Bài 41: Gia-Cốp Thấy Khải Tượng

2475

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Sáng thế ký 32

                                                

GIA-CỐP THẤY KHẢI TƯỢNG

 

 

Có nhiều đoạn rất quan trọng trong Kinh thánh và đoạn 32 là một trong những đoạn đó.

 

Đây là điểm cao nhất trong đời sống của Gia-cốp và có thể gọi là điểm chuyển hướng trong đời sống ông. Dầu vậy, đây không phải là sự trở lại đạo của Gia-cốp. Mặc dầu Gia-cốp vẫn còn sống trong xác thịt, ông vẫn là người của Đức Chúa Trời. Đây là lý do mà chúng ta được nhắc đến là phải cẩn thận khi đoán xét một người nào dầu họ là người Cơ Đốc hay không. Có nhiều người không giống như Cơ Đốc nhân, nhưng họ là Cơ Đốc nhân. Dầu họ là Cơ Đốc nhân hay không thì để Chúa nhận biết họ. Có thể họ không hành động giống như Cơ Đốc nhân – chỉ vậy thôi, họ không chứng tỏ họ là ai. Ông Gia-cốp không có bằng chứng đó, ngoại trừ trong một trường hợp khi Đức Chúa Trời hiện ra với ông và ông đã đáp lại trong cách đó.

 

Gia-cốp, là người đại diện của Đức Chúa Trời và nhân chứng trong thế gian, đã làm một nhân chứng xấu, nhưng ông không thể tiếp tục con đường đó và vì thế Đức Chúa Trời đã cải sửa ông, Đức Chúa Trời sẽ làm ông bại liệt để kéo ông trở lại cùng Ngài. Chúa cũng sửa phạt chúng ta: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu” (Hê-bơ-rơ 12:6). Đó là phương cách của Ngài. Ngài sửa phạt trong cách đó.

 

Lót nhìn không giống như con cái của Đức Chúa Trời – nhưng ông là con của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ nói về Lót như sau: “Lót cảm thấy đau xót trong lòng của mình” (II Phi-e-rơ 2:7-8). Nhưng Lót thật sự dường như qua lửa. Ông được giải cứu khỏi ngọn lửa của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, nhưng Chúa cho ông sự thử nghiệm qua lửa nầy. Đây cũng là kinh nghiệm của Gia-cốp, ông đã có sự từng trải trong sự lao nhọc, mà cậu La-ban đã dạy Gia-cốp. Đến khi rời nơi đó Gia-cốp tường thuật sự khốn khổ của ông. Gia-cốp phục dịch cậu mình qua việc chăn chiên kéo dài cho đến 20 năm. Trong thời gian đó, cậu La-ban đã thay đổi công giá trong 10 lần. Mỗi hai năm, Gia-cốp làm giao kết mới với La-ban và Gia-cốp bị sự thất lợi. Đây là kinh nghiệm của Gia-cốp.

 

Bây giờ chúng ta sẽ đến sự thử nghiệm mà Đức Chúa Trời làm để sửa đổi Gia-cốp, bởi vì ông là người đại diện của Đức Chúa Trời. Chúa sẽ cải sửa ông khi chúng ta đến trong đoạn 32 này.

 

ĐẾN LÚC QUYẾT ĐỊNH ĐỜI SỐNG CỦA GIA-CỐP

 

Sáng thế ký 32:1-2, “Gia-cốp cứ đi đường, có thiên sứ Đức Chúa Trời gặp người. Khi Gia-cốp thấy các vị nầy, nói rằng: Ấy là trại quân của Đức Chúa Trời! Nên người đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im.”

 

Đức Chúa Trời bắt đầu sửa đổi Gia-cốp và trực tiếp đem Gia-cốp trở lại nơi có kết quả, để thật sự phục vụ và làm chứng cho Chúa.

