Bài 18: Cầu Nguyện Với Chúa Là Đấng Chủ Tể

920

Nguyễn Sinh Biên Soạn

 

Cầu Nguyện Với Chúa Là Đấng Chủ Tể

 

 

Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu lẽ mầu nhiệm về quyền chủ tể của Chúa, vì khi hiểu rõ uy quyền này, thái độ sống và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thay đổi.

 

Chúng ta sẽ đọc sách tiên tri Đa-ni-ên chương 4.  (Mời bạn mở ra đọc)

 

Chương này bắt đầu là một cuộc đối thoại giữa vua Nê-bu-cát-nết-sa và Đa-ni-ên và kết thúc bằng một mẩu độc thoại của ông vua này. Đa-ni-ên chương 4 liên quan đến một giấc mơ. Vua Nê-bu-cát-nết-sa, hoàng đế Ba-by-luân một đêm nọ nằm mơ và giấc mơ đó khiến cho vua hốt hoảng.  Vua cho gọi tất cả những thầy bói và tiên tri tài giỏi trong nước đến để giải mộng cho vua, nhưng tất cả mọi người đều bó tay, không biết giải đáp ra sao. Cuối cùng vua phải gọi đến một nhà tiên tri Do-thái là Đa-ni-ên.  Đa-ni-ên không những giải mộng được cho vua mà còn có lời khuyên bảo vua nữa.

 

Nê-bu-cát-nết-sa là một người kiêu ngạo và là một kể thống trị tàn bạo, quyền sinh sát mọi người đều trong tay ông ta. Lúc ấy Nê-bu-cát-nết-sa thống trị đế quốc Ba-by-luân, nhưng Đa-ni-ên có can đảm nhìn thẳng vào mặt ông vua này, và cho ông ta biết sự thật liên quan đến giấc mơ lạ thường của ông ta. Khi giải giấc mơ cho vua, Đa-ni-ên đồng thời cảnh báo cho ông vua này về sự thật mà Chúa muốn ông ta phải có thái độ.

 

Xin đọc sách tiên tri Đa-ni-ên chương 4:24-28:

24. Tâu bệ hạ, nầy là lời giải, và nầy là mạng lệnh của Đấng Chí Cao, đã truyền đến cho bệ hạ, vua chúa tôi: 25. Người ta sẽ đuổi bệ hạ  ra khỏi loài người, và bệ hạ sẽ ở chung với những thú vật trong đồng. Bệ hạ sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, và sẽ bị thấm nhuần sương móc trên trời; bảy kỳ sẽ trải qua trên bệ hạ, cho đến khi bệ hạ nhận biết rằng Đấng Chí Cao cai trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý. 26. Còn như đã truyền rằng chừa lại gốc của rễ cây đó, tức là khi nào bệ hạ đã nhận biết các từng trời cầm quyền, thì nước của bệ hạ chắc sẽ thuộc về bệ hạ. 27. Vậy nên, tâu bệ hạ, xin hãy nghe lời tôi khuyên: hãy lấy sự công chính mà chuộc tội,, hãy thương xót những kẻ nghèo khó để bù lại những điều gian ác của bệ hạ. Như vậy sự bình an của bệ hạ còn có thể lâu dài hơn được..  28. Hết thảy những sự đó đều xảy ra cho vua Nê-bu-cát-nết-sa.

 

Qua lời của Đa-ni-ên, ta thấy có một từ rất quan trọng, đó là nhận biết, hiện đại người ta dùng từ ý thức để thay thế.  Từ này được nhắc lại hai lần, đó là:

 

Cho đến khi bệ hạ ý thức rằng Đấng Rất Cao ai trị trong nước loài người và Ngài ban cho ai tuỳ ý. 

 

Lần thứ hai là:

 

Tức là khi nào bệ hạ ý thức là các từng trời cầm quyền.

 

Từng trời đây cũng chính là Chúa, Đấng Chí Cao. Ta có thể ý thức một điều gì đó nhưng không liên quan gì cả. Nhưng ta không thể nào thực sự ý thức điều gì mà không có hành động liên quan hay chấp nhận.

