Bài 37: Những Hình Ảnh Đáng Quan Tâm

2233

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Những lẽ thật trong sách Dân số ký mang ý nghĩa hình bóng để thức tỉnh đời sống thuộc linh của chúng ta theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa hình bóng về sự cứu chuộc được bắt đầu với Sáng thế ký và xuyên suốt năm sách đầu của Kinh thánh.

 

Việc dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng ra khỏi Ai-cập là một hình ảnh về sự cứu rỗi của chúng ta. Dân sự đã đi từ Ai-cập, vượt qua đồng vắng để tiến vào đất hứa. Đất hứa là hình bóng về đời sống sung mãn mà chúng ta nên có sau khi được cứu. Người Y-sơ-ra-ên đã không đi thẳng từ đồng vắng để vào đất hứa, nhưng họ đã đi lang thang trong đồng vắng 40 năm. Nhiều người trong chúng ta cũng giống như vậy. Sau khi được cứu, chúng ta không tiến đến một đời sống sung mãn nhưng tiếp tục trong vô tín. Chương 14 trình bày một lẽ thật quan trọng, Đức Chúa Trời đã thi hành hàng chục phép lạ cho dân sự để minh chứng rằng, Ngài có thể giúp dân sự Ngài chiếm hữu vùng đất hứa.

 

Tuy nhiên, dân sự không tin và không vâng lời Ngài. Chúa để cho họ chọn lựa những gì họ muốn. Ngài phán, “Vì ngươi không muốn tiến chiếm đất hứa nên ta để cho các ngươi làm những điều mình muốn. Các ngươi sẽ không được vào đất hứa ngoại trừ Ca-lép và Giô-suê.” Bên cạnh đó, còn có nhiều sự dạy dỗ khác trong sách Dân số ký.

 

Trước tiên trong chương 9, khi đền tạm hay đền thờ tạm được hoàn thành và dựng lên thì một biến cố trọng đại đã xảy ra. Thánh linh của Đức Chúa Trời giáng trên đền tạm cách đầy dẫy. Đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng, Ngài ở với họ. Đền tạm được đặt giữa trại quân. Mỗi chi phái đóng trại chung quanh đền tạm. Dân Y-sơ-ra-ên đã di chuyển như một đoàn quân chứ không như một đám người vô tổ chức.

 

Sau nầy, Sa-lô-môn đã xây đền thờ với cùng kiểu mẫu. Vinh quang của Đức Chúa Trời cũng đầy dẫy đền thờ; đến nỗi thầy tế lễ không thể hành lễ mà phải đi ra khỏi đền thờ. Dân số ký ghi lại hình ảnh thật cảm động.

Vả, ngày người ta dựng đền tạm, thì trụ mây bao phủ đền tạm và Trại chứng cớ; ban chiều dường có một vầng lửa ở trên đền tạm cho đến sáng mai. Hằng có như vậy; ban ngày trụ mây bao phủ đền tạm, và ban đêm giống như có lửa. Mỗi khi trụ mây cất lên khỏi Trại, thì dân Y-sơ-ra-ên ra đi; trong nơi nào trụ mây dừng lại, thì dân Y-sơ-ra-ên hạ trại ở đó.

 

Đây là cách mà Đức Chúa Trời dẫn dắt dân sự Ngài: họ đóng trại hoặc di chuyển đều theo sự chỉ dẫn của Chúa qua trụ mây. Hình ảnh nầy tượng trưng cho sự xức dầu và đầy dẫy Đức Thánh Linh. Xin nhớ rằng, đền tạm ngày xưa chỉ về thân thể của chúng ta ngày nay. Thánh linh xức dầu và ngự trị trong chúng ta như Ngài đã giáng xuống đền tạm trong thời Cựu ước. Quí vị có thể đặt câu hỏi, khi đám mây di chuyển thì dân chúng di chuyển; khi đám mây dừng lại thì dân chúng dừng lại, vậy tại sao đám mây lại không dẫn họ băng qua vùng đồng vắng, vượt sông Giô-đanh để tiến vào đất hứa? Làm thế nào họ vừa đi theo sự dẫn dắt của Chúa mà lại vừa đi vòng vòng trong đồng vắng? Tôi tin rằng, có một sự dạy dỗ quan trọng tại đây. Xét theo một khía cạnh, Đức Chúa Trời bị giới hạn vì cớ sự yếu đuối của chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta với ý chí tự do. Đây là điều rất thiêng liêng với Đức Chúa Trời. Tính chất độc đáo nơi con người và nơi tạo vật nói chung, đó là Đức Chúa Trời đã dựng nên con người với khả năng chọn lựa để  thi hành ý chỉ của Ngài.  Chúa không đụng chạm đến quyền tự do nầy. Chính yếu tố nầy đã giới hạn Ngài trong việc dẫn dắt chúng ta. Chẳng hạn, Ngài sẽ bị giới hạn nếu chúng ta thiếu lòng tin. Nếu chúng ta có đức tin và tiếp nhận mọi phước hạnh Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta; đồng thời, thuận phục ý chỉ tốt lành của Ngài thì Chúa có quyền dẫn chúng ta vào vùng đất hứa thuộc linh. Chúa sẽ ban phước và dẫn chúng ta theo chương trình trọn vẹn của Ngài. Tuy nhiên, nếu không tin thì Đức Chúa Trời bị giới hạn bởi sự vô tín của chúng ta. Đức Chúa Trời bị giới hạn không phải vì Ngài thiếu quyền năng. Ngài bị giới hạn vì sự tự do lựa chọn mà Ngài ban cho chúng ta. Chúa có quyền khiến chúng ta phải làm việc nầy việc kia. Đôi khi, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là thuận phục và đi theo ý chỉ của Ngài. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, Đức Chúa Trời không buộc chúng ta phải làm một điều gì đó vì Ngài tạo nên chúng ta với ý chí tự do.

