Các bạn đang mặc lấy một bản chất nào? Vào ngày mà Gia-cốp quay trở lại Bê-tên, ông khởi đầu một cuộc sống cho Chúa. Cho đến lúc đó, có thể ông đã không làm như vậy. Giờ đây, ông nói: ‘Hãy đi đến Bê-tên.’ Đó là điều chúng ta phải làm.

 

Sáng thế ký 35:3, “Đoạn, chúng ta hãy chổi dậy, đi đến Bê-tên, nơi đó ta sẽ lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã trả lời ta trong lúc nguy hiểm, và đã phù hộ ta trong khi đi đường.”  

 

Áp-ra-ham, và Y-sác đã dựng nên những bàn thờ, và bây giờ Gia-cốp dựng nên những bàn thờ cảm tạ Chúa về điều này. Bây giờ ông ta có sự làm chứng cho Đức Chúa Trời.

 

‘Đấng đã trả lời ta trong lúc nguy hiểm, và đã phù hộ ta trong khi đi đường.’ Gia-cốp nhớ lại, khi ông chạy trốn khỏi nhà lúc còn là một người trẻ, ông nhớ nhà và cô đơn, ông đã đến Bê-tên, và Đức Chúa Trời đã thành tín với ông.  Đức Chúa Trời đã nói: ‘Ta sẽ thành tín với ngươí.’ Nhiều năm đã trôi qua, quả thật là Đức Chúa Trời đã thành tín với ông. Bây giờ Chúa phán: ‘Ngươi phải quay trở lại Bê-tên. Ngươi phải quay trở lại nơi ngươi đã khởi hành. Ngươi phải bắt đầu từ đó.’

 

Chúng ta cần nhận biết, những năm chúng ta sống như là những Cơ Đốc nhân còi cọt thiếu phẩm chất là cả một sự phí phạm thời giờ, hoàn toàn phí phạm thời giờ. Đức Chúa Trời kêu gọi con cái của Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô để vào đất hứa. Đức Chúa Trời hiện ra với họ và bảo họ đi vào đất hứa. Nhưng họ đã không đi vào. Họ phải lưu lạc 40 năm trong đồng vắng. Sau đó Chúa hiện ra với Giô-suê và phán: ‘Hãy đi vào đất hứa.’ Họ làm uổng phí 40 năm. Có bao nhiêu Cơ Đốc nhân đang làm uổng phí cuộc đời Cơ Đốc nhân của họ? Một số người trong chúng ta đang giống như Gia-cốp, đó là sự uổng phí thời giờ đang xảy ra cho chúng ta ngày nay. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài nói, Ngài là Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Nếu Ngài là Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Thật kỳ diệu thay! Đoạn Kinh Thánh này là cả một sự khích lệ lớn cho chúng ta.

 

Cần nhớ là Gia-cốp đang hành xử quyền lãnh đạo thuộc linh trong gia đình của ông.

 

Sáng thế ký 35:4, “Họ bèn đưa cho Gia-cốp các tượng thần ngoại bang của mình, và các vòng đeo nơi tai; rồi người chôn mấy vật đó dưới gốc cây dẻ bộp, gần thành Si-chem.”

 

Những vòng đeo tai có liên hệ với sự thờ phượng thần tượng trong thời đó. Kinh Thánh nói rất nhiều về điều này. Những cái vòng đeo tai minh chứng chúng như là thần tượng, và vì thế họ phải dẹp bỏ chúng.

 

‘Gia-cốp chôn mấy vật đó dưới gốc cây dẻ bộp, gần thành Si-chem.’ Gia-cốp dẹp bỏ chúng. Không thể cất giữ chúng. Phải chôn chúng đi. Phải dẹp bỏ chúng vì bây giờ là lúc đang bắt đầu một đời sống mới.

