Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Phục truyền Luật lệ ký có nghĩa là lặp lại các luật pháp. Tuy nhiên, khi khảo sát chúng ta sẽ thấy, nội dung của sách không chỉ giới hạn trong điều nầy nhưng bao gồm cả phần áp dụng luật pháp. Việc áp dụng luật pháp cho thế hệ thứ nhì của dân sự Đức Chúa Trời là điều rất đặc biệt. Dân số ký cho biết rằng, một thế hệ cha ông đã hoàn toàn gục ngã trong đồng vắng vì vô tín.
Khi đến sách Phục truyền Luật lệ ký, dân sự chuẩn bị vượt qua sông Giô-đanh để tiến chiếm Ca-na-an. Đây là thế hệ thứ hai của tuyển dân Đức Chúa Trời. Trước đó, Đức Chúa Trời đã phán với dân sự của Ngài khi còn trong đồng vắng là những người không có đức tin rằng, hãy tiến chiếm Ca-na-an. Nhưng họ lại đáp rằng, “Nếu tiến vào Ca-na-an thì con cháu chúng tôi sẽ làm nô lệ cho những người tại đó.” Điều nầy khiến Đức Chúa Trời không hài lòng. Ngài nói với Môi-se trong Dân số ký đoạn 14 rằng: “Vì chúng nó nói con cháu chúng nó sẽ làm nô lệ tại Ca-na-an thì chính những đứa trẻ đó sẽ tiến chiếm Ca-na-an. Còn phần họ thì sẽ chết trong đồng vắng.” Và bây giờ, thế hệ thứ nhì của tuyển dân Đức Chúa Trời là con cái của những người đã chết trong đồng vắng đang sẵn sàng tiến vào xứ Ca-na-an.
Phục truyền Luật lệ ký ghi lại những bài giảng quan trọng của Môi-se cho họ trước khi họ tiến vào đất hứa. Phần mở đầu của Phục truyền Luật lệ ký, được dịch theo bản Kinh thánh The Living Bible, đã cho chúng ta có cái nhìn bao quát về sách như sau: “Sách nầy ghi lại lời giảng của Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ đóng trại tại thung lũng A-ra-ba, trong đồng vắng Mô-ap, phía đông của sông Giô-đanh. Môi-se giảng nhằm ngày 15 tháng 2, tức 40 năm sau khi dân sự rời núi Hô-rếp đến Ca-đe-Ba-nê-a.” Câu nầy nhắc lại một sự kiện: họ đã lang thang trong đồng vắng 40 năm. Điều đáng lưu ý, họ đã di chuyển một cách có tổ chức giống như một đội quân. Một số chi phái đóng trại phía bắc, một số khác phía đông, một số phía tây của đền tạm. Họ đã xuất phát tại Gô-sen của Ai-cập, đi vòng xuống núi Si-na-i rồi tiến lên Ca-đe-Ba-nê-a. Họ đã có thể thực hiện một lộ trình ngắn hơn nhưng họ không làm; bởi vì, nếu đi theo lộ trình ngắn, họ phải chạm trán với dân Phi-li-tin. Họ đã đi vòng vòng trong đồng vắng 38 năm. Cuối cùng, họ đóng trại tại phía đông của sông Giô-đanh. Trước khi vượt qua sông Giô-đanh để tiến chiếm Ca-na-an, Môi-se đã giảng các bài giảng nầy.
Sách Phục truyền Luật lệ ký không chỉ đơn thuần là lặp lại luật pháp hay phát biểu lại nội dung của luật pháp. Việc lặp lại luật pháp là điều cần thiết vì tất cả những người đã từng chứng kiến luật pháp được ban hành đều đã chết, ngoại trừ Ca-lép và Giô-suê. Con cháu của họ cần phải nghe lại luật pháp. Bởi vậy, trước khi tiến chiếm Ca-na-an, Môi-se dùng hết nỗ lực trong những ngày cuối của đời mình để rao giảng cho dân sự Lời của Đức Chúa Trời mà ông đã nhận tại núi Si-na-i.
Chúng tôi xin được nhắc lại rằng, hình bóng về sự cứu rỗi chạy xuyên suốt Kinh thánh. Sách Sáng thế ký cho thấy khởi nguyên của sự cứu rỗi. Xuất Ê-díp-tô ký là một bức tranh về sự giải cứu ra khỏi xiềng xích nô lệ và hình bóng cho sự cứu rỗi. Hai nhóm chữ: sự giải cứu và sự cứu rỗi có chung một nghĩa trong Cựu ước. Sách Dân số ký cho biết, dầu được thoát khỏi Ai-cập nhưng họ vẫn không tiến vào đất hứa Ca-na-an. Họ đã không làm điều họ nên làm và có thể làm. Nói một cách hình bóng, nó cho biết rằng, sau khi được giải cứu ra khỏi tội, chúng ta nên bước vào một đời sống sung mãn. Vùng đất hứa chỉ về đời sống theo Chúa phước hạnh, phong phú với những ân tứ thuộc linh. Chúng ta được kêu gọi để bước vào một đời sống như vậy. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn ở trong đồng vắng thuộc linh. Chúng ta đi trong cái vòng lẩn quẩn như dân Y-sơ-ra-ên đã làm trong sách Dân số ký.