 

Khả năng tự do chọn lựa là một sự dạy dỗ đáng lưu ý mà chúng ta sẽ thấy qua sự ứng dụng của phép lạ trụ mây. Đức Chúa Trời hiện diện qua hình ảnh của trụ mây và trụ lửa. Qua đó, người Y-sơ-ra-ên được dẫn dắt trong suốt cuộc hành trình của họ.

 

Chúng ta cần phân biệt hai điều: thứ nhất là điều Chúa muốn và thứ hai là điều Chúa cho phép. Hãy tưởng tượng hai vòng tròn đồng tâm. Vòng phía trong chỉ về điều Đức Chúa Trời muốn, vòng phía ngoài chỉ về điều Ngài cho phép. Thực tế, nhiều con cái Chúa dành phần lớn của đời sống họ trong vòng tròn cho phép của Đức Chúa Trời; rất ít người ở trong vòng tròn ý muốn của Ngài. Đó là những gì được minh họa qua việc trụ mây và trụ lửa đã không dẫn dân Y-sơ-ra-ên băng qua sa mạc để tiến thẳng vào đất hứa. Hê-bơ-rơ chương 3 & 4 cho biết, họ đã không tiến chiếm đất hứa vì không có lòng tin. 

 

Một sự dạy dỗ khác đáng lưu ý nằm trong Dân số ký đoạn 11 chép về mana và chim cút. Ma-na là một phép lạ mà Đức Chúa Trời dùng để nuôi dân của Ngài. Theo tiếng Hê-bơ-rơ, chữ ma-na nghĩa là “Cái gì vậy?” Họ không biết vật đó là gì nên gọi “cái gì vậy.” Đức Chúa Trời đã nuôi dân Y-sơ-ra-ên bằng ma-na trong suốt 40 năm cho đến khi họ đặt chơn vào đất hứa thì việc nầy mới chấm dứt. 

 

Trong thời gian lưu lạc trong sa mạc, dân Y-sơ-ra-ên thường than trách Môi-se. Một phần của sự than phiền được chép trong đoạn 11, những người Ai-cập cùng tháp tùng với họ bắt đầu trông mong những điều hấp dẫn tại Ai-cập. Bên cạnh người Y-sơ-ra-ên chính thống, còn có những sắc dân khác cùng đi chẳng hạn: Ê-thi-ô-pi, Ai-cập… Họ ước mong những điều quyến rũ tại Ai-cập. Ai-cập là hình bóng cho nếp sống tội lỗi trong quá khứ của chúng ta. Kinh thánh cho biết, việc luyến tiếc của dân ngoại càng khiến người Y-sơ-ra-ên bất mãn. Họ khóc mà nói:

Ai sẽ cho chúng tôi ăn thịt? Chúng tôi nhớ những cá chúng tôi ăn nhưng không tại xứ Ê-díp-tô, những dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, hành, và tỏi.

 

Vấn đề tại đây không phải là dân sự thích thịt hơn là ma-na. Cả thảy 5 lần, họ nhắc đến tên Ai-cập. Điều họ mong ước không phải là thịt mà chính là cuộc sống tại Ai-cập. Đây là hình ảnh chỉ về những người đã được cứu. Chúa đã giải cứu họ ra khỏi đời sống tội lỗi. Sau khi được cứu, họ quay lại mà nói, “Ai-cập đâu rồi.” Họ bắt đầu mơ tưởng về nếp sống tội lỗi xa xưa với những người bạn và những mối quan hệ trong nếp sống tội lỗi đó.

 

Khi một ai đó đã được cứu ra khỏi Ai-cập, rồi quay lại và nói, “Ai-cập đâu rồi,” thì đây là điều làm cho Đức Chúa Trời buồn. Chúa nói với Môi-se trong chương 11 rằng,

 

“Dân sự phải biệt mình ra thánh, vì ngày mai họ sẽ ăn thịt. Hãy nói với họ rằng, Đức Chúa Trời đã nghe những lời than trách về những gì mà họ đã lưu lại tại Ai-cập.”

 

Ai cập chứ không phải thịt là mấu chốt của vấn đề. Chúa phán rằng, Ngài sẽ cho họ ăn thịt đến nỗi tràn ra lỗ mũi. Sau khi ban thịt cho họ, Ngài cũng giáng họa trên người Y-sơ-ra-ên. Thi thiên 106:15 diễn tả như sau:

 

Ngài ban cho chúng nó điều chúng nó cầu xin; Nhưng sai bịnh tổn hại linh hồn chúng nó.

