Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 28:1-22
Trong bài này chúng ta tiếp tục tìm hiểu về đời sống Gia-cốp. Trong đoạn trước, chúng ta thấy Gia-cốp làm một trong những việc thật tệ mà những người khác không thể làm. Ông đã làm theo sự hướng dẫn của mẹ ông. Thỉnh thoảng có những người tự bào chữa cho chính họ về tình trạng hiện tại của mình, họ nói bởi vì mẹ của họ không yêu thương khi họ còn nhỏ. Gia-cốp thì không có thể nói như vậy. Gia-cốp đã được thương yêu và được cưng chìu. Khi ông đã được yêu cầu làm những việc bất kính, thì ông cũng làm. Ông cũng đã đoạt quyền trưởng nam của Ê-sau.
Quyền trưởng nam đã dành sẵn cho ông. Hình thức của cha ông chúc phước không còn cần thiết nữa. Kinh thánh không đề cập việc Áp-ra-ham không chúc phước cho Y-sác. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Y-sác. Và Đức Chúa Trời là Đấng sẽ ban phước cho Gia-cốp. Sự lường gạt là điều không cần thiết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết với ông, chúng ta sẽ thấy chắc chắn điều đó.
Dự định của Rê-bê-ca nghĩ rằng, bây giờ thì thích đáng và hợp lý. Nó có thể là điều đúng trong trường hợp nầy. Bà không đề cập với Y-sác rằng, bà muốn đưa Gia-cốp đi đến nhà anh của bà để chạy trốn sự trả thù của anh Gia-cốp là Ê-sau, nhưng bà đề cập đến lý do cưới vợ cho Gia-cốp trong vòng gia đình của bà.
Trong đoạn nầy chúng ta thấy Gia-cốp sẽ rời khỏi gia đình. Ông đi đến Bê-tên là nơi mà Đức Chúa Trời hiện ra với ông và tái xác nhận với ông về giao ước đã lập với Áp-ra-ham.
GIA-CỐP RỜI KHỎI GIA ĐÌNH
Sáng thế ký 28:1, “Y-sác bèn gọi Gia-cốp, chúc phước cho và dặn rằng: Con chớ chọn một người vợ nào hết trong bọn con gái Ca-na-an.”
Xuyên qua sách Cựu ước, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không muốn những người tin kính Chúa, kết hôn với những người không tin kính Chúa. Đây là lý do để tin rằng, trong đoạn 6 của sách Sáng thế ký, nơi đây nói rằng, các con trai của Đức Chúa Trời tìm kiếm con gái loài người, điều đó nói rằng dòng dõi người tin kính kết hôn với người không tin kính. Cuối cùng kết quả đưa sự đoán phạt của cơn nước lụt chỉ còn sót lại một gia đình tin kính.
Việc kết hôn với những dân tộc không thờ kính, luôn luôn dẫn đến sự không thờ kính. Chúng ta phải cảnh giác điều nầy. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà những người trẻ không nhận sự hướng dẫn từ nơi những người lớn tuổi. Họ không thấy được những điều tốt từ nơi những người hướng dẫn họ.
Một vị mục sư lo cố vấn về hôn nhân trong nhiều năm kể lại từng trải của mình. Một cô gái trẻ đến gặp mục sư và nói rằng cô gặp đúng người và muốn kết hôn với người này. Nhưng chàng thanh niên này không phải là Cơ Đốc nhân, dầu vậy cô muốn kết hôn với anh ta và hy vọng sẽ dẫn dắt anh bạn trở lại cùng Chúa. Mục sư nói cho cô gái biết, nếu cô không dẫn dắt người bạn của cô đến với Chúa trước khi kết hôn, thì cô sẽ không thể nào dẫn dắt bạn cô trở lại cùng Chúa sau khi kết hôn.
Đức Chúa Trời cấm người tin kính kết hôn với người không tin kính. Bởi vì nó luôn luôn dẫn đến sự buồn khổ. Vị mục sư cố vấn này đã chứng kiến hằng trăm trường hợp như vậy. Cho nên ông cảnh giác rằng chúng ta không thể đi ngược lại lời Chúa đã công cố, người tin kính không được kết hôn với người không tin kính.
II Cô-rinh-tô 6:14, “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?”
Tân ước nói thẳng đến vấn đề người tin, không thể mang ách chung với người không tin. Vì hai ách không giống nhau, không thể cùng làm việc chung nhau. Đức Chúa Trời cấm việc kết hôn như thế.