 

Sáng thế ký 35:5-6, “Đoạn, chúng khởi hành. Đức Chúa Trời bèn giáng sự kinh hãi cho các thành ở chung quanh đó, nên họ chẳng dám đuổi theo các con trai của Gia-cốp. Gia-cốp cùng mọi kẻ đi theo đến tại Lu-xơ (là thành Bê-tên), thuộc về xứ Ca-na-an.”  

 

Nơi này tên là Lu-xơ trước khi Gia-cốp đổi tên là Bê-tên. Dân chúng thời đó đã biết nơi này như là Lu-xơ, không phải là Bê-tên. Ngày nay, chúng ta biết nó là Bê-tên.

 

Sáng thế ký 35:7, “Người lập tại đó một bàn thờ, đặt tên chốn nầy En-Bê-tên, vì là nơi Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng người trong lúc chạy trốn khỏi anh mình.”

 

Bê-tên có nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời, cái tên mà Gia-cốp đã đặt cho ngày trước. Bây giờ ông gọi là Ên-Bê-tên, có nghĩa là Đức Chúa Trời của Bê-tên. Điều này bày tỏ sự trưởng thành đời sống thuộc linh của Gia-cốp.

 

Bây giờ có một chuyện phụ rất đáng quan tâm.        

 

Sáng thế ký 35:8, “Khi đó Đê-bô-ra, mụ vú của Rê-be-ca, qua đời, được chôn thân dưới thành Bê-tên tại gốc dẻ bộp; nhơn đó người ta gọi là cây A-lôn-Ba-cút.”

 

Vì Đê-bô-ra đã ở cùng Gia-cốp trong lúc này, nên chúng ta có thể cho rằng Rê-bê-ca đã chết trước đó rồi, và Kinh Thánh không cho biết bà chết lúc nào. Gia-cốp đáng thương không bao giờ gặp được mẹ lần nữa. Điều này chưa bi thảm bằng sự kiện bà không bao giờ thấy Gia-cốp lần nữa – chúng ta biết là bà đã bảo ông đi ra khỏi nhà trong một thời gian. Rõ ràng là người vú đã báo tin cái chết của Rê-bê-ca và đến ở cùng Gia-cốp và bây giờ bà qua đời.

 

Đức Chúa Trời làm mới lại giao ước

 

Sáng thế ký 35:9, “Khi ở xứ Pha-đan-A-ram đến, Đức Chúa Trời lại hiện ra cùng Gia-cốp nữa, ban phước cho người.”

 

Trong tất cả những năm đó, Đức Chúa Trời đã cải sửa Gia-cốp. Bây giờ ông đón nhận Chúa đúng ở nơi Ngài đã gặp ông, khi ông đến Bê-tên lúc còn trai trẻ. Khi nhận xét từ mọi khía cạnh, những năm ông sống với người cậu La-ban quả là những năm uổng phí.

 

Sáng thế ký 35:10-11, “Và phán rằng: Tên ngươi là Gia-cốp, sau nầy sẽ chẳng gọi Gia-cốp nữa, nhưng sẽ đặt là Y-sơ-ra-ên. Rồi Ngài đặt tên người là Y-sơ-ra-ên.  Đức Chúa Trời lại phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy sanh sản và thêm nhiều; một dân cho đến nhiều dân đều sẽ do nơi ngươi mà sanh, cùng các vua sẽ do nơi mình ngươi mà ra.”

 

‘Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng.’ Cần nhớ rằng Ngài đã phán với Áp-ra-ham cũng như vậy.

 

Sáng thế ký 35:12, “Xứ ta đã cho Áp-ra-ham và Y-sác thì ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi.”

 

Chúa kể điều này là một gia sản hết sức quan trọng, cần nhớ lại đây là lần thứ ba Ngài hứa với họ xứ mà Ngài sẽ ban cho, lần đầu Ngài hứa với Áp-ra-ham, kế đó với Y-sác, và bây giờ với Gia-cốp. Chúa đã nói lời hứa như vậy với mỗi người 2 hay 3 lần; trong thực tế, Ngài đã phán với Áp-ra-ham nhiều lần.