 

Chúa đã giáng họa vì dân sự mê ăn thịt và mê luôn cả Ai-cập. Những điều đó khiến Ngài không hài lòng. Chúng ta rút ra được những bài học áp dụng rất hay tại đây. Một lần nữa, nó liên quan đến việc Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta với ý chí tự do để lựa chọn. Khi Chúa Jêsus gặp các vị sứ đồ, điều đầu tiên Ngài hỏi là “Ngươi muốn gì?”

 

Có bao giờ quí vị để ý điều nầy không. Chúa thường xuyên trắc nghiệm con người với câu hỏi “Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi?” Ngài phán với người đàn bà tại giếng rằng, “Nếu ngươi biết ai là người đang nói chuyện với ngươi,  ngươi sẽ xin điều gì? Nếu ngươi nhận ra ai là người ngươi đang nói chuyện, ngươi sẽ xin điều chi?”  Đây là một thử nghiệm quan trọng về phương diện thuộc linh. Thử tưởng tượng, quí vị đang cầu nguyện và Chúa phán rằng, “Ngươi muốn điều gì?” Kinh thánh dạy rằng, Đức Chúa Trời sẽ thỏa đáp những điều mà lòng chúng ta ao ước. Thật là điều an ủi nhưng cũng là một thách thức lớn lao vì vấn đề là chúng ta mong ước điều gì? Chúng ta khao khát sư giàu có thật, khao khát những điều tâm linh hay chúng ta khao khát Ai-cập? Tận nơi đáy lòng, quí vị có ước mơ những điều thuộc về thế gian nầy không? Nếu đời sống bạn là một cuốn sách và nếu Đức Chúa Trời có ý định viết cuốn sách nầy, Chúa viết đề tài, nội dung, lời giới thiệu, phần dẫn nhập; rồi Ngài trao cây viết cho bạn và phán, “Bây giờ ngươi hãy hoàn thành câu chuyện theo cách ngươi muốn. Ta đã viết xong mục lục là phần mà ta sẽ bày tỏ chi tiết cho ngươi nếu ngươi thật sự muốn biết nó là gì. Ta đã có kế hoạch cho cuộc đời của ngươi, nhưng ngươi là một tạo vật có quyền lựa chọn, hãy viết câu chuyện theo cách ngươi muốn,” quí vị sẽ viết điều gì?

 

Quí vị có thể viết bất cứ điều gì mình muốn. Nếu muốn thịt, Đức Chúa Trời sẽ ban cho thịt cho quí vị đến khi thịt tràn lên mũi. Nếu muốn đời sống trong tội lỗi, quí vị có thể làm điều đó. Hoặc mong muốn đời sống thuộc linh sung mãn, Ngài sẽ ban cho bạn điều đó. Quí vị sẽ tìm được ý muốn tốt lành đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn là toàn hảo. Ý muốn của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn luôn luôn là tốt lành. Nó là trọn vẹn và là điều duy nhất được chấp nhận bởi Đức Chúa Trời. Quí vị có thể có điều đó. Quí vị có thể nhận được sự giàu có thuộc linh thật hay nhận được những điều thuộc về thế gian: Sự chọn lựa là của quí vị. Bạn muốn gì Ngài sẽ ban cho bạn điều đó. 

 

Điều đáng lưu ý, Chúa ban cho họ điều họ cầu xin nhưng Ngài lại làm cho linh hồn của họ bị nghèo đói. Đây là câu có thể được khắc lên mộ bia của nhiều tín hữu ngày nay. Dĩ nhiên, điều nầy có thể tránh được. Chúng ta rút ra những bài học bổ ích từ kinh nghiệm đau thương của họ. Chúng ta cũng được thách thức để dấn thân vào vùng đất hứa thuộc linh, là nơi có ý chỉ tốt lành đẹp lòng và trọn vẹn mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta.

 

Quí vị đã bước vào trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho quí vị chưa, hay quí vị còn đi lang thang trong vòng lẩn quẩn của sư vô tín? Ước mong quí vị và tôi quyết định trong lòng rằng, chúng ta thuận phục chương trình toàn hảo của Đức Chúa Trời, ý riêng của chúng ta đầu phục vô điều kiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Cuộc đời nầy quá ngắn ngủi và cũng quá quí báu để theo đuổi những điều gì khác hơn là ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Sách Dân số ký khuyến cáo rằng, sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời là có giới hạn. Đến một mức nào đó Ngài nói với con dân của Ngài rằng, “Được rồi, ngươi cứ tiếp tục làm điều ngươi muốn, theo cách ngươi thích, nhưng ta sẽ tìm một người khác để làm theo ý của ta và qua đó mà danh ta được tôn vinh.”

 

Bài trướcThánh Kinh Hè 2013 Của HTTL Nguyễn Tri Phương
Bài tiếp theoBài 37: Gia-Cốp Đi Qua Nhà La-Ban