 

Đa-ni-ên bảo vua Nê-bu-cát-nết-sa rằng: Cho đến khi nào bệ hạ ý thức được rằng bệ hạ không phải là đế vương chủ tể, nhưng chính là Chúa. Chính bệ hạ không chế ngự được sinh mạng của bệ hạ, nhưng chính là Chúa, đấng chủ tể và bệ hạ không thể tránh được số phận Chúa dành cho bệ hạ.

 

Qua lời Đa-ni-ên, ta hãy suy nghĩ đến từ Đấng Chủ Tể. Chủ tể trong nghĩa này có hàm ý làm chúa tể toàn quyền hay là hoàn toàn thống trị. Nê-bu-cát-nết-sa cho rằng mình là ông vua thống trị quyền uy nhất trên khắp đế quốc, nhưng Đa-ni-ên sau khi giải mộng cho vua, đã bảo:

 

Chúa đã cho bệ hạ giấc mơ này để bệ hạ nhìn cuộc đời bằng một cái nhìn khác hẳn, đó là: Chúa vĩnh hằng trên trời, Đấng tạo nên chính bệ hạ, không những sinh thành bệ hạ, cho bệ hạ có sinh khí nhưng còn làm chủ cuộc đời của bệ hạ nữa.

 

Đây là những lời mà vị hoàng đế như vua Ba-by-luân khó chấp nhận.

Nhưng ta lưu ý phần miêu tả tiếp theo, câu 29:

Mười hai tháng sau đó, khi vua Nê-bu-cát-nết-sa đang đi dạo trong hoàng cung Ba-by-lôn,

“Mười hai tháng sau đó” nghĩa là đúng một năm trời trôi qua trong thời gian đó Chúa nhẫn nại chờ vua Nê-bu-cát-nết-sa suy nghĩ và nhận định. Vua có thể đặt ra các câu hỏi như: Ta đây quản trị đời mình, hay Đấng Tạo Hóa? Ta làm vua hay Chúa? Chúa thống trị những gì? Vua đã trả lời những câu hỏi trong tâm trí vua như sau:

 

Sau đó mười hai tháng, một hôm vua đi dạo trong hoàng cung Ba-by-luân, 30. và nói rằng: Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? 31. Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. 32. Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý. 33. Trong chính giờ đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua bị đuổi khỏi giữa loài người; ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc.

 

Nê-bu-cát-nết-sa trở thành một con thú vô tri, sống ngoài đồng.  Vua hoàn toàn ly cách với tri thức và lý luận, và sống như trâu bò trên đồng cỏ vậy. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đó. Ta tưởng tượng như Đa-ni-ên đưa bút cho vua và bảo, bệ hạ viết nốt câu chuyện đi! Và phần cuối của chương 4 như sau:

 

34. Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. 35. Hết thảy dân cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy? 36. Trong lúc đó, trí khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh hiển của ngôi nước ta, sự oai nghi chói sáng trở lại cho ta; những nghị viên và đại thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, và sự uy nghi quyền thế ta càng thêm. 37. Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chơn thật, các đường lối Ngài đều công chính; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống.

 

Qua những lời của ông vua này ta nhận thấy ông ta nói về: uy quyền của Chúa, nước Chúa, ý định cuả Chúa, tay Chúa, công việc Chúa làm và đường lối của Ngài. Đây là những nhận định mà nhiều khi chính chúng ta không xác nhận và vẫn còn muốn tự quyết định. 

 

Cho đến khi nào ta công nhận quyền tể trị của Chúa, thì lúc đó lời cầu nguyện của ta mới thay đổi và hiệu quả sẽ thể hiện. Nhận định về quyền tể trị của Chúa còn giúp ta biết chỗ đứng của mình và được hanh thông. Vua Nê-bu-cát-nết-sa khi hạ mình tôn phục Chúa thì được Chúa phù hộ, ban cho danh vọng còn hơn trước nữa.

