Bài 5: Cách Học Kinh Thánh (Phần 1)

4876

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 Hiểu được các dữ kiện về Kinh thánh sẽ giúp chúng ta hiểu Kinh thánh. Hôm nay, tôi sẽ trình bày cách nào để chúng ta học Lời Chúa. Có ba bước trong việc học Lời Chúa đó là: quan sát, giải thích và áp dụng.

 

Khi quan sát, chúng ta đặt câu hỏi: Kinh thánh nói điều gì? Câu hỏi để  giải thích là gì? Điều đó có nghĩa gì? Câu hỏi cuối dành cho phần áp dụng: “Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi.”

 

Nguyên tắc nầy thật khá đơn giản. Quan sát nghĩa là xem Kinh thánh nói lên điều gì. Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong 3 câu. Một khi quí vị đã  tìm được câu trả lời, việc tìm ý nghĩa của nó không phải là điều khó  khăn lắm, trừ khi quí vị không muốn hiểu ý nghĩa của nó. Từng câu, từng sách từng chương trong Kinh thánh đều có ý nghĩa chính xác. Cuối cùng, câu hỏi hào hứng nhất đó là: Điều đó có nghĩa gì đối với tôi?

 

Thánh kinh lược khảo không phải là một chương trình mang tính chất lý thuyết. Tôi không có tham vọng sẽ giúp quí vị trở nên những nhà thông thái về Kinh thánh. Ước vọng của tôi là hướng dẫn quí vị đến với Lời Chúa và áp dụng vào đời sống hằng ngày. Tôi quan tâm đến phần ứng dụng, các sứ điệp dưỡng linh từ Kinh thánh.

 

Khi đến phần áp dụng, chúng ta đặt những câu hỏi như sau, “Có các gương tốt nào để noi theo? Có lời khuyến cáo nào cần phải tránh? Có mạng lịnh nào cần phải vâng lời? Có tội lỗi nào cần phải từ bỏ? Có điều dạy dỗ nào về Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus? Có lẽ thật nào dành riêng cho đời sống tôi? Có  thách thức nào, có  lời an ủi nào, có lời khích lệ  nào không? Có câu hỏi nào mà tôi không thể  trả lời được? Có phần Kinh thánh nào khác liên quan với phần này?" Những câu hỏi này sẽ gợi ý  giúp quí vị tìm ra cách áp dụng khi học Kinh thánh.

 

Bất cứ một ngành học nào cũng có những nguyên tắc nhất định để giúp cho các sinh viên học hỏi nghiên cứu. Học Kinh thánh cũng vậy, cũng có những nguyên tắc. Tại các Viện Thần học, nguyên tắc học Kinh Thánh được gọi là chú giải kinh thánh, một từ rất chuyên môn. Chúng ta chỉ gọi một cách đơn giản là các qui tắc học Kinh thánh.

 

Qui tắc thứ nhất: Mỗi phân đoạn Kinh thánh có một ý nghĩa nhưng có hàng ngàn cách áp dụng khác nhau. Áp dụng khác với giải thích. Sự giải thích chỉ có một. Quí vị cần phải khiêm tốn về điều này, nhất là khi người khác không đồng ý với cách giải thích của quí vị. Nhưng có hàng ngàn cách mà Đức Thánh Linh áp dụng Kinh thánh trên đời sống quí vị.

 

Khi đọc Kinh thánh chúng ta cần để ý rằng, Chúa Jêsus là trung tâm. Riêng phần Cựu ước xin nhớ đến các gương tốt cũng như những lời cảnh cáo. Xét theo một khía cạnh, 17 sách đầu tiên của Cựu ước là sách lịch sử. Có rất nhiều chi tiết lịch sử  trong sách luật pháp và tiên tri. Do đó, khi đọc các sách lịch sử  trong Cựu ước và Tân ước, hãy tìm xem các gương tốt hoặc các lời khuyến cáo. Các chi tiết trong lịch sử ngoài yếu tố sử học, nó còn mang nghĩa bóng. Lấy ví dụ trong Ga-la-ti đoạn 4 câu 22 đến 24, sứ  đồ Phao-Lô  nói rằng, “Áp-ra-ham có hai con trai, và hai con trai này mang hai biểu tượng khác nhau.” Không ai đặt vấn đề về yếu tố lịch sử. Áp-ra-ham có hai con trai, Ích-ma-ên và Y-sác. Ích-ma-ên tổ phụ của người A-rập. Y-sác trở nên tổ  phụ  của người Do Thái. Họ đang sống tại vùng đất thánh ngày nay. Đó là các dữ kiện lịch sử.

