Bài 44: Ghi Nhớ Những Phép Lạ Chúa Làm (tt)

1080

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Trong bài giảng ở đoạn 8, Môi-se nhấn mạnh đến Lời của Đức Chúa Trời và tầm quan trọng của việc tuân giữ Lời Ngài.

 

Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng.

 

 Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra.

 

Phần nầy được tiếp theo với những lời sau đây:

 

Ngươi khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ gìn những điều răn, mạng lịnh và luật lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng; lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi,thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng.

 

Những câu nầy cho biết mục đích của Lời Đức Chúa Trời. Điều nầy thật quan trọng để giúp chúng ta hiểu biết lời Đức Chúa Trời. Chúa ban cho chúng ta Lời của Ngài vì Chúa muốn chúng ta biết phải sống như thế nào. Đức Chúa Trời không phải là một hung thần, lập ra các luật lệ khắt khe để làm khổ cho con người. Mọi lời và mọi điều luật của Chúa đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương của Ngài và vì phúc lợi cho con người. Là Đấng tạo nên sự sống nên Chúa biết làm thế nào để hưởng một đời sống trọn vẹn. Chúa Jêsus phán rằng, “Ta đến để các con hưởng sự sống và hưởng được sự sống các dư dật.” Làm thế nào để hưởng sự sống dư dật? Kinh thánh dạy rằng, hãy đến với lời của Đức Chúa Trời và tuân giữ mỗi một lời mà Chúa đã phán dạy. Đó là cách để sống thật và tận hưởng cuộc đời.

 

Lời Đức Chúa Trời gắn liền với cuộc sống. Có hai cách để hiểu Lời Đức Chúa Trời. Thứ nhất là học hỏi Lời Chúa như cách chúng ta đang làm, thậm chí quí vị có thể đi đến các trường Kinh thánh để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Nhưng theo sự soi sáng của Phục truyền luật lệ ký chương 8 thì đây không phải là cách duy nhất để học Lời Đức Chúa Trời, nếu không muốn nói là không đầy đủ. Nếu Lời của Đức Chúa Trời gắn liền với cuộc sống thì có một cách khác nữa để học Lời của Ngài là học về cuộc sống. Tôi tin rằng, Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta hiểu về cuộc sống; và ngược lại, cuộc sống giúp chúng ta hiểu về Lời Đ   ức Chúa Trời. Do đó, càng hiểu về Lời Chúa bao nhiêu, chúng ta càng hiểu về cuộc sống bấy nhiêu; và càng hiểu về cuộc sống bao nhiêu, chúng ta càng hiểu về Lời Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Như vậy, nếu muốn thật sự hiểu Lời Đức Chúa Trời, quí vị không phải chỉ đi vào những chủng viện để giam mình trong những phòng kín, cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng hãy đi vào trong cuộc sống, lăn lộn với cuộc sống; từ đó, quí vị sẽ hiểu Lời Đức Chúa Trời.

 

Đó là điều mà Môi-se nói với dân sự của Ngài. Ông hỏi họ, “Đức Chúa Trời đã dạy các ngươi Lời Ngài khi nào? Ngài đã dạy các ngươi bằng cách nào?” Ông muốn khẳng định rằng, vấn đề không chỉ đơn giản là đến đền tạm để thầy tế lễ  chỉ dạy cho các ngươi. Đó không phải là nơi mà Đức Chúa Trời thật sự dạy các ngươi; nhưng chính tại đồng vắng, khi mà Ngài để các ngươi bị đói khát. Khi đó, các ngươi học biết rằng, Chúa là nguồn chu cấp mọi nhu cầu và đã nuôi các ngươi không thiếu thốn gì cả. Chính lúc lang thang trong sa mạc với những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo khó khăn, Đức Chúa Trời đã dạy cho các ngươi biết rằng, người ta sống không phải chỉ bởi bánh, không phải bởi sự thỏa mãn những điều mình ưa thích, nhưng con người sống bởi tuân giữ mỗi một Lời của Đức Chúa Trời. Họ đã không học Lời của Đức Chúa Trời tại các chủng viện hoặc tại đền thờ, họ đã học Lời Chúa qua những thách thức cam go của cuộc sống.

 

Có vị Mục sư kể lại một kinh nghiệm  trong cuộc đời của ông như sau. “Vào mùa hè của năm học thứ tư tại trường Kinh thánh, tôi đã gặp một thử  thách nặng nề. Lúc đó, tôi sống xa nhà khoảng hơn 4,500 km và bị thương khi đang làm việc tại một công trường xây cất. Có một gia đình đem tôi về săn sóc. Chủ nhà là một phụ nữ tin kính đang dạy lớp Kinh thánh. Hôm kia, tôi xuống tinh thần kinh khủng, bà đã nói với tôi. “Cậu đã học Lời Đức Chúa Trời 4 năm, nhưng tôi đã sống với Lời của Ngài trong 40 năm. Tôi biết Lời Chúa nhiều hơn những gì cậu biết, để tôi nói cho cậu nghe nhé.” Đúng vậy, bà đã giúp tôi hiểu những điều mà tôi không tìm thấy được tại trường thần học.” Bà đã không học tại trường Kinh thánh nhưng đã học từ kinh nghiệm riêng tư của đời sống bà. Đây chính là nơi để chúng ta học lời Chúa, học tại trường đời vì mục đích của Lời Đức Chúa Trời là chỉ dạy chúng ta phải sống như thế nào.