 

Sáng thế ký 35:13-15, “Đức Chúa Trời bèn ngự lên khỏi nơi Ngài đã phán cùng Gia-cốp. Người dựng một cây trụ đó tại nơi Đức Chúa Trời đã phán cùng mình, dâng lễ quán và tưới dầu vào.  Đoạn, Gia-cốp đặt tên nơi Đức Chúa Trời đã phán cùng mình là Bê-tên.”

 

Ở đây lần đầu tiên nhắc đến của lễ là thức uống. Trong sách Lê-vi-ký, có 5 loại của lễ dâng lên, nhưng không có của lễ là thức uống. Thật ra, không có sự chỉ dẫn về của lễ này, nhưng điều này có được nhắc đến. Rõ ràng đây là một trong những loại của lễ xưa nhất, và nó có ý nghĩa rất kỳ diệu với những người tin kính Chúa ngày nay. Của lễ là thức uống được đổ lên các của lễ khác và bốc thành hơi. Sứ đồ Phao-lô nói với người Phi-líp rằng đó là điều ông muốn cuộc đời của ông trở nên như vậy – được đổ ra như là một của lễ thức uống.

 

Ra-chên qua đời vào lúc sanh Bên-gia-min

 

Sáng thế ký 35:16-18, “Ở từ Bê-tên đi, họ còn cách Ê-phơ-rát chừng vài thôi đường, thì Ra-chên sanh nở. Việc sanh nở của người thật đau đớn. Trong khi khó sanh, bà mụ nói rằng: Đừng sợ chi, vì nàng còn một con trai nữa.  Vả, bởi Ra-chên gần trút linh hồn, vì đương cơn hấp hối, nên người đặt đứa con trai đó tên là Bê-nô-ni; còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min.”

 

Trước đây Ra-chên có người con thứ nhất là Giô-sép, nay bà có thêm đứa con thứ nhì.

Thật lạ lùng làm sao, đây không phải là cái chết của Ra-chên, nhưng là cách chết xảy ra như thế nào. Bà ta nói: ‘Hãy đặt tên nó là con trai của sự đau khổ,’ nhưng Gia-cốp nhìn con và nói: ‘Ta đã mất đi Ra-chên yêu quí của ta. Hài nhi bé bỏng này giống nàng như đúc, vậy ta sẽ đặt tên nó là Bên-gia-min, ‘con trai của tay phải của ta.’ Gia-cốp thương các con trai của Ra-chên nhiều hơn những đứa con khác.

 

Có lẽ, tình yêu của Gia-cốp dành cho Ra-chên trong những năm sống ở xứ Pha-đan-A-ram là điều duy nhất trong đời của ông mà không có chứng tích của nếp sống theo xác thịt và tìm kiếm cho mình. Ông đã yêu Ra-chên -không có một dấu hỏi nào về điều này. Ông đã tận hiến tất cả cho bà. Ông đã sẵn sàng làm tất cả vì bà, thậm chí cho phép bà giữ lại những thần tượng bà đã lấy cắp từ cha của bà. Bà đã sanh cho Gia-cốp đứa con trai Giô-sép. Bây giờ bà sanh Bên-gia-min. Và bà qua đời ngay trong lúc sanh đứa con trai thứ hai đó. Sự sống của nó là cái chết của bà.  Thật là một chuyện làm tan nát cõi lòng cho Gia-cốp.

 

Mười người con trai kia không phải là sự vui mừng cho ông chút nào. Đức Chúa Trời nhắc nhở ông, thật là tội lỗi khi có nhiều người vợ. Ông không cần nhiều vợ như vậy. Nhưng sự thật bày tỏ rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận đa thê hay đa phu. Điều không chấp nhận này có thể hiểu được rất rõ ràng khi nhìn vào cách các anh em cùng cha khác mẹ đối xử với Giô-sép.