 

Sứ đồ Phao-Lô đưa ra một tiền lệ cũng như một nguyên tắc, đó là các câu chuyện trong Kinh thánh vừa có giá trị về mặt lịch sử và cũng có ý nghĩa về mặt biểu tượng. Khi đề cập về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, Phao-Lô nói trong 1 Côr 10:6: Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta. Trong nguyên ngữ, câu này có nghĩa là các việc đó được xảy ra như là các bài học hay là các biểu tượng. Do đó, khi đọc các câu chuyện trong Cựu ước, bên cạnh việc xem xét các bài học về mặt lịch sử, chúng ta cũng tìm xem ý nghĩa về mặt biểu tượng.

 

Một nguyên tắc nữa trong khi học Kinh thánh, đó là phải dùng những câu với ý nghĩa rõ ràng để giải nghĩa những phần tối nghĩa hay khó hiểu. Có nhiều câu khó hiểu trong Kinh thánh nhưng cũng có nhiều câu không khó hiểu. Chúng ta phải luôn luôn giải nghĩa những phần khó hiểu dựa trên căn bản của những phần có ý nghĩa rõ ràng.

 

Một điều cần phải tránh, đó là đừng bao giờ dùng những định kiến sẵn có để học Kinh thánh. Trong vai trò của một người chăn bầy, tôi có dịp chia sẻ Kinh thánh với một tín hữu khi người ấy đang gặp những khó khăn. Tín hữu đó trả lời rằng: “Xin làm ơn đừng làm cho tôi bối rối, tôi đã hiểu như thế, và nó phải là như thế.” Một số người đến với Kinh thánh giống y như vậy. Họ đã in trí và không thể hấp thụ điều gì khác hơn được. Làm sao Đức Chúa Trời có thể chỉ dạy cho quí vị về Kinh thánh, ý nghĩa của lời Ngài cũng như sự áp dụng Kinh thánh cho quí vị nếu tâm trí của quí vị đã bị định kiến chi phối.

 

Khi đến với Kinh thánh, đặc biệt là học hỏi để dạy Kinh thánh, một nguyên tắc quan trọng khác mà chúng ta phải lưu tâm, đó là chúng ta có sẵn sàng tuân giữ lời Chúa trước khi dạy cho người khác không.

 

Một nguyên tắc nữa là luôn luôn nhớ rằng, Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua lời của Ngài. Do đó, hãy đến với Lời Chúa cách cẩn thận, cầu xin Chúa giải tỏ lời của Ngài cho bạn qua Đức Thánh Linh. Có một bài thánh ca đã viết rằng: “Xin mở mắt con để con thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài.” Đây chính là cách quí vị nên đến với lời Chúa, không phải như một học giả chỉ nghiên cứu thuần túy về mặt lý thuyết, cũng không có tham vọng trở thành những chuyên gia về Kinh thánh, nhưng khao khát được tương giao với Đức Chúa Trời và sẵn sàng mở trí mở lòng để Đức Chúa Trời phán dạy bạn. Vậy, hãy thưa với Chúa rằng: “Xin mở mắt con để con thấy các chân lý mà Ngài dành cho con ngay hôm nay.” Đó là thái độ đúng đắn khi đến với lời Chúa.

 

Cần phải công nhận rằng, có những khúc Kinh thánh khó hiểu và thậm chí là không hiểu được, chẳng hạn, I Phi-e-rơ 3:19. Khi xem trong sách giải nghĩa Kinh thánh của Martin Luther, ông viết rằng: “không ai biết được câu này có nghĩa gì cả.” Thật là điều lý thú đối với tôi vì có người thành thật thú nhận rằng, không ai có thể hiểu câu đó có nghĩa gì cả. Đừng cảm thấy thất vọng nếu quí vị gặp một trong những câu Kinh thánh khó hiểu như vậy.

 

Song song với điều này, đừng để rơi vào tình trạng mất quân bình bằng cách tập trung vào những điều không phải là căn bản hay là những tín lý quan trọng. Xin nhớ, lời Chúa trong Phục truyền luật lệ ký 29:29 “Điều bí mật thuộc về Chúa nhưng điều Ngài muốn chúng ta thực hiện thì Ngài đã bày tỏ rõ ràng”. Có người nói với văn hào Mark Twain rằng: “Tôi không thích Kinh thánh vì có quá nhiều câu không thể hiểu được.” Nhà văn trả lời: “Thật ra điều làm cho tôi bối rối không phải là những câu tôi không thể hiểu được, nhưng là những câu mà tôi có thể hiểu được”.