 

Vua Sa-lô-môn ngày xưa nói rằng: Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.  Châm ngôn 21:1.  Người ta thường nói rằng, vua cũng chỉ là người thôi.  Nghĩa là người đứng đầu một nước, có nhiều quyền uy và danh vọng, nhưng không phải là thần linh, mà chỉ là con người tầm thường. Hơn thế nữa, uy quyền và địa vị là do Chúa ấn định, và Chúa điều khiển người cầm đầu một nước không khác gì hướng dẫn một dòng nước.  Chừng nào người cầm đầu một nước biết rõ uy quyền của Chúa,  người ấy phải tôn phục Chúa thì mới mong được thịnh trị và hưởng phúc lành của Chúa ban cho.

 

Hoàn cảnh của thánh nhân Gióp trong Kinh Thánh rất là đặc biệt.  Gióp là người mất tất cả con cái, tài sản, đoàn súc vật, đầy tớ.  Ông mất cả sức khỏe, vì thân hình ghẻ lở từ đầu đến chân. Ông chỉ còn sự sống và bà vợ không mấy gì tử tế với ông. Bè bạn thay vì đến an ủi ông, họ chỉ ngồi lý luận rằng ông xứng đáng gặt những hậu quả mà mình đã gieo. Nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời Gióp trong chương 38 trong một cơn gió lốc rằng:

 

 1. Bấy giờ, từ giữa cơn gió lốc, Đức Chúa Trời đáp cùng Gióp rằng: 2. Kẻ nầy là ai dám dùng các lời không tri thức, Mà làm cho mờ ám các mưu định ta? 3 Khá thắt lưng người như kẻ dõng sĩ; Ta sẽ hỏi ngươi, ngươi sẽ giải thích cho ta! 4 Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi. 5. Ai đã định độ lượng nó, Và giăng dây mực trên nó, ngươi có biết chăng? 6 Nền nó đặt trên gì? Ai có chôn hòn đá góc của nó? 7. Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, Và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng. 8. Vả lại, khi biển bể bờ và cất ra khỏi lòng đất, Ai đã lấy các cửa mà ngăn đóng nó lại?  9. Khi ấy ta ban cho nó mây làm áo xống, Lấy tăm tối làm khăn vấn của nó; 10. Ta định giới hạn cho nó, Đặt then chốt và cửa của nó,11. Mà rằng: Mầy đến đây, chớ không đi xa nữa, Các lượn sóng kiêu ngạo mầy phải dừng lại tại đây! 12. Từ khi ngươi sanh, ngươi há có sai khiến buổi sáng, Và phân định chỗ cho hừng đông, 13. Để nó chiếu đến bốn bề trái đất, Và đuổi rảy kẻ gian ác khỏi nó chăng?14. Trái đất biến hình như đất sét dưới dấu ấn, Và mọi vật hiện ra trau giồi như bằng áo. 15. Sự sáng đã cất khỏi kẻ ác, Cánh tay chúng nó giơ lên, đã bị gãy rồi.16. Chớ thì ngươi có thấu đến nguồn của biển sao? Há có bước dưới đáy của vực sâu chăng? 17. Cửa âm phủ há có bày ra trước mặt ngươi chớ? Có thấy các cửa của bóng sự chết chăng?18. Lằn mắt ngươi có thấu đến nơi khoan khoát minh mông của đất chăng? Nếu ngươi biết các điều đó, hãy nói đi. 19. Con đường dẫn đến nơi ở của ánh sáng là đâu? Còn nơi của tối tăm thì ở đâu? 20. Chớ thì ngươi có thế dẫn nó lại vào địa giới nó sao? Có biết các đường lối của nhà nó ở chăng?21. Không sai, người biết mà! Vì ngươi đã sanh trước khi ấy, Số ngày ngươi lấy làm nhiều thay 22. Ngươi có vào các kho tuyết chăng? Có thấy nơi chứa mưa đá, 23. Mà ta đã để dành cho thì hoạn nạn, Cho ngày chiến trận và giặc giã chăng?