Giả sử, chúng ta đang ở trong thời kỳ lang thang tại đồng vắng thuộc linh, nhưng muốn và sẵn sàng nhận lấy mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng ta. Sách Phục truyền Luật lệ ký đầy dẫy những sứ điệp cho những ai đang ở trong tình trạng đó. Đây là sách dành cho người quyết định tham gia nhóm thiểu số nhưng quyết tâm, chứ không phải đa số mà thờ ơ. Đây là sách của những người nói rằng, “Chúa ơi, con muốn có những điều mà Chúa đã hứa dành cho con. Con quá chán ngán, mệt mỏi với những ngày tháng lang thang trong đồng vắng, con muốn hưởng trọn những gì Chúa đã dành cho con.” Nếu đây là hình ảnh của quý vị thì Phục truyền Luật lệ ký là sách dành cho quý vị, vì nó cổ vũ những người sắp chiếm trọn vùng đất hứa với sứ điệp chính là “Phải nhớ chiếm trọn tất cả.”
Một chủ đề khác của sách Phục truyền Luật lệ ký đó là Lời của Đức Chúa Trời phải trở nên kim chỉ nam cho dân sự của Ngài. Chúa răn dạy dân sự phải dạy lời của Ngài cho con cháu của họ. Đức Chúa Trời muốn họ yêu mến Ngài hết lòng. Những lời khuyến cáo như sau được lặp đi lặp lại, “Hãy vâng lời Đức Chúa Trời và phải dạy cho con cháu các ngươi về lòng yêu mến Ngài và tuân giữ lời Ngài.”
Mỗi sách trong Kinh thánh có một đoạn quan trọng nhất. Sách Dân số ký có đoạn thứ 14, sách Phục truyền Luật lệ ký có đoạn 6. Bài giảng của Môi-se trong đoạn 6 là chìa khóa vì nó cô đọng các bài giảng khác của Môi-se. Nội dung và mục tiêu của bài giảng nầy cũng là nội dung và mục tiêu của những bài giảng khác. Đối với người Do Thái, Phục truyền Luật lệ ký đoạn 6:4-9 được xem là bài giảng đầy ơn nhất của Môi-se. Thực sự, phân đoạn nầy là bản tuyên xưng niềm tin của Do Thái giáo, và đây là nội dung:
Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.
Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.
Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi;
khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.
Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí;
cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.
Dĩ nhiên, nội dung của Phục truyền Luật lệ ký nhiều hơn là phân đoạn nầy; nhưng đây là trọng tâm của bài giảng và cũng là trọng tâm của sách. Điều mà Môi-se tha thiết nhắn nhủ những người sắp vượt sông Giô-đanh để tiến chiếm Ca-na-an là thế nầy: “Đức Chúa Trời đã kêu gọi và biệt riêng các ngươi để các ngươi yêu mến Ngài hết lòng. Để chứng tỏ lòng yêu mến Ngài, các ngươi phải hiểu lời Chúa và tuân giữ lời Ngài. Do đó, ta yêu cầu các ngươi hãy yêu Chúa hết sức hết lòng, hiểu biết và tuân giữ lời Ngài, các ngươi cũng phải dạy dỗ con cháu các ngươi mọi điều nầy.”
Môi-se dạy họ làm thế nào để nuôi dưỡng con cái họ trở nên người yêu mến Chúa và tuân giữ lời Ngài. Ông giải thích rõ ràng tiến trình giáo dục; để qua đó, việc giáo dục con cái nên người được xảy ra. Như vậy, bài giảng nầy đề cập đến việc nuôi dạy con cái trở nên những người trân trọng các giá trị thuộc linh, yêu mến Chúa và tuân giữ lời Ngài.
Tiến trình giáo dục mà Môi-se trình bày tại đây dựa trên bốn nền tảng. Nền tảng thứ nhất là là nền tảng của sự mặc khải. Những gì mà Môi-se muốn nhắn nhủ với các bậc làm cha làm mẹ là thế nầy: Nếu ngươi muốn dạy con cháu các ngươi nên người yêu mến Chúa thì căn bản của sự giáo dục đó phải là Lời của Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ của Môi-se được phát biểu một cách đơn giản như sau: Đức Chúa Trời là trên hết. Chúa là tất cả và Ngài là tuyệt đối. Do đó, mọi lời Chúa phán dạy là tuyệt đối. Ngày nay, con người có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về cùng một vấn đề, nên con người thường chấp nhận mọi sự cách tương đối. Tuy nhiên, nếu một Đức Chúa Trời tuyệt đối ban cho chúng ta lời tuyệt đối của Ngài, thì đó là mẫu mực tuyệt đối mà chúng ta phải dạy lại cho con cháu mình.” Môi-se muốn khẳng định rằng, Đức Chúa Trời là tuyệt đối, Lời của Ngài là tuyệt đối; do đó, có một con đường tuyệt đối cho con cháu chúng ta đi theo. Sau nầy, Kinh thánh phán dạy rằng, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, hầu khi trở về già cũng không lìa khỏi nó.” Có một con đường nào mà con cái chúng ta nên đi theo không? Nhiều người đang tranh luận vấn đề đó ngày hôm nay. Những người theo tinh thần đạo đức tương đối cho rằng, “Mọi sự đều là tương đối, không có gì là tuyệt đối cả.”
Có vị Mục sư khi còn làm công tác xã hội, có lần tham dự buổi hội thảo về thanh thiếu niên phạm pháp. Nhiều người có thẩm quyền thuyết trình về đề tài nầy. Trong phần diễn từ khai mạc, người lãnh đạo cuộc hội thảo nầy đã phát biểu rằng, “Trước hết chúng ta phải chẳng chấn chỉnh lại nhận thức của mình là không có gì tuyệt đối cả.” Mục sư liền giơ tay và nói, “Thưa bác sĩ, tôi vừa mới giúp một bé gái 14 tuổi mà đã mang thai, dĩ nhiên việc mang thai nầy là tuyệt đối chớ không phải tương đối. Làm thế nào để tôi nói với các bạn trẻ rằng, không có gì là tuyệt đối. Những hậu quả mà họ đang gặt lấy là tuyệt đối. Nó hoặc là tốt hoặc là xấu một cách tuyệt đối.” Nếu hậu quả là tuyệt đối hoặc tốt hoặc xấu thì phải có một tiêu chuẩn đạo đức. Tiến trình giáo dục mà Môi-se trình bày cho dân sự mang tính chất tuyệt đối. Ông nói, “Đức Chúa Trời là tuyệt đối, Lời Ngài là tuyệt đối, có một con đường tuyệt đối cho con trẻ phải noi theo, có những giá trị đạo đức tuyệt đối mà các bậc cha mẹ phải dạy cho con cháu mình. Một khi nhận thức được chân lý mà Môi-se giảng dạy tại đây, nó sẽ ảnh hưởng đến cách dưỡng dục của cha mẹ dành cho con cái.”
Một nhà tâm lý Cơ Đốc đã hỏi khoảng 600 phụ nữ đang làm mẹ như sau, “Thông thường quý bà phải nói với con cái bao nhiêu lần trước khi quý bà thực sự quyết tâm buộc chúng phải làm một điều gì đó?” Câu trả lời là trung bình từ 3 cho đến 5 lần. Ví dụ, đến giờ đi ngủ, quý vị bảo, “Hùng, con đi vào phòng để chuẩn bị ngủ.” Năm phút sau, quý vị thấy Hùng vẫn lơ đễnh nên nói tiếp, “Hùng con phải đi ngủ, nghe chưa?” Quý bà thừa nhận rằng, họ phải nói đến ba lần bốn lượt trước khi họ thật sự có ý định bảo con đi ngủ. Lúc đó, nhiều bà phải hét lên hoặc kéo mấy cô cậu vào phòng. Mấy cháu dần dần có thói quen phớt tỉnh với 4 lần nhắc nhở đầu tiên nếu nó biết rằng, quý vị sẽ nói đến 4 lần trước khi quý vị thật sự muốn các cháu phải làm điều mình bảo. Nó sẽ không để ý gì đến 4 lần đầu; vì qua giọng nói, nó ngầm hiểu rằng, quý vị chưa quyết tâm buộc nó làm một điều gì đó.
Một gia đình kia có đến 11 người con, người mẹ rất thấp bé. Dù chưa bao giờ tham dự một khóa học về tâm lý, nhưng bà không bao giờ lập lại một mệnh lệnh với con. Bà chỉ nói một lần. Nếu những người con không vâng lời, bà không lập lại lần thứ hai, nhưng bà sẽ trở lại với hành động. Tôi nghĩ rằng, đây là một lối giáo dục tốt, vì nếu những lời khuyên dạy của chúng ta cho dù đơn giản như “mấy con hãy chuẩn bị đi ngủ” nhưng nó xuất phát từ nhận thức rằng: Có một Đức Chúa Trời tuyệt đối và có những giá trị tuyệt đối đó là lời của Ngài, thì quý vị sẽ nói với con của mình rằng, “Có một con đường tuyệt đối để con được nuôi dưỡng, Đức Chúa Trời đã giao phó cho ba mẹ trách nhiệm hướng dẫn con theo đường lối đó. Nên không có gì để tranh luận cả, ba mẹ sẽ không nói với con đến 5 lần, nhưng chỉ một lần mà thôi.”