 

Một điều khác, chúng ta học được từ phân đoạn nầy là coi chừng về nguy cơ của sự sung túc. Sứ đồ Phaolô đã nói rằng, “Tôi biết sống trong sự dư dật và tôi cũng biết sống trong sự thiếu thốn.” Đây là một thách thức lớn cho chúng ta. Chúng ta có biết làm thế nào để sống trong sự thiếu thốn không? Chúng ta biết làm thế nào để sống khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo không? Phao-lô nói rằng, “Tôi đã học bí quyết của sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh.” Khi bị xiềng trong bốn bức tường của ngục giam tại La mã, ông có thể nói rằng, “Tôi biết phải sống như thế nào trong hoàn cảnh nầy, tôi biết phải đương đầu với sự gian khổ như thế nào.” Đồng thời, ông cũng nói rằng, “Tôi biết làm thế nào để sống khi dư dật.” Tôi cho rằng, học cách sống trong sự sung túc còn khó hơn là học cách sống trong sự nghèo thiếu.

 

Một trong những nhà lãnh đạo Tin lành rất uy tín là ông Charles Colson, trước đây đã từng là cố vấn cho Tổng thống Nixon. Trong một dịp họp mặt với hằng trăm nhân viên cùng làm việc với ông, Charles đã nói rằng, “Xin nhớ cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi đang ở trong một thời kỳ được gọi là hưng thịnh về phương diện thuộc linh.Công việc phục vụ Chúa của chúng ta đã bắt đầu tiến vào một giai đoạn đi lên. Nhiều người đã đáp ứng về khải tượng mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhiều người cũng bày tỏ sự tán thưởng về những gì mà chúng ta đang làm. Họ cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tôi. Có lẽ, tôi sẽ nói chuyện với 2,500 người vào buổi cầu nguyện điểm tâm và họ sẽ bày tỏ sự hoan nghinh đó” và ông nói tiếp, “Khi đứng trước một viễn ảnh như vậy, tôi lấy làm run sợ và không biết liệu mình hiểu phải hành xử như thế nào trong trường hợp nầy? Xin cầu nguyện để Chúa giúp tôi khiêm cung và biết sống thế nào khi mọi sự đang thăng tiến tốt đẹp.”

 

Có bao giờ quí vị nghĩ rằng, sống trong sự sung túc không phải là một điều dễ dàng cho chúng ta? Trên đây là một phần trong lời khuyến cáo mạnh mẽ về việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Môi-se nói với họ, “Các ngươi đã học Lời Chúa bằng cách nào?” Phải chăng thông qua những gian khổ mà Đức Chúa Trời đã dùng để sữa dạy? Các ngươi nhớ lại hậu quả của việc không tuân giữ Lời Đức Chúa Trời; và biết rằng, Lời của Ngài chính là con đường của sự sống.” Và Môi-se nói tiếp, “Bây giờ, các ngươi đã thoát khỏi những ngày gian nan cơ cực, nhưng đừng bao giờ quên những bài học mà ngươi đã học được khi còn ở trong những lúc cơ hàn. Khi ngươi đã trở nên giàu có, đừng bao giờ quên những điều đó; nhưng đó là lúc phải thận trọng, là lúc phải coi chừng vì “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”

 

Sử gia Kenneth Scott Laterette đã nhận xét cách chí lý rằng, “Nếu hội thánh của Chúa Jêsus Christ thực hiện tốt sứ mạng của mình trong một thời kỳ sung túc, thì đó là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử của con dân Đức Chúa Trời.” Con dân Chúa không thực hiện xong sứ mạng của họ khi ở trong sự thịnh vượng và sung túc. Trong hoàn cảnh đó, họ có khuynh hướng trở nên vô dụng và bội đạo. Con dân Chúa dường như làm được việc trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Hội thánh của Chúa Jesus Christ đã được khai sinh trong sự bách hại của người La mã. Trong suốt 300 năm đầu của lịch sử giáo hội, có 10 lần hội thánh đã chịu càn quét khủng bố. Thế nhưng, đó lại là lúc hội thánh mạnh mẽ và sống động hơn bao giờ hết. Chúng ta cần ghi vào tâm khảm của mình về bài học mà Môi-se và Phao-lô đã dạy, “Biết sống trong nghèo hèn và biết sống trong dư dật.” Khi trở nên dư dật, thì đừng bao giờ quên Đức Chúa Trời. Hãy để ý bao nhiêu lần các vị tiên tri và sứ đồ đã nói “Hãy ghi nhớ, hãy ghi nhớ.” Đừng bao giờ  quên Đức Chúa Trời khi thịnh vượng.