 

Gia-cốp yêu thương Giô-sép và Bên-gia-min và hiển nhiên là những đứa con trai khác ganh tị. Ông không nên thiên vị với Giô-sép vì ông đã từng kinh nghiệm hậu quả của tình yêu thiên vị trong gia đình của ông. Ông đã là đứa con bị cha mình không ít thì nhiều, gạt ra bên lề. Ông đã biết đến những rắc rối xảy ra. Dầu không cố bào chữa cho Gia-cốp, chúng ta có thể thông cảm với ông. Ông đã mất Ra-chên yêu dấu, nhưng ông còn được Bên-gia-min. Trong lúc đứa bé là con trai của sự sầu thảm của Ra-chên, Gia-cốp đã không đặt tên nó là Bê-nô-in. Đứa bé không phải là con trai của sự sầu thảm của ông, nó là con trai cánh tay hữu của ông, cây gậy của ông, cây trượng của ông, là đứa con mà ông sẽ nương dựa trong tuổi già yếu của mình. Chúng ta cần nhận biết điều này, bởi vì nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu nổi sầu thảm rất lớn, mà Gia-cốp sẽ phải chịu đựng sau này. Tất cả mọi sự đều bắt đầu từ tội lỗi của Gia-cốp. Đức Chúa Trời không chấp nhận tội lỗi trong đời sống của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng, mình có thể vượt qua với tội lỗi, nhưng chúng ta sẽ không vượt qua hơn được như là Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 35:19-21, “Vậy, Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức là Bết-lê-hem. Gia-cốp dựng một mộ-bia; ấy là mộ-bia của Ra-chên đến ngày nay hãy còn di tích. Kế đó, Y-sơ-ra-ên đi, đóng trại ở ngoài nơi tháp Ê-đe.”

Cho đến ngày nay có nghĩa là cho đến lúc Môi-se chép lại những điều này.

           

Tên của các con của Gia-cốp

 

Từ câu 22 đến câu 26, chúng ta có danh sách tên các con trai sanh từ những người vợ của Gia-cốp. Thật ra, Giô-sép và Bên-gia-min là hai người con trai tốt nổi bật. Những người con khác không được như vậy. Một lần nữa, điều này chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời không chúc phước cho việc có nhiều vợ. Tình cảnh gia đình của Gia-cốp minh họa cho chúng ta điều này. Mặc dầu người cậu La-ban có phần trách nhiệm, nhưng Gia-cốp đi theo hoàn cảnh đó.

 

Y-sác qua đời

 

Sáng thế ký 35:27-29,  “Gia-cốp đến cùng Y-sác, cha mình, ở Mam-rê, tại thành Ki-ri-át-A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, nơi Áp-ra-ham và Y-sác đã kiều ngụ. Y-sác hưởng thọ được một trăm tám mươi tuổi. Người tuổi cao tác lớn, thỏa mãn về đời mình, tắt hơi, được về cùng tổ phụ. Ê-sau và Gia-cốp, hai con trai, chôn người.”

 

Cái chết của Y-sác, cha của họ, là dịp duy nhất đem hai người con lại chung với nhau trong những năm sau này từ khi Gia-cốp trở lại xứ sở.

 

Cái chết là diễn biến chính của đoạn này? Trước hết là cái chết của Đê-bô-ra, tớ gái của Rê-bê-ca. Lồng vào trong đó là cái chết của chính Rê-bê-ca. Kế tiếp là cái chết của Ra-chên yêu dấu. Sau cùng đoạn Kinh Thánh kết thúc với cái chết của Y-sác.

 

Gia-cốp đã trải qua hành trình rất dài và trong nhiều năm, rồi cuối cùng ông trở về Bê-tên, nơi mà ông đã gặp Đức Chúa Trời. Không phải Gia-cốp trở về đó để nhớ những kỷ niệm tốt trong tiến trình nhận biết Chúa, nhưng chính vì ông muốn biết và gần gũi với Chúa càng thêm.   

 

 

 

Bài trướcBài 44: Ghi Nhớ Những Phép Lạ Chúa Làm (tt)
Bài tiếp theoHuấn Luyện Ban Hướng Dẫn Thiếu Nhi