Trở lại Sáng thế ký 28:2-5 cho chúng ta biết tiếp việc xảy đến cho Gia-cốp: “Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-A-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con. Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng ban phước cho con, làm con sanh sản, thêm nhiều và trở nên một đám dân đông. Cầu xin Ngài ban cho con và dòng dõi con phước lành của Áp-ra-ham, hầu cho xứ con đã kiều ngụ sẽ làm sản nghiệp cho con, tức xứ Ngài đã ban cho Áp-ra-ham! Rồi Y-sác sai Gia-cốp đi qua xứ Pha-đan-A-ram, đến nhà La-ban, con trai Bê-tu-ên, vốn người A-ram, lại là anh của Rê-bê-ca, mẹ của Gia-cốp và Ê-sau.”
Đó là điều rõ ràng, bây giờ Y-sác hiểu rằng Đức Chúa Trời đã ban phước cho Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã chuyển phước đó cho ông và ông chúc phước đó cho con ông là Gia-cốp.
Ê-SAU CƯỚI CON CỦA ÍCH-MA-ÊN
Sáng thế ký 28:6-9, “Ê-sau thấy Y-sác đã chúc phước cho Gia-cốp, và sai đi qua xứ Pha-đan-A-ram đặng cưới vợ; và trong lúc đương chúc phước có dặn rằng: Chớ cưới vợ trong bọn con gái Ca-na-an; lại đã thấy Gia-cốp vâng lời cha me đi qua xứ Pha-đan-A-ram đó, thì biết rằng bọn con gái Ca-na-an không vừa ý Y-sác, cha mình; nên người bèn đi đến nhà Ích-ma-ên (ngoài hai người vợ đã có rồi) cưới thêm nàng Ma-ba-lát, con gái của Ích-ma-ên, cháu nội của Áp-ra-ham và em của Nê-ba-giốt.”
Kinh Thánh không đề cập đến những dòng dõi của Ích-ma-ên một cách liên tục. Dầu vậy, dòng tộc của ông vẫn thỉnh thoảng được đề cập. Như tại đây nói đến việc Ê-sau đi cưới con gái của Ích-ma-ên. Ê-sau nghĩ rằng điều này có thể làm vui lòng cha mình. Chúng ta thấy Ê-sau thiếu nhận thức những vấn đề thuộc linh. Vì dòng dõi của Ích-ma-ên cũng bị Đức Chúa Trời từ chối như dân tộc Ca-na-an vậy.
ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA VỚI GIA-CỐP Ở BÊ-TÊN
Sáng thế ký 28:10-12, “Gia-cốp từ Bê-e-Sê-ba đi đến Cha-ran, tới một chỗ kia, mặt trời đã khuất, thì qua đêm tại đó. Người lấy một hòn đá làm gối đầu, và nằm ngủ tại đó; bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó.”
Nơi mà Gia-cốp đến là Bê-tên, có nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời. Bê-tên cách Giê-ru-sa-lem 12 dặm về phía bắc, trong khi nhà của Gia-cốp cách Giê-ru-sa-lem 25-30 dặm về phía nam, như vậy Gia-cốp đã di chuyển khoảng 40 dặm trong ngày đầu tiên. Chúng ta thấy Gia-cốp cố gắng đi thật nhanh cho xa anh mình là Ê-sau.
Cảm xúc của Gia-cốp trong đêm đầu tiên đó như thế nào? Chắc chắn rằng ông cảm thấy cô-đơn, nhớ nhà, có thể là đây là đêm đầu tiên mà ông rời nhà một mình. Gia-cốp là người từ nhỏ đã sống quanh quẩn trong nhà gần bên mẹ, đêm xa nhà đầu tiên chắc chắn ông cảm thấy nhớ nhà, nhớ mẹ nhiều lắm.
Hãy chú ý những gì xảy ra. Ông lấy hòn đá gối đầu nằm ngủ. Nơi đó tối tăm, ảm đạm, vắng vẻ. Nhưng nơi đây là nơi cao trong đời sống của Gia-cốp, không những vào lúc này mà còn sau này nữa. Ông đến đó và nằm ngủ qua đêm. Vì tại đây Gia-cốp thấy Đức Chúa Trời hiện ra.
ĐỨC CHÚA TRỜI TÁI XÁC HỨA GIAO ƯỚC ÁP-RA-HAM
Sáng thế ký 28:13-15, “Nầy, Đức Giê-hô-va ngự trên đầu thang mà phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, cùng là Đức Chúa Trời của Y-sác. Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi đương nằm ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi.”
Đây cũng chính là nơi mà Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ra-ham lần đầu tiên khi ông tới khu vực Pha-lét-tin.
Bây giờ Đức Chúa Trời hứa ban cho Gia-cốp chính xác những gì mà Ngài đã hứa ban cho Áp-ra-ham. Ngài đã lập lại cùng Y-sác và bây giờ Ngài cũng nhắc lại với Gia-cốp, Ngài sẽ thực hiện giao ước.