 

Có những điều mầu nhiệm thuộc về Chúa, Ngài không chia sẻ điều này với ai cả. Nhưng có một số điều Ngài muốn chúng ta làm và Ngài đã bày tỏ cách hết sức rõ ràng. Do đó, đừng chú tâm vào những điều tối nghĩa hoặc khó hiểu. Những điều mầu nhiệm thuộc về Chúa mà thôi.

 

Cần nhớ rằng, không có một câu nào trong Kinh thánh có thể được giải thích một cách riêng biệt hay tách hẳn ra khỏi những phần khác của Kinh thánh. Đó là điều mà Phi-e-rơ muốn nói trong sách II Phi-e-rơ 1:20 rằng, “không có lời tiên tri nào trong Kinh thánh được giải nghĩa một cách riêng biệt.” Sách giải nghĩa Kinh thánh tốt nhất đó chính là Kinh thánh. Quí vị có thể mua tất cả những sách giải nghĩa Kinh thánh hoặc các cuốn cẩm nang mà chúng tôi giới thiệu, nhưng trên hết phải nhớ rằng, Kinh thánh giải nghĩa cho Kinh thánh, nhất là những phần của Tân ước đề cập về Cựu ước.

 

Đến với Kinh thánh để tìm kiếm lẽ thật áp dụng cho cuộc sống, không phải để gia tăng kiến thức. Kiến thức Kinh thánh không phải là trọng tâm. Trọng tâm là sự áp dụng các kiến thức của Kinh thánh. Ngày nay, kiến thức được xem là thượng tôn. Nếu quí vị hiểu biết nhiều, quí vị càng trở nên có giá trị. Tinh thần này được áp dụng cho cả Kinh thánh, đó là điều sai. Kiến thức, ngay cả kiến thức đối với Kinh thánh không phải là điều trọng tâm. Vấn đề là sự áp dụng kiến thức, nhất là kiến thức của Kinh thánh khiến quí vị trở nên một người có giá trị. Đến với Kinh thánh không với tham vọng trở nên một học giả, nhưng như lời Chúa Jêsus dạy, là để thực hành lời Chúa. Kết quả là quí vị sẽ biết đây là lời của Đức Chúa Trời. Bởi sự tuân thủ Kinh thánh mà lời của Đức Chúa Trời trở nên có quyền năng trên đời sống của quí vị.

 

Tôi cũng xin trình bày một nguyên tắc quan trọng khác nữa, chính nó đã giúp tôi rất nhiều khi đọc Kinh thánh nhất là Cựu ước. Khi quí vị đến với Kinh thánh để tìm kiếm các chân lý cho cuộc sống, do đó, đừng để bị lôi cuốn bởi các thể loại văn học của Kinh thánh. Chẳng hạn, khi học về sách Giô-na, quí vị sẽ bị rơi vào vòng tranh luận là liệu có con cá voi nào có thể  nuốt một người không. Cuối cùng, một số người cho rằng, “sách Giô-na là không thật, đó chỉ là chuyện thần thoại hay cổ tích mà thôi, chớ không thể hiểu theo nghĩa đen được.” Thật ra, sách Giô-na chứa đựng chân lý tuyệt vời đó là điều Chúa muốn dạy về định kiến. Giô-na căm ghét người Ni-ni-ve vì họ là kẻ thù. Đức Chúa Trời muốn chứng tỏ rằng lòng yêu thương của Ngài trải rộng ra dến cả người Ni-ni-ve. Đây chính là sứ điệp của sách Giô-na: xóa bỏ những định kiến để Đức Chúa Trời có thể hành động qua đời sống của quí vị. Khi quí vị đến với sách Giô-na hay các câu chuyện về A-đam và Ê-va hay bất cứ câu chuyện nào trong Cựu ước, hãy đặt những câu hỏi này: “Phần Kinh thánh này nói điều gì? Nó có nghĩa gì? Nó có nghĩa gì đối với tôi?” Hãy thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, có những chân lý nào Ngài muốn dạy con qua đoạn Kinh thánh này?”

 

Chúng ta đã được nghe nhiều nguyên tắc quan trọng hôm nay. Lần đến, tôi sẽ trình bày phần giới thiệu sách Sáng thế ký, sách đầu tiên của Kinh thánh. Nếu muốn có tập cẩm nang dành cho học viên bao gồm nội dung của bài học này, xin quí vị đừng ngần ngại gởi thư về cho chúng tôi. Xin cám ơn và kính chào quí vị. 

 

Bài trướcBài 4: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 2)
Bài tiếp theoBài 264: Lòng Trong Sạch