 

Với những lời lẽ phán bảo qua một cơn gió lốc, Chúa chỉ muốn cho ông Gióp hay rằng Ngài là Đấng Chủ Tể, quản trị vũ trụ vạn vật. Chúa cầm nắm vận mạng của mỗi người, không có gì qua khỏi ánh mắt Chúa được.

Sau đó ta nghe tiếng ông Gióp phát biểu trong chương 42 câu 1và 2 rằng:  

 

1. Gióp thưa với Đức Chúa Trời rằng: 2. Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, Chẳng có ý chỉ nào Chúa có thể bị điều gì ngăn cản được. Đây là một câu kết luận của một loạt những cuộc biện luận có thể kéo dài hằng tháng trời giữa ông Gióp và mấy người bạn uyên bác lý luận. Chúa lúc nào cũng toàn thắng và làm chủ. Làm sao con người nhỏ bé do Chúa sáng tạo có thể biện luận điều gì hay tranh cãi với Đấng vô cùng, vĩnh hằng trong mọi vấn đề?

 

Hiều biết của Chúa là hiểu biết trọn vẹn, biết kết thúc ngay từ ban đầu. Trên trời hay dưới đất không có ai so sánh được với Chúa.

 

Nhưng biết Chúa là Đấng Chủ Tể, vô cùng vĩ đại thì tôi phải có thái độ nào?

 

1. Trước tiên, sự việc Chúa hoàn toàn chủ tể giải thoát tôi khỏi lo âu sợ hãi. Hiểu biết như thế không giải quyết mọi nan đề của tôi, nhưng lấy đi mọi lo lắng và khó chịu. Khi tôi xác nhận chủ quyền của Chúa trong mọi nan đề của tôi, tôi sẽ được an nghỉ.

 

2. Thứ hai, quyền chủ tể của Chúa giải thoát tôi khỏi đòi hỏi giải thích sự việc xẩy ra. Tôi không cần phải tìm mọi giải đáp cho các vấn đề. Tôi có thể nói với mọi người ngay trong cơn khó khăn của tôi rằng: Quý vị biết không, tôi không biết nguyên nhân nào đưa đến sự việc này. Tôi không thể nào biết nổi kế hoạch của Đấng Toàn Năng.

 

Nan đề của chúng ta là khi học biết một chút ít về thần đạo hay về tín lý căn bản, đã vội cho rằng mình có khả năng thăm dò những chuyện bất khả thăm dò. Thực ra phải thành thật đối diện với nan đề và công nhận mình hoàn toàn bất lực. Nhận rằng không thể giải thích được.

 

3. Thứ ba, việc nhận thức về quyền chủ tể tuyệt đối của Chúa khiến tôi tránh được tính kiêu ngạo, và tự mãn. Vì Chúa làm chủ cuộc đời tôi hoàn toàn.

 

Vua Nê-bu-cát-nết-sa ngày xưa đã thấy được điểm ấy qua một giấc mơ và một kinh nghiệm kinh khủng. Ta có thể chưa có những kinh nghiệm để nhận được cái biết như thế cho đến khi gặp Chúa. Nhưng ta phải tin rằng Chúa, một mình Chúa làm chủ tất cả, và kế hoạch của Chúa bao giờ cũng đúng và không ai lay chuyển được.

 

Thưa quý vị và các bạn, chúng ta cảm ơn Chúa vì trong cuốn Kinh Thánh mà chúng ta cầm trên tay có ghi lại câu chuyện hoàng đế Ba-by-luân biết được Chúa là ai và thánh nhân Gióp sau hoạn nạn kinh khủng cũng xác nhận Chúa là Đấng nắm trọn số phận và cuộc đời của mỗi người. 

 

Lời cầu nguyện của mỗi chúng ta trước Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Thiện sẽ như thế nào để ân sủng của Ngài xứng đáng cho chúng ta nhận và chúng ta hân hoan ca ngợi tôn vinh Ngài, vì Chúa bằng lòng đối thoại với chúng ta.

 


Bài trướcChúa Ban Bình An Cho Các Hội Thánh Qua Cơn Bão Lớn Tại Đà Nẵng
Bài tiếp theoBài 42: Nuôi Dạy Con Cái (tt)