Những lời này rất hữu ích và an ủi cho một người cô đơn, nhớ nhà như Gia-cốp khi phải rời nhà trong sự hối hả. Ông trên đường rời khỏi quê hương, và trong đêm đầu tiên này Đức Chúa Trời nói với ông, “Nầy, Ta ở cùng ngươi, ngươi ở đâu ta sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ này.”
Lưu ý, không phải Đức Chúa Trời ban ơn cho kẻ lường gạt, mưu lược như Gia-cốp. Nhưng Gia-cốp cần được bổ lại sức mạnh trong đức tin, được nâng đỡ bằng những lời hứa rộng rãi, vì chàng đã ăn năn tội lỗi, và rất cần ân điển của Đức Chúa Trời làm cho vững dạ. Đồng thời nâng đỡ ông khi buồn lo rời khỏi gia đình.
Khải tượng mà Đức Chúa Trời cho ông thấy là cây thang bắt lên tới tận trời. Cây thang này có nghĩa gì? Chúng ta hãy nghe lời của Chúa Giê-xu nói chuyện với Na-than-na-ên trong Giăng 1:50-51, “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Vì ta đã phán cùng ngươi rằng ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó! Ngài lại phán: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con người.”
Cái thang này chính là Đấng Christ. Thiên sứ đi lên, đi xuống trên Con Người. Thiên sứ giúp đỡ cho Đấng Christ, và phục tùng theo mạng lịnh của Ngài. Đức Chúa Trời vẫn còn nói chuyện với con người qua Đấng Christ trong thời kỳ của chúng ta. Chúng ta không thể đến trực tiếp với Đức Chúa Cha. Chúng ta chỉ có thể đến với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Đó là con đường duy nhất chúng ta có thể đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu tuyên bố trong sách Giăng 14:6, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”
Chúa Giê-xu chính là cây thang, dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời. Lẽ thật này được ban cho Gia-cốp lần đầu tiên, dầu Gia-cốp là người lường gạt. Đức Chúa Trời sửa dạy ông, và Ngài ban cho ông thấy điều kỳ diệu với lời hứa quý báu.
Điều này còn xảy ra trong ngày hôm nay cho chúng ta không? Vâng, Đức Chúa Trời vẫn còn dạy dỗ và sửa trị. Ngài đã làm điều đó cho những người mà Ngài nhận làm môn đồ. Đức Chúa Trời làm điều đó cho Áp-ra-ham, cho Y-sác, và tại Bê-tên, Ngài làm cho Gia-cốp. Thỉnh thoảng Chúa cho nhiều thử thách xảy ra để dạy chúng ta biết thêm về Ngài hầu có thể rèn luyện chúng ta trở nên người trưởng thành.
Sau đêm thứ nhất, Gia-cốp tiếp tục hành trình của mình, Sáng thế ký 28:16-17, “Gia-cốp thức giấc, nói rằng: Thật Đức Giê-hô-va hiện có trong nơi đây mà tôi không biết! Người bắt sợ và nói rằng: Chốn nầy đáng kinh khủng thay, thật là đền Đức Chúa Trời, thật là cửa của trời!”
Chúng ta thấy tâm trạng của Gia-cốp trong buổi sáng sau đêm đầu tiên xa nhà, ông nói: “Thật Đức Giê-hô-va hiện ra tại đây mà tôi không biết.” Khi Gia-cốp rời nhà ông biết rất ít về Đức Chúa Trời, ông nghĩ là khi chạy xa nhà thì có thể đi xa khỏi Đức Chúa Trời. Nhưng tại nơi xa xôi hoang vắng, Đức Chúa Trời vẫn hiện diện, điều đó làm cho ông ngạc nhiên và nhận thức rằng Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi.
Vì Gia-cốp là một người tội lỗi, đã đến gần Đức Chúa Trời, nên sự gần gũi làm cho chàng sợ hãi, đó là một phản ứng thường có. Vì đây là chỗ Đức Chúa Trời gặp loài người, nên Gia-cốp bày tỏ ý tưởng như thế, “Đây là nhà Đức Chúa Trời,” vì đối với chàng đây là một từng trải thích thú. Mặc dầu ông kinh sợ, chẳng khác chi đã được phép vào gặp mặt Đức Chúa Trời tại nơi Ngài ở. Nhưng ở một nơi như vậy, tương đương việc tìm thấy cổng dẫn đến thiên đàng.