 

Qua sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta khám phá hết bài giảng xuất sắc nầy đến bài giảng xuất sắc khác. Bài giảng tiếp theo là bài giảng về ân điển của Đức Chúa Trời. Môi-se nói với dân sự rằng, “Khi Đức Chúa Trời đã đem các ngươi vào trong vùng đất hứa và chinh  phục quân thù của các ngươi, sau khi mà Ngài đã làm tất cả những điều nầy cho các ngươi, thì đừng tự nhủ rằng, sở dĩ Chúa giúp tôi vì chúng tôi tốt. Không phải vậy đâu, không phải vì các ngươi tốt. Nhưng vì sự gian ác của các quốc gia đó mà Ngài đã làm điều nầy. Không phải vì các ngươi là những người tốt và công bình, nhưng vì sự gian ác của các dân tộc đó và cũng bởi lời Ngài đã hứa cùng tổ phụ các ngươi là Apraham, Y sac, Giacop mà ta đã làm những điều nầy cho ngươi.”

 

 Môi-se nhắc lại một lần nữa, đây là lần nhắc thứ tư mà ông mong họ ghi nhớ,  "Giê Hô Va Đức Chúa Trời không cho ngươi vùng đất phì nhiêu nầy vì ngươi tốt, trái lại các ngươi là những người gian ác, cứng lòng.” Tại đây, chúng ta tìm thấy khái niệm ân sủng của Đức Chúa Trời. Ân sủng chỉ về ơn và các phước lành của Đức Chúa Trời bao gồm cả những ân tứ và quyền năng của Ngài. Trong bất luận hình thức nào, ân sủng của Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào chúng ta; không phải vì chúng ta tốt hoặc xứng đáng hoặc đã thành đạt được một điều gì đó để nhận lấy ân sủng. Xin đừng bao giờ quên điều nầy. Nhiều khi chúng ta tưởng rằng mình đã thông suốt điều nầy, nhưng sự thật không phải như vậy.

 

Có vị Mục sư kể rằng, “Cách đây vài năm vào buổi tối thứ bảy, tôi đã hoàn toàn mất tự chủ. Một trong những đứa con của tôi đã khiến tôi vô cùng giận dữ. Chỉ vài giờ sau đó là 11 giờ sáng Chúa nhật, tôi đang có mặt trước một hội chúng đông đảo. Ngồi tại đó và tôi thưa với Chúa rằng, “Con xin Chúa tha lỗi cho con, nhưng hôm nay Chúa không thể làm gì qua con được vì con đã thất bại vào sáng sớm hôm nay. Chúa không thể làm gì cả vì con đã làm hỏng việc rồi, xin tha thứ cho con.” Thế nhưng, chính buổi sáng đó, tôi đã cảm nhận cách đặc biệt về khúc Kinh thánh Chúa Jêsus dạy về người Pharisi và người thâu thuế. Trước đây, tôi chưa bao giờ hiểu rằng, Chúa dạy ví dụ đó là chỉ về những người tin cậy vào chính mình là người công nghĩa. Khi tôi đọc Kinh thánh cùng với hội chúng thì Chúa dạy tôi, “Con đã nương dựa vào sự công nghĩa của con. Đó là lý do vì sao con cho rằng, ta đã làm việc trong hai tuần trước, vì con đã sống tốt đẹp trong hai tuần đó. Bây giờ, con thất bại trong tuần nầy và cho rằng Ta sẽ không làm gì cả. Như vậy, con chưa hiểu về Ân điển.” Đó là những gì mà Chúa đã phán dạy với tôi. Bởi vậy, tôi mạnh dạn đi lên để giảng và không thể nào tin được sự xức dầu của Chúa Thánh linh hôm đó. Có lẽ, quí vị chưa thật sự học về điều đó. Phân đoạn Kinh thánh nầy khẳng định rằng, “Không phải ngươi tốt, nhưng bởi vì Đức Chúa Trời tốt. Bởi vì Ngài yêu ngươi; vì thế, Ngài ban phước cho ngươi.” Đó là ý nghĩa chữ ân sủng được tìm thấy trong chương thứ 9 của Phục truyền luật lệ ký. Xin hãy suy nghĩ về khái niệm nầy xuyên suốt Kinh thánh vì sự cứu rỗi chúng ta dựa trên ân sủng của Đức Chúa Trời.

 

 

 

Bài trướcGiáng Sinh Tại Chi Hội Bình Sơn – Quảng Ngãi.
Bài tiếp theoBài 44: Gia-Cốp Trở Về Bê-Tên