 

Sáng thế ký 32:3-5, “Gia-cốp sai sứ giả đến trước cùng Ê-sau, anh mình, trong xứ Sê-i-rơ thuộc về địa-phận Ê-đôm; người bèn dặn rằng: Các ngươi hãy thưa cùng Ê-sau, chúa ta như vầy: Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa, có nói như vầy rằng: Tôi đã ngụ tại nhà La-ban đến ngày nay; có bò, lừa, chiên, tôi trai, tớ gái; vậy, xin sai đi nói cho chúa hay trước, hầu cho nhờ được ơn trước mặt chúa tôi.”

 

Gia-cốp là người khôn ngoan, cho dầu ông đã có kinh nghiệm với La-ban. Ông đang trở về xứ và nhớ lại lần cuối cùng gặp Ê-sau cách đây 20 năm, khi Ê-sau đang nói lời hăm dọa và chống lại ông. Xin hãy chú ý rằng Gia-cốp sai sứ giả đi trước và dạy họ nói, “Khi các ngươi gặp Ê-sau anh của ta thì nói rằng, Ê-sau chúa tôi.” Tất cả phải nói như vậy! Sau đó họ giới thiệu về cá nhân ông như “Gia-cốp kẻ tôi tớ chúa.” Đó không phải là cách mà Gia-cốp nói trước đây. Gia-cốp đã chiếm quyền trưởng nam và đã dối gạt cha để được sự chúc phước. Ông đã làm những điều giả dối, nhưng bây giờ lời nói có sự khác biệt hơn. Có lẽ Gia-cốp đã học điều này từ nơi La-ban, trong cách nói khôn khéo “Ê-sau chúa tôi … Gia-cốp kẻ tôi tớ chúa.”

 

Sáng thế ký 32:6, “Các sứ giả trở về nói cùng Gia-cốp rằng: Chúng tôi đã đi đến Ê-sau, anh của chủ; nầy người đương đem bốn trăm người đến để rước chủ.”

 

Đây là những lời làm cho Gia-cốp lo sợ, bởi vì ông không biết điều đó có ý nghĩa gì. Ê-sau không tỏ ra ý định gì cho các đầy tớ Gia-cốp cả. Có thể Gia-cốp hỏi họ rằng: “Các ngươi có thấy sự thù oán hay là cay đắng hoặc sự giận dữ đến ta không?” Và có lẽ một trong những đầy tớ nói: “Không, ông ấy có vẻ vui lắm khi nghe những lời nầy và bây giờ, ông ấy cũng đang đi đến đây để gặp chủ.” Nhưng sự thật khi Ê-sau xuất hiện làm cho Gia-cốp không thấy dễ chịu lắm. Có thể Ê-sau vui mừng khi có cơ hội để trả thù. Tội nghiệp cho Gia-cốp vì lo buồn lắm.

 

Sáng thế ký 32:7-8, “Gia-cốp rất sợ hãi và sầu não, bèn chia các dân đi theo, cùng các bầy chiên, bò, lạc đà ra làm hai đội, mà rằng: Nếu Ê-sau đến hãm đánh một trong hai đội, thì đội còn lại sẽ thoát được.”

 

Gia-cốp nghĩ rằng ông đang ở trong đường cùng. Anh của ông sẽ đến, ông chia ra làm hai nhóm. Ông là một người rất thông minh. Ông có lý do rằng, nếu anh ông đánh nhóm nầy, nhóm kia chạy trốn.

 

Chú ý Gia-cốp làm điều gì trong hoàn cảnh đó? Ông đến với Chúa trong sự buồn rầu.

 

Sáng thế ký 32:9-10, “Đoạn, Gia-cốp cầu rằng: Hỡi Đức Chúa Trời của tổ phụ Ap-ra-ham tôi! Đức Chúa Trời của cha Y-sác tôi, tức là Đức Giê-hô-va! Ngài có phán dạy tôi rằng: Hãy trở về xứ ngươi và nơi bà con ngươi, rồi ta sẽ làm ơn cho ngươi! Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy.”

 

Gia-cốp đã đến với Đức Chúa Trời và đã khóc với Ngài trong nền tảng rằng, Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời của Y-sác. Có sự thay đổi một chút trong đời sống của Gia-cốp. Đây là lần đầu tiên, chúng ta chưa bao giờ nghe ông nói, “Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ.” Cho dù lần đầu tiên, Gia-cốp hiểu biết rằng ông là người có tội trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Nhiều người xưng mình là “Cơ Đốc nhân,” nhưng họ không nhận thức được rằng mình là người có tội? Chúng ta tất cả là tội nhân, được cứu bởi ân điển. Trong khi chúng ta ở trong đời sống này, chúng ta có bản tánh cũ, nó không thích hợp để chúng ta lên thiên đàng. Những người có bản tánh cũ, không được lên thiên đàng. Đó là lý do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta bản tánh mới, bản tánh cũ không thể sửa chữa được. Gia-cốp bây giờ bắt đầu nói rằng, ông không xứng đáng. Khi bất cứ người nào bắt đầu đến với Đức Chúa Trời trong nền tảng này, họ sẽ tìm thấy Đức Chúa Trời truyền phán với họ.

 

Gia-cốp làm lời công bố rất thích thú: “vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy.” Gia-cốp nhận biết là Đức Chúa Trời đã làm thành điều Ngài phán hứa với Gia-cốp trong lúc ra đi.

 

Sáng thế ký 32:11-12, “Vậy, cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi và đánh luôn mẹ với con nữa. Vả, Ngài có nói rằng: Quả thật vậy, ta sẽ làm ơn cho ngươi, và làm cho dòng dõi ngươi đông như cát bãi biển, người ta sẽ không biết sao đếm được, vì đông đúc quá.

Gia-cốp đã khóc với Đức Chúa Trời. Đêm đó rất khó khăn cho ông, ông cũng không có thuốc an thần để uống.

 

GIA-CỐP CHUẨN BỊ GẶP Ê-SAU

 

Sáng thế ký 32:13-15, “Người ở ban đêm tại đó, lấy các vật có hiện trong tay để làm một của lễ dâng cho Ê-sau, anh mình, là hai trăm dê cái và hai chục dê đực; hai trăm chiên cái và hai chục chiên đực; ba chục lạc đà cái có con đương bú, bốn chục bò cái và mười bò đực; hai chục con lừa cái và mười lừa con.”

 

Giờ đây Gia-cốp rất giàu có với tài vật của mình, ông chuẩn bị sẵn sàng để cho Ê-sau.

 

Sáng thế ký 32:16, “Rồi, giao mỗi bầy riêng ra nơi tay đầy tớ mình và dặn rằng: Các ngươi hãy đi trước ta và dẫn bầy nầy cách một khoảng đến bầy kia.”

 

Đây là chiến thuật của Gia-cốp. Ông cho người dẫn những gia súc là tài vật rất quý cho anh của ông, khi Ê-sau gặp các gia súc đi trước, Ê-sau sẽ nói, “Đây là cái gì vậy?” Bọn đầy tớ sẽ trả lời, “chúng tôi mang quà của Gia-cốp, em ông để tặng ông.” Ê-sau sẽ nhận lấy quà đó và cỡi trên lưng lạc đà đi tới một khoảng nữa và cũng gặp một toán khác và súc vật khác cùng một cỡ. Ông sẽ hỏi các đầy tớ rằng, “các ngươi đi đâu?” họ sẽ nói, “chúng tôi đi gặp Ê-sau với quà của em là Gia-cốp.” Ê-sau nói, “Tôi là Ê-sau đây.” Chắc chắn khi Ê-sau đến nơi gặp Gia-cốp và gia đình, ông sẽ dịu xuống.

 

Gia-cốp cầu nguyện với Đức Chúa Trời và nhắc lại lời Chúa, “Hãy trở về xứ ngươi là nơi bà con ngươi. Ngài nói Ngài sẽ bảo vệ tôi.” Nhưng ông có tin cậy Đức Chúa Trời không? Không. Ông đi tới và sắp đặt mọi sự, điều tỏ bày rằng ông không tin cậy vào Đức Chúa Trời chi cả. Chúng ta thường có cùng một hoàn cảnh như vậy. Nhiều người trong chúng ta đem gánh nặng của mình đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Chúng ta phơi bày nó trước mặt Ngài. Sau khi chúng ta xong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ đứng dậy và đặt gánh nặng phía sau lưng và tiếp tục mang, chúng ta không tin cậy Ngài, có phải không? Chúng ta không có trông cậy Ngài nhiều như Chúa mong muốn.

 

Sáng thế ký 32:17-20, “Người dặn tên dẫn bầy đi trước hết như vầy: Khi Ê-sau, sanh ta, gặp và hỏi ngươi rằng: Ngươi ở với ai, đi đâu, và bầy súc vật trước mặt ngươi đó thuộc về ai? Thì hãy thưa rằng: Của Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa; ấy là một lễ gởi dâng cho Ê-sau, chúa tôi; và nầy, chánh mình người đương theo sau. Gia-cốp cũng dặn y lời cho tên dẫn bầy thứ nhì, thứ ba và hết thảy người theo coi chừng các bầy, và lại nói: Khi gặp Ê-sau, các ngươi hãy nhớ lời đó, và nói như vầy: Nầy, Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa, đương theo sau chúng tôi. Vì người thầm nghĩ rằng: Mình đem lễ nầy dâng trước cho Ê-sau nguôi giận đã, rồi mình sẽ giáp mặt sau; có lẽ người tiếp rước mình một cách thuận hiệp đó.”

 

Ê-sau sẽ gặp một toán trước và toán sau cũng giống như vậy. Đây là điều mà Gia-cốp sắp đặt.

 

Sáng thế ký 32:21-23, “Vậy, lễ nầy đem đi trước, còn người, đêm đó ở lại trại. Ban đêm, người thức dậy, dẫn hai vợ, hai tên đòi và mười một đứa con mình đi qua rạch Gia-bốc. Người đem họ qua rạch, và hết thảy của cải mình qua nữa.”

 

Đây là đêm mà Gia-cốp có kinh nghiệm lớn trong đời sống của ông. Vùng đất mà ông băng qua là rạch Gia-bốc, rất là vắng vẻ. Đó là nơi Gia-cốp đến trong đêm tối. Ông không có sự vui vẻ, lòng ông đầy sự sợ sệt và nghi ngờ. Chúng ta thấy, gieo gì gặt nấy. Ông đã đối xử tệ với Ê-sau. Đức Chúa Trời không bao giờ bảo với ông chiếm lấy quyền trưởng nam hay phước hạnh bằng cách đó. Đức Chúa Trời sẽ có chương trình cho ông. Đêm đó Gia-cốp đã đem gia đình ông qua rạch Gia-bốc, nhưng ông ở phía bên kia, nếu anh của ông là Ê-sau đến có thể giết ông, nhưng sẽ dung tha cho gia đình. Gia-cốp ở một mình.

 

THIÊN SỨ VẬT LỘN VỚI GIA-CỐP

 

Sáng thế ký 32:24, “Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông.”

Một số người nói rằng, Gia-cốp vật lộn. Sự thật Gia-cốp không muốn vật lộn với bất cứ ai. Ông có người cậu là La-ban ở phía sau ông, La-ban là người không có tốt gì cả. Gia-cốp có Ê-sau là anh của ông đang ở phía trước ông. Gia-cốp không hợp với cả hai. Bây giờ ông đang ở giữa tảng đá và chỗ khó khăn, ông không biết phải đi đường nào. Thử nghĩ xem ông muốn có thêm địch thủ thứ ba trong đêm đó không? Chắc chắn là không rồi. Trong đêm đó Gia-cốp ở một mình, bởi vì ông muốn có sự yên tịnh và ông không muốn có sự chiến tranh.

 

Có thêm câu hỏi nữa: Ai là người vật lộn với Gia-cốp trong đêm đó? Đã có nhiều sự suy luận về người đó là ai, có thể lắm Người ấy không ai khác hơn là Đấng Christ chưa nhập thể. Có vài bằng chứng cho điều này trong lời tiên tri của Ô-sê 12:3-5, “Vừa lúc ở trong lòng mẹ, Gia-cốp nắm gót chơn anh mình; và đến tuổi trưởng thành, có quyền nơi Đức Chúa Trời. Người có quyền hơn thiên sứ, và được thắng; khóc lóc và khẩn cầu người. Ngài đã gặp người tại Bê-tên, và ấy đó là nơi Ngài phán cùng chúng ta, tức là Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân; danh kỷ niệm Ngài là Đức Giê-hô-va.”

“Danh kỷ niệm Ngài là Đức-Giê-hô-va.” Không có danh nào hơn Giê-hô-va, Đấng Christ trước khi nhập thể, là người vật lộn với Gia-cốp trong đêm đó.

 

Sáng thế ký 32:25, “Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặt trong khi vật lộn.”

Gia-cốp không bỏ cuộc dễ dàng, ông không phải là người như vậy – và ông gặp khó khăn để chống lại Ngài. Cuối cùng, Người đó đã đánh trật xương hông của ông.

 

Sáng thế ký 32:26, “Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi.”

 

Bây giờ chuyện gì đã xảy ra? Gia-cốp nắm chặt lại, ông không vật lộn. Ông chỉ nắm giữ lại Người đó. Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì với Chúa bởi sự vùng vẫy và chống cự. Cách duy nhất mà chúng ta làm là hãy đến với Ngài kêu cầu và nắm lấy Ngài. Áp-ra-ham đã học bài học nầy và đó là tại sao ông đã thuận phục với Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham tin cậy vào Đức Chúa Trời và Ngài kể ông là công bình. Áp-ra-ham đã đến cuối cùng sợi dây của ông và đặt tay mình trong tay Đức Chúa Trời. Khi ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời, khi chúng ta quyết lòng nắm giữ thì Ngài sẵn sàng cứu giúp chúng ta.

 

TÊN CỦA GIA-CỐP ĐƯỢC ĐỔI THÀNH Y-SƠ-RA-ÊN

 

Sáng thế ký 32:27-28, “Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp. Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.”

 

Ông không còn gọi là Gia-cốp nữa – là một người chiếm đoạt, là người lường gạt – nhưng là Y-sơ-ra-ên, “vì ngươi có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều thắng.” Bây giờ bản tánh mới của Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên nổi bật trong đời sống của người đàn ông nầy.

 

Sáng thế ký 32:29-30, “Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó. Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu.”

 

Gia-cốp đã gặp Thiên sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng Christ chưa nhập thể.

 

Sáng thế ký 32:31-32, “Khi qua nơi Phê-ni-ên, thấy mặt trời mọc rồi; và người đi giẹo cẳng. Bởi cớ đó, cho đến ngày nay dân Y-sơ-ra-ên chẳng bao giờ ăn gân bắp vế của lối xương hông; vì người đó có đánh vào xương hông Gia-cốp, nơi gân của bắp vế.”

 

Đức Chúa Trời làm cho ông bị thương để kéo ông trở về cùng Ngài, cuối cùng Chúa đem ông trở về. Lúc đầu Gia-cốp đã từ chối – đó là con người của ông. Ông nắm giữ một số điều nào đó, ông nghĩ rằng sau một thời gian ông có thể vượt qua. Cuối cùng, ông thấy được rằng mình không thể vượt qua được, nhưng ông không bỏ cuộc. Vì thế Đức Chúa Trời đã làm gì? Chắc chắn, với sức mạnh toàn năng của Ngài, trong lúc nầy Đức Chúa Trời có thể đặt ý muốn của Ngài xuống trên vai của Gia-cốp, nhưng Ngài chưa làm điều đó cho đến khi đời sống Gia-cốp được cải sửa.