Sáng thế ký 28:18-19, “Người dậy sớm, lấy hòn đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, đổ dầu lên trên chót trụ đó; rồi đặt tên chốn nầy là Bê-tên; còn nguyên khi trước tên thành là Lu-xơ.”
Tảng đá Gia-cốp dựng chắc là khá lớn, vì cây trụ này đánh dấu một từng trải thánh, nên trong trường hợp này nó được biệt riêng ra thánh bằng cách đổ dầu lên. Các du khách thời xưa, luôn đem theo một sừng đựng dầu, để xức dầu hoặc làm đồ ăn. Hơn nữa, sự biệt riêng ra thánh thể hiện bằng cách xức dầu, cũng bày tỏ thêm ý niệm rằng dầu dùng làm tế lễ, khi biệt riêng bàn thờ ở Bê-tên ra thánh, Gia-cốp đã đổ lễ quán và tưới dầu lên bàn thờ này.
Có một điều chúng ta lưu ý là trụ đá Gia-cốp dùng chỉ làm một nơi kỷ niệm ghi nhớ sự hiện ra của Đức Chúa Trời chứ Gia-cốp không thờ trụ đá đó. Gia-cốp chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời mà thôi.
GIA-CỐP LẬP LỜI HỨA NGUYỆN
Sáng thế ký 28:20-21, “Gia-cốp bèn khấn vái rằng: Nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi.”
Chúng ta đã nghe nói, Gia-cốp sẽ phải học hỏi nhiều, và đây là bằng chứng, Gia-cốp có lời khấn nguyện. Ông muốn có sự trao đổi với Đức Chúa Trời, ông nói “Nếu Đức Chúa Trời giúp tôi làm điều này thì…” Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa với Gia-cốp là Ngài sẽ làm những điều này cho ông. Sáng thế ký 28:15, “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi.” Vậy mà bây giờ Gia-cốp còn quay lại trả giá với Chúa nói là “Nếu Ngài làm điều này cho tôi thì tôi sẽ phụng sự Ngài.”
Đức Chúa Trời không đối xử với Gia-cốp theo cách đó. Ngài cũng không đối xử với chúng ta theo cách đó. Nếu Ngài đối xử theo cách đó thì Gia-cốp đã không bao giờ trở về quê hương được. Đức Chúa Trời đem Gia-cốp về xứ ông bằng ân điển và sự nhơn từ của Ngài. Cho nên cuối cùng khi Gia-cốp trở về Bê-tên ông trở nên một người khôn ngoan. Ông đã làm gì khi ông trở lại? Ông thờ phượng và ngợi khen Đức Chúa Trời về sự nhơn từ mà Chúa đối cùng ông.
Ngay cả trong ngày hôm nay có nhiều người vẫn còn nói rằng, họ sẽ phục vụ Đức Chúa Trời nếu Ngài làm điều này, điều kia cho tôi. Chúng ta đừng làm như thế. Chúa không đối xử với chúng ta theo cách đó. Ngài ban ân điển dồi dào cho chúng ta, mà không hề đòi chúng ta phải hoàn trả lại điều gì cho Ngài. Nhưng Chúa nói, nếu chúng ta yêu mến Ngài thì sẽ phục vụ Ngài. Đó là sự ràng buộc của tình yêu. Giống như tình yêu thương của người mẹ đối với đứa con nhỏ của mình. Bà muốn trở nên người phục vụ. Đó là cách mà Đức Chúa Trời muốn cho mỗi chúng ta thực hiện.
Sáng thế ký 28:22, “Hòn đá đã dùng làm trụ đây sẽ là đền Đức Chúa Trời, Và tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi.”
Vì thế Gia-cốp dựng một hòn đá. Ông cố gắng làm sự trao đổi với Đức Chúa Trời. Nhiều người ngày nay vẫn còn làm như vậy. Ngài chỉ muốn trở thành Cha của chúng ta qua đức tin trong Đấng Christ.
Gia-cốp lập lời hứa nguyện “Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi.” Cho chúng ta thấy một sự phát triển thêm lòng tin cậy và hiểu biết của Gia-cốp, rất có thể trong thời gian trước đây khi còn ở trong gia đình, Gia-cốp chỉ nghĩ đến Đức Chúa Trời của cha mình là Y-sác. Thật ra Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của Gia-cốp từ khi ông được hình thành trong bụng mẹ, Ngài đã chú ý đến ông, nói tiên tri về tương lai của ông và Chúa đang cải sửa ông trở nên một người trọn vẹn hơn.
Mong ước mỗi chúng ta luôn nhận thức được Đức Chúa Trời là Chúa Cha nhơn từ của mình. Ngài là Cha nhơn từ đối chúng ta bằng sự yêu thương, hoàn toàn không có sự mặc cả.