 

Xin chú ý, Đức Chúa Trời đã cải sửa ông thế nào. Ngài đã đánh vào xương hông bắp vế của Gia-cốp. Đức Chúa Trời chỉ đụng ngón tay của Ngài, thì người đàn ông nầy không còn năng lực gì nữa. Nhưng chúng ta thấy, Đức Chúa Trời không bắt buộc Gia-cốp làm điều gì. Bây giờ Gia-cốp nắm chặt lấy Ngài. Người đó nói rằng: “Để tôi đi.” Và Gia-cốp nói: “Không, tôi muốn được chúc phước.” Bây giờ ông đã nắm lấy Đức Chúa Trời. Sự tranh chiến và vật lôn đã qua, từ đây Gia-cốp bắt đầu chiếu sáng bản tánh thiêng liêng, tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ tìm thấy sự thay đổi không xảy ra trong một chốc lát. Nhà tâm lý học cho chúng ta biết rằng chúng ta được tạo dựng trong mối liên hệ thần kinh trong cơ thể, dễ cho chúng ta làm theo thói quen. Gia-cốp trở lại con đường cũ của ông nhiều lần, nhưng chúng ta bắt đầu thấy sự khác biệt của ông. Trước khi chúng ta đi xuyên qua đời sống ông, chúng ta sẽ thấy ông thật sự là người của Đức Chúa Trời.

 

Trước nhất, chúng ta thấy ông lúc ở nhà và sau đó ông ở trong xứ Cha-ran, ông là con người xác thịt. Tại Phê-ni-ên, ở rạch Gia-bốc, chúng ta thấy ông là người vật lộn. Sau đó, trên đường đi qua Ê-díp-tô chúng ta thấy ông là con người của đức tin. Lúc đầu ông là con người xác thịt, sau đó là người vật lộn, tranh chiến và cuối cùng là người của đức tin.

 

Trong sách Tân ước có một người trai trẻ, con cháu của Gia-cốp có tên là Sau-lơ ở thành Tạt-sơ, nói cho chúng ta biết sự tranh chiến của ông trong Rô-ma 7. Có 3 thời kỳ trong đời sống của Sau-lơ. Khi ông quay trở lại cùng Chúa, ông nghĩ rằng, ông có thể sống với đời sống Cơ Đốc nhân. Đây cũng là nơi chúng ta lầm lỗi. Chúng ta không cần sự giúp đỡ của ai. Chúng ta nghĩ nó chắc là dễ dàng, nhưng đó là điều rất khó. Phao-lô gặp sự khó khăn, ông nói: “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Rô-ma 7:19)

 

Phao-lô tìm thấy rằng, không những chỉ không tốt trong bản tánh cũ, nhưng nó cũng không có sức mạnh hay quyền năng trong bản tánh mới. Cuối cùng, chúng ta đã thấy ông kêu lên “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” Sau đó có việc xảy ra và ông nói, “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta.”

 

Qua Ngài chúng ta sẽ có được sự cảm tạ, bởi vì đó chúng ta tìm được sự giúp đỡ. “Như vậy, thì chính tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” (Rô-ma 7:25). Đó là cách của tất cả chúng ta. Chúng ta có bản tánh cũ và nó không thể làm được điều gì để vui lòng Chúa. Thật sự, Phao-lô tiếp tục nói rằng, nó chống lại Đức Chúa Trời. Trong sách Rô-ma 8:7-8, “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được. Vả, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời.”

 

Chúng ta không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời trong bản tánh xác thịt. Cuối cùng, Phao-lô đã tìm thấy sự chiến thắng bởi kêu cầu đến Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Những gì luật pháp không thể làm, bây giờ Đức Thánh Linh có thể làm việc trong đời sống chúng ta. Làm thế nào để một người có thể làm được? Cho đến khi chúng ta kêu cầu cùng Ngài, chúng ta làm vui lòng Chúa. Kêu cầu có nghĩa là ý muốn được tái sanh để phục tùng ý chỉ của Đức Chúa Trời. Và đó đúng là những gì Gia-cốp làm. Gia-cốp thắng, nhưng sự chiến thắng, không phải bởi sự tranh chiến và vùng vẫy, nhưng bởi sự kêu cầu.

 

Có lúc nào đó chúng ta nhìn lại đời sống quá khứ của mình đã làm nhiều ác tệ, sai quấy mà nay chúng ta muốn sửa đổi. Hãy đến cùng Đức Chúa Trời để nhờ Ngài biến đổi đời sống mình. Xin Chúa cho chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

 

Bài trướcBài 41: Nuôi Dạy Con Cái
Bài tiếp theoBài 17: Cầu Nguyện Khi